Cuộc “hội ngộ” các Mẹ VNAH quy mô nhất từ trước đến nay
“Đây là lần gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng quy mô nhất từ trước tới nay nên công tác đón tiếp, phục vụ và tổ chức các hoạt động bên lề của các đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tổ chức chu đáo.
Các địa phương khó khăn đến mấy cũng phải đưa các Mẹ về Thủ đô dự lễ”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tặng quà Mẹ VNAH Trần Thị Tư (TP Phan Thiết, Bình Thuận)
Đó là một trong những hoạt động lớn nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ: Chương trình gặp mặt Đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc năm 2020. Đây cũng là hoạt động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Dự kiến có khoảng 300 Bà mẹ VNAH đủ điều kiện sức khoẻ sẽ có mặt tại Thủ đô và tham gia các hoạt động của chương trình gặp mặt Đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc năm 2020 diễn ra từ ngày 23 – 25.7. Các Bà mẹ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự buổi gặp mặt do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì vào ngày 24.7. Đặc biệt, chương trình Gặp mặt đại biểu Bà mẹ VNAH sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV vào sáng ngày 25.7.
Theo Bộ LĐ,TB&XH, toàn quốc có tổng số 139.000 Bà mẹ VNAH nhưng hiện nay có 4.968 mẹ còn sống, trong đó có rất nhiều mẹ tuổi đã cao, sức yếu, đi lại rất khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Tấn Dũng, các Bà mẹ VNAH đang sống tại 60 tỉnh, thành phố, hiện có ba địa phương không còn Bà mẹ VNAH là Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang. “Đây là điều mà ngành LĐ,TB&XH trăn trở rất nhiều. Chương trình gặp mặt lần này là một sự kiện rất nhiều ý nghĩa và năm nay cũng là năm có nhiều lễ trọng đại của đất nước. Ngoài việc gặp gỡ Bà mẹ VNAH, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện việc gắn những địa chỉ cho những tổ chức, cá nhân tiếp tục chăm lo phụng dưỡng các mẹ. Thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện hiệu quả việc này, và tới đây chúng ta phải tiếp tục làm, phải làm thường xuyên”, Thứ trưởng Dũng nói.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước đã có quyết định dành kinh phí hơn 330 tỉ đồng được lấy từ ngân sách nhà nước năm 2020 để tặng quà cho người có công. Bộ LĐ,TB&XH đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thành trao tặng phần quà này trước ngày 27.7, đồng thời chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách từ Trung ương đến các địa phương trên cơ sở triển khai đồng bộ các hoạt động. Trong đó có việc tập trung hoàn chỉnh lại công trình ghi công liệt sĩ. Ông Lê Tấn Dũng cho biết, qua khảo sát đã phát hiện ở nhiều nơi, ở nhiều nghĩa trang liệt sĩ, trên các bia mộ vẫn còn ghi những thông tin không đúng quy định. Ví dụ, tên bia mộ ghi là “liệt sĩ vô danh” hoặc “liệt sĩ chưa biết tên”… Về việc này, Bộ đã có công điện gửi các địa phương và văn bản yêu cầu các địa phương phải hoàn tất công tác điều chỉnh tên của liệt sĩ mộ chưa xác định được thông tin thì phải điều chỉnh lại theo Thông tư 13 của liên Bộ LĐ,TB&XH và Tài chính.
Theo đó, những ngôi mộ này phải được ghi là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. “Tôi được biết nhiều địa phương trong toàn quốc cũng đã hoàn thành tốt. Tới đây chúng tôi cũng sẽ cùng các địa phương kiểm tra thực tế. Kinh phí thực hiện có rất nhiều nguồn, trong đó có nguồn hỗ trợ từ Trung ương thông qua các chính sách hỗ trợ về các công trình ghi công liệt sĩ, thứ hai là một phần từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, một số địa phương cũng linh hoạt, huy động các nguồn lực xã hội hoá để tham gia góp phần có chỉnh trang tất cả nghĩa trang”, Thứ trưởng Dũng nói.
Video đang HOT
Liên quan đến việc xác định danh tính của liệt sĩ còn thiếu thông tin, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng quyết tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhiều mộ, hài cốt liệt sĩ có một vài kỷ vật giúp cho việc tìm kiếm dễ dàng hơn nhưng cũng có những hài cốt hoàn toàn không có gì thì các cơ quan chức năng phải kết hợp các chương trình, phong trào đi tìm đồng đội hiện nay, đặc biệt là của các cựu chiến binh. Đồng thời, kết hợp với thực hiện phương pháp khoa học, đó là tiến hành giám định ADN. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó khăn và mất thời gian khá lâu bởi chiến tranh đã lùi xa, có nhiều trường hợp các cô, các chú đã hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi tới giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, trong khi có rất nhiều hài cốt ở những vùng ngập sâu, vùng cao nguyên… nên có sự phân hóa rất nhanh.
Vì vậy, có trường hợp lấy mẫu không đảm bảo, không đạt yêu cầu về chất lượng, dẫn đến khó khăn trong việc đối chiếu. “Tuy nhiên, khó khăn cũng phải làm, mà làm hết sức mình. Nơi nào mà lóe lên được một thông tin trong việc tìm hài cốt, chúng tôi cũng sẵn sàng vào cuộc để cùng với các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân để làm thế nào tìm được tên của liệt sĩ , để gắn vào bia mộ, giảm số lượng mộ liệt sĩ chưa biết được thông tin”, ông Dũng nhấn mạnh.
Năm 2020 không còn hộ nghèo là người có công
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC).
Nhiều chính sách ưu đãi NCC đã được ban hành. Số liệu thống kê cho thấy đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn hơn 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là NCC, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện.
Nâng mức trợ cấp, hỗ trợ toàn diện đối với NCC
Cả nước hiện có 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 nghìn thương binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận... Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để gia đình NCC với cách mạng sống dưới mức trung bình của cả nước, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC đã không ngừng hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo NCC có một cuộc sống tốt và không bỏ sót NCC. Trong đó, đối tượng NCC ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Tính đến năm 2018, mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi NCC là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, BHYT, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...). Giai đoạn 2012 - 2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412 gia đình NCC làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng... đã góp phần động viên NCC và thân nhân NCC ổn định cuộc sống. Riêng dịp 27/7, mỗi năm Nhà nước dành khoảng hơn 300 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước để tặng quà đối tượng NCC.
Tuy nhiên, thống kê về giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn hơn 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC. Con số này chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Cụ thể, 2 tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình. Từ hơn 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh. Từ hơn 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh. Từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh, dưới 100 hộ có 13 tỉnh. Ngoài ra, 10 tỉnh đã không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC là: Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo cho biết, do đặc thù của từng vùng, địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC có nhiều, cả chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa... và khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học).
Huy động các nguồn lực giúp NCC thoát nghèo
Để thực hiện mục tiêu "phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú", năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 58 là 1.624.000 đồng (quy định tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng). Nghị định 58 quy định mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: Diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới... cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (năm 2012), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định mới cho phù hợp, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NCC cùng thân nhân, gia đình của họ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội đối với NCC, gia đình NCC.
Từ các nguồn hỗ trợ, nhiều tấm gương người có công với cách mạng vươn lên làm giàu.
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số chế độ trợ cấp ưu đãi, trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần cũng đang được nghiên cứu đề xuất. Theo đó sẽ hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC thông qua các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cụ thể như chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCC vay vốn đầu tư sản xuất.
Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Để góp phần giảm nghèo cho các hộ có thành viên là NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ luôn yêu cầu các địa phương cần bảo đảm kịp thời chính sách, không để chậm trễ với NCC. Song song với đó cần quan tâm giúp NCC và thân nhân của họ tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, khởi nghiệp, học nghề... nâng dần ưu tiên cho các đối tượng NCC nằm trong hộ nghèo. Để tạo đột phá trong chính sách giảm nghèo cho NCC rất cần sự quyết liệt, sáng tạo hơn nữa.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần ưu tiên cho đối tượng hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC. Đối với hộ nghèo thuộc chính sách NCC mà các thành viên trong hộ không có khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho từng gia đình vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch xóa nghèo đối với gia đình có công với cách mạng gắn với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng".
NGUYỄN SÍU
Theo Dansinh
Tháng của sự tri ân! Cùng với cả nước, An Giang tích cực thực hiện các hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách và người có công trong tháng 7 này. Đó là những nghĩa cử nhằm ghi nhận, trân trọng sự hy sinh của thế hệ cha anh để quê hương An Giang phát triển như hôm...