Cuộc sống của nữ tổng đài viên 43 năm ân hận vì gửi con đi Mỹ
Hơn 40 năm qua, bà Đẹp (TP.HCM) không lấy chồng, để dành thời gian, tiền bạc và tâm sức tìm người con gái mà bà gửi đi Mỹ theo chiến dịch Babylift từ năm 1975.
Bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949), hiện làm tạp vụ tại một trường trung học tại quận Thủ Đức (TP.HCM). Gần 70 tuổi, gương mặt bà giờ đây gầy gò, đôi mắt trũng sâu.
Thế nhưng bà không cho phép mình nghỉ ngơi. Người phụ nữ này sợ rằng khi ở một mình, bà sẽ nhớ cô con gái Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1972), người bị thất lạc hơn 40 năm qua.
Năm 1968, bà Đẹp làm tạp vụ cho căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai. Nhờ khả năng nói tiếng Anh lưu loát, một thời gian sau, bà được chuyển lên làm tổng đài viên.
Vào tháng 4/1975, bà gửi con đi theo chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ và một số nước châu Âu) với mong muốn con sẽ có cuộc sống sung sướng.
Thế nhưng, không ai biết chuyến bay chở bé Mai ngày đó đến nước nào, những đứa trẻ trong chuyến bay đó đã được đi đến đâu. Vì ân hận và day dứt, để con rời xa mình khi mới 3 tuổi, bà Đẹp đi tìm con suốt gần nửa thập kỷ qua.
Bà Đẹp và con gái Nguyễn Thị Phương Mai. Ảnh: NVCC
Để đi tìm con, bà đọc sách báo về chiến dịch Babylift, tìm những đứa trẻ thời đó nay đã trưởng thành trở về Việt Nam để hỏi thăm thông tin. Ngoài ra, bà còn viết thư gửi cho Tổng thống Mỹ nhờ giúp đỡ, thử ADN để nhờ tổ chức quốc tế tìm giúp, hỏi thăm tin thông tin từ bạn bè đang sinh sống tại Mỹ…
Mặc dù tất cả đều chưa có kết quả thế nhưng ước mong duy nhất của bà là cuối đời được gặp lại con một lần. Vì vậy khi còn sống ngày nào, bà không phép mình dừng việc tìm kiếm.
Cuối cùng bà cho rằng Joe (SN 1945), bố người Mỹ của bé Mai, sẽ cho bà nhiều hi vọng về việc tìm con. Vì vậy sau nhiều năm mất liên lạc, bà đã gửi thư cho ông.
Video đang HOT
Người phụ nữ này viết: “Em đã thực sự mất anh mãi mãi. Ở địa vị của em, em không có quyền gì níu kéo nhưng em thành khẩn mong anh hãy giúp em tìm lại con gái của chúng ta…”.
Bà Đẹp đặt trọn niềm hi vọng khi gửi bức thư đi. Thế nhưng một lần nữa, bà lại vô cùng đau khổ khi bức thư được gửi trả lại vì địa chỉ gửi đi không tồn tại.
Sau này, bà biết được Joe xuất ngũ để làm công việc khác và mất vào năm 2011. Trên hành trình tìm lại con gái, bà Mai chỉ còn biết dựa vào chính mình và những người thân thiết.
Trong thời gian tìm con, một người bạn của bà gửi thông tin về một cô gái tên Mai đang tìm người mẹ Việt Nam của mình. Điều đó đã thắp lên cho bà những hi vọng mới…
Thế nhưng sau khi trao đổi, bà Đẹp mới biết đó không phải là bé Mai của mình. Lúc đó, người phụ nữ này tuyệt vọng hơn bao giờ hết.
Hơn 40 năm qua, bà chẳng lấy chồng, dành thời gian để tìm con gái. Điều bà hi vọng là Mai được một gia đình yêu thương, sống vui vẻ, khỏe mạnh.
Hình ảnh bé Mai mới 3 tuổi có khuôn mặt bầu bĩnh, miệng líu lo gọi mẹ luôn thường trực trong ký ức của bà. Kể từ khi gửi con đi, lúc nào bà cũng tự trách mình: “Giá như ngày đó tôi suy nghĩ chín chắn một chút…”.
“Từ ngày xa con, tối nào tôi cũng khóc. Tôi ân hận và không biết con mình đã được đưa về đâu”, bà Đẹp chia sẻ.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà Đẹp cho biết ngày thường, bà đi làm từ sáng đến chiều. Cuối tuần, thỉnh thoảng bà gặp gỡ, nói chuyện và cùng hát với những người bạn thân thiết. Lúc nào, bài hát đầu tiên bà chọn đều là: “Khi người lớn cô đơn”. Bà có thể hát và nghe lại nhiều lần ca khúc này bởi nó giống như tâm trạng và cuộc đời bà.
Người mẹ sinh năm 1949 này luôn khiến mình thật bận rộn. Bởi lẽ bà luôn sợ những lúc cô đơn khi ở một mình. Khi đó, nỗi nhớ đứa con đong đầy trong trí nhớ khiến bà trào nước mắt.
“Tôi nghĩ đến việc ở nhà một ngày, tôi thấy oải. Thành ra nhiều khi, tôi thích đi đây đi đó. Thỉnh thoảng, tôi lên một chuyến xe bus bất kỳ mà không cần biết điểm dừng của nó là ở đâu. Những chuyến đi vô định đó cũng giống như cuộc đời và hành trình tìm lại con của tôi”, bà Đẹp cho biết.
Ở vào gần 70 tuổi, ước muốn duy nhất của bà Đẹp là được một lần nhìn thấy con. “Giờ tôi già rồi, tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất là biết con mình ra sao. Hằng đêm, tôi thường có những giấc ngủ chập chờn vì những cảnh tượng ngày xưa ám ảnh trong giấc mơ”, bà Đẹp cho biết.
Dù hi vọng tìm lại đứa con rất mỏng manh nhưng bà mong phép màu kỳ diệu sẽ đến. Khi chia sẻ với chúng tôi, bà cũng mong độc giả đọc được câu chuyện của mình, hi vọng mọi người sẽ là cầu nối giúp bà tìm lại con gái.
Theo Hoàng Tuân
Vietnamnet
Gửi con 3 tuổi theo chiến dịch babylift, người mẹ 43 năm ân hận đi tìm
Nghĩ con đi Mỹ sẽ sung sướng, lớn lên về đón mẹ qua đoàn tụ, bà Đẹp (TP HCM) gửi bé lên máy bay, giờ hối hận, tìm kiếm khắp nơi.
Đang làm tạp vụ ở một trường trung học tại quận Thủ Đức, TP HCM, biết tin có chương trình "Cội nguồn con ở đâu", giúp các gia đình ly tán đoàn tụ, bà Nguyễn Thị Đẹp (70 tuổi) xin nghỉ một ngày, chạy xe giữa trưa nắng đến. Xem đoạn phim chiếu cảnh hai mẹ con đoàn tụ sau mấy chục năm thất lạc, người phụ nữ gầy nhỏ, má hóp sâu rớm nước mắt. "Tôi chỉ ước một ngày nào đó cũng được ôm con gái bằng da bằng thịt trong tay", bà nói.
Đưa những tấm hình chụp một cô bé ra xem, bà Đẹp bảo đó là con gái mình. "Con bé là kết quả tình yêu của tôi và một sĩ quan người Mỹ - tên Joe. Không biết bây giờ nó ở đâu, làm gì, có khỏe không", mắt chăm chăm nhìn ảnh, bà nói mà như tự sự.
Bà Đẹp chỉ mong đến cuối đời mình được gặp con gái, ôm trong trong tay. Ảnh: Thảo Nguyên.
Bà kể, 19 tuổi, bà rời quê Kiên Giang lên Sài Gòn làm tạp vụ cho căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, Đồng Nai. Xinh đẹp, nói tiếng Anh lưu loát, Đẹp được ban quản lý chuyển lên làm tổng đài viên.
Trong những buổi giao lưu văn nghệ, Đẹp gặp Joe, lúc đó bị tật một chân, là thành viên của đoàn văn nghệ rồi nảy nở tình yêu. Sau 3 năm hẹn hò, cô báo mang thai cũng là lúc Joe hết hạn phục vụ và về nước. "Liên lạc với tôi được một năm thì Joe bặt tin. Tôi gửi hỏi thăm, kể tình hình hai mẹ con mà không thấy hồi âm", bà Đẹp nhớ lại.
Ngày 5/1/1972, Đẹp sinh con gái, đặt tên Nguyễn Thị Phương Mai. Mai có mái tóc xoăn nâu, mũi cao, mắt nâu giống bố.
Chiến tranh kết thúc, Mỹ thực hiện chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ). "Bạn bè đứa nào cũng khuyên nên cho con bé đi, sau này con sẽ tìm lại để hai mẹ con đoàn tụ. Trong lúc suy nghĩ không chín chắn, tôi làm thủ tục cho con bé. Xa mẹ nó khóc thét, cào cấu, nhưng tôi vẫn đành đoạn".
Trước khi đi mấy ngày, các bé được tập trung ở một trại trẻ. Chiều 26/4/1975, chuyến bay chở cô bé rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.
"Tim tôi như thắt lại, khóc suốt đoạn đường về nhà. Từ đó, tôi không có thông tin gì về con. Bố tôi trách: 'có con thì phải sống chết với nó', tôi nghe rất buồn, chỉ biết ngóng tin của con bé" giọng bà Đẹp như lạc đi.
Tất cả các hình ảnh về con gái bà Đẹp đều giữ lại cẩn thận. Ảnh: NVCC.
Chờ một tháng, một năm rồi đến hai năm, ba năm chẳng thấy tin tức của con, bà Đẹp đi tìm con. Bà đọc sách báo về chiến dịch babylift, tìm những đứa trẻ thời đó nay đã trưởng thành trở về Việt Nam để hỏi thăm tin con, cầu cứu lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam, nhờ các nhà ngoại giao Mỹ, viết thư gửi cho tổng thống Mỹ nhờ giúp đỡ, hỏi thăm tin thông tin từ bạn bè đang sinh sống tại Mỹ, thử ADN để nhờ tổ chức tầm nhìn thế giới tìm giúp... nhưng tất cả đi vào ngõ cụt.
Không ai biết chuyến bay chở bé Mai ngày đó đi đến nước nào, những đứa trẻ trên chuyến bay đã được đưa đến đâu. Người duy nhất bà có thể bấu víu để tìm con là Joe, nhưng ông đã mất hồi năm 2013.
Bé Mai hồi còn ở với mẹ. Ảnh: NVCC.
"Tôi khóc, oán hận mình. Mấy chục năm rồi, chẳng đêm nào tôi ngủ ngon, lúc nào cũng ngóng tin con. Trong suy nghĩ của tôi bây giờ, con bé mới 3 tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh, miệng líu lo gọi mẹ. Giá như ngày đó tôi suy nghĩ chín chắn một chút...", bà Đẹp hối hận.
Hơn 40 năm qua, bà chẳng lấy chồng, sinh thêm con để dành thời gian tìm con gái. Điều bà hi vọng là Mai được một gia đình yêu thương, sống vui vẻ, khỏe mạnh. "Lúc giao con bé, tôi có kèm giấy khai sinh và bức ảnh hai mẹ con chụp với nhau, mong con bé biết mẹ đang mong để tìm về", bà Đẹp nói.
Từng đồng hành cùng bà Đẹp đi tìm con gái, chị Dương Ngọc Dương, Thường vụ Hội liên hiệp phụ nữ phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, mấy chục năm qua bà Đẹp luôn sống khép kín, ít giao lưu với hàng xóm vì sợ phải nghe nhiều người nói mình là mẹ bỏ con.
"Tôi sinh cùng năm với Mai. Mỗi khi nhớ con, muốn tâm sự cô Đẹp lại gặp tôi. Mấy chục năm qua, cô ấy nhờ nhiều người, nhiều tổ chức mà chẳng được, mong lần này sẽ thành công để cô được gặp con. Tôi đã hứa với cô ấy, nếu không tìm Mai hãy xem tôi là con gái, nhất định tôi sẽ yêu thương cô như mẹ", chị Dương nói.
Theo Phan Thân (VNE)
Trái tim cho em "Mình không được chạy, mình không được nhảy", cậu bé tự nhủ và nép sát vào góc tường sau nhà khi nhìn các bạn cùng xóm đang nô đùa vui vẻ. Nguyễn Dương Quý sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tỉnh Tuyên Quang. Năm lên 6 tuổi, em vẫn phải ở nhà vì không thể đến trường hòa nhập...