Cuộc sống cay đắng của người chuyển giới
Những tưởng thay đổi một hình hài khác, Lê Duy sẽ được sống thoải mái hơn giữa cuộc đời, bù đắp lại những tháng ngày đớn đau, vật vã. Trớ trêu thay, mọi thứ không đơn giản như chị nghĩ.
Một năm đầu trở về Hải Phòng, cơ thể chuyên gia trang điểm Lê Duy vẫn gái không ra gái, trai chẳng ra trai (từ dùng của Lê Duy). Sự tự ti và mặc cảm trỗi dậy, bao phủ lấy tâm hồn yếu mềm khiến chị phải tìm đến rượu để vùi lấp thương đau. Bất ngờ thay, không biết có phải do duyên số hay không mà “nhờ” những chén rượu “cay đắng” ấy chị đã gặp được người chồng hiện tại. Và hạnh phúc đã nẩy mầm, “bóng tối” cũng đi qua…
Chuyên gia trang điểm Lê Duy của hiện tại
Thoát chết nhờ tình mẫu tử
Lê Duy ngẹn ngào nhớ lại, lúc còn ngồi trên máy bay từ Thái Lan về Nội Bài (Hà Nội) trong đầu chị dấy lên bao nỗi niềm khó tả. Chị mừng vì mình đã là phụ nữ. Chị sẽ không còn phải đối diện với ánh mắt cay nghiệt của người đời, sẽ không phải nghe những tiếng dèm pha ở những nơi chị đến và chị cũng sẽ tìm được một nửa đích thực của đời mình.
Thế nhưng, ngay từ bước chân đầu tiên khi vừa ra khỏi taxi, những người xung quanh đã dành cho chị cả một “bầu nước mắt”. “Không ai nhìn tôi mà không sốc. Tôi cảm nhận thấy rõ điều này qua ánh mắt của từng người. Họ nhìn tôi từ lạ lẫm đến kinh hoàng và rồi họ lịch sự bỏ lại tôi với nỗi cô đơn… Tôi không ngờ mọi thứ lại khủng khiếp đến thế” – Lê Duy thảng thốt nhớ lại.
Vậy là bao nhiêu hy vọng vừa được nhen nhóm bỗng chốc vụt tan như cơn gió chiều thu. Chị lầm lũi trở về phòng trọ và lại tiếp tục sống khép mình như một năm trước đây. Chị không dám trách ai vì chị biết, giai đoạn này chị là một “người đàn ông mặc quần áo phụ nữ”.
Những ngày tháng này, chị lặng lẽ dõi theo từng chuyển biến trên cơ thể mình. Chị kể, những ngày đầu chị lo sợ vô cùng vì dù đã chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ nhưng cơ thể vẫn chưa hết những đường nét thô kệch của con trai. Cơ bắp ở một số bộ phận trên cơ thể tuy đã mềm nhưng vẫn chưa biến mất hẳn, những cử chỉ, thói quen của con trai vẫn chưa thể đổi thay… Và càng cố “hóa trang” bằng những dụng cụ trang điểm nhà nghề hoặc những bộ quần áo diêm dúa thì chị lại càng trở nên “kỳ dị” hơn. Sống ở Hải Phòng được nửa năm, chị định quay trở lại Thái Lan để phẫu thuật thẩm mĩ cho thật sự giống con gái nhưng người thân và bạn bè khuyên nên chờ đợi thêm một thời gian nữa nên chị lại thôi.
“Thời điểm đó tôi tự giam mình trong bốn bức tường phòng trọ, không mấy khi bước chân ra ngoài đường. Nếu có ra ngoài thì cũng chỉ dám chọn thời điểm đêm khuya, khi đường phố vắng người hoặc không còn mấy ai qua lại… Đó là những ngày tháng nặng nề nhất cuộc đời tôi. Tôi đâm ra bi quan khi mọi thứ không như mình nghĩ …” – Lê Duy buồn bã nói.
HH Ngọc Hân là khách hàng quen thuộc của Lê Duy.
Để quên đi nỗi buồn chị buộc phải tìm đến rượu dù trước đó rượu là thứ chị ghét nhất trên đời. Cứ sau mỗi giờ làm việc chị lại buông mình trong cơn say, hết cơn say này đến cơn say khác mà niềm đau trong chị vẫn không thể nguôi ngoai. Đau đớn quá, chị lại muốn tìm đến cái chết để giải thoát mình. Tuy nhiên, sự xuất hiện của người mẹ mà chị vô cùng yêu quý đã giúp chị lấy lại được cân bằng, cố gắng sống chờ đến ngày hạnh phúc.
Video đang HOT
“Sau khi nghe tin tôi đã thành phụ nữ, má tôi đã mua vé máy bay ra Hải Phòng thăm tôi ngay. Có lẽ bà là người duy nhất vui mừng khi biết tin tôi chuyển giới. Thực ra, vì nhà có 5 anh em nhưng đều là trai nên trong sâu thẳm trái tim tôi biết bà rất khát khao một đứa con gái. Cũng nhờ chuyến thăm ấy của má mà bao hy vọng trong tôi được hồi sinh, tôi bỏ được rượu và sống một cuộc sống bình thường như trước đây”.
Tình yêu hay định mệnh đã an bài?
Niềm vui thực sự trở lại trong con người Lê Duy khi một năm sau cơ thể chị thay đổi hoàn toàn. Không còn những đường nét thô kệch của con trai, không còn phải giấu mình trong những bộ quần áo con gái… chị đẹp dịu dàng và đằm thắm như một người con gái thôn quê thực thụ. Những người trước đây nhìn chị bằng ánh mắt kỳ thị thì nay gặp chị đều phải thốt lên: “ Em đẹp quá Duy à! Không ngờ sau một năm mà em lại thay đổi nhiều đến vậy”. Bạn bè lại trở lại với chị như thuở nào, chị tự tin hơn khi sải bước đến những chỗ đông người mà không phải nghe những tiếng dèm pha như trước.
Thế nhưng như thế không có nghĩa là nỗi buồn đã hết. Dù đã thành một người phụ nữ xinh đẹp nhưng lại không hề có người đàn ông nào dám tìm đến với chị như trước đây. Khát khao hạnh phúc gia đình lại một lần nữa khiến chị quằn quại trong bi kịch cuộc đời. Cho đến một ngày…
Xinh tươi bên người chị thân thiết Kim Khánh.
“Ngày ấy, biết tôi hay buồn nên một người bạn thường rủ tôi cà phê sau mỗi giờ làm việc. Một lần, đang giữa đêm thì người bạn ấy gọi tôi ra ngồi uống rượu mực (ở Hải Phòng thường hay có các quán rượu mực bán bên vỉa hè vào ban đêm – PV). Không hiểu sao hôm đó tôi lại nhận lời vì tôi đã bỏ rượu rất lâu rồi và không thích nhậu nhẹt.
Khi đến nơi, nhìn thấy anh tôi đã lặng đi một lúc. Hình như anh cũng thế. Trong tôi như có một luồng điện chạy qua. Trực giác mách bảo, đó là người đàn ông mà tôi đang tìm kiếm… Tan bữa nhậu anh cứ nằng nặc đòi đưa tôi về dù lúc đó anh đang ngà ngà cơn say còn tôi lại là người tỉnh” – Lê Duy bồi hồi nhớ lại.
Cũng từ buổi gặp gỡ định mệnh ấy, hai người gặp nhau thường xuyên hơn. Cứ mỗi tối, anh lại phóng xe qua đón chị lang thang phố phường Hải Phòng hoặc ra bến cảng ngóng những đoàn tàu nối đuôi nhau cập bến… Tình yêu đến với hai người tự nhiên và thơ mộng như chuyện tình của các cặp nam thanh nữ tú khác.
Khi biết hai người yêu nhau, bạn bè và người thân của hai người đã phản đối rất dữ dội. Đã không ít lần chị phải trốn chạy anh vì không chịu nổi những lời nói đau lòng từ phía những người thân và bạn bè của anh. Và mặc dù rất yêu nhưng chị cũng phải van nài anh đi tìm những cô gái khác để xây dựng một cuộc sống gia đình bởi nếu yêu chị anh sẽ không có tương lai, chị sẽ không sinh được cho anh những đứa con mà anh mong ước…
Những lúc như thế anh chỉ ngồi lặng lẽ, không nói gì, anh ôm chị vào lòng rồi nấc nghẹn… Biết tình yêu giữa hai người là định mệnh, biết tình cảm anh giành cho mình rất lớn lao, cuối cùng chị chấp nhận để anh dọn về sống chung với mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh sẽ không còn được bố mẹ anh xem là con nữa.
“Thật sự, lúc đó tôi rất khó xử. Trong lòng thì rất yêu anh ấy nhưng vẫn muốn anh quay về với gia đình vì tôi không muốn cha mẹ anh phải khổ tâm. Nhưng vì anh cứ một mực không nghe nên tôi không thể làm khác được” – Lê Duy nói.
Sống ở Hải Phòng được một năm thì hai người quyết định chuyển lên Hà Nội để phát triển sự nghiệp kinh doanh. Hiện tại hai vợ chồng đang sống trong một căn hộ chung cư ở phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội) và cả hai người cảm thấy rất mãn nguyện khi được sống bên nhau.
Khi được hỏi về người chồng hiện tại, Lê Duy khá ngại ngùng dù hạnh phúc ngập tràn trong ánh mắt và tiếng cười của chị. Chị kể, người chồng hiện tại của chị tên là Hiếu, ít hơn chị một vài tuổi và làm nghề nhiếp ảnh. Nhìn bên ngoài anh là một người mạnh mẽ, nam tính nhưng bên trong anh lại rất tinh tế, luôn biết lắng nghe và cảm thông với chị.
Điều đặc biệt, anh ấy luôn tôn trọng chị như một người phụ nữ. Chỉ ngần đó thôi nhưng với Lê Duy dường như là cả một bến bờ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà chị đã phải đánh đổi bằng sự đau đớn khôn cùng của tâm hồn và thể xác.
Để có được hạnh phúc, họ đã phải trải qua bao nhiêu khổ đau và nước mắt.
Lê Duy tâm sự, chị rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại bởi hai vợ chồng đều rất hợp nhau trong mọi thứ, kể cả chuyện quan hệ vợ chồng. Bố mẹ hai bên cũng đã chấp nhận cuộc sống hôn nhân của cả hai người. Hơn hết là gia đình chị ở Tây Ninh cũng đã gặp gỡ, qua lại với gia đình anh ở Hải Phòng.
Hàng ngày, sau giờ làm chị lại tự tay đi chợ, nấu ăn, giặt giũ… và làm những công việc mà một người phụ nữ bình thường hay làm. Rảnh rỗi, cả hai lại đưa nhau về thăm nhà nội ở Hải Phòng hoặc không thì lại về Tây Ninh “ du lịch”. Và mặc dù rất yêu trẻ thơ nhưng đến thời điểm này cả hai vợ chồng vẫn chưa nghĩ tới việc sẽ xin một đứa con nuôi vì công việc của mỗi người đều đang rất bận rộn. Tuy nhiên, chị thừa nhận rằng, khát khao làm mẹ đang trỗi dậy trong chị từng ngày và không biết chừng vài năm nữa chị sẽ xin một đứa con nuôi để cuộc sống gia đình có nhiều niềm hạnh phúc hơn.
Theo Giadinh.net
Giới trẻ với thế giới ảo thuật đường phố
Ảo thuật đường phố luôn được coi là đặc sản đầy lôi cuốn... (Ảnh minh họa)
Không sinh ra trong gia đình truyền thống ảo thuật, cũng không được đào tạo một cách bài bản, chỉ với niềm đam mê vô hạn các Street magician (ảo thuật gia đường phố - PV) đã đến với ảo thuật như một duyên số và đem đến cho các bạn trẻ một món ăn không mới, nhưng luôn được coi là đặc sản đầy lôi cuốn.
Ảo thuật gia tuổi teen
Street magic vốn bắt nguồn từ phương Tây, với những màn biểu diễn biến hóa đầy bí hiểm trên sân khấu, từng làm mê hoặc biết bao nhiêu độc giả trên khắp thế giới. Để môn nghệ thuật này gần gũi hơn với công chúng, các ảo thuật gia đã xuống đường, biến hè phố, công viên thành sân khấu, truyền đam mê tới đông đảo người xem.
Ảo thuật đường phố du nhập vào Việt Nam chỉ khoảng vài năm trở lại đây, sau một thời gian thử lửa, nó nhanh chóng trở thành đặc sản của giới trẻ. Không còn là của độc cho giới thượng lưu, quý tộc, vốn chỉ xuất hiện trong những chương trình nghệ thuật, nó trở nên tự nhiên, đường phố hơn, được các bạn tuổi teen đón nhận nhiệt tình và cởi mở.
Theo chân Kiều Tôn Sơn (sinh năm 1990), một ảo thuật gia tuổi teen có thâm niên đất Hà thành, rong ruổi trên những con phố, vườn hoa hay công viên, tôi được cậu trải lòng về niềm đam mê với môn nghệ thuật đường phố này. Sơn tâm sự: "Em rất hâm mộ ảo thuật gia lừng danh David Copperfield. Hồi còn nhỏ, em được xem biểu diễn trên tivi và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, niềm đam mê trong em lớn lên từ đó".
Từ niềm đam mê trẻ thơ, Sơn đã quyết tâm tầm sư học đạo, dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn nhiều chông gai. Sơn vẫn thường nói: "Ảo thuật đường phố không dành cho những người thiếu đam mê và kiên nhẫn. Nó không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay, sự tinh ý của đôi mắt mà còn cần lòng kiên trì tập luyện của người học".
Không được sự ủng hộ của gia đình, cậu đành tự học qua sách vở, video trên Internet và đĩa của những ảo thuật gia. Tình cờ trên box ảo thuật Sơn làm quen với anh Tú một Street magician khá nổi tiếng. Sơn đã theo học anh Tú với học phí 1 triệu đồng một tháng. Đây là số tiền hoàn toàn do cậu dành dụm được. Lần đầu tiên, Sơn được học ảo thuật một cách bài bản.
Sơn kể lại: "Anh Tú là người thầy đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này của em. Anh ấy đã giúp em hiểu thế nào là ảo thuật đường phố, sự khác nhau giữa ảo thuật đường phố và ảo thuật sân khấu, tố chất để trở thành một ảo thuật gia. Anh ấy đã khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho em trong ảo thuật".
Trải qua gần 6 năm trong nghề, nếm trải không ít mật ngọt trái đắng, hiện nay Sơn được đánh giá là một hot Street magician trong hội ảo thuật đường phố Hà Nội. Sơn cho biết: "Hội những người chơi ảo thuật ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là học sinh, sinh viên, trong đó có 2 nhóm khá nổi tiếng là SOS và Lead Clan".
Những ảo thuật gia đều thuộc thế hệ 8X, 9X, biểu diễn không chút tính toán, vụ lợi... (Ảnh minh họa)
Tùng cũng cho biết: "Để biểu diễn ảo thuật thành công thì 50% là của diễn xuất, 25% là của kỹ năng, và 25% còn lại là đạo cụ diễn. Các ảo thuật gia không chỉ cần giỏi về kỹ xảo mà cần phải khéo léo, biết cách thu hút và nắm bắt được tâm lý khán giả".
"Đặc sản" của giới trẻ
Ảo thuật đường phố lấy vỉa hè, công viên, vườn hoa, nhà hàng làm sân khấu biểu diễn. Chỉ cần vài quả bóng, một bộ bài Tây, mấy đồng xu, thậm chí là một tờ giấy vụn... các street magician đã hút hồn khán giả, đưa họ vào ma trận biến hóa khôn lường. Đặc biệt hơn, những ảo thuật gia đều thuộc thế hệ 8X, 9X, biểu diễn không chút tính toán, vụ lợi. Khán giả hầu hết là những chàng trai cô gái tuổi teen, bị mê hoặc bởi những động tác diệu kỳ của đôi tay nhà ảo thuật.
Công viên Lênin tối thứ 7, người đông như mắc cửi, ảo thuật gia Xuân Thành đang biểu diễn, xung quanh hàng hàng lớp lớp khán giả ngồi lặng thinh, mắt dõi theo từng cử chỉ, động tác của cậu. Chốc chốc, từ một góc nào đó ồ lên một tiếng khoái trá, kèm theo là tiếng vỗ tay giòn giã và tiếng cười đầy sảng khoái. Khoảng cách giữa ảo thuật gia biểu diễn và khán giả dường như không còn, người nghệ sĩ nghiệp dư đang truyền cảm hứng của mình tới các fan hâm mộ. Đó chính là sự kỳ diệu của Street magic!
Xuân Thành cho biết: "Bọn em hay biểu diễn vào tối thứ 7 và chủ nhật tại hầu khắp các nơi trên địa bàn Hà Nội, nhưng tập trung chủ yếu ở công viên Lênin, tượng đài Lý Thái Tổ, Cung văn hóa Hữu Nghị hay quanh hồ Tây. Ngoài những lần biểu diễn miễn phí cho các bạn xem trên các đường phố Hà Nội, thi thoảng em còn nhận được các lời mời biểu diễn ở các khách sạn, quán ba, tiệc sinh nhật, các trường Trung học hay Đại học".
Trong giới Street magic Hà Nội, Xuân Thành được mệnh danh là "cậu bé ảo thuật", năm nay tròn 13 tuổi cậu đã khẳng định tên tuổi với tiết mục hô biến chiếc khăn tay thành bông hoa hồng lung linh trước con mắt trầm trồ thán phục của mọi người. Mỗi lần cậu biểu diễn, người xem rất đông, kèm theo đó là những tràng pháo tay không dứt. Đó là niềm động viên lớn với cậu bé ảo thuật.
Những màn biểu diễn của teen magician cũng vô cùng phong phú, từ điều khiển nhẫn bay trong không trung, tạo hình bộ bài Tây, cho đến làm sáng bóng đèn bằng tay, thậm chí là xuyên tay qua kính, thay quần áo trong tích tắc, hay ngắt đầu ra khỏi cơ thể. Các ảo thuật gia tuổi teen cũng lành nghề chẳng kém những đàn anh đàn chị, vốn làm mưa làm gió trên sân khấu!
Theo ĐSPL
Chàng trai chuyển giới cầu hôn trên mạng "Tôi chỉ muốn tìm thấy hạnh phúc của mình", Thanh Thanh chân thành chia sẻ trước những dị nghị về người chuyển giới mong muốn được kết hôn. 5 tháng trước, cô gái người Trung Quốc - Thanh Thanh vẫn còn là một người đàn ông, nhưng ngày hôm nay trong mục giới tính trên hộ khẩu của gia đình, chữ "Nữ" dành...