Cuộc họp 4 bên về Ukraine: Đạt đồng thuận trong những bước đi đầu tiên
Các cuộc đối thoại này diễn ra trong bối cảnh khu vực miền Đông Ukraine đang đối mặt với nguy cơ giao tranh tổng lực.
Cuộc họp 4 bên về Ukraine giữa Ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp kết thúc ngày 21/1 tại Berlin, Đức với việc đạt được những kết quả bước đầu, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nhất trí kêu gọi các bên dừng ngay lập tức những biện pháp thù địch và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường danh giới được nhất trí theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Cuộc họp kêu gọi các bên trong xung đột Ukraine dừng ngay lập tức những biện pháp thù địch và rút vũ khí hạng nặng (ảnh: Reuters)
Các cuộc đối thoại này diễn ra trong bối cảnh khu vực miền Đông Ukraine đang đối mặt với nguy cơ giao tranh tổng lực, sau khi chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Đông.
Theo lực lượng đối lập tại miền Đông, chỉ trong ba ngày giao tranh vừa qua, hơn 500 lính Ukraine đã thiệt mạng, khoảng 1.500 lính bị thương. Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: Các bên cần dừng tất cả các hành động thù địch, rút vũ khí ra khỏi đường gianh giới đã được nhất trí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo trong khu vực.
Các cuộc tiếp xúc giữa Nga, Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu nên được tổ chức sớm nhất có thể, với mục tiêu đặt nền tảng cho cuộc gặp cấp cao tại thủ đô Astana của Kazakhstan.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng, sau những cuộc thảo luận khó khăn, các cuộc đàm phán đã mang lại kết quả tích cực: “Chúng tôi có những cuộc thảo luận. Các bên đã nhất trí về một số nội dung cụ thể như cuộc họp tiếp xúc 3 bên trong những ngày sắp tới. Điều này sẽ mang lại kết quả và tôi hi vọng tất cả các bên đều hợp tác hướng đến một giải pháp”.
Video đang HOT
Rõ ràng sau các cuộc đàm phán không mang lại hiệu quả giữa 4 nước vào tuần trước, cuộc họp lần này được cho là những bước đi đầu tiên hiện thực hóa thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 9 năm ngoái.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, đây không phải là bước đột phá nhưng đã mang lại kết quả cụ thể. Những kết quả bước đầu này sẽ chứng minh được tính hiệu quả trong những ngày sắp tới tại Ukraine.
Các bên tham gia đối thoại cũng khẳng định, chỉ khi Thoả thuận Minsk ngày 5/9 đạt được những bước tiến cụ thể, cuộc gặp thượng đỉnh “Normandie” tại Kazakhstan mới có cơ hội diễn ra.
Những bước đi nhỏ này liệu có hướng đến một giải pháp toàn diện hơn cho cuộc khủng hoảng Ukraine như các bên mong đợi hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ, khi các bên liên quan vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 21/1, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực quốc tế kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine đêm 21/1 tiếp tục bế tắc với việc các bên không ngừng cáo buộc lẫn nhau. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power cho rằng, đề xuất hòa bình mới Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây là một “kế hoạch tham vọng mới” của Nga.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tiếp tục kêu gọi Mỹ dừng hành động ủng hộ chính quyền Ukraine gia tăng bạo lực tại miền Đông.
Ông Churkin nói: “Nhìn chung về cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đang đóng vai trò gây bất ổn. Họ đưa ra những hành động khiêu khích. Sau hàng loạt các chuyến thăm cấp cao của chính phủ Mỹ tới Ukraine, Kiev bắt đầu đưa ra các hoạt động đối đầu. Những hành động của chính phủ Ukraine tại miền Đông trong mấy ngày qua diễn ra sau khi một tướng Mỹ tại châu Âu tới thăm Kiev”
“Đừng quá trông đợi vào các cuộc đàm phán quốc tế” – đó là thông điệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra khi đề cập đến những nỗ lực quốc tế hướng đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phía Nga cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là những vấn đề mâu thuẫn giữa Nga- Ukraine hay giữa Nga và phương Tây, nó xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Lavrov, đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và hai nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk mới là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Ukraine./.
Phạm Hà Tổng hợp
Theo_VOV
Iran, P5+1 bước vào vòng đàm phán hạt nhân cuối cùng
Các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo diễn ra trong bối cảnh vẫn tồn tại nhiều bất đồng giữa các bên liên quan tới các vấn đề chủ chốt.
Ngày 18/11, Iran và P5 1 bước vào vòng đàm phán cuối cùng để tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện cho chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran trước thời hạn chót 24/11 tới.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định mục tiêu của Iran là tìm một giải pháp tôn trọng quyền lợi của Iran và đồng thời giải quyết được những lo ngại của cộng đồng thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ngoài cùng bên trái), Cao ủy EU Ashton (giữa) và Ngoại trưởng Iran trong cuộc gặp ngày 10/11 vừa qua (Ảnh Reuters)
Đây là vòng đàm phán quyết định để Iran và các cường quốc đi đến một thỏa thuận cuối cùng chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran trong suốt 12 năm qua.
Còn chưa đầy một tuần nữa để Iran và P5 1 đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện đáp ứng thời hạn chót ngày 24/11. Song theo giới chức Iran và phương Tây, khó có thể đáp ứng thời hạn này và kịch bản sẽ được lặp lại là tiếp tục gia hạn cho đàm phán hạt nhân Iran. Họ cho rằng, tại vòng đàm phán cuối cùng này các bên có thể nhất trí bản phác thảo cho một thỏa thuận trong tương lai, nhưng sẽ mất vài tháng để hoàn tất và đưa ra một thỏa thuận chi tiết.
Ngoại trưởng Iran Zarif sau khi đến Vienna cho biết, ông tin tưởng vào khả năng sẽ ký kết được thỏa thuận nếu P5 1 không đưa ra "yêu cầu quá đáng" với Iran.
"Tôi chắc chắn rằng chúng tôi có mặt ở đây để tìm một giải pháp bao gồm sự tôn trọng quyền lợi của Iran và gỡ bỏ được mối lo ngại của cộng đồng thế giới. Nếu có sự thiện chí từ phía P5 1 chúng tôi có thể đi đến một thỏa thuận. Nếu họ không thiện chí, thì họ sẽ phải hiểu rằng Iran muốn một giải pháp cho vấn đề hạt nhân, nhưng chúng tôi sẽ không đi ngược lại lợi ích của đất nước".
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng các bên có thể đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran trước ngày 24/11, tuy nhiên Iran nên "thể hiện sự mềm mỏng hơn nữa" trong việc thuyết phục các đối tác về tính chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của mình.
Sau khi lỡ thời hạn 20/7, Iran và P5 1 đã nhất trí kéo dài đàm phán để giải quyết những vấn đề mấu chốt. Tuy nhiên, gần 4 tháng đã trôi qua nhưng các bên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng dù đã liên tiếp thúc đẩy các cuộc thảo luận Iran và P5 1, đàm phán song phương Mỹ-Iran, cũng như đàm phán 3 bên Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi tuần tới đây là "tuần quyết định" để chấm dứt tranh cãi về chương trình hạt nhân Iran. Mỹ cũng cho rằng đây là cơ hội lịch sử mà Iran không nên bỏ lỡ để giải tỏa hoàn toàn nghi ngại của cộng đồng quốc tế và đổi lấy cơ hội kinh tế cũng như chấm dứt sự cô lập.
Trong bối cảnh, bất ổn khu vực ngày càng gia tăng với mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mỹ đã đến lúc phải chấp nhận thực tế rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đang đóng vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn.
Một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa Iran và P5 1 đồng thời sẽ xua tan lo ngại về một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông. Trong trường hợp đàm phán thất bại, cả Iran và Mỹ sẽ đều hứng chịu tổn thất về chiến lược và chính trị.
Do đó, điều cần thiết nhất lúc này là sự sẵn sàng thỏa hiệp giữa Iran và phương Tây, nhằm tác động tích cực vào quá trình tái định hình nền móng chính trị ở Trung Đông.
Một thỏa thuận hạt nhân phải có thể và phải đạt được vì lý do đơn giản rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả và không có gì thay thế được thỏa thuận này./.
Theo VOV
Mỹ được lợi lộc gì khi chi 5 tỷ USD cho Ukraine? Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về những vấn đề liên quan tới Ukraine, Crimea, Nga và Mỹ dường như đang đi vào bế tắc. Câu hỏi đặt ra là Mỹ được hưởng lợi gì khi đầu tư 5 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ? Trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ hôm 21/4, trợ lý...