Cuộc so tài của ‘Thần sấm’ và ‘Tia chớp’
Một chiếc tiêm kích tối tân sắp phải đọ sức với một loại cường kích huyền thoại với vai trò yểm trợ cận chiến cho bộ binh, trong chương trình đánh giá năng lực vũ khí của Không quân Mỹ.
Tiêm kích thế hệ 5 “Tia chớp” F-35 của Mỹ. Ảnh: Washington Post
Sau nhiều tháng tranh cãi, ngày 27/8, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tổ chức cho chiếc tiêm kích “Tia chớp” tối tân F-35 và chiếc cường kích già nua “Thần sấm” A-10 của mình tranh tài về khả năng yểm trợ cận chiến vào năm 2018, Washington Post đưa tin.
Một trong những “cuộc chiến” căng thẳng nhất hiện nay giữa Quốc hội và Lầu Năm Góc Mỹ trong năm qua là về số phận của chiếc máy bay cường kích có cái tên dữ dội “Thần sấm”. Chiếc cường kích A-10 này là loại máy bay được bộ binh Mỹ rất yêu mến, đặc biệt là hàng ngàn binh sĩ đã được Thần sấm A-10 cùng khẩu pháo 30 ly của nó cứu mạng trong khi chiến đấu.
Mặc dù A-10 đã trở thành huyền thoại như vậy trong gần 40 năm qua, Không quân Mỹ tuyên bố họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho loại máy bay này nghỉ hưu trong thời điểm ngân sách quốc phòng Mỹ đang bị cắt giảm đáng kể.
Các quan chức quân sự cho biết dù ngốn rất nhiều chi phí vận hành, sửa chữa, nhưng A-10 chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là loại bỏ bộ binh của đối phương ở tầm gần, một nhiệm vụ mà chiếc siêu tiêm kích “Tia chớp” F-35, kết quả của chương trình phát triển trị giá 400 tỉ USD của Lầu Năm Góc, có thể đảm đương được.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng dù thực hiện được nhiều nhiệm vụ phức tạp khác, F-35 không thể hoàn thành được nhiệm vụ nguy hiểm mang tên “yểm trợ cận chiến” (CAS) tốt như A-10. Nhờ hai động cơ khổng lồ và lớp giáp titan dày, A-10 có thể bay chậm, bay thấp và hứng chịu các loại hỏa lực của đối phương, sau đó dùng khẩu pháo 30 ly của mình để quét sạch bộ binh địch.
Video đang HOT
“Thần sấm” A-10 cùng khẩu pháo 30 ly ở trước mũi. Ảnh: Washington Post
Trước những tranh cãi đó, ông J. Michael Gilmore, giám đốc Phòng Đánh giá và Kiểm nghiệm Tác chiến của Lầu Năm Góc tuyên bố cuộc tranh tài này “sẽ cho thấy F-35 thực hiện nhiệm vụ yểm trợ cận chiến đến mức nào, và liệu có khoảng cách về khả năng yểm trợ so với A-10 hay không”.
“Các bạn không nên phỏng đoán về sự chênh lệch khả năng giữa hai loại máy bay. Bạn cần phải ra ngoài, thu thập dữ liệu và thực hiện những phân tích, đánh giá toàn diện, khắt khe”, ông Gilmore nói.
Được mệnh danh là chiếc máy bay đắt nhất thế giới, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 hoàn toàn tương phản cả về ngoại hình cũng như các tính năng điện tử hiện đại với chiếc cường kích A-10 vốn đã phục vụ trong quân đội Mỹ gần 4 thập kỷ qua.
Các quan chức Không quân Mỹ cho biết nếu cho đội bay A-10 nghỉ hưu, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD, đồng thời vẫn cam kết sẽ tiếp tục yểm trợ hỏa lực trên không ở cự ly gần cho lực lượng bộ binh.
“Việc trút hỏa lực vào đối phương ở tầm gần giống như một môn thể thao đối kháng, và chúng tôi cam đoan F-35 sẽ là một bộ phận trọng yếu của lực lượng hợp thành này,” tướng Mark A. Welsh III, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một nhóm nghị sĩ quyền lực của Quốc hội Mỹ phản đối kế hoạch cho A-10 nghỉ hưu suốt hơn một năm qua. Dưới sự dẫn dắt của Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte và Thượng nghị sĩ John McCain, nhóm này tuyên bố rằng A-10 là một phần không thể thiếu trong kho vũ khí của Mỹ, và việc loại bỏ “Thần sấm” sẽ đe dọa đến tính mạng của nhiều lính Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ayotte cho rằng nước Mỹ “có nghĩa vụ cung cấp cho bộ binh sự yểm trợ cận chiến tốt nhất, và tôi sẽ không ủng hộ việc loại bỏ A-10 cho đến khi có một loại máy bay yểm trợ cận chiến có khả năng tương đương hoặc hơn”.
Cường kích A-10 phóng tên lửa yểm trợ bộ binh ở cự ly gần. Ảnh: Warthognews
Được thiết kế để diệt xe tăng Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng “Thần sấm” A-10 lại trở nên nổi tiếng trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, nơi nó đã hủy diệt rất nhiều xe tăng, pháo và bãi phóng tên lửa của Iraq. Nó cũng tham chiến ở Iraq và Afghanistan, yểm trợ đắc lực cho bộ binh Mỹ bằng các khẩu pháo 30 ly.
Ông Gilmore cho hay vì F-35 được cho là sẽ “thay thế A-10 trong vai trò yểm trợ cận chiến”, nên phòng của ông sẽ lên kế hoạch đánh giá khả năng yểm trợ bộ binh ở cự ly gần của chiếc siêu tiêm kích này.
Theo kế hoạch này, F-35 cũng sẽ được đưa ra kiểm nghiệm cùng các loại chiến đấu cơ khác, nhiều khả năng là F/A-18, loại tiêm kích mà F-35 cũng sẽ thay thế.
Trung tướng Arnold W. Bunch, Jr., Phó Trợ lý Bộ trưởng Không quân phụ trách mua sắm vũ khí cho biết nếu F-35 bộc lộ những hạn chế về khả năng yểm trợ cận chiến trong cuộc kiểm tra, Không quân Mỹ “sẽ huy động mọi nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu CAS” cho loại tiêm kích này.
Vì cuộc “tranh tài” sẽ diễn ra vào năm 2018, Không quân Mỹ vẫn còn nhiều thời gian để phát triển các tính năng cho F-35 để nó đạt tới “khả năng tác chiến đầy đủ”, tướng Bunch nói.
Hồi đầu tuần, tướng Welsh đã từng phát biểu rằng việc đem so sánh khả năng yểm trợ cận chiến của A-10 với F-35 là “cách làm ngu ngốc”. Nhưng trong tuyên bố ngày 27/8, ông đã rút lại lời của mình và giải thích ông không biết rằng cuộc kiểm tra là một phần trong chương trình kiểm nghiệm và đánh giá chính thức của Lầu Năm Góc.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh ông ủng hộ cuộc kiểm tra, và “đây là cách duy nhất để đảm bảo một hệ thống vũ khí mới đáp ứng được những yêu cầu mà chúng ta đặt ra”.
Trí Dũng
Theo VNE
Lockheed Martin thương lượng mua lại hãng trực thăng Sikorsky
Hãng sản xuất thiết bị quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đang thương lượng mua lại hãng trực thăng Sikorsky. Nếu thành công, đây sẽ là phi vụ mua lại lớn nhất của Lockheed Martin trong 20 năm qua, Bloomberg cho biết hôm 20.7.
Lockheed Martin, nhà sản xuất tiêm kích tàng hình F-35, đang đứng trước thương vụ mua lại lớn nhất của hãng trong 20 năm qua - Ảnh: Reuters
Kết quả cuộc đàm phán dự kiến sẽ được công bố hôm nay 20.7. Mức giá sau cùng có thể được chốt ở mức 8 tỉ USD, theo Bloomberg.
Sikorsky là nhà sản xuất trực thăng nổi tiếng thế giới, thuộc tập đoàn United Technologies (Mỹ), là thương hiệu đã làm ra siêu trực thăng Marine One của Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như chiếc trực thăng quân sự Sikorsky UH-60 Black Hawk lừng danh. Năm 2014, Sikorsky đạt doanh số 7,45 tỉ USD, Bloomberg cho biết.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho biết những chiếc trực thăng xuất xưởng từ Sikoksky có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ, và hy vọng mọi sự chuyển đổi chủ sở hữu sẽ diễn ra suôn sẻ để không ảnh hưởng tới chất lượng từ trước tới nay, theo kênh tin tức Fox CT.
Trong khi đó với United Technologies, kế hoạch bán Sikorsky được cho bắt đầu từ lúc bổ nhiệm giám đốc điều hành Gregory Hayes hồi tháng 11.2015. Việc "cắt đứt" với Sikorsky cho phép United Technologies tập trung vào các lĩnh vực khác như động cơ phản lực, máy điều hòa, thang máy...
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Quân đội Mỹ sắp cắt giảm 40.000 binh sĩ Mỹ có kế hoạch cắt giảm 40.000 binh sĩ trong vòng hai năm tới ở cả trong và ngoài nước, động thái làm gia tăng lo ngại về khả năng tham gia chiến tranh của Washington. Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận đa quốc gia Saber Strike do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức tại Latvia tháng...