Cuộc giao lưu kỳ lạ giữa Hoàng Sa
“Có lẽ đây là chương trình tuyệt vời nhất mà tôi được tham gia. Tôi cảm phục ý chí của các bạn, dù ở đây có nhiều hiểm nguy đe dọa nhưng các bạn vẫn rất tỉnh táo và yêu đời”, Ông Robert Marthew McPride (người Anh, phóng viên đài Al Jazeela) nói về cuộc giao lưu.
Sau cả ngày quần nhau quyết liệt với các tàu hung hãn của Trung Quốc tại khu vực đặt giàn khoan trái phép, tối ngày 14/6, tàu CSB 4033 tổ chức chương trình giao lưu “Hát với biển đảo Hoàng Sa” với sự tham gia của các phóng viên nước ngoài.
Đại tá Võ Văn Kính, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2, người gợi ra ý tưởng chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt này, kể: “Dự kiến ngày 15/6, hơn một chục phóng viên các hãng thông tấn, báo chí lớn của quốc tế sẽ được chuyển sang tàu khác để về lại đất liền sau gần 1 tuần họ trực tiếp tác nghiệp tại thực địa khu vực đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc.
Tác phong sinh hoạt hòa nhã, vui vẻ cùng thái độ tác nghiệp rất chuyên nghiệp của họ khiến anh em trên tàu ai cũng quý mến. Bịn rịn lúc chia tay, nên chiều đó tôi quyết định cùng anh em tàu CSB 4033 tổ chức một cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ để chia tay các bạn phóng viên nước ngoài”.
Từ phác thảo ban đầu, ông Kính trực tiếp thiết kế “sân khấu” chương trình với tên gọi “Hát với biển đảo Hoàng Sa”, phông sân khấu là một tờ bìa cứng khổ lớn, vẽ cách điệu bản đồ Việt Nam với các quần đảo của Tổ quốc bằng bút mực.
Chiều, sóng gió Hoàng Sa trở nên dịu hơn so với những ngày trước. Trời không mưa, nên trăng rằm hiện lên rất sớm. Cán bộ chiến sĩ toàn tàu cùng hàng chục nhà báo trong nước và quốc tế quây quần trên boong tàu chao đảo ngả nghiêng. Không có loa đài, nhạc cụ, diễn viên cũng chính là khán giả.
MC dẫn chương trình chính là đại tá Kính. Sau bài phát biểu ngắn gọn và lời cảm ơn các bạn phóng viên quốc tế, ông Kính bắt nhịp bài hát “Vì nhân dân quên mình”.
Cả tàu, cả các vị khách đứng sát bên nhau, vừa choãi chân, ôm vai nhau nghiêng người chống lại những cú chao đảo trên sóng biển Hoàng Sa, vừa hát say sưa.
Các phóng viên nước ngoài lên hát giao lưu cùng Cảnh sát biển Việt Nam
Suốt một tuần trải nghiệm giữa biển trời Hoàng Sa đầy sóng gió, “tam ca nam” người Pháp gồm: Pluno Laymond Phillip (phóng viên báo Le Monde – Pháp), ông Philippe Alfred Leltien (phóng viên Radio France – Pháp) và ông Võ Trung Dung (phóng viên TV5 – Pháp) cũng say sưa hát về biển đảo quê mình.
Video đang HOT
Bài dân ca thiếu nhi Pháp mang tên “Một con thuyền nhỏ” như một câu chuyện về ước mơ của con người trước biển: “Thuở đó, có một con thuyền nhỏ và một người thủy thủ nhỏ/Ước mơ một ngày nào đó sẽ đi được trên một biển lớn”.
Đại tá Kính đáp lại bằng bài thơ “Đứng giữa Hoàng Sa” do ông vừa viết xong: “Giữa biển trời baola/Bềnh bồng theo con sóng/Trên boong tàu gió lộng/ Dưới biển ngọc Hoàng Sa…”. Rồi cả tàu lại cất lên giai điệu “Tổ Quốc gọi tên mình”. Từ lĩnh xướng của thiếu úy Nguyễn Trung Huỳnh: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Bão tố dập dồn, căng lưới, bủa vây…”.
Những bài hát nước ngoài liên tục kết nối. Không chỉ tham gia hát, các phóng viên của đài TBS (Nhật Bản), Al Jazeela (Quatar), Chanel News Asia (Singapore) còn liên tục quay phim, ghi hình. Có lẽ họ không muốn bỏ lỡ cơ hội bất ngờ và đặc biệt này trong những tin bài, phim, ảnh ghi nhận sự kiện Hoàng Sa thời điểm nóng.
Ông Robert Marthew McPride (người Anh, phóng viên đài Al Jazeela) nói: “Có lẽ đây là chương trình tuyệt vời nhất mà tôi được tham gia. Tôi cảm phục ý chí của các bạn, dù ở đây có nhiều hiểm nguy đe dọa nhưng các bạn vẫn rất tỉnh táo và yêu đời”. Cuộc giao lưu kết thúc bằng bữa liên hoan với cá, mực tươi vừa vớt từ biển lên. Tối đến, các phóng viên tập trung xem bóng đá World Cup ngay trên tàu.
Suốt những ngày có mặt trên tàu CSB 4033, các phóng viên quốc tế đã nhiều phen thót tim trước những cuộc quần nhau quyết liệt giữa tàu CSB 4033 cùng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam với các đội tàu hung hãn của Trung Quốc tại nơi họ đặt giàn khoan trái phép.
Phía mạn phải tàu CSB 4033, cách không xa “sân khấu” nơi các cán bộ và phóng viên đang hát, có một miếng vá to gần bằng chiếc chiếu. Ngày 3/5/2014, vừa có mặt tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ngay hôm sau tàu CSB 4033 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44044 lao vào đâm rách mạn phải tàu. Tuy nhiên, tàu của Trung Quốc cũng bị rách mũi, mất mỏ neo, chết cả ba máy.
Cũng từ đó đến nay, tàu CSB 4033 luôn trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của các loại tàu Trung Quốc. Thuyền trưởng sinh năm 1983, quê vùng biển Đức Phổ (Quảng Ngãi) – Lê Trung Thành bình thản nói: “Anh em trên tàu CSB 4033 phần lớn đều trẻ, luôn bản lĩnh, gan góc, nhưng cũng hết sức lạc quan, yêu đời!”.
Theo Trần Tuấn (Tiền Phong)
Sai lầm trong tính toán liều lĩnh trên biển của TQ
Quân đội TQ nghĩ rằng nếu họ tỏ ra nguy hiểm, đối phương sẽ phải chịu nhượng bộ để tránh xung đột.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa không quân và hải quân với quy mô "chưa từng có trong lịch sử" nhằm chuẩn bị cho các cuộc xung đột trên không và trên biển trong khu vực.
Trong quá trình Bắc Kinh theo đuổi tham vọng đó, điều mà các chuyên gia quan sát quốc tế dễ dàng nhìn nhận thấy là quân đội Trung Quốc đang có những hành vi khiêu khích ngày càng liều lĩnh hơn, bất chấp các thông lệ và luật pháp quốc tế hơn. Bài phân tích sau đây của chuyên gia Michael Mazza thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Công của Mỹ sẽ làm sáng tỏ hơn về chính sách này của Trung Quốc.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, chiến đấu cơ Trung Quốc đã hai lần bay cắt mặt một cách liều lĩnh trước máy bay quân sự của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, có lúc áp sát ở khoảng cách chưa đầy 30 mét. Đây chỉ là những diễn biến mới nhất trong một loạt những hành động nguy hiểm mà giới quân sự Trung Quốc thực hiện trên không và trên biển trong thời gian qua.
Hình ảnh Su-27 Trung Quốc áp sáp được phi công Nhật Bản chụp lại
Hồi tháng 12 năm ngoái, một tàu chiến Trung Quốc gần như đâm thẳng vào tàu chiến USS Cowpens của Mỹ, chạy cắt mặt chiếc tàu tuần dương này trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Hành vi quấy nhiễu tàu chiến Mỹ đã diễn ra trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc trong nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên một sự cố nguy hiểm như vậy xảy ra giữa hai con tàu có trang bị vũ khí.
Hồi đầu năm 2013, tàu chiến Trung Quốc thậm chí còn sử dụng radar kiểm soát hỏa lực để "khóa mục tiêu" vào một tàu khu trục và một trực thăng của Nhật Bản. Việc "khóa mục tiêu" này là bước đầu tiên để tàu chiến có thể phóng tên lửa vào các mục tiêu đã định, và nó chỉ kém hành động khai hỏa một chút về mức độ khiêu khích.
Trong các vụ việc trên, nguy cơ xảy ra đụng độ kinh hoàng trên không và trên biển đã tránh được nhờ vào tính nhẫn nại của những người bị máy bay, tàu chiến Trung Quốc khiêu khích, quấy rối. Nếu không nhờ sự điềm tĩnh của các phi công Nhật, sự lão luyện của các thuyền trưởng Mỹ, bất cứ sự cố nào cũng có thể bùng phát thành một cuộc xung đột khiến tình hình trở nên rất khác.
Vậy tại sao các lực lượng Trung Quốc lại hành động một cách liều lĩnh như vậy trên không và trên biển? Việc các binh sĩ Trung Quốc thực hiện những hành vi như trên hết lần này đến lần khác chứng tỏ đây không phải là những hành động bột phát. Thay vào đó, đây là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển xung quanh và thay đổi các quy tắc hành xử trên vùng biển và không phận quốc tế.
Tàu Trung Quốc suýt đâm thẳng vào tàu USS Cowpens của hải quân Mỹ
Theo cách nghĩ của các chiến lược gia Trung Quốc, nếu quân đội Trung Quốc tỏ ra "nguy hiểm" đối với lực lượng của Mỹ và Nhật hoạt động thường xuyên trên các vùng biển và vùng trời này, Mỹ và Nhật sẽ phải e sợ mà chùn bước.
Chính sách thách thức của Trung Quốc được thực hiện dựa trên một số giả thuyết. Trong giả thuyết đầu tiên, Trung Quốc cho rằng đối phương luôn là kẻ đầu tiên muốn tránh những vụ va chạm khủng khiếp.
Thứ hai, các chiến lược gia Trung Quốc nghĩ rằng đối phương của họ đều muốn tránh các xung đột trong thực tế. Và thứ ba, Trung Quốc giả thuyết rằng quân đội Mỹ và Nhật với kinh nghiệm và trình độ của mình sẽ là phía phải kiềm chế trước những hành động liều lĩnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây là những giả thuyết vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc. Điều quan tâm đối với Nhật Bản hiện nay là các vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tương lai của khu vực. Trong khi đó, điều khiến Mỹ lo ngại lại là trật tự thế giới do Mỹ thiết lập đang có nguy cơ bị Trung Quốc đe dọa.
Mặc dù các quan chức Nhật và Mỹ đều không muốn chứng kiến xung đột hay sự thù địch nổ ra ở châu Á, song họ sẽ không để Trung Quốc "quá đà" và tự tung tự tác trên không, trên biển.
Mỹ, Nhật sẽ không thể để Trung Quốc "quá đà" trong khu vực
Trong thực tế, những hành động gây ra "việc đã rồi" để chiếm quyền kiểm soát các hòn đảo tranh chấp và thực thi các biện pháp để đẩy đối phương ra xa khỏi bờ biển của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia láng giềng và Mỹ cảm thấy bị đe dọa và dễ tổn thương hơn, làm tăng nguy cơ nổ ra xung đột trong khu vực.
Ngoài ra, có một điều mà Trung Quốc chưa lường hết được trong các toan tính của mình. Mặc dù các binh sĩ Mỹ và Nhật Bản là những người đã được huấn luyện kỹ càng và có tinh thần kỷ luật tốt, song họ vẫn chỉ là những con người đang hoạt động trong các tình huống căng thẳng. Con người luôn phạm sai lầm, đặc biệt là trong những tình huống như vậy, khiến hành vi của họ gần như không thể lường được.
Điều gì sẽ xảy ra nếu viên thuyền trưởng tàu khu trục của Nhật khi phát hiện ra rằng tàu Trung Quốc đang khóa mục tiêu radar vào tàu mình, viên sĩ quan này quyết định rằng cách tốt nhất để bảo vệ thủy thủ đoàn của mình là cũng hướng tên lửa vào đối phương, thậm chí là khai hỏa trước?
Trung Quốc đang cố tình sử dụng lực lượng quân sự của mình theo một phương cách được tính toán từ trước, khiến cho nguy cơ xảy ra xung đột hoặc tính toán sai lầm ngày càng cao hơn, trong khi họ lại hy vọng rằng đối phương sẽ phải nhượng bộ. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc đang ngày càng mất kiên nhẫn. Sự mất kiên nhẫn này có thể đẩy tình hình an ninh và hòa bình của khu vực vào một thảm họa không thể lường trước được.
Theo Khampha
Cái gai giữa biển làm nhức nhối ASEAN Cựu cố vấn An ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo về mối nguy hiểm đối với an ninh và ổn định của ASEAN, nếu Trung Quốc hoàn thành căn căn quân sự tại bãi đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam Chính phủ và Bộ Ngoại giao...