Cuộc phản công của Ukraine phụ thuộc vào những thiết bị phi sát thương
Trong cuộc phản công của Ukraine, một số thiết bị quân sự quan trọng nhất của họ không có khả năng bắn một phát đạn nào.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 18 hệ thống bắc cầu giống như loại M60 trong ảnh. Ảnh: US Army
Thay vào đó, những thiết bị này giữ cho vũ khí hoạt động và giúp quân đội Ukraine tiến lên khi họ chiến đấu. Phương tiện phi sát thương rất quan trọng vì xe tăng, bệ phóng tên lửa và xe chiến đấu bộ binh cần một lực lượng lớn hỗ trợ để có thể phóng hỏa lực.
Theo tờ Wall Street Journal, các thiết bị phi sát thương bao gồm đủ mọi thứ, từ xe chở nhiên liệu và nước di động, xe y tế và bảo trì cho đến các phương tiện khác để lắp đặt cầu di động hoặc rà phá bãi mìn. Chúng mang theo đạn dược, thực phẩm, phụ tùng thay thế và chất bôi trơn hạng nặng mà các thiết bị kháng mìn vốn hoạt động ì ạch cần đến.
Tướng nghỉ hưu Peter “Duke” DeLuca, từng phục vụ trong Lực lượng Công binh Lục quân Mỹ, cho biết: “Thật khó để người dân có thể tưởng tượng được số lượng những hỗ trợ cần thiết” cho một lực lượng tấn công cơ động. Ông ví chúng với trang bị của “con tàu Nô-ê”, bởi vì không giống như những dàn vũ khí giống hệt nhau, nó là một tập hợp các phương tiện kỳ quặc được sử dụng với số lượng nhỏ.
Xe thu hồi M88 trong một cuộc tập trận của Lục quân Mỹ ở Idaho. Ảnh: US Army
Một trong số các phương tiện đó là xe phục hồi bọc thép Bergepanzer 2 của Đức, đã thu hồi thành công một chiếc xe tăng Leopard 2 bị hư hại từ chiến trường vào tuần trước – theo một thợ máy xe tăng Ukraine cho biết.
Tuy nhiên, vẫn có những hình ảnh do Nga công bố cho thấy một chiếc Bergepanzer bị hư hại trong một bãi mìn cùng với ba chiếc Leopard 2 bị bỏ lại và các phương tiện khác của Ukraine, dường như đã bị vô hiệu hóa do vụ nổ.
Trong hơn một năm qua, các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều thiết bị quân sự hạng nặng bao gồm xe tăng, pháo dã chiến, xe chiến đấu và xe chở quân. Ít được chú ý hơn trong danh sách các thiết bị được cung cấp là các hạng mục như 8 phương tiện hỗ trợ hậu cần, 18 hệ thống bắc cầu bọc thép và 54 phương tiện chiến thuật để thu hồi thiết bị mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.
Một xe tăng Mỹ bị hỏng được phương tiện vận chuyển hạng nặng mang đi. Ảnh: US Army
Các thiết bị, phục vụ hoạt động công binh, hỗ trợ và duy trì, rất quan trọng đối với mọi yếu tố trong cuộc phản công của Ukraine khi Kiev đang tấn công các tuyến phòng thủ của Nga bao gồm chiến hào, cùng chướng ngại vật trên mặt đất và bãi mìn.
“Giai đoạn tiếp theo là thâm nhập – đẩy bật qua các tuyến phòng thủ mà Nga đã xây dựng trong nhiều tháng”, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết gần đây, lưu ý rằng cuộc tấn công của Ukraine đòi hỏi nhiều hơn xe tăng và phương tiện chiến đấu. Ông cho biết quân đội cũng cần thiết bị kỹ thuật chiến trường chuyên dụng cao “để cho phép xe tăng hoạt động”.
Chẳng hạn, bên cạnh 14 xe tăng Challenger 2 mà Anh cung cấp cho Ukraine, London cũng viện trợ 2 xe sửa chữa và phục hồi bọc thép Challenger – thực chất là các trạm sửa chữa di động sẵn sàng chiến đấu. Chiếc xe tăng cải tiến này – với cần cẩu, tời và lưỡi ủi nhưng không có tháp pháo – có thể mang theo động cơ và hộp số Challenger thay thế, cùng với đội thợ máy cần thiết cho một cuộc sửa chữa trên chiến trường.
Video đang HOT
Xe phục hồi và sửa chữa bọc thép Challenger là một đơn vị sửa chữa xe tăng di động. Ảnh: Alamy
Thiết bị này rất quan trọng bởi vì, trong một cuộc tấn công như Ukraine đang thực hiện, tốc độ là chìa khóa thành công. Nếu quân đội của Kiev có thể chọc thủng phòng tuyến của Nga, họ sẽ muốn triển khai càng nhiều quân tiếp viện càng tốt, để vượt qua phòng tuyến đó trước khi Moskva có thể huy động một cuộc phản công.
Benjamin Jensen, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Thủy quân lục chiến ở Quantico, bang Virginia, Mỹ, cho biết: “Cách bạn tạo ra nhịp độ và phạm vi hoạt động là một chức năng của hậu cần”.
Cuộc tấn công của Ukraine đặc biệt khó khăn vì trên phần lớn chiến tuyến, quân đội của họ phải tiến quân trên bãi đất trống, không có máy bay hỗ trợ và dưới sự giám sát của Nga. Nếu họ gặp chướng ngại vật, thiết bị hỗ trợ sẽ trở nên quan trọng không khác đạn dược.
Kiev đã nhận được xe tăng và các phương tiện bọc thép khác với các phụ kiện đặc biệt và các hệ thống khác để phá mìn mà không khiến binh lính gặp nguy hiểm quá mức. Mặc dù vậy chúng đã bị vô hiệu hóa bởi mìn của Nga ở một số nơi, dựa trên những bức ảnh từ chiến trường.
Ở nhiều nơi, quân đội Nga đã đào hào quá rộng khiến xe tăng không thể vượt qua, vì vậy hệ thống bắc cầu bọc thép hoặc máy ủi chiến đấu sẽ cần phải bắc cầu hoặc san ủi tạo lối đi. Máy ủi cũng có thể đẩy các chướng ngại vật sang một bên, đặc biệt nếu chúng chưa được neo vào lòng đất, như nhiều chiếc “răng rồng” chỉ được đặt trên mặt đất.
Một chiếc xe tăng M1 Abrams băng qua chiến hào bằng cầu di động trong một buổi luyện tập ở South Carolina, Mỹ. Ảnh: US Army
Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng người Anh, hiện là chuyên gia về tác chiến trên bộ của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, nhận xét: “Thiết bị kỹ thuật chiến đấu sẽ rất quan trọng trong việc chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga”.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết: “Một chiếc xe tăng chiến đấu không chạy đến trạm để tiếp nhiên liệu. Thay vào đó, trạm nhiên liệu phải chạy đến với chiếc xe tăng”.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 89 xe chở nhiên liệu hạng nặng, 105 xe kéo nhiên liệu và 30 phương tiện tiếp tế đạn dược dã chiến, trông giống như một chiếc xe tăng không có súng, chạy quanh chiến trường để phân phát đạn.
Xe tiếp tế đạn dược dã chiến M992. Ảnh: US Army
Nếu Ukraine vượt qua hàng phòng thủ của Nga, vẫn có những thách thức mới đang chờ đợi. Các khu vực phía sau của Nga có thể sẽ không còn dân cư sinh sống, vì vậy quân đội Ukraine không thể tin tưởng vào việc tìm kiếm các nguồn cung cấp địa phương để tiếp tế. Ngay cả nước uống cũng có thể không có.
DeLuca, cựu chiến binh của Quân đoàn Công binh Ukraine, cho biết: “Bạn sẽ phải mang theo mọi thứ bạn cần”.
Ngay cả với kịch bản trong mơ của Ukraine – họ thắng nhanh như ở Kharkiv vào tháng 9 năm ngoái – cũng đặt ra những thách thức về hậu cần. Xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác tiêu thụ lượng nhiên liệu khổng lồ. Cuộc tấn công vào Kharkiv của Ukraine năm ngoái đã suy yếu đi một phần vì quân đội đã sử dụng cạn nguồn cung cấp.
Xe ủi chiến đấu bọc thép M9 trong một cuộc tập trận của Lục quân Mỹ ở South Carolina. Ảnh: U.S. ARMY
Các vấn đề về nguồn cung cũng có thể ảnh hưởng đến cả các lực lượng mạnh và đang chiến thắng. Năm 1944, sau cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Normandy, quân đội của Tướng quân đội Mỹ George S. Patton đã phải dừng lại sau khi cuộc chạy đua hơn 1.000km trong nhiều tuần, một phần vì họ đã vượt xa các tuyến tiếp tế.
Mặt khác, các hoạt động tiếp tế thành công cũng đặt ra một thách thức quen thuộc với thường dân: đó là giao thông. Một cuộc tấn công lớn đòi hỏi các phương tiện tiếp tế chở đầy hàng hóa tiến về phía các binh sĩ và những chiếc xe trống rỗng quay trở lại, thường qua các điểm tắc nghẽn như cầu hoặc qua các bãi mìn.
Tướng DeLuca nói về hoạt động hậu cần của một chiến dịch lớn: “Nó giống như một trận dịch châu chấu hoặc bạn vừa đạp phải một ổ kiến, với lưu lượng giao thông tăng lên ở khắp nơi”.
Ông nói, các thiết bị hậu cần do Washington và các đồng minh cung cấp cho thấy họ đang tìm cách để kích hoạt một cuộc tấn công ở quy mô nào đó, mặc dù trở ngại lớn nhất nằm ở việc thực hiện nó trên chiến trường. “Không ai nên đánh giá thấp nhiệm vụ phía trước của người Ukraine”, Tướng DeLuca nói.
Gói vũ khí mới cho Ukraine hé lộ chiến thuật phản công mới?
Mỹ đang gửi vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine để chuẩn bị cho cuộc phản công với một chiến thuật mới, được cho là ở cự ly gần hơn.
Binh sĩ Australia bắn súng trường không giật Carl Gustaf trong cuộc huấn luyện năm 2014. Mỹ đang cung cấp cho Ukraine 2.000 viên đạn dùng cho loại súng này. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
Theo tờ Washington Post, Lầu Năm Góc đang gửi loạt vũ khí và thiết bị quân sự mới cho phép quân đội Ukraine chuẩn bị tốt hơn trong chiến đấu ở cự ly gần hơn. Điều này có khả năng báo hiệu rằng Kiev và đồng minh nhìn thấy cơ hội giành lại các vùng lãnh thổ sau nhiều tuần giao tranh dọc chiến tuyến.
Tờ báo cho biết các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Kherson do Nga nắm giữ, nhưng có rất ít bằng chứng dọc theo tiền tuyến cho thấy Ukraine chuẩn bị thực hiện một chiến dịch đòi hỏi số lượng lớn binh sĩ, xe bọc thép và vũ khí áp sát hỏa lực mạnh để vượt qua đối thủ vượt trội về số lượng.
Gói vũ khí gần 800 triệu USD được công bố cuối tuần trước dường như là một bước đầu tiên nhằm giải quyết một phần thiếu hụt về vũ khí, vì một cuộc tấn công thành công sẽ bao gồm khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.
Gói vũ khí được Mỹ công bố ngày 20/8 sẽ bao gồm 40 xe chống bom được trang bị các con lăn giúp kích nổ mìn, cũng như các loại pháo nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn các loại pháo hạng nặng mà Mỹ đã gửi trước đó. Khoản viện trợ cũng sẽ bao gồm súng trường không giật có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng tên lửa giới hạn dưới 3 dặm - gần hơn nhiều so với khoảng cách hiện tại giữa các đơn vị Ukraine và Nga ở nhiều nơi.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên cùng ngày 20/8 rằng: "Các phương tiện rà phá bom mìn là một ví dụ thực sự rõ về việc người Ukraine sẽ cần đến loại năng lực này để có thể thúc đẩy lực lượng của họ tiến lên và giành lại lãnh thổ. Đây là những vũ khí nâng cao khả năng di chuyển của người Ukraine khi họ đối mặt môi trường rất thách thức này, đặc biệt là ở miền nam".
Các xe bọc thép kháng bom mìn gọi tắt là MRAP - một phương tiện chủ chốt trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan - sẽ che chắn cho binh sĩ khỏi các vụ nổ và hỏa lực vũ khí nhỏ, trong khi kích nổ mìn bằng các con lăn phóng từ phía trước giống như râu tôm hùm.
Xe kháng mìn, chống phục kích (MRAP) MaxxPro với các con lăn rà mìn đi trước, từng được Mỹ gửi cho Iraq. Ukraine sẽ nhận loại tương tự. Ảnh: U.S Army
Viện trợ an ninh của Mỹ trong những tháng gần đây đã tập trung vào tên lửa tầm xa và các loại pháo như hệ thống tên lửa phóng loạt chính xác, được gọi là HIMARS, để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến pháo binh khốc liệt ở Donbas, miền đông nước này. Những vũ khí đó đã có hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu chính xác vào các sở chỉ huy và kho đạn của đối phương, đồng thời làm giảm quy mô các cuộc pháo kích của Nga. Nhưng chúng đã không thể thay đổi được chiến tuyến.
"Chúng tôi chưa thấy hoạt động chiếm lại lãnh thổ đáng kể nào, nhưng chúng tôi nhận thấy sự suy yếu đáng kể của Nga ở nhiều địa điểm", quan chức cấp cao Ukraine nói trên cho biết.
Quân đội Ukraine đã phải chật vật để thúc đẩy tấn công các khu vực do Nga kiểm soát, chẳng hạn như một nỗ lực gần Vùng Kherson vào tháng 6 đã giải phóng một số ngôi làng. Các lực lượng Ukraine đã không đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó và bị "lộ sườn" ở địa hình bằng phẳng khi quân đội Nga điều động các đơn vị pháo binh vào khu vực và thực hiện trinh sát để thăm dò hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Các tên lửa chống tăng TOW được Mỹ gửi tới Ukraine có thể được đặt trên một giá ba chân (tripod) hạng nặng hoặc chất lên phía sau của một phương tiện như Humvee. Kiểu thiết lập đó cho phép quân đội phóng tên lửa rồi nhanh chóng thoát khỏi địa điểm để tránh bị bắn trả - một kỹ thuật được gọi là "bắn rồi chuồn".
Những chiếc Humvee cũng có thể được sử dụng để vận chuyển các loại pháo cỡ nòng 105mm mới được cung cấp, cung cấp sức mạnh và tầm bắn vừa đủ để dễ vận chuyển và cơ động so với các loại pháo M777 nặng hơn mà Mỹ đã gửi.
Các binh sĩ Mỹ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Vermont bắn tên lửa TOW từ một chiếc Humvee vào năm 2017. Ảnh: Vệ binh Quốc gia Mỹ
Gói này cũng bao gồm 2.000 viên đạn cho súng trường không giật Carl Gustaf. Các loại vũ khí được bộ binh mang theo để bắn đạn 84mm nhằm vào các xe quân sự và vị trí chiến đấu của đối phương trong phạm vi vài trăm mét.
Rob Lee, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là chuyên gia về quân đội Nga, cảnh báo rằng gói vũ khí gần đây nhất của Lầu Năm Góc không phải là bằng chứng cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra. Lô vũ khí này có thể có các mục đích sử dụng khác và một số loại, chẳng hạn như MRAP, có thể không lý tưởng cho cận chiến vì hình dáng và tầm nhìn cao của chúng, nhưng vẫn tốt hơn so với lựa chọn xe tải không bọc thép.
Theo ông Lee, một số vũ khí trong gói này cho thấy rằng Lầu Năm Góc có lẽ muốn lấy từ các kho mà họ không sử dụng nhiều, thay vì tiếp tục vét từ kho dự trữ quan trọng và làm tổn hại đến năng lực sẵn sàng của quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc đã tính đến việc cho "nghỉ hưu" các phương tiện như Humvee, MRAP và vũ khí như TOW.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có yếu tố kinh tế trong vấn đề này", ông Lee nhận xét. Một số vũ khí mới được cung cấp cũng có thể hữu ích trong cuộc chiến pháo binh ở miền đông hoặc cuộc phản công ở phía nam, chẳng hạn như sử dụng song song máy bay không người lái ScanEagle và tên lửa dò tìm radar để tìm và phá hủy các hệ thống phòng không của Nga. Loại bỏ những vũ khí đó khỏi chiến trường sẽ cho phép quân đội Ukraine khai thác sức mạnh máy bay không người lái của riêng họ trong một cuộc phản công và di chuyển tự do hơn xung quanh chiến trường.
Chuyên gia Lee nói thêm, một cuộc phản công theo phương thức cổ điển với rất nhiều quân và phương tiện có thể không phải là chiến lược tốt nhất. Ukraine đã thành công trong việc bắn phá vào lực lượng Nga bằng tên lửa tầm xa và phá hoại các vị trí ở Crimea, làm xói mòn niềm tin rằng người Nga ở xa chiến trường vẫn an toàn.
"Tôi không biết liệu họ có đủ lực lượng để làm điều đó hay không", ông Lee nói về một cuộc tấn công ở Kherson. Theo ông, một chiến lược tiêu hao sẽ "có ý nghĩa nhất đối với Ukraine."
Tổng thống Ukraine xác nhận 'các hành động phản công' đang diễn ra Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận rằng cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Kiev đã bắt đầu. Tổng thống Ukraine, Zelensky chào đón Thủ tướng Canada, Trudeau trong chuyến thăm bất ngờ của ông đến Kiev ngày 10/6/2023. Ảnh: Reuters Theo đài RT, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Kiev ngày 10/6, Tổng...