Cuộc sống của những cô vợ Nga lấy chồng Thổ Nhĩ Kỳ
Trong vài thập kỷ qua, rất nhiều phụ nữ Nga đã lấy chồng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giờ đây, căng thẳng giữa hai nước đang khiến cuộc sống của họ vấp phải một số trở ngại.
Alisa Elyan và chồng Gunay Akseli. Ảnh: Daily Beast
Khi nghĩ đến một người chồng lý tưởng, nhiều phụ nữ Nga mong muốn đó sẽ là một người đàn ông không rượu chè, dịu dàng, biết yêu thương và quan tâm, làm việc chăm chỉ và hướng về gia đình.
Với Alisa Elyan, một phụ nữ xinh đẹp, tóc vàng, từng là ca sĩ của nhà hát Nemirovich-Danchenko tại Moscow, điều quan trọng không kém là chồng mình phải có chung tình yêu nghệ thuật. Người chồng đầu tiên của Elyan không thực sự quan tâm tới điều này. Là một nhà vật lý, chồng cũ của cô không muốn rời xa lĩnh vực quen thuộc. Sau 12 năm chung sống, tình cảm họ dành cho nhau phai nhạt rồi cuối cùng chia tay.
Đó là vào mùa đông 2004, khi Elyan 32 tuổi, vừa li dị và tổn thương tâm lý tới mức bị mất giọng. Đó là một thảm họa cho một nữ nghệ sĩ opera. “Khi đó tôi đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để bắt đầu cuộc sống mới từ số 0″, Elyan cho biết. “Vì vậy tôi cần một người đàn ông”.
Số phận đã mỉm cười với cô tại nơi ít ngờ tới nhất. Elyan gặp một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ có tên Gunay Akseli, khi đi nghỉ tại Istanbul và nay hai người đã là vợ chồng.
“Tôi ở đó khi cô ấy vừa bước xuống máy bay. Tôi là một hướng dẫn viên và giám đốc công ty du lịch GIS”, Akseli kể lại. Họ kết hôn trước cả lúc chuyến du lịch kết thúc. “Cô ấy là tất cả những gì tôi mơ ước – hoặc 99% là vậy: một người đẹp Nga, một nghệ sĩ tài năng, một phụ nữ thông minh, người tôi đã chăm sóc suốt một thập kỷ”.
Trước khi cuộc khủng hoảng với Nga nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đón khoảng hơn 4 triệu du khách Nga mỗi năm. Nhưng không phải tất cả họ đều trở về Nga, bởi nhiều phụ nữ đã chọn ở lại. Trên thực tế, hầu hết người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ là phụ nữ.
“Đó là một hiện tượng độc đáo”, giáo sư Vgar manbeyli, tại Quỹ nghiên cứu Chính trị, Kinh tế và Xã hội, nói với The Daily Beast. “Có khoảng 300.000 cặp vợ chồng Thổ Nhĩ Kỳ – Nga. Hầu hết họ là phụ nữ Nga di cư tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nam giới Thổ Nhĩ Kỳ có truyền thống sống hướng về gia đình, và phụ nữ Nga thích điều đó, khi đàn ông là người chịu trách nhiệm ra quyết định”.
Phụ nữ Nga thường quán xuyến việc nhà, trong khi những người chồng Nga thường không mấy đoái hoài. Nhiều phụ nữ lại muốn để trọng trách đó cho nam giới. Trong tiếng Nga, một người đàn ông “sợ vợ” bị gọi là “podkabluchnik”, tức là kẻ bám gót đàn bà.
Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng muốn điều đó. Một vài phụ nữ Nga tới Istanbul kết hôn lại ở một thái cực khác. Một người từng viết trên trang mạng xã hội của mình rằng: “Tôi là một cô gái. Tôi không muốn tự mình quyết định mọi thứ”.
Video đang HOT
Vài năm trước, khi Valentina Agis đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng bên bờ Địa Trung Hải tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, cô bước vào một cửa hàng và tình cờ gặp người chồng tương lai, một doanh nhân ở Istanbul.
“Mẹ tôi chỉ đạo cha tôi trong mọi việc”, Valentina nói. “Giờ tôi rất hạnh phúc khi Onur là người ra quyết định trong gia đình chúng tôi”. Cô cho biết cô yêu chồng cũng như đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc sống hàng ngày của Valentina xoay quanh việc đưa con đi học, dự án chụp ảnh riêng và những buổi tiệc tùng với bạn bè.
Những căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga khiến cô bực bội. Cô không hài lòng với quyết định của Tổng thống Putin là cấm người Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch, nhưng không cho rằng chuyện đó sẽ ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của mình.
“Dù có chuyện gì xảy ra với tình hình chính trị, cuộc sống cá nhân của tôi vẫn sẽ đầy hạnh phúc”, Valentina nói. “Onur là người đủ Âu hóa để tôn trọng sự nghiệp nhiếp ảnh và tạo hình của tôi. Hàng tuần chúng tôi có những buổi họp mặt gia đình, còn ngoài ra tôi hoàn toàn tự do và độc lập”.
Nhưng tất nhiên không phải mọi gia đình Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đều có được sự êm ấm đó. Hầu hết rắc rối nảy sinh khi gia đình người chồng một mực đòi cô con dâu người Nga phải tuân theo các truyền thống đạo Hồi, luật sư Yelena Smirnova tại Istanbul cho biết.
Hai năm trước, bà Smirnova đã mở một văn phòng luật để giúp giải quyết những mâu thuẫn trong các gia đình Nga – Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ đó đến nay, bà đã xử lý 20 vụ ly hôn.
“Đôi khi đàn ông bản địa quá gia trưởng, kiểm soát vợ quá nhiều”, Smirnova nói. “Những người chồng thường yêu cầu các người vợ Nga mang mạng che mặt, và cải sang đạo Hồi chỉ vì muốn quan hệ với nhà chồng được êm đẹp. Nhưng khi người vợ không chấp thuận, họ thường ly hôn”, Smirnova nói.
“Nhưng không có gì có thể ngăn phụ nữ Nga kết hôn với đàn ông người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi luôn khuyên các thân chủ của mình, những người đã có con, cần nghĩ kĩ trước khi ly hôn, nghĩ về những đứa trẻ trước khi họ chấm dứt cuộc sống hôn nhân. Bởi nếu không, người cha thường được nuôi con còn các bà vợ sẽ chẳng được gì”.
Yulia Met, một giáo viên ngoại ngữ tại Istanbul thì cho biết, những khác biệt văn hóa không khiến cô thấy khó khăn. “Thành thực là tôi yêu họ. Bất kỳ khi nào chúng tôi tới thăm bố mẹ chồng, họ đều để tôi nghỉ ngơi, ngủ thỏa thích. Ông bà chăm nom cho hai con của chúng tôi”.
Do những căng thẳng gần đây giữa hai nước, Met đã mất hợp đồng giảng dạy cho một nhóm sinh viên MBA, những người dự định tới mở cửa hàng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm sau. Chương trình nay đã bị hủy.
Giờ Met dạy tiếng Nga cho một nhóm 50 học viên từ các gia đình pha trộn Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời mở các lớp học tâm lý cho cha mẹ các học viên. “Nhiều bà mẹ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ đang thấy buồn. Họ lo sợ xảy ra chiến tranh giữa hai nước. Do đó, để giữ tâm trạng vui vẻ, tôi nghĩ chúng tôi không nên xem TV”.
Trong căn bếp của một ngôi nhà mới, tường cao cổng kín, Alisa và Gunay đang có chương trình sinh hoạt buổi tối như thường lệ: Alisa hát còn Gunay lắng nghe giọng nữ cao của vợ.
“Có một lần khi cô ấy đang luyện thanh để diễn đoạn Rosina Almaviva trong vở Cuộc hôn nhân của Figaro thì những người hàng xóm tới hỏi có ai vừa qua đời à. Họ lầm tưởng giọng nữ cao của Alisa với tiếng ai than khóc”, Gunay đùa vui.
Hai vợ chồng anh đã có hai con, một trai một gái và nói được cả hai thứ tiếng. Điều duy nhất khiến họ lo lắng về tương lai gia đình đó là khủng hoảng chính trị giữa Ankara và Moscow. Điều này có nghĩa là công ty du lịch chuyên tổ chức các chương trình cho khách VIP quanh các khu di tích lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ, với đa số khách hàng Nga, đang gặp khó khăn.
Nhưng Gunay Akseli vẫn chưa hết hy vọng. “Người Nga thực sự thích thú văn hóa và lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục tới tham quan”, Gunay nhận định. “Và nếu có phụ nữ Nga nào muốn tìm chồng người Thổ Nhĩ Kỳ, họ nên tới đây đi nghỉ – nhưng nên ở lại ít nhất hai tuần”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
4 lý do khiến Nga, Thổ khó kham một cuộc chiến tranh thương mại
Giới chức Nga đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Moscow gần biên giới Syria đầu tuần này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang trong cơn giận nhau - Ảnh chụp từ Daily Sabah
Tuy nhiên, theo đài CNN, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ khiến cả hai trả giá đắt vì những lý do sau đây:
Nga có ít bạn
Nga không có nhiều đối tác thương mại trên trường quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít đối tác mà Nga có thể dựa vào. Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia cùng châu Âu, Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Thành viên NATO này thực sự đang dự định tăng 3 lần khối lượng thương mại với Nga nhằm đạt mức 100 tỉ USD vào năm 2020.
Căng thẳng gia tăng giữa 2 nước có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ đó. Nga đã tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát nông phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga cho biết nước này có những lo ngại về chất lượng và sự an toàn của quần áo, đồ trang trí nội thất và sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối liên hệ năng lượng
Hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận năng lượng có tầm quan trọng chiến lược chỉ mới cách đây 1 năm. Đáng kể nhất trong số này là dự án Turkish Stream, nhằm xây dựng một đường ống khí đốt mới để vận chuyển khí đốt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến thị trường châu Âu. Dự án này sẽ thay thế dự án South Stream, được cho là sẽ băng qua lãnh thổ Ukraine nhưng đã bị hủy bỏ hồi năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước nhập khẩu khí đốt thiên nhiên lớn thứ 2 của Nga sau Đức.
Nga cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, tọa lạc tại Mersin trên bờ biển phía nam nước này. Việc xây dựng đã bắt đầu hồi tháng 4 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Theo thỏa thuận được ký vào năm 2010, Nga sẽ tài trợ dự án có chi phí 22 tỉ USD này và vận hành nhà máy.
Cả hai dự án có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt, theo Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev.
Khách du lịch
Du khách Nga có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 4,5 triệu người Nga đã tham quan nước này hồi năm ngoái, và dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hơn 12% trong tổng số du khách là người Nga, khiến họ trở thành nhóm du khách lớn thứ hai sau Đức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khuyến cáo công dân không đến Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn máy bay, và Cơ quan Du lịch Liên bang Nga đã yêu cầu các hãng lữ hành ngừng bán tour sang nước này.
Với việc Ai Cập không còn là sự lựa chọn sau vụ một máy bay chở khách Nga phát nổ không lâu sau khi cất cánh khỏi sân bay của khu nghỉ mát Sharm-el-Sheikh trên bán đảo Sinai hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã thu hút thêm nhiều du khách. Điều đó đã trở nên kém khả thi hơn trong hiện tại.
Cả hai cần mọi sự giúp đỡ mà họ có thể nhận được
Cả hai nước đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế nghiêm trọng và rất cần một cú hích, chứ không phải một cú sốc khác. Nền kinh tế Nga đã bị "trừng phạt" bởi giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của Nga giảm 3,8% trong năm nay, và giảm thêm 0,6% trong năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ở tình thế tốt hơn. Nhiều tháng bế tắc chính trị sau một cuộc bầu cử không có kết quả rõ ràng hồi tháng 6 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Tăng trưởng giảm trong những năm gần đây. IMF dự đoán nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,6% trong năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9% được ghi nhận vào các năm 2010 và 2011.
Đồng nội tệ lira đã mất 20% giá trị so với đồng USD trong năm 2015. Điều này khiến việc thanh toán 125 tỉ USD nợ nước ngoài ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên đắt đỏ hơn.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Bị Nga ghẻ lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ quay về với bạn cũ Đổ vỡ trong quan hệ với Moscow sau vụ bắn rơi Su-24 Nga, Ankara quay lại với những người bạn cũ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu. Ảnh: beyazgazete Kể từ khi nhậm chức năm 2002, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng đảng Công lý và Phát triển (AKP) đã tìm cách đưa Thổ...