Cuộc gặp gỡ định mệnh giúp “liệt sĩ” trở về sau 40 năm
Trong một lần anh Ngô Đức Tài đưa ông Được sang Campuchia làm thuê, ông Được đã tình cờ gặp một người quen với thân nhân gia đình ông ở Hải Phòng. Từ đó, manh mối về thân thế của người lính này mới được mở ra…
Cả làng, cả xã chẳng ai tin
Ngày 30/6, phóng viên Dân trí đã về nông trường cao su Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nằm sát biên giới Campuchia để tìm gặp anh Ngô Đức Tài, người đã giúp ông Phan Hữu Được tìm ra thân thế, gia đình của mình ở tận Hải Phòng xa xôi.
Anh Tài là con trai thứ 2 của ông Ngô Văn Đào, người anh nuôi ở Tây Ninh mà ông Được thường gọi là anh Hai. Từ năm 2007, ông Đào lên Đăk Lăk mưu sinh, ông Được chuyển sang ở cùng anh Tài hoặc thi thoảng sang nhà anh Ngô Đức Mạnh là anh trai Tài. Hai anh em Mạnh, Tài thường kiếm việc cho ông Được làm. Khi phóng viên đến nhà, anh Tài đang đi làm thuê ở Campuchia nên chúng tôi chỉ gặp được anh Mạnh.
Anh Ngô Đức Mạnh cho biết: “Nhà tôi trước đây cũng không khá giả gì. Tiếng là nuôi ông Được nhưng thực tế là nhà tôi chỉ cho ông tá túc, lúc nào ông đau ốm không làm việc được thì mình có gì cho ông ăn nấy. Còn khi ông khỏe mạnh thì tôi tìm những công việc lặt vặt như quét lá cao su, nhổ mì… để vợ chồng tôi và ông cùng làm. Khi lĩnh công thì tính tiền chia đều nhau. Nói chung là chủ yếu ông làm ông ăn chứ chẳng cầu cạnh ai. Tính ông tự trọng lắm, mình tỏ ra thương hại là ông mắng ngay”.
Về thân thế ông Được, anh Mạnh cho hay: “Ông ở với nhà tôi cả chục năm mà có ai biết quê quán ông ở đâu đâu. Lâu lâu ông nói mình ở Hải Phòng mà không rõ là nơi nào, lúc lại nói mình là lính cũng chẳng ai tin. Vì nhìn ông thân tàn ma dại, đi đứng không vững vì cái chân đau, lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Thậm chí mới tuần rồi tôi nghe đứa em rể nói là ông Năm Hùng (tên gọi của ông Được lúc ở nhà ông Đào) lên báo, là liệt sĩ trở về gì đó, cũng chẳng ai tin”.
Đến lúc nghe phóng viên kể về thân thế của ông Được, vợ chồng anh Mạnh vẫn còn bất ngờ
Anh Lê Mạnh Đạt, hàng xóm đồng thời là em cột chèo của anh Mạnh, đồng tình: “Hôm rồi tình cờ tôi lên mạng đọc thấy bài báo “Liệt sĩ 40 năm trở về: Ngày về tay trắng” bất ngờ thấy hình ông Năm. Đọc kỹ tui mới hét to lên vì mừng cho ông rồi gọi vợ con vào xem. Sau đó tui phóng xe qua nhà anh Mạnh kể mà ổng cũng không tin, tôi phải chở cả nhà ông ấy qua nhà tui xem mới tin”.
Vừa cười anh vừa bảo: “Đúng là mừng cho ông thật! Có ai ngờ ông là bộ đội, lại là thuyền trưởng nữa chứ. Đến giờ tui vẫn cứ tưởng là chuyện đùa. Tui nói cho anh em trong cơ quan, bà con hàng xóm trong làng mà chẳng ai tin. Vì cả làng, cả xã ai chẳng biết ông ấy ngẩn ngơ, người lớn tuổi đều gọi là ông Năm Cô Đơn, ông Năm Khùng; còn lớp nhỏ như tụi tui thì gọi trại thành ông Năm Hùng hay ông Năm”.
Cuộc kỳ ngộ ở xứ người
Ngày 1/7, anh Tài làm xong việc ở Campuchia, trở về nhà gặp mặt chúng tôi. Anh Tài nói: “Đến em cũng không ngờ là ông tìm lại được người thân của mình, mọi việc xảy ra quá bất ngờ”.
Người giúp tìm ra thân thế cho ông Được cũng bất ngờ vì cái duyên số quá lạ lùng
Theo lời kể của anh Tài, suốt 10 năm sống với gia đình anh, lúc trái gió trở trời là ông được đau nhức khắp mình mẩy, nằm rên hừ hừ; thỉnh thoảng trong cơn mê sảng ông lại lảm nhảm về bom đạn, chiến trường. Trong các cuộc nhậu, lâu lâu ông im lặng ngồi nghĩ ngợi lung lung, lúc bực mình với ai thì đứng bật dậy, tay chỉ vào ngực mình rồi thét lên: “Tao là lính, tao ở Hải Phòng nè!”.
Anh Tài nói: “Ông Năm nói mơ hồ vậy nên có ai biết gì đâu. Cứ ngờ ngợ ông ấy từng tham gia chiến tranh thôi chứ muốn tìm ra tung tích của ông khó lắm. Mà nhà em khổ, cái ăn còn khó kiếm lấy đâu tiền đi tra người thân của ông”.
Đến đầu năm 2013, trong 1 chuyến anh Tài đưa ông Được sang Campuchia làm mướn, nhìn cảnh rừng núi hoang vu bỗng nhiên ông thốt: “Tao nhớ nhà quá! Tao muốn về quê!”.
Kể đến đây anh Tài cười bảo: “Ông Năm nói vậy chứ ai biết quê ổng ở đâu mà đưa về. Nhóm làm thuê tụi em cũng lén bàn tính sau đợt làm thuê này thì dồn tiền công lại rồi đưa thông tin của ông Năm lên đài, báo để tìm người thân. Vì nói gở theo quan niệm của người quê mình thì tụi em nghĩ ông đến tuổi rồi, chắc muốn về với ông bà nên đột nhiên dở chứng như vậy. Đứa nào cũng muốn đưa ông về nhà mà nhắm mắt!”.
Nhưng có ai ngờ ngay trong chuyến làm thuê ở xứ người ấy ông Được lại có phen kỳ ngộ. Anh Tài kể: “Hôm đó nhóm của em ngồi lai rai với một nhóm làm thuê người Việt khác ở Campuchia. Tình cờ ông Năm lại bực mình với 1 đứa bạn em trong nhóm kia, đứng dậy la “Tao là lính, tao là dân Hải Phòng nè!”. Anh kia mới lạ hỏi kỹ, em cũng thật tình kể về ông. Anh này người Ninh Bình, nhưng bất ngờ ảnh lại có một bạn quen ở TPHCM là người Hải Phòng quan hệ rộng rãi. Nghe thế em cũng xin số điện thoại rồi liên lạc với ông này”.
Video đang HOT
Sau nhiều bận liên lạc bắc cầu cả tháng trời, anh Tài cũng liên lạc được với gia đình ông Phan Hữu Lợi, cháu ông Được. Phía người thân ông Được ở Hải Phòng gọi điện vào nói chuyện nhiều lần với ông thì ông mới từ từ nhớ ra những thân nhân của mình, ký ức bắt đầu trở về với ông sau nhiều đêm suy nghĩ.
Anh Tài kể: “Em còn nhớ có lúc bên kia hỏi ông Năm trước khi đi bộ đội ông có bạn gái xinh đẹp lắm, cô ấy tên gì? Lúc ấy ông không nhớ ra, về ông nằm thơ thẩn cả hai ngày. Tối đó cũng cỡ 9, 10 giờ đêm rồi ông chợt bật dậy chạy tới bảo em: “Tao nhớ ra rồi, đưa máy đây tao điện thoại!”. Vậy là ông gọi điện nói chuyện thao thao với mấy người ở Hải Phòng. Từ hôm đó thì hai bên mới chính thức nhận nhau. Họ mới cử người ở Hải Phòng vào TPHCM đón ông Năm về quê”.
Kể đến đây, anh Tài cười rạng rỡ bảo: “Cũng mừng cho ông cuối đời tìm lại được thân nhân của mình!”.
Theo Dantri
Vị thuyền trưởng 'liệt sỹ' 40 năm lưu lạc xứ người
40 năm phiêu dạt xứ người, ai ngờ vị thuyền trưởng ngày nào đến cái tên mình còn không nhớ lại có ngày đoàn tụ bên người thân, xóm làng.
Những ngày này, câu chuyện về người "liệt sỹ" trở về sau 40 năm báo tử được lan truyền khắp huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Những người trong làng, trong xã gọi vui ông là "liệt sỹ 4 không": Không vợ, không con, không tài sản và không chế độ.
Ngày 14/6, tìm về thôn Tự Tiên, xã Tiên Minh (Tiên Lãng, Hải Phòng), chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm khi tận thấy người "liệt sỹ" tuổi thất thập trở về quê hương sau 40 năm phiêu dạt nơi đất khách quê người. Ông là Phan Hữu Được (SN 1949), người đã tự ý đổi tên thành Phạm Văn Được và khai tăng 2 tuổi để được nhập ngũ.
Qua anh Phan Hữu Lợi (SN 1962, cháu ruột ông Được), những băn khoăn về câu chuyện của ông Được mới dần được sáng tỏ.
Gia đình giờ chỉ còn giữ lại được tấm bằng ghi "Huân chương chiến công giải phóng hạng 3" do Nhà nước tặng - Ảnh Minh Khang
Thay tên đổi họ, giảm năm sinh để được đi bộ đội
Khoảng thời gian từ năm 1967-1968, ông Được tham gia thanh niên xung phong. Ba năm sau, trong một lần về phép, ông làm đơn tình nguyện xin đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Song nguyện vọng này đã không được chấp thuận, bởi bố ông Được đã là liệt sỹ, tham gia kháng chiến chống Pháp, hi sinh năm 1958. Người anh ruột, ông Phan Văn Cầu, đang là bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Như vậy, nhà chỉ còn duy nhất ông Được, theo chế độ chính sách lúc bấy giờ, ông thuộc diện được miễn đi bộ đội.
Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, truyền thống gia đình và lý tưởng tuổi trẻ đã thôi thúc ông làm đơn xin tình nguyện đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Khổ nỗi, theo đúng chính sách, huyện đội Tiên Lãng không đồng ý và có xuống tận nhà tìm hiểu, động viên và khuyên ông ở nhà phụng dưỡng mẹ già.
Nhưng chí đã quyết, ông Được quyết định thay tên, đổi họ thành Phạm Văn Được, đồng thời khai giảm 2 tuổi để đủ điều kiện ra chiến trường. Ngày ngày, ông Được đến nhà xã đội trưởng năn nỉ cho đi bộ đội nhưng ông này đã tìm đủ lý do để từ chối lời đề nghị của ông.
Có lần dẫn cháu (anh Lợi) đến nhà, ông xã đội trưởng nói bận xay lúa nên không tiếp. Như hiểu được mong muốn của chú, anh Lợi khi ấy mới lên 9 tuổi đã "cố sống cố chết" vào xay lúa cho ông xã đội trưởng, để ông có thời gian tiếp chú mình. Trước nguyện vọng chính đáng và lời khẩn cầu tha thiết ấy, huyện đội Tiên Lãng đã bị lay động và đồng ý cho ông nhập ngũ.
Ông Được lên đường nhập ngũ tháng 12/1970, vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, đóng quân ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), rồi chuyển lên Hà Tây (cũ) huấn luyện. Sau đó, ông vào Nam chiến đấu theo đường dây 559 (chiến dịch đường mòn Hồ Chí Minh).
Mưa bom xóa nhòa ký ức vị thuyền trưởng
Bức ảnh ông Được chụp thời trẻ được gia đình truyền lại làm ảnh thờ cúng suốt 40 năm qua. - Ảnh Minh Khang
Năm 1972, đơn vị ông Được đóng quân ở thị trấn Ca La Chê, tỉnh Công Mông Chàm (Campuchia). Ở đây 2 tháng, ông được bổ sung về Đoàn 360 thuộc đoàn tàu thủy vận chuyển vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường Miền Nam theo dòng sông Mê Kông, chủ yếu làm việc vào ban đêm, ban ngày núp vào rừng để không lộ bí mật.
Mùa khô năm 1973, trong lần vận chuyển vũ khí vào ban đêm, nhóm 6 người của ông không may bị máy bay địch phát hiện và ném bom, cùng tên lửa, súng 37 ly bắn từ trên máy bay xuống. Con tàu của đơn vị ông bị oanh tạc tan tành, 2 chiến sỹ hy sinh, tàu bị chìm trên sông, 4 người còn lại bị thương phải rời tàu bơi vào bờ, trong đó có ông.
Cũng trong năm 1973, con tàu mang biển số 047 do ông Được làm thuyền trưởng vận chuyển vũ khí đi đến thị trấn Ca La Chê thì bị địch phát hiện và bắn phá, trên tàu chỉ có 3 người. Do lực lượng mỏng, tàu bị địch bắn chìm, ông cùng 2 chiến sỹ đều bị thương.
Trúng đạn, ông Được bơi dạt vào bờ, gặp một người Việt kiều tên Hiệu tại Campuchia cứu vớt và chữa trị, từ đó ông được ông Hiệu nhận làm em nuôi.
Thoát khỏi cái chết, ông cũng mất hết chẳng còn gì: mất giấy tờ tùy thân, mất ký ức và quên luôn tên của mình.
Đến cuối năm 1975, đầu năm 1976, ông Hiệu nhờ đoàn Việt kiều tại Campuchia dẫn ông Được trở về Việt Nam, với hy vọng em nuôi sẽ tìm được về quê hương. Tuy nhiên, do mất trí nhớ nên ông không thể nhớ được quê quán mình ở đâu, thậm chí bản thân là ai ông còn không biết.
Từ đó, ông Được không chốn nương thân, cứ nay đây mai đó, gặp gì làm nấy cốt sao kiếm miếng cơm nuôi sống bản thân qua ngày.
Đến khoảng năm 2000, xót xa trước hoàn cảnh của ông Được, có người tốt bụng tên Đào ở Nông trường Cao su Xa Mát, thuộc tỉnh Tây Ninh nhận làm anh em kết nghĩa. Cuộc sống của ông có chỗ trú thân, mặc dù mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương cũ hành ông đau tê tái. Hàng ngày, ông Được đi quét lá cao su, nhặt củi bán, được bao nhiêu thì để phòng thân và chi tiêu, còn ông Đào nuôi cơm ăn.
Hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch cao su, ông Được lại sang rừng cao su thuộc tỉnh Công Mông Chàm (Campuchia) để làm thuê kiếm sống. Hết mùa thu hoạch lại trở về Việt Nam tìm việc làm. Có thời gian ông làm nghề quét rác ở chợ Tân Biên thuộc Xa Mát, Tây Ninh.
Những khi thời tiết thay đổi, vết thương trên cơ thể lại tái phát khiến ông không thể làm gì, lúc đó ông Đào lại là người cơm nước, động viên ông vượt qua.
Ông Được kể, cứ vào buổi chiều sau giờ lao động, hay những đêm thanh vắng ông lại nhớ quê hương đến quặn lòng và nỗi khát khao tìm về quê cha đất tổ lại trỗi dậy trong ông. Trong cơn mơ, ông lờ mờ nhớ được hình ảnh người mẹ già, sự bao bọc của người anh trai, nhưng đến tên làng, tên xã mình ông còn không nhớ, làm sao tìm đường về.
Bên căn nhà cũ, ông Được vẫn cố gắng nhớ lại những ký ức đã qua - Ảnh Minh Khang
Về phía gia đình ở quê, 2 năm sau ngày giải phóng, tức năm 1977, gia đình đã chính thức nhận được giấy báo tử của ông Được từ đơn vị gửi về. Nghĩ ông đã hy sinh trước ngày giải phóng, gia đình lấy ngày 25/4 ghi trong giấy báo tử để cúng giỗ ông hàng năm.
Về phần người mẹ già đêm ngày mong ngóng con, được tin con trai mất, bà cụ buồn rầu, lâm bệnh trọng rồi qua đời vào năm 1984.
Nước mắt ngày về
Thời gian làm thuê ở nông trường cao su, có đêm nằm ngủ ông Được ú ớ nói mơ rằng mình là con ông Cầu ở Hải Phòng. Khi đó, một người tên Tài nghe được đã nỗ lực giúp ông tìm lại quê hương.
Trời xui đất khiến thế nào mà anh Tài lại quen biết với anh Phan Xuân Biên, một sỹ quan Hải quân, lại là người cùng thôn ông Được.
Ngày 9/3/2013, anh Biên điện về hỏi bố đẻ của mình là ông Phan Xuân Cứ để chắc chắn về trường hợp của ông Được thì được biết ông chính là người làng người nước với mình. Tối hôm đó, anh Phan Hữu Lợi, cháu ruột ông Được đang ngồi uống rượu ở đám cưới nhà hàng xóm thì ông Cứ gọi anh Lợi, bảo: "Chú mày hãy còn sống, cứ về thịt lợn ăn mừng đi".
Ông Phan Hữu Được (ngồi giữa) đoàn viên bên các cháu - Ảnh Minh Khang
Từ nguồn tin này, ngay lập tức tối hôm đó anh Lợi xin số điện thoại và liên lạc với anh Biên để hỏi về tung tích ông Được. Khi anh Lợi liên hệ được với ông Được hỏi chuyện thì người bên đầu dây bên kia bảo bố mẹ chết hết rồi, nhà không có anh em.
Sáng hôm sau, anh Lợi gọi lại thì ông Được nói, quê ông ở Hải Phòng, anh trai tên Cầu, còn bố mẹ đã chết cả. Ông còn kể có người cháu tên Siu, tóc dài đến gối và một người cháu nữa tên Ước. Đến đây, anh Lợi mừng rơi nước mắt và khẳng định ông Được chính là người chú ruột của mình đã báo tử. Ngay sau đó, anh Lợi đã bàn với anh em trong gia đình lên đường vào Nam tìm chú.
Điều mà những người cháu ông Được thấy đau xót nhất là khi gặp lại chú mình với "4 không": không vợ, không con, không tài sản, không chế độ. Trên người ông Được mặc một chiếc quần bò rách, áo ba lỗ, một chiếc điện thoại cũ xin được của ai đó nhưng không có pin.
Anh Lợi kể, khi vào đến nơi, gặp ông Được anh nhận ra ngay vì gương mặt rất giống bố mình. Anh đã ôm chầm lấy ông Được mà khóc. Thế rồi hai chú cháu hân hoan trở về Bắc, mổ lợn mời họ hàng, làng xóm đến chung vui. Ông Được bảo, gặp lại các cháu và người thân, mừng quá không biết nói gì nữa.
Anh Lợi xúc động chia sẻ: "Điều mong muốn lớn nhất của anh em chúng tôi hiện nay là phải chăm sóc để bù đắp những năm tháng chú tôi lang thang, phiêu bạt bữa đói bữa no suốt mấy chục năm qua".
Ông Được bên ngôi mộ có bia đá ghi khắc tên mình - Ảnh Minh Khang
Dù làm nông nghiệp, kinh tế không mấy khá giả, anh Lợi cho biết sẽ cố gắng chạy chữa, khôi phục trí nhớ cho chú và phụng dưỡng chú như cha đẻ mình.
Về phần ông Được, do trí nhớ chưa được phục hồi nên chỉ quanh quẩn ở nhà, chưa dám ra ngoài một mình vì sợ quên lối về. Đêm nào ông cũng mê sảng, tỉnh dậy ngồi khóc một mình, con cháu hỏi lý do thì ông không nói.
Buổi chiều, chúng tôi cùng ông Được và các cháu của ông ra thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Tiên Minh, nơi có phần mộ ghi tên ông.
Bên phần mộ ghi tên mình, ông Được mắt nhòa đi khi những ký ức chiến tranh chợt ùa về. Khi ra về, ông vịn tay bên cánh cổng, nhìn vào nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ liệt sỹ xã mình, những giọt nước mắt ông lại tiếp tục lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng gió của thời gian và chiến tranh.
Tôi hỏi: "Sao bác lại khóc?", vội lau dòng nước mắt, ông Được trả lời: "Tôi nhớ cha mẹ, nhớ đồng đội của tôi. Chiến tranh chết nhiều lắm!"
Ông Được đứng lặng người, rồi khóc nghẹn khi nhìn vào nghĩa trang liệt sỹ - Ảnh Minh Khang
Trước những băn khoăn về chế độ của ông Phạm Văn Được, ông Đoàn Xuân Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Minh (Tiên Lãng, Hải Phòng), cho biết, trường hợp của ông Được địa phương đã báo cáo Phòng Lao động - TBXH huyện. Xã đã tổ chức đoàn xuống thăm hỏi, động viên và ông Được đang trong giai đoạn phục hồi trí nhớ.
Theo nguyện vọng của gia đình, UBND xã đang làm các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền xóa tên liệt sỹ, đồng thời cấp giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân cho ông Được. Về chế độ chính sách, hiện ông Được không còn giữ lại được giấy tờ gì. Sau khi được cấp giấy tờ đầy đủ, địa phương sẽ làm thủ tục đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền cho đi giám định thương tật để làm các chế độ, chính sách liên quan cho ông Được.
Ông Lương Hữu Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, hiện vẫn chưa có báo cáo về trường hợp của ông Được. Nếu đúng là có trường hợp này thì Phòng Lao động - TBXH huyện sẽ hướng dẫn gia đình và địa phương làm các thủ tục cần thiết để giải quyết các chế độ, chính sách cho ông Được theo quy định hiện hành.
Theo vietbao
Cỗ xe tam khuyển và cuộc đời buồn của người đàn bà nghèo Ở Tây Ninh có một người phụ nữ nghèo đã gần 80 tuổi dùng 3 con chó của mình làm công cụ kéo xe vận chuyển đồ đạc, hàng hóa. Sáng kiến độc nhất vô nhị của bà được người dân trong vùng gọi vui là "cô xe tam khuyển". Cô xe tam khuyển - một sáng kiến lạ lùng Trong một dịp...