Cuộc đụng độ Ấn Độ muốn Trung Quốc không bao giờ quên
50 năm trước, giao tranh Trung – Ấn diễn ra tại biên giới và Trung Quốc được cho là bên chịu thiệt hại lớn hơn.
Binh lính Trung Quốc theo dõi Ấn Độ tại Nathu La ngày 3/10/1967. Ảnh: Hulton Archive
Khi truyền thông Trung Quốc đang cảnh báo về một cuộc chiến với Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại biên giới, truyền thông Ấn Độ đã nhắc nhở Trung Quốc về cuộc đụng độ 50 năm trước tại Nathu La và Cho La. Theo India Times, xung đột kết thúc với sự thất bại của Bắc Kinh.
Các cuộc đụng độ Nathu La và Cho La (11-14/9/1967 tại Nathu La và ngày 1/10/1967 tại Cho La) là xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc theo biên giới Vương quốc Sikkim, khi đó thuộc bảo hộ của Ấn Độ. (Sikkim hiện là một bang của Ấn Độ.)
Sau thất bại trong chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, quân đội Ấn Độ đã tăng gấp đôi quy mô. 7 sư đoàn lính sơn cước được thiết lập để bảo vệ biên giới phía bắc trước bất cứ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc. Hầu hết đơn vị này không đóng gần biên giới, ngoại trừ tại Thung lũng Chumbi, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở rất gần nhau. Đặc biệt ở đèo Nathu La tại thung lũng, bên cạnh biên giới Sikkim – Tây Tạng, lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở cách nhau khoảng cách 20 – 30 m.
Biên giới ở đây chưa được phân chia rõ ràng. Trung Quốc kiểm soát phần phía bắc của Nathu La, trong khi quân đội Ấn Độ kiểm soát phần phía nam. Từ năm 1963, các cuộc xô xát quy mô nhỏ trong khu vực thường xuyên xảy ra.
Vị trí của Nathu La và Chola. Đồ họa: TopYaps
Ngày 13/8/1967, quân đội Trung Quốc bắt đầu đào hào ở Nathu La. Lính Ấn Độ quan sát thấy một số đường hào lấn sang phía Sikkim và phản ánh điều đó cho chỉ huy Trung Quốc, yêu cầu họ rút về. Binh sĩ Trung Quốc đã lấp hào lại nhưng lắp đặt thêm loa phóng thanh. Quân đội Ấn Độ sau đó dựng hàng rào dây thép gai dọc theo Nathu La để thể hiện đường ranh giới nhưng phía Trung Quốc phản đối điều này.
Ngày 11/9/1967, ẩu đả xảy ra giữa hai bên liên quan đến việc dựng hàng rào dây thép gai bùng nổ thành giao tranh. Cuộc đụng độ kéo dài suốt cả ngày lẫn đêm trong ba ngày tiếp theo với pháo binh, súng cối và súng máy. Ngày 14/9/1967, một lệnh ngừng bắn được đi vào hiệu lực. Do quân đội Ấn Độ kiểm soát những phần nhô cao hơn của con đèo nên họ có thể phá hủy nhiều hầm trú ẩn của Trung Quốc tại Nathu La.
Theo quan điểm của Ấn Độ và phương Tây, cuộc đụng độ này do phía Trung Quốc khơi mào. Trong khi đó, Trung Quốc đổ lỗi cho quân đội Ấn Độ đã kích động vụ đụng độ, cáo buộc rằng phía Ấn Độ nổ súng trước.
Video đang HOT
Ngày 1/10/1967, một cuộc đụng độ khác diễn ra tại Cho La, con đèo trên biên giới Sikkim – Tây Tạng, cách Nathu La vài km về phía bắc.
Theo Ấn Độ, cuộc đụng độ được khởi xướng bởi quân đội Trung Quốc sau một cuộc ẩu đả giữa hai bên, khi quân đội Trung Quốc thâm nhập vào Sikkim. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ thâm nhập vào lãnh thổ của mình, khiêu khích binh sĩ Trung Quốc và nổ súng.
Cuộc đối đầu quân sự kéo dài một ngày. Trung Quốc nói rằng họ mất 32 lính còn Ấn Độ mất 65 lính trong vụ Nathu La. Trong cuộc đụng độ ở Chola, 36 lính Ấn Độ thiệt mạng, không rõ số lính Trung Quốc chết.
Trong khi đó, Ấn Độ nói rằng 88 người thiệt mạng và 163 người bị thương ở phía Ấn Độ trong khi 340 người thiệt mạng và 450 người bị thương ở phía Trung Quốc trong hai vụ xô xát.
Theo Taylor Fravel, chuyên gia về an ninh quốc tế, Trung Quốc và Đông Á, cuộc cạnh tranh để kiểm soát vùng tranh chấp ở thung lũng Chumbi đã đóng vai trò quan trọng trong việc leo thang căng thẳng này.
Fravel nhận xét rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm nhận mối đe dọa tiềm ẩn từ Ấn Độ do căng thẳng biên giới và quyết định rằng cần một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, Fravel cũng nhấn mạnh rằng sau vụ Nathu La, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã yêu cầu lực lượng chỉ nổ súng đáp trả khi bị tấn công.
Theo John Garver, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia, Ấn Độ “khá hài lòng với khả năng chiến đấu của lực lượng trong cuộc đụng độ ở Nathu La, coi đó là dấu hiệu cải thiện đáng kể so với cuộc chiến năm 1962″.
Theo Phương Vũ (Vnexpress)
8 lý do khiến Ấn Độ từng thua thảm trong cuộc chiến với Trung Quốc
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang gay gắt trong hơn 1 tháng qua dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh còn thảm khốc hơn những gì từng xảy ra năm 1962 giữa 2 con hổ châu Á.
Ấn Độ từng thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962.
Cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 diễn ra trong vòng một tháng và kết thúc với thất bại chóng vánh của Ấn Độ. Giới học giả Ấn Độ thừa nhận, thất bại của nước này trong cuộc chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều chính sách sai lầm và thái độ chủ quan, yếu đuối của giới lãnh đạo chính trị lẫn quân sự Ấn Độ tại thời điểm đó.
Dưới đây là những lý do Ấn Độ thua thảm trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962.
1. Xem nhẹ mối đe dọa từ Trung Quốc
Các chính trị gia Cánh tả và cả Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ lúc đó là ông Krishna Menon bị cho là phải chịu tất cả trách nhiệm cho việc hạ thấp mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Ngay cả Tướng Thorat khi đó là Tư lệnh quân đội Ấn Độ, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Đông từng đệ trình một báo cáo cảnh báo về các ý định chiến tranh của giới lãnh đạo Trung Quốc nhưng cũng bị giới lãnh đạo nước này gạt bỏ. Nếu những cảnh báo của Tướng Thorat được xem xét kịp thời, Ấn Độ đã có thể tránh kết cục thất bại thảm hại cũng như hạn chế thương vong đáng kể trong cuộc chiến.
2. Bị tấn công bất ngờ, Ấn Độ không kịp ứng phó
Quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch tấn công kỹ lưỡng trên tất cả các mặt trận đồng thời bao vây quân đội Ấn Độ trong cái bẫy mà họ đã giăng ra trong khi giới lãnh đạo Ấn Độ đang ngồi ở Delhi thảo luận về các chính sách không khuất phục. Ấn Độ bị tấn công đồng thời ở tất cả các khu vực của biên giới, cả ở phía tây và phía đông vào lúc 5h ngày 20.10.1962 (theo giờ Bắc Kinh). Bị tấn công bất ngờ, quân đội Ấn Độ đã không có sự chuẩn bị tốt để phản ứng kịp thời.
3. Giới lãnh đạo quân đội nhu nhược, yếu kém
Theo các báo cáo hậu chiến tranh về những lý do dẫn đến sự thảm bại đáng xấu hổ của Ấn Độ trong tay Trung Quốc, giới lãnh đạo quân đội nước này cũng bị quy trách nhiệm. Tham mưu trưởng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ bị quy kết là "có tội" trong thất bại này. Họ bị cáo buộc là đã hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc trong một thời gian dài.
4. Sự khiêu khích của Ấn Độ
Các báo cáo hậu chiến tranh kết luận rằng, chính Ấn Độ đã khiêu khích quân đội Trung Quốc với những động thái công kích của họ mặc dù thực tế là Ấn Độ thời điểm đó thiếu sự chuẩn bị và không sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến nào. Khi Trung Quốc tạm thời bỏ rơi các kế hoạch Đài Loan vào thời điểm đó, nước này đã ra sức lấp đầy các lỗ hổng an ninh. Tuy nhiên, Ấn Độ không nhận thức được những sự phát triển này. Tia lửa chiến tranh được cho là đã bị thắp lên sau những tuyên bố khiêu khích từ Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, chọc giận Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
5. Không sử dụng lực lượng Không quân
Một điều gây khó hiểu đối với tất các chuyên gia quốc phòng thời đó là tại sao Ấn Độ không sử dụng lực lượng Không quân (IAF) để chống lại Trung Quốc. Chức năng của Không quân Ấn Độ trong chiến tranh 1962 chỉ đơn giản là cung cấp lương thực, thực phẩm cho Lục quân Ấn Độ. Nếu thời điểm đó, Không quân Ấn Độ tham chiến, cục diện chiến tranh có thể thay đổi vì thời điểm đó năng lực của IAF được đánh giá là mạnh hơn phía Trung Quốc.
6. Năng lực hậu cần yếu kém
Nhiều người tin rằng, quân đội Ấn Độ đã lâm vào tình trạng cạn lương thực và thậm chí đạn dược cũng thiếu thốn. Công tác hậu cần của Ấn Độ còn yếu và hiện trạng này bị duy trì trong một khoảng thời gian khá dài dẫn đến hậu quả là năng lực của quân đội Ấn Độ tại khu vực biên giới cũng suy giảm nghiêm trọng. Vì thế năng lực hậu cần cũng bị xem là lý do chính dẫn đến thất bại của quân đội Ấn Độ.
7. Sự nhu nhược của giới lãnh đạo chính trị
Giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ thời điểm đó bị đánh giá là quá nhu nhược và yếu đuối. Thủ tướng Ấn Độ thời điểm đó là Jawaharlal Nehru bị cho là quá tin tưởng và phụ thuộc nhiều vào Bộ trưởng Quốc phòng Krishna Menon. Trong khi đó, ông Menon lại luôn xem nhẹ và hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc.
8. Quân đội không được chuẩn bị sẵn sàng
Quân đội Ấn Độ luôn được đánh giá là một đội quân mạnh nhưng trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962, họ không có được một chiến lược phù hợp, hiệu quả cũng như thiếu vũ khí tối tân, hiện đại. Điều này phần nào làm tổn hại đến tinh thần của các binh sĩ và tất yếu dẫn đến thất bại thảm hại của Ấn Độ trước Trung Quốc.
Theo danviet
Nghìn xe tăng Trung Quốc tới biên giới, sẵn sàng chiến tranh với Ấn Độ Trung Quốc đã triển khai hàng nghìn xe tăng và các phương tiện quân sự cũng như binh sĩ tới biên giới trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh với láng giềng Ấn Độ. Xe tăng Trung Quốc đã được điều tới biên giới, sẵn sàng chiến tranh với Ấn Độ. Ảnh minh họa: Daily Star Xe tăng cùng các phần cứng quân...