Cuộc sống của Kim Thư giữa hai đợt dịch
Diễn viên Kim Thư chèo chống nhà hàng hải sản trong thời gian cả nước bị giãn cách xã hội sau đó bắt đầu tập làm YouTube thì gặp đợt Covid-19 mới.
Cách đây ít ngày, khi Covid-19 bùng phát trở lại, diễn viên Kim Thư kịp hoàn thành 11 tập của dự án khám phá ẩm thực mà chị mới theo đuổi. Các video này do chính chị lên ý tưởng, thực hiện từ khâu đạo diễn, ghi hình cho đến hậu kỳ với sự giúp sức của một quay phim. Êkíp chỉ hai thành viên rong ruổi tới 6 địa điểm gồm Sa Đéc (Đồng Tháp), Cần Giờ (TP HCM), Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Kim Thư cho biết chị ấp ủ ước mơ trở thành một người giới thiệu văn hóa ẩm thực từ năm 2018 nhưng tới nay mới đủ động lực để thực hiện.
Đầu năm 2019, nữ diễn viên khai trương nhà hàng hải sản sau nhiều năm tích lũy vốn từ công việc bán xôi và cơm suất. Chỉ ba tháng sau, Covid-19 khiến những dự định của chị vụt tắt: cơ sở ở quận 3 rộng 1.300 m2 phải đóng cửa còn cơ sở tại quận 7 quy mô nhỏ hơn chuyển hình thức bán online để cầm cự. Có lúc, Kim Thư tưởng như không gắng gượng được nhưng những biến cố trong quá khứ rèn cho chị nghị lực để điềm nhiên đối mặt thử thách. Khi vượt qua được lần hoạn nạn đó, chị dồn sức thực hiện ước mơ kế tiếp là được trở thành một người truyền cảm hứng về nét đẹp ẩm thực.
‘Người ta ăn cơm mỗi ngày bằng gạo organic nhưng không biết quy trình trồng ra nó. Hay ai cũng nghĩ người đánh bắt tôm hùm kiếm nhiều tiền nhưng thực ra vẫn thua anh bắt sò, bắt ốc…’, chị nói. Thế là Kim Thư lên đường chỉ để tìm tòi và chuyển tải những điều đơn giản nhưng thú vị đó.
Hạn chế về tài chính không cho phép chị dẫn theo ‘đội quân hùng hậu’ nên ngoại trừ quay phim, chị tự làm mọi thứ. Mỗi khi di chuyển, nữ diễn viên tay xách, nách mang đủ thứ hành lý rồi đến nơi thì chủ động chọn trang phục, trang điểm và phác họa ý tưởng lời thoại. ‘Có lúc đứng trân hoặc cười hoài vì không biết nói gì, hoặc nói mà không trôi chảy. Tôi thấy quá nhiều điều tuyệt vời trong chuyến đi mà chỉ có vài phút ngắn ngủi để thể hiện nên áp lực, sợ mình không kể hết được’, chị bảo.
Ghi hình trên rừng, trên sông, ven biển là lúc bà chủ nhà hàng hải sản đối mặt nguy hiểm. Chị miêu tả ‘mỗi bước đi phải vận dụng 5 giác quan để nghe ngóng những động tĩnh xung quanh’. Lúc trước đi đóng phim luôn có người dọn đường còn hiện tại chị và bạn quay phim tự mò mẫm. ‘Sợ muốn chết nhưng vẫn nhắm mắt đi tới, chỗ nào đáng nghi thì quay lẹ lẹ vì sợ bị rắn cắn’, chị bảo. May mắn, hành trình của chị chưa lần nào xảy ra tai nạn.
Là nghệ sĩ, Kim Thư khó tính trong sản phẩm đầu tay của mình. Chị từng hủy 2-3 video vì góc quay không đạt, nội dung chưa hấp dẫn dù chi phí đầu tư không nhỏ. ‘Tôi yêu cầu cao ở bản thân. Có lúc biết đứng ra mỏm đá, khe suối là liều lĩnh nhưng vẫn cố vì muốn đẹp. Tôi muốn gửi gắm những điều sâu sắc, ấn tượng trong mỗi clip chứ không muốn pha trò để khán giả cười rồi mọi thứ lặng lẽ trôi tuột. Nếu dư dả hơn, tôi sẽ đầu tư êkíp đông hơn để mọi người hỗ trợ nhau lúc tác nghiệp‘, chị bày tỏ.
Video đang HOT
Đằng sau khó khăn, điều Kim Thư gặt hái được là vài đoạn video tự làm với phong cách mộc mạc cùng những cảm xúc lạ lẫm. Mỗi nơi chị đi qua đều để lại ấn tượng đặc biệt bởi ẩm thực, văn hóa, mảnh đất, con người… ‘Nếu miền Tây chất phác, hào sảng thì Quy Nhơn ở miền Trung khiến tôi quyến luyến hơn cả. Ngoài cái đẹp, tôi thương sự nhọc nhằn của ngư dân và nể tính chịu thương, chịu khó vượt lên số phân của họ. Rồi những người dân tộc, tôi tự hỏi vì sao họ sống được nhỉ? Có lẽ giờ đây cách nhìn cuộc sống của tôi đã khác trước. Khi người ta hướng đến những tiện nghi ở hiện tại thì tôi quay về với truyền thống. Tôi đi xa để đau đáu nghĩ về nơi mình đã khởi hành’, nữ diễn viên xúc động tâm sự.
Cứ thế, càng ngày Kim Thư càng tự hỏi vì sao chị không đi sớm hơn, theo đuổi ước mơ sớm hơn, để được vui vẻ và hạnh phúc như hiện tại sớm hơn. Trong hình, Kim Thư mặc trang phục thợ lặn, trải nghiệm bắt cá – những loại cá chị chế biến để phục vụ thực khách mỗi ngày – nhưng chưa một lần được thấy chúng bơi lội dưới biển.
Hành trình của Kim Thư sẽ được chị chia sẻ trên trang YouTube cá nhân. Suốt giai đoạn này, chị quản lý nhà hàng từ xa, lúc giải lao vẫn tranh thủ tư vấn cho khách, chốt đơn và hướng dẫn nhân viên vận hành cơ sở kinh doanh trong những ngày chị vắng mặt.
Kim Thư bế tắc sau ba tháng khai trương nhà hàng
Nhà hàng tạm đóng cửa vì Covid-19, Kim Thư day dứt nghĩ tới lúc ngân sách cạn kiệt, không thể hỗ trợ cho những nhân viên đang phải nghỉ việc.
- Chị xoay xở thế nào khi cả hai cơ sở kinh doanh phải đồng loạt đóng cửa từ ngày 23/3 để chống dịch?
- Tôi đang cố gắng duy trì để nuôi nhân viên. Hiện nhà hàng ở quận 3 (rộng 1.300 m2) đã đóng cửa hoàn toàn còn cơ sở tại quận 7 (quy mô nhỏ hơn) vẫn bán online chút chút. Kể từ khi có chỉ thị ngừng hoạt động, tôi chưa ngồi tính toán con số cụ thể nên hy vọng có lỗ cũng ít. Doanh thu từ việc bán online không nhiều, tôi phải bỏ tiền túi trả lương cho đội ngũ nhân viên của cơ sở tại quận 3...
Với những nhân viên đang đi làm, tôi trả đủ lương và hỗ trợ 70% lương cho những người tạm nghỉ. Nhưng sắp tới nếu tình hình không được cải thiện, con số có thể sẽ phải giảm xuống 50% hoặc tệ hơn nữa là 20%. Tôi đuối thì không nói nhưng nhìn nhân viên mà thấy thương, buồn bã và bất lực. Tôi chấp nhận làm đủ cách từ bán đồ ăn mang đi, nấu cơm tháng... để kiếm được chút nào hay chút đó.
Kim Thư chỉ đạo trang trí nhà hàng trước khi khai trương hồi tháng 12/2019.
- Nhà hàng mới khai trương chưa lâu, nay phải tạm dừng, chị cảm thấy thế nào?
- Có lẽ 10 năm thử thách của tôi chưa qua (cười lớn). Hy vọng đây sẽ là thử thách cuối cùng.
Trong giai đoạn khó khăn, tôi vẫn thấy may mắn vì nhận được nhiều sự giúp đỡ. Chủ nhà rất tốt, họ hỗ trợ giảm tiền mặt bằng còn khách quen thường xuyên đặt mua online để ủng hộ. Mọi người đùm bọc nhiều lắm, chứ không thì... bạc tóc. Điều tôi lo nhất không phải hao hụt vốn liếng mà thương những nhân viên đang nơm nớp lo mất việc và cuộc sống của gia đình họ sẽ ra sao.
Hôm thông báo cho mọi người tạm nghỉ và công bố số lương hỗ trợ, tôi đã khóc. Một chị nhân viên lớn tuổi nói mang ơn tôi nhưng tôi sợ mình sắp không trụ được nữa rồi. Con số 20% ám ảnh quá. Bộ khung nhân sự chính chắc chắn tôi phải giữ nhưng còn người rửa bát, quét dọn, trông xe thì phải làm sao? Tôi đang nuôi lương ba chị tạp vụ và một anh bảo vệ trong khi xe không có để giữ, bát không có để rửa. Mà vấn đề ở chỗ là họ quá nghèo... Chính tương lai của họ mới là điều khiến tôi suy nghĩ và buộc mình phải tư duy tích cực để gồng gánh được lúc nào hay lúc đó.
- Một số doanh nghiệp buộc lòng cho nhân viên nghỉ không lương hoặc sa thải để giảm bớt áp lực. Tại sao chị chọn phương án ngược lại?
- Có thể do tôi từng đi qua quãng thời gian dài vất vả, nếm trải nỗi khó khăn cùng cực của người lao động nên hiểu được những lo sợ trong lòng họ. Họ sợ đủ thứ: sợ thất nghiệp, sợ đói, sợ khổ, sợ không có tiền nuôi gia đình... Tôi còn không dám nhìn vào mắt các nhân viên trước khi đưa ra con số chi phí hỗ trợ...
Về phía mình, tận cùng đói khổ tôi cũng đã trải qua, có gì phải ngại nữa.
- Chị gặp những khó khăn gì khi bán đồ ăn online trong mùa dịch?
- Giai đoạn này nguồn nguyên liệu kém phong phú vì các vựa hải sản không cung cấp đủ chủng loại như trước đó. Tôi cũng chẳng dám nhập nhiều vì sợ bị tồn đọng. Mỗi lần nhập một ít, mỗi loại lấy vài con... Việc giao hàng cho khách cũng gặp khó khăn vì chỉ thị hạn chế ra đường khiến nhân lực vận chuyển trở nên khan hiếm. Nói chung là khó khăn toàn bộ dẫn đến rất nhiều áp lực.
Kim Thư khóc trong tiệc khai trương nhà hàng.
- Doanh thu sụt giảm ảnh hưởng ra sao tới đời sống cá nhân của chị ?
- May mắn lớn nhất của tôi là không phải vay ngân hàng để kinh doanh. Tất cả do tôi một tay gây dựng sau thời gian bán xôi, bán cơm suất. Bản thân tôi không có nhiều nhu cầu, hiện vẫn ở nhà mướn. Kể từ biến cố gia đình, tôi học được cách sống tiết kiệm nên hiện tại vẫn ổn.
Tôi hy sinh hết những ham muốn cá nhân để dồn tiền cho nhà hàng. Nếu ngày xưa tôi không bao giờ gội đầu ở nhà thì bây giờ không bao giờ ra tiệm. Quần áo có mấy bộ mặc đi mặc lại. Phương tiện đi lại của tôi là taxi, xe ôm công nghệ...
- Chị hình dung tương lai ra sao nếu khó khăn còn kéo dài?
- Tôi đã nhẩm được con số cụ thể để dự đoán thiệt hại lớn nhất là bao nhiêu. Nếu một lần nữa rơi vào cảnh bế tắc, tôi biết mình phải làm gì. Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn suy nghĩ đến điều tích cực và động viên bản thân cố gắng. Hiện tại tôi vẫn luôn tin tưởng và không ngừng nỗ lực như tôi đã từng.
- Sự mạnh mẽ, lạc quan là tính cách vốn có của Kim Thư hay những lần thất bại trong quá khứ đã dạy chị điều đó?
- Cũng không biết nói sao cho đúng. Tôi may mắn là con út trong gia đình giàu có, từ nhỏ được cưng chiều. Trước đây khi được chọn giữa Mỹ và Việt Nam, tôi chọn ở lại Việt Nam. Rồi năm tháng hưởng thụ qua đi, biến cố ập xuống khiến tôi gần như phát điên. Tôi tưởng mình sẽ chết vì bản thân chẳng giỏi một điều gì cả. Nhưng rồi vì sinh tồn, không ai dạy, tôi quyết định rẽ hướng sang bán xôi. Cùng lúc đó nhà tôi phá sản nên mẹ và chị gái chỉ có thể đứng sau hỗ trợ tinh thần.
Có lẽ trời thương nên cho cơ hội. Tôi "cày" điên cuồng ngày đêm để tìm cách để trở lại công việc kinh doanh vốn là sở trường của mình.
- Giữa làm bà chủ nhà hàng và một đầu bếp chuyên tâm nấu ăn, chị thích vai trò nào?
- Tôi thích làm chủ vì có thể hướng dẫn và đào tạo đầu bếp. Nếu chỉ đứng nấu, một ngày của tôi sẽ gói gọn trong gian bếp với mấy chục nhân viên. Làm kinh doanh, tôi được tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn ở môi trường mở. Công việc hiện tại của tôi bao gồm nhiều thứ. Tôi như siêu nhân. Vị trí của tôi là có một không hai.
Hiện tại, tôi kiêm đủ thứ từ quản lý, chăm sóc khách hàng, bưng bê, có hôm ngồi giữ xe. Bữa nào đông khách thiếu nhân viên, tôi "bay" vào dọn dẹp. Khi gọi xe giao hàng lâu quá, tôi nhờ bảo vệ chạy đi ship còn mình ngồi đón khách. Có lần nhân viên lau hồ kính "dơ như quỷ", tôi chạy ra chỉ cách hốt phân cá. Cuộc đời tôi đáng sống lắm nhé (cười lớn)!
Kim Thư thấy hạnh phúc với công việc hiện tại.
- Cách đây gần 10 năm, chị từng là chủ nhà hàng rộng 3.100 m2 gần cảng Sài Gòn sau đó thất bại phải chuyển bán xôi. Nay cơ ngơi vừa vực dậy đã tiếp tục đối mặt thử thách, chị nghĩ gì?
- Tôi thấy cuộc sống liên tục đưa cho mình những thử thách nhưng rất thú vị và nhiều màu sắc. Tôi trải qua cảm giác áp lực, lo lắng rồi từng bước chinh phục nó, thấy thành công lớn nhất của mình là sự trưởng thành. Trong hoàn cảnh này, tôi biết cách để công việc không ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân như mất ăn, mất ngủ. Thậm chí tôi phải ăn no, ngủ nhiều để động não suy nghĩ. Buồn phiền hao mòn sức khỏe chẳng giúp ích được gì mà "con cô vy" (nCoV) nó cười khoái chí!
Cuộc đời nhiều thăng trầm cho tôi khả năng thích nghi tuyệt vời. Tôi luôn nghĩ "người ta sống được thì mình sống được". Tôi nhìn những người không có đôi dép để đi mà thấy mình còn may mắn lắm.
Kim Thư bảo chị từng hưởng tất cả những phú quý trên đời và cũng nếm trải đủ để biết thế nào là tận cùng đói khổ. Xuất thân từ gia đình giàu có, Kim Thư làm bà chủ hãng phim và nhà hàng rộng hàng nghìn m2 trước khi xảy ra biến cố phá sản năm 2012 và phải mưu sinh bằng nghề bán xôi, bán cơm suất. Sau hơn 7 năm miệt mài tích lũy, tháng 12/2019, chị khóc trong ngày khai trương nhà hàng riêng. "Trước khi lên sân khấu, tôi đã dặn lòng mình không được chảy nước mắt, nhưng tôi xin lỗi mọi người. Lúc trước, tôi không thể nghĩ mình có được ngày hôm nay", Kim Thư chia sẻ trong ngày vui của chị cách đây chưa đầy 4 tháng.
Lam Trà thực hiện
Con trai Phước Sang - Kim Thư cao nổi bật ở tuổi 13 Sau nhiều năm ly hôn Phước Sang, lần hiếm hoi Kim Thư đăng ảnh bên hai con trai. Khán giả bất ngờ với chiều cao nổi bật của bé Phước Quang. Mới đây, Kim Thư đăng ảnh bên hai con trai Phước Quang và Phước Thịnh trên trang cá nhân. Trong ảnh, ba mẹ con đứng bên nhau tình cảm, cùng cười rạng...