Cuộc hội ngộ của những người lính viết nên bản anh hùng ca vang mãi
“Ai đó có thể quên quá khứ bởi lịch sử như một dòng nước cứ trôi đi, chỉ có hai bên bờ là còn ở lại. Nhưng việc CATP Hà Nội, cụ thể là đồng chí Giám đốc CATP đã nhớ đến cái điều ở lại đó làm chúng tôi vô cùng xúc động. Cái xúc động này nó làm chúng tôi suy nghĩ về trách nhiệm trong phần còn lại của cuộc đời những người lính già. Chúng tôi phải làm gì để tiếp tục bảo vệ được thành quả mà cuộc kháng chiến của chúng ta đã đạt được và thành quả xây dựng đất nước hôm nay? Dù trong hoàn cảnh nào của đất nước, thì những người lính năm xưa vẫn vậy. Họ vẫn là những con người dám hy sinh, biết hy sinh vì Tổ quốc”.
Đồng chí Lê Anh Khái – một cựu chiến binh đã từng đi B, từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường đến dự buổi gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra sáng nay 11-4-2015 tại Công an thành phố Hà Nội đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Tri ân với những người đã cống hiến vì Tổ quốc
Hôm nay quả là một ngày đặc biệt với những đồng chí nguyên là cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam và thân nhân các gia đình liệt sĩ. Những người đồng đội năm xưa, nay tóc đã bạc, chân đã run, họ được gặp nhau ôm lấy nhau, bắt tay nhau hỏi thăm nhau về cuộc sống thường ngày, cùng ôn lại những ngày tháng hăng hái lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…
Đại tá Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc CATP Hà Nội nhớ lại, ngày ấy được lệnh lên đường, các cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô ai cũng háo hức muốn được ra ngay mặt trận. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, đường đi là những gian lao, hiểm nguy, bom đạn rình rập, không ai nản chí, các cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội đã vượt mọi gian lao vất vả, nêu cao vai trò xung kích, tham gia các mũi tấn công, kịp thời chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của các tổ chức tình báo, biệt kích, cảnh sát, chiêu hồi, nhà lao, nhanh chóng triển khai các công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng giải phóng. Mỗi cán bộ Công an Hà Nội đều rất vinh dự và tự hào đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội thăm hỏi các cán bộ Công an
Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam
Những người lính năm xưa vẫn vậy, vẫn vẹn nguyên cảm xúc của cuộc chiến, vẫn vẹn nguyên nghĩa tình đồng đội. Cựu chiến binh Lê Anh Khái đến dự buổi gặp mặt, ông đã mặc bộ quân phục mà ông giữ từ năm 1970 cho đến bây giờ. Người cựu chiến binh ấy chia sẻ: “Hôm nay, đến đây tôi được gặp những người bạn, những người đồng đội dù có thể không cùng chiến trường nhưng chúng tôi đều cùng một thời máu lửa với nhau, chúng tôi đã trải qua ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh. Cuộc gặp mặt nghĩa tình như thế này làm chúng tôi vô cùng xúc động và lại càng nhớ đến đồng đội của mình. Ngày tôi đi B, tôi được về 3 ngày, chỉ nói với mẹ được một câu: “Chiến thắng con về”. Và rồi tôi đã trở về, còn bao đồng đội tôi vẫn chưa về. Những suy nghĩ ấy đã ám ảnh chúng tôi. Còn ngày nào đó, còn sức khỏe, và dù chỉ còn một vài đồng trong túi, tôi cũng sẽ bỏ ra cùng con em các liệt sĩ đi tìm các anh ấy trở về….”
Trong những cuộc chiến “chia lửa” cho chiến trường miền Nam, trong số hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội lên đường thì có tới 67 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Những người cha, người mẹ, người vợ, người con đã không bao giờ được gặp lại người thân yêu nhất của mình. Nhưng sự hy sinh đó không vô nghĩa. Sự hy sinh đó đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự hy sinh đó đã góp phần làm rạng rỡ, tô thắm truyền thống Anh hùng của Công an Thủ đô.
Vượt hàng nghìn cây số về dự buổi gặp mặt cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam hôm nay, bà Nguyễn Thị Túy và vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Khá đã khóc. Đôi mắt của người vợ liệt sĩ giờ đã mờ đi vì tuổi tác, nhưng đôi mắt ấy vẫn ánh lên niềm tự hào. Bà nói: “Chồng tôi hy sinh đó là một sự mất mát lớn lao, nhưng đó cũng là niềm vinh dự, tự hào. Trong cái hòa bình của ngày hôm nay, có nhiều người đã ngã xuống và có một phần máu thịt của chồng tôi. Chồng tôi đi B năm 1964 thì đến năm 1968 ông ấy hy sinh. Một mình tôi gắng gượng vượt qua khó khăn nuôi con cái trưởng thành. Tôi sống với con gái ở Quy Nhơn, bấy lâu nay không được ai liên lạc gì. Nay nhận được giấy mời của Công an Hà Nội đến dự cuộc gặp mặt này, tôi rất xúc động. Tôi cảm ơn tấm lòng của Công an Hà Nội”.
Bày tỏ sự cảm ơn trước sự tri ân của đồng chí Giám đốc CATP Nguyễn Đức Chung đã quan tâm, tổ chức cuộc gặp mặt những cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, Đại tá Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Ban liên lạc B-C-K, CATP Hà Nội đã nói: Ngày kỷ niệm 30-4 đã thắp sáng niềm tin về một thời quá khứ oanh liệt đã qua của dân tộc và xúc động dâng trào của mỗi người lính nay mái tóc không còn xanh nữa. Ký ức về chiến tranh có lẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng những người lính đã từng vượt Trường Sơn đi cứu nước. Hơn tất cả đó là sự ghi nhớ quá khứ để từ đó chúng ta không được phép quên đi quá khứ và cả những thế hệ mai sau cũng sẽ tự hào tiếp bước cha anh gánh vác sứ mệnh nặng nề mà lịch sử đang đặt trên vai họ. Việc tổ chức cuộc gặp mặt một cách chu đáo, và nhiệt tình của Công an Hà Nội âu đó cũng là cách để tri ân quá khứ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội tặng hoa chúc mừng Ban liên lạc B-C-K Công an Hà Nội
Tiếp lửa truyền thống cách mạng
Không chỉ là sự gặp gỡ của những người đồng đội đã từng chiến đấu vào sinh ra tử, mà cuộc gặp mặt những cán bộ Công an Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam còn là sự gặp gỡ của thế hệ cha anh đi trước và thế hệ trẻ Công an Thủ đô ngày hôm nay. Nếu ai đó, có mặt ở Hội trường CATP Hà Nội sẽ cảm nhận rất rõ sự tiếp nối đó. Những người lính già trò chuyện với những chiến sĩ trẻ măng như trò chuyện với những đứa con, đứa cháu của mình. Những chiến sĩ trẻ ân cần chu đáo tiếp đón những người lính già bằng những câu nói, hành động rất trân trọng, tình cảm: Bác ơi, hội trường có bậc đấy ạ, bác đi cẩn thận ạ! Bác ơi, để cháu xách túi cho ạ! Để cháu cài phù hiệu cho bác nhé! Chào bác, bác dạo này có khỏe không ạ?… Cử chỉ đó làm những người lính già cảm thấy lòng mình ấm lại. Vì họ hiểu chính những hình ảnh của họ, tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do của họ sẽ có những thế hệ đang tiếp nối truyền thống của họ đó là những chiến sĩ Công an Thủ đô hôm nay đang nỗ lực hết sức mình vì Thủ đô bình yên.
Cả hội trường đã lặng khi xem lại những hình ảnh tư liệu về những người chiến sỹ Công an Thủ đô hăng hái lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng như lắng nghe câu chuyện kể về những kỷ niệm về năm tháng gian khổ hào hùng, những trận đánh không thể nào quên, những bức ảnh đã đi vào lịch sử, những thời khắc cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng… Những năm tháng ấy đã được tái hiện một cách sinh động qua lời kể của đồng chí trưởng ban liên lạc cán bộ Công an Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh Quách Văn Biền; đồng chí nguyên Trưởng phòng CSGT – CATP Hà Nội Vũ Thọ Xương – cán bộ tham gia chi viện chiến trường miền Nam; Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ – một trong những người đầu tiên chứng kiến, tiếp nhận việc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30-4-1975. Và cuộc giao lưu đó cũng là sự tiếp lửa của thế hệ cha anh đi trước đối với những người đang kế tục sự nghiệp dựng xây đất nước để họ hiểu hơn về giá trị của hòa bình, để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục đóng góp sức lực vào công cuộc giữ gìn ANCT, trật tự an toàn xã hội.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc và toàn thể lực lượng Công an Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội bày tỏ lòng tri ân và biết ơn vô hạn đối với các liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, các bác, các cô, các chú là các cán bộ Công an Thủ đô đã từng lăn lộn công tác, chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong kháng chiến chống Mỹ, đó là những người lính chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Trong hòa bình, những cán bộ chiến sỹ ấy tiếp tục miệt mài đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ nhân dân, đặc biệt là tham gia đóng góp nhiều ý kiến giá trị với Công an TP về công tác xây dựng lực lượng, và công tác đảm bảo an ninh trật tự. Những hoạt động đó mang ý nghĩa to lớn, không chỉ là nhịp cầu gắn bó tình đồng chí, đồng đội mà còn có tác dụng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, cổ vũ động viên các thế hệ chiến sỹ Công an Thủ đô hôm nay về tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Video đang HOT
Nhấn mạnh buổi gặp mặt nghĩa tình này là sự tiếp lửa truyền thống cách mạng, gửi gắm tâm huyết tới thê hệ hôm nay, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói: “Cán bộ Công an Thủ đô luôn nhận thức sâu sắc rằng những chiến công thành tích của Công an Hà Nội bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ chiến sĩ thì còn có một phần đóng góp rất quan trọng của các bác, các cô, các chú – những người luôn theo sát, ủng hộ và giúp đỡ các hoạt động của Công an Thủ đô. Chúng cháu, những thế hệ kế tiếp xin hứa với các bác các cô, các chú sẽ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, mong rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các bác, các cô, các chú sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, TTATXH, vào sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an Thủ đô chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Đại tá Nguyễn Duy Suất, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng Cục chính trị Công an nhân dân trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an cho đồng chí Nguyễn Đình Thành, nguyên Giám đốc CATP và đồng chí Nguyễn Xuân Thảo, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng phòng Tổ chức CAHN
Tại buổi gặp mặt, CATP đã tổ chức trao thưởng 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và 8 giấy khen của Giám đốc CATP đối với các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam.
Những cảm xúc không thể quên
Ông Trần Vĩnh Long (80 tuổi, nguyên cán bộ Công an quận Đống Đa, chi viện chiến trường Bình Trị Thiên): Cảm xúc khó tả. 40 năm mà hôm nay mới như ngày nào chúng tôi xách ba lô vui vẻ lên đường. Tới đây, nhìn hội trường khang trang, hiện đại của Công an Hà Nội mà tôi thấy rất mừng bởi sự không ngừng lớn mạnh của Công an Hà Nội.
Bác sỹ Bùi Thế Truyền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện CATP, chi viện chiến trường Quảng Đà): Thật mừng khi được gặp lại các đồng chí đồng đội hôm nay. Làm nhiệm vụ quân y khi chi viện miền Nam, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, đây cũng là dịp ý nghĩa dể chúng tôi cùng ôn lại những kỷ niệm, cùng nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hi sinh.
Đại úy Phạm Thùy Dương (Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư CATP): Cách đây 1 tuần tôi có được cùng đoàn công tác CATP lên Hà Giang. Đứng dưới cột cờ Lũng Cũ mà bao cảm xúc tự hào dâng lên. Hôm nay, tại cuộc gặp mặt này, tôi lại một lần nữa được nghe kể lại những ngày tháng chiến đấu hào hùng của thế hệ đi trước. Để xứng đáng với sự hinh sinh của bao lớp cha, mỗi ngày chúng tôi sẽ phấn đấu làm tốt từng công việc nhỏ nhất để phục vụ nhân dân.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:
Đồng chí Quách Văn Biền – Trưởng Ban liên lạc Công an Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh tặng tranh Công an Hà Nội
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1), và đồng chí Vũ Thọ Xương (nguyên Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, cán bộ tham gia chi viện chiến trường miền Nam) cùng giao lưu, kể lại những kỷ niệm về những ngày tháng hào hùng năm nào.
Những cái bắt tay giữa của đồng chí, đồng đội năm xưa
Những bông hoa đỏ thắm trên ngực những người lính năm nào như nhắc lại một thời hoa lửa hào hùng
Những bức ảnh kỷ vật được chuyền tay nhau…
Thế hệ trẻ Công an Hà Nội hôm nay tri ân những lớp cha anh đi trước
Niềm vui khi hai thế hệ gặp nhau
Những chiến sỹ trẻ ân cần tiếp đón các bậc lão thành
Theo An Ninh Thủ Đô
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: 13 năm làm "nội tướng" đảm đang việc nhà
Dù đã sắp bước vào tuổi cửu thập, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn minh mẫn lạ thường. Chiến tranh đã lùi xa, người chỉ huy năm xưa hiện là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại để bao gia đình quay trở lại mảnh đất bom đạn xưa, giờ đã hồi sinh bằng bạt ngàn cây trái để tìm lại nắm xương, mảnh kỷ vật chôn sâu trong đất mẹ. Với gia đình, tướng Thước lại thay người vợ bị mắc cơn tai biến đã 13 năm qua "đảm việc nhà".
Hằng ngày, thông qua sách báo và kênh riêng của mình ông vẫn cặm cụi thu thập các thông tin về tình hình đất nước để có những đóng góp sáng suốt, kịp thời cho Đảng, cho dân...
Chăm vợ ốm và đóng góp ý kiến cho dân, cho nước là công việc hằng ngày của Tướng Thước.
Viết tiếp câu chuyện tình yêu
Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp tướng Thước là sự niềm nở, thân thiện, giọng nói sang sảng, tư duy mạch lạc, không mang chút nào dấu ấn của tuổi tác. Ông sống cuộc đời thanh nhàn, ấm áp trong ngôi nhà đơn sơ cùng với người vợ bị tai biến trong con ngõ nhỏ trong khu phố thuộc phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Hằng ngày, vị tướng già tự tay làm mọi việc, sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, trật tự như điều lệnh quân đội. Gia đình nho học, thanh cao, đạo nghĩa ảnh hưởng nhiều đến trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên tư lệnh Quân khu 4 .
Câu chuyện tình yêu của vị tướng trận với người vợ khiến nhiều người xúc động. Hằng chục năm qua, hình ảnh ông lão hằng ngày đẩy vợ trên chiếc xe lăn đã trở nên quá thân thuộc với những người hàng xóm: "Thời chiến, tôi đi đánh giặc, bà ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con. Thời bình, bà ốm, tôi lại về chăm bà. Tình vợ chồng là nghĩa tao khang" - tướng Thước nói.
Chiến tranh qua đi, cứ ngỡ ông trở về vui thú điền viên, sống cảnh vợ chồng chăm nhau thì bà mắc cơn tai biến. 13 năm qua, đó là thời gian tướng Thước thay vợ "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Công việc hằng ngày của ông chăm vợ chẳng khác nào chăm con mọn khi phải nâng đỡ bà với mọi sinh hoạt trên chiếc xe lăn. Ông vui với niềm vui như được bù đắp bao tháng ngày vất vả cho vợ khi luôn tự tin gọi công việc hằng ngày đẩy xe lăn cho vợ là tập luyện thể dục.
"Ngày xưa khi vợ còn khỏe, ngày nào chúng tôi cũng cùng nhau đi bộ mấy vòng khu phố. Từ khi bà lâm bệnh, cả ngày tôi làm công việc bưng, bê đồ ăn, thức uống, rồi nâng đỡ vợ lên xe, xuống xe... Công việc ấy cũng không khác gì lao động chân tay. Chẳng có thời gian cho việc luyện tập, tôi coi đó cũng chính là lúc rèn luyện thân thể" - tướng Thước chia sẻ.
Dù vất vả, gian truân là vậy, nhưng khi nói về người vợ trên gương mặt ông vẫn luôn rạng ngời hạnh phúc. Mặc dù chăm sóc một người vợ ốm đau, dù có dễ tính đến mấy cũng không tránh khỏi sự trái tính, trái nết mỗi khi "trái gió, trở trời". Tuy vậy, không một chút phàn nàn, tướng Thước còn hài hước: "Đôi khi chỉ đạo vợ còn thấy khó khăn hơn cả 3 vạn quân".
Không chỉ là người "quản gia" chuyên nghiệp, tướng Thước được con cháu trong nhà tôn vinh là "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao" của cả gia đình. "Do vợ ốm, con cháu bận rộn nên các hoạt động, từ phụ nữ, tổ dân phố, sinh hoạt phường, quận.... tôi đều đại diện tham gia", tướng Thước cho biết.
Ông chia sẻ, vợ chính là hậu phương vững vàng để ông xông pha và hy sinh vì lý tưởng của mình. Và ai hiểu, phận "nữ nhi thường tình" của bà Thước chính là ngọn nguồn sức mạnh để ngực ông lấp lánh những tấm huy chương chiến công. Vợ đau ốm liên miên, trở về đời thường ông cũng thay bà dạy dỗ con cháu. Hai người con gái, trai và dâu hiền, rể thảo của tướng Thước sau này cũng đều noi gương cha, họ là những người lính vững tay súng thời bình.
Đi tìm đồng đội để tri ân với tổ quốc
Gìn giữ nếp nhà theo đúng nghĩa của một "nội tướng", trở về với thú điền viên, người tướng già còn nhiều trăn trở. Ông đã có nhiều đêm không ngủ, nghĩ về bao đồng đội còn nằm lại chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Là tư lệnh một quân khu, rồi trực tiếp chỉ huy bao đơn vị thiện chiến khiến quân địch "thất điên, bát đảo", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn hiểu rằng: " Không bao giờ được "ngủ quên trên chiến thắng" - quên đi máu xương đồng đội, đồng bào, đồng chí của mình đã ngã xuống vì màu cờ thiêng liêng của tổ quốc".
Khi còn đương chức, ông đã rất quan tâm tới chính sách hậu phương, lo sao đưa được hơn 1 vạn đồng đội của mình còn nằm đâu đó nơi đầu non, cuối bãi được quy tập trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, tổ quốc.
Đi suốt cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, con số khoảng 3 vạn chiến sĩ của quân đoàn Tây Nguyên lẫy lừng dưới sự chỉ huy của ông vẫn là một con số nhức nhối, nhất là khi vẫn còn 1/3 trong số những người con ưu tú đó chưa trở về. Ở cái tuổi hơn cả "xưa nay hiếm", ngôi nhà giản dị của tướng Thước hiện vẫn là địa chỉ đỏ để bao gia đình tìm đến thăm hỏi tin tức con em mình. Bằng tài trí mẫn tiệp của người chỉ huy đại tài, tướng Thước đã mày mò lưu trữ những tài liệu của bao trận đánh lớn, nhỏ trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt để đưa ra những con số chính xác về sự hy sinh, mất mát của đồng đội.
Người chỉ huy năm xưa giờ đây là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại để bao gia đình quay trở lại được mảnh đất bom đạn xưa, giờ đã hồi sinh bằng bạt ngàn cây trái để tìm lại nắm xương, mảnh kỷ vật chôn sâu trong đất mẹ. Tướng Thước đã tự nguyện làm công việc nhân nghĩa, đi tìm đồng đội suốt bấy nhiêu năm nay như một cách ông tri ân với Đảng, với tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp cả đời ông nguyện cháy hết mình phụng sự. Đúng như ông nói:" Cuộc đời mình gắn với Đảng, nhờ có đảng mới có ngày hôm nay. Đảng có thể bỏ tôi, còn tôi không bao giờ bỏ Đảng...".
Trăn trở việc nước bên chiếc xe lăn của vợ
Tướng Thước cho biết thêm: "Mình may mắn sinh ra đúng ngày thành lập Đảng (3.2) nên việc ông nguyện một lòng theo Đảng, hy sinh lợi ích cá nhân vì tổ quốc cũng là điều hiển nhiên".
Thời kỳ trước năm 2002, khi còn trên cương vị Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam và tham gia các kỳ quốc hội với tư cách "ông nghị", đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của bà con quê hương Nghệ An, từ nghị trường Quốc hội xuất hiện câu "thành ngữ": Nhất Thước - nhì Trân - tam Lân - tứ Quốc (ĐB Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và ĐB Dương Trung Quốc). Đây là những câu nói vui đầy cảm phục và yêu mến mà cử tri cả nước muốn nhắc tới những người như Tướng Thước - là người châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường, nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trên cương vị Đại biểu Quốc hội đóng góp tâm sức cho quốc kế dân sinh thời kỳ đổi mới, người tướng già đã nổi danh là người cương trực, dám nói thẳng nói thật và nói trúng những thói hư tật xấu để mong muốn xã hội tốt đẹp hơn. Tính cách này dường như huyết quản chảy sẵn trong con người ông mà theo ông nó có được từ thời trai trẻ, khi ông nguyện một lòng theo Đảng.
Tướng Thước bồi hồi nhớ về 48 năm trận mạc với niềm tin mãnh liệt là chưa khi nào ông bỏ vị trí chiến đấu, là người đi đầu hàng quân. Lăn lộn hết chiến trường Tây Nguyên khói lửa rồi biên giới Tây Nam và đi khắp rẻo đất Việt, dấu chân người lính của tướng Thước chính là những trận đại thắng. Rất hiếm khi muốn tự nói về mình, dù trong những lúc cao hứng khi trò chuyện với PV Báo Lao Động, người tướng già vẫn không quên nhấn mạnh rằng tất cả chiến công chói lọi mà ông giành được suốt đời binh nghiệp đều bắt đầu từ ngọn nguồn ánh sáng Đảng đưa đường chỉ lối.
Cuộc đời Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một chuỗi dài những trận đánh. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết mặt trận này đến mặt trận khác. Ở mặt trận nào, ông cũng là người lính dũng cảm, can trường.Và giờ đây, khi đã nghỉ chế độ hưu trí, hằng ngày ông vẫn cặm cụi thu thập các thông tin về tình hình đất nước để có những đóng góp sáng suốt, kịp thời cho Đảng, cho dân...
Trong căn phòng nhỏ bé, rất ít đồ đạc, ông lục tìm và đưa chúng tôi xem những tập tài liệu do chính ông viết tay. Đó là những bài viết ông đóng góp ý kiến cho dân, cho nước. Trước mỗi vấn đề lớn của đất nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đều tận tụy gửi tâm thư tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cống hiến quốc sách. Từ vấn đề đấu tranh khôn khéo bảo vệ chủ quyền đất nước, dân chủ trong Đảng, chống giặc nội xâm là tham nhũng cho đến những vấn đề khiến dư luận quan tâm gần đây như biệt thự nhà ông Trần Văn Truyền... đều được người tướng già tập trung công sức, trí tuệ của mình để có những ý kiến vì đại nghiệp hùng cường đất Việt.
"Năm 2002, tôi nghỉ về chăm sóc vợ. Có vấn đề gì liên quan đến đất nước, Đảng, lợi ích của dân tôi đều có những văn bản kiến nghị lên Ban Bí thư. Tôi viết những suy nghĩ bên cạnh chiếc xe lăn của vợ đã 12 năm. Đấu tranh với những tiêu cực, sai trái trong Đảng chứ không phải đấu tranh với Đảng. Gần đây tôi có góp ý về vấn đề tham nhũng, giàn khoan Hải Dương 981, dự án trên đèo Hải Vân... Không có vấn đề gì liên quan đến quốc gia, biển, đảo... mà tôi không góp ý cả" - người tướng già cho biết.
Năm 2014 đầy khó khăn đi qua, đất nước vững bước tự tin bước vào năm mới với những dấu hiệu đầy may mắn kỷ niệm trọng thể 85 năm sinh nhật Đảng (3.2.1930 - 3.2.2015), 40 năm giang sơn thu về một mối (30.4.1975 - 30.4.2015)... trong lòng người tướng già lại khấp khởi lạ thường với dự cảm về tương lai sáng lạn của đất nước bước vào năm mới 2015.
Theo Thu Huyền
Lao Động
Những tân binh náo nức ra quần đảo Trường Sa Những người được ra đảo làm nhiệm vụ lần này đều rất vinh dự, tự hào và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Những ngày này, 4 con tàu của Vùng 4 Hải quân đưa các cán bộ, chiến sỹ ra nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Những người được ra đảo làm nhiệm vụ lần này đều...