Cuộc giải cứu bất thành ở phía Tây Hà Nội
Đại lộ Thăng Long những ngày cuối năm, một bên giới nhà giàu nô nức đón giáng sinh và năm mới, còn bên kia, các dự án vẫn im lìm. Một bức tranh ảm đạm xám xịt về những biệt thự tiền tỷ hoang lạnh, những dự án um tùm cỏ mà các ông chủ ra sức giải cứu nhưng bất thành.
Cùng với sự xuống dốc của thị trường BĐS, các dự án đô thị phía Tây Hà Nội một thời từng là niềm mơ ước của các “đại gia” địa ốc nay trở thành dự án “chết”, cùng với đó là hàng chục nghìn tỉ của nhà đầu tư đang bị “chôn” vào đất mà không biết bao giờ lấy lại được.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai khoảng 370 dự án khu đô thị, phần lớn tập trung ở các vùng ven đô phía Tây như: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ… Nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.
Dãy biệt thự bỏ hoang xám xịt trong thời gian dài
Khảo sát cho thấy, hàng loạt biệt thự đã được xây với số tiền cả bạc tỉ tại các khu đô thị mới như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung – Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco,… Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Biệt thự bỏ hoang giờ trở thành nơi tá túc cho người lao động nghèo. Họ tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu.
Đi vào khu vực nội đô, bức tranh xám của thị trường lộ rõ qua các tòa nhà chung cư cao tầng dừng thi công, hoen rỉ, chưa biết ngày hoàn thiện. Điều dễ nhận thấy ở các dự án này là sự tham vọng quá lớn của các chủ đầu tư khi vẽ ra những dự án lung linh trên giấy, thu hút người mua nhà và sau đó không đủ năng lực để thực hiện.
Đơn cử như dự án Usilk City sau nhiều năm triển khai, hiện mới có một vài tòa của dự án này đang hoàn thiện, còn lại đều bỏ hoang hay siêu dự án Habico Tower (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi đình đám một thời vì mức giá khủng từ 75-100 triệu đồng/m2 được chào bán năm 2008, đã ngừng thi công tại sàn tầng 9 và đến nay chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
Một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường là các dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm liền quây tôn, cho thuê làm sân bóng, đỗ xe nhưng khó có thể thu hồi được. Nhiều dự án khác có vị trí “đắc địa” cũng có tên trong danh sách bị thu hồi vì chậm triển khai như: Dự án Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân, trên khu đất rộng 1.370 m2, tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông);…
Giải cứu
Video đang HOT
Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án BĐS bỏ hoang tuy nhiên cho tới nay con số thực hiện được vẫn chưa đáng kể. Qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
Nhìn vào diện tích “đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn. Một trong những động thái mới nhất của Hà Nội là kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Nhằm tạo lối thoát cho nhiều dự án, Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Thống kê trong hai năm 2013 và 2014 cho thấy, các giao dịch tăng trưởng liên tục, trong đó tiêu biểu là sức “ nóng” của thị trường nhà ở xã hội và nhà ở thương mại được chuyển đổi.
Hiện cả nước đã có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn ban đầu là 33.867 căn xin điều chỉnh thành 44.881 căn (tăng 11.014 căn). Trong đó, có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 38.897 căn hộ.
Theo đại diện một số đơn vị phân phối, việc tiếp tục cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại căn hộ tại dự án nhà thương mại, nguồn cung căn hộ diện tích nhỏ trong tương lai sẽ tiếp tục được bổ sung. Đây chính là cơ sở để thị trường căn hộ tiếp tục duy trì mức thanh khoản cao, thúc đẩy sự hồi phục nhanh hơn của phân khúc này.
Nhận định về thị trường, ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký VNREA, dự báo, về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015, mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy thị trường đã có cải thiện về thanh khoản, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn.
Theo D.Anh
Vietnamnet
Hà Nội: Làm sổ đỏ 32m2 đất, công dân bị áp thuế gần nửa tỷ đồng
Chủ sở hữu mảnh đất tại 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng đã sử dụng ổn định đất tái định cư từ năm 1984, hàng năm nộp thuế đầy đủ theo quy định. Khi người nhận chuyển nhượng xin cấp sổ đỏ 32,18m2, công dân đã "sốc" vì bị áp thuế gần nửa tỷ đồng.
Trong đơn gửi báo Dân trí và các cơ quan chức năng, ông Nguyên Quy Dương, trú tại P. 204 - C2TT IM10, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh: Phòng Tài nguyên & Môi trường ( TN&MT) quận Thanh Xuân, UBND quận Thanh Xuân đã xem xét nguồn gốc đất tại số 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng không đầy đủ, từ đó dẫn đến việc áp dụng mức thuế 100%, với số tiền phải nộp lên đến hơn 365 triệu đồng, trong khi đất sử dụng ổn định từ năm 1984, hàng năm chủ sử dụng cũ là ông Nguyễn Văn Bình đều hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đơn kiến nghị ông Dương gửi báo Dân trí và các cơ quan chức năng.
Đơn của ông Nguyễn Quý Dương cho biết, nhà và đất số 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng có nguồn gốc thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Bình được UBND quận Đống Đa giao tái định cư theo Quyết định số 3554, ngày 26/4/1984, sau khi triển khai dự án mở rộng cải tạo đường quốc lộ 1A đoạn Đại Cồ Việt - Thường Tín. Sau khi được bàn giao 70m2 đất, gia đình ông Bình đã xây nhà và sử dụng ổn định từ đó đến nay không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại với ai.
Ngày 5/4/2009, ông Nguyên Quy Dương nhận chuyển nhượng 32,18/70m2từ ông Nguyễn Văn Bình. Năm 2014, ông Dương kê khai làm Giấy chứng nhận QSDĐ ( gọi tắt là sổ đỏ) lần đầu phần diện tích đất trên.Sau khi tiếp nhận hồ sơ, UBND phường Phương Liệt tổ chức xét duyệt, niêm yết công khai. Hội đồng xét duyệt xác nhận chủ cũ là ông Nguyễn Văn Bình được giao đất tái định cư vào năm 1984, đất sử dụng ổn định từ đó đến nay.
Khi phường Phương Liệt gửi hồ sơ lên Phòng TN&MT quận Thanh Xuân để thẩm định và xét duyệt, gia đình ông Nguyễn Quý Dương đã bị áp mức thuế sử dụng đất 100%. Theo Thông báo nộp thuế sử dụng đất số 182/TB-CCT, ngày 2/8/2014, của Chi cục thuế quận Thanh Xuân ban hành sau Quyết định cấp sổ đỏ của UBND quận Thanh Xuân, gia đình ông Dương phải nộp thuế sử dụng đất theo mức 10.920.000đ/m2, tương đương 351.406.000đ/32,18m2. Tính thêm thuế chuyển quyền sử dụng đất và phí trước bạ nhà đất, gia đình ông Dương phải nộp tổng cộng 365.462.000đ.
Hợp đồng mua bán giữa ông Dương và ông Bình năm 2009
Nhận được thông báo nộp thuế, gia đình ông Nguyễn Quý Dương đã bị "sốc" nặng, bởi đất ông Dương nhận chuyển nhượng từ ông Bình là đất thổ cư có nguồn gốc sử dụng ổn định từ năm 1984, theo Quyết định giao đất của UBND quận Đống Đa. Hơn nữa, diện tích đất kê khai làm sổ đỏ chỉ rộng 32,18m2, đất lại nằm trong ngõ sâu. Trong khi đó, các hộ liền kề có chung nguồn gốc lại không phải chịu mức thuế sử dụng đất 100%.
Cho rằng mức thuế nêu trên không phù hợp, ông Nguyễn Quý Dương đã 4 lần gửi đơn lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, Phòng TN&MT đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất và mức thuế áp dụng đối với thửa đất tại số 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng, phường Phương Liệt. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình ông Dương chưa nhận được câu trả lời từ phía UBND quận và các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Dương bức xúc cho biết: "Về nguồn gốc đất, tôi có đủ căn cứ xác định việc ông Nguyễn Văn Bình được nhà nước giao đất tái định cư. Đất đã được sử dụng ổn định từ năm 1984, ông Bình ( chủ cũ) đã xây dựng nhà, sử dụng đến nay không xảy ra tranh chấp, không sai quy hoạch. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình tôi tiếp tục sử dụng ổn định từ năm 2009 cho đến nay.
Căn cứ các quy định hiện hành, trường hợp cấp sổ đỏ của tôi thuộc diện không phải nộp thuế sử dụng đất. Việc UBND quận Thanh Xuân xác định nguồn gốc đất không đúng, dẫn đến Chi Cục thuế áp mức thuế sử dụng đất 100% với gia đình tôi là trái với Nghị định 198/2004/NĐ-CP vê thu tiên sư dung đât; trái Thông tư 117/2004/TT-BTC hương dân khoan 4, Điêu 3 Nghi đinh 198/2004/NĐ-CP vê thu tiên sư dung đât; Trái quy định về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, đăng ký biến động đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội được ban hành theo Quyêt đinh sô 13/2013/QĐ-UBND ngay 24/4/2013 cua TP. Ha Nôi.
Ông Dương cho rằng 32,18m2 đất nằm sâu trong ngõ và sử dụng ổn định từ năm 1984 bị áp thuế 100% là không phù hợp.
Để làm rõ vụ đơn khiếu nại của công dân, ngày 7/1/2015, PV Dân trí đã có buổi làm việc với đại diện UBND phường Phương Liệt. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chiến - cán bộ Địa chính phường xác nhận: Thửa đất tại số 9A, ngõ 178/2, đường Giải Phóng có nguồn gốc là đất tái định cư do UBND quận Đống Đa phân cho ông Nguyễn Văn Bình từ năm 1984. Từ khi được giao đất, hộ ông Bình đã xây nhà và sử dụng ổn định. Ngày 5/4/2009, ông Bình làm giấy viết tay bán cho ông Nguyễn Quý Dương 32,18m2, và gia đình ông Dương tiếp tục sử dụng ổn định cho đến nay.
Theo xác nhận của cán bộ địa chính phường Phương Liệt, đầu năm 2014, ông Dương tiến hành kê khai việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Do ông Bình để mất Quyết định giao đất bản gốc, ông Dương phải viết cam đoan việc không còn Quyết định gốc. Ngày 21/3/2014, Hội đồng xét duyệt thông qua và có tờ trình, sau đó Phòng TN&MT thẩm định trước khi UBND quận Đống Đa ra Quyết định cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Ông Chiến cho rằng, chính quyền phường đã thực hiện đúng nhiệm vụ, việc áp dụng mức thuế là do các cơ quan chức năng của quận Thanh Xuân.
Hồ sơ liên quan đến việc xét duyệt cấp sổ đỏ cho hộ ông Nguyễn Quý Dương không thuộc diện tài liệu "mật", hoặc có đóng dấu "mật". Tuy nhiên, khi PV đề nghị được sao chép tài liệu nhằm làm sáng tỏ phản ánh của công dân, ông Nguyễn Lê Lâm - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Liệt đã từ chối cung cấp mà không đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Trong khi gia đình ông Nguyễn Quý Dương bị áp mức thuế sử dụng đất 100%, tương đương 365.462.000đ/32,18m2 , thì có điều nghịch lý là hộ liền kề mua nửa diện tích được cắt ra từ chính thửa đất của ông Nguyễn Văn Bình trước đó ( đất cùng thửa) lại không phải chịu mức thuế sử dụng đất 100% khi làm sổ đỏ, khiến công dân phải đặt ra nhiều dấu hỏi với UBND quận Thanh Xuân và các đơn vị chức năng.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương
Theo Dantri
Hoa quả Tết "hái tận vườn" hét giá khủng Những loại hoa quả vốn có thương hiệu như cam Canh, bưởi Diễn đang trong tình trạng "cháy hàng", bưởi Diễn được bán với giá hàng trăm nghìn mỗi quả. Mấy ngày nay, người dân trồng bưởi Diễn ở xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đều vô cùng phấn khởi vì các vườn bưởi đều "được giá". Có nhà đã...