Cuộc đột kích giải cứu hụt 2 giáo sư của đặc nhiệm SEAL
Nhóm đặc nhiệm SEAL nhảy dù xuống mục tiêu ở Afghanistan, đọ súng và tiêu diệt 7 phiến quân, nhưng không tìm thấy hai con tin phương Tây bị bắt cóc.
Một nhóm đặc nhiệm Mỹ triển khai ở Afghanistan. Ảnh: NYTimes
Lầu Năm Góc hôm qua xác nhận các lực lượng quân sự của Mỹ đã thất bại trong chiến dịch giải cứu hai con tin bị phiến quân bắt cóc ở Afghanistan hồi tháng 8, khi lực lượng đột kích không tìm thấy con tin ở nơi tình nghi, theo CNN.
Dù Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ không cung cấp thêm thông tin về chiến dịch này, một số quan chức quốc phòng có hiểu biết về vụ việc tiết lộ rằng chiến dịch giải cứu bất thành này được lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ thực hiện.
Hai con tin cần giải cứu trong chiến dịch này là hai giáo sư người Mỹ và Australia giảng dạy tại Đại học Mỹ ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Trường đại học này được mở cửa vào năm 2006, là một cơ sở giáo dục tư thục phi lợi nhuận với khoảng 1.700 sinh viên theo học. Đây được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa Afghanistan và Mỹ.
Hai giáo sư không được tiết lộ danh tính trên bị phiến quân vũ trang bắt cóc khi đang lái xe trên đường phố Kabul hôm 7/8. Mạng lưới Haqqani, một tổ chức nổi dậy ở Afghanistan, bị nghi ngờ đứng đằng sau vụ bắt cóc táo tợn này.
Một số quan chức Lầu Năm Góc nói với Fox News rằng chiến dịch giải cứu được lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành chỉ vài ngày sau khi hai giáo sư bị bắt cóc. Nhóm đặc nhiệm SEAL Team 6 lên máy bay và đang trên đường tiếp cận mục tiêu thì nhận được thông báo Nhà Trắng không phê chuẩn chiến dịch.
“Chiến dịch ban đầu diễn ra không theo ý muốn”, một quan chức nói. Kế hoạch đột kích bị hủy bỏ, bởi những thông tin tình báo không hoàn toàn chắc chắn, và các cơ quan chính phủ có liên quan không đạt được sự đồng thuận về hoạt động giải cứu, khiến Nhà Trắng không thể “bật đèn xanh”. Nhóm đặc nhiệm đành phải quay trở về căn cứ ở Afghanistan vào phút chót.
“Họ phải quay về vào đêm hôm đó vì không được phê chuẩn nhiệm vụ. Họ chỉ có thể tiếp tục tiến hành cuộc đột kích mà không cần sự cho phép nếu như có cơ sở cho rằng tính mạng của con tin đang bị đe dọa”, một nguồn tin cho biết.
Một quan chức nói rằng chiến dịch giải cứu đầu tiên bị trì hoãn vì sự “quan liêu” của Nhà Trắng, tuy nhiên một người khác phủ nhận điều này. “Tôi không thấy như vậy. Đối với chiến dịch này, chúng tôi không được tổng thống phê chuẩn kịp thời vì nguồn tin tình báo chưa chắc chắn”, người này khẳng định. “Nếu con tin đang bị nguy hiểm, chúng tôi mới tiếp tục lên đường. Đây không phải là trường hợp đó, nên chúng tôi dời lại ngày hôm sau”.
Video đang HOT
Đột kích
Đặc nhiệm Mỹ sử dụng máy bay lợi dụng màn đêm để áp sát mục tiêu. Ảnh minh họa: NYTimes
Ngày hôm sau, khi Lầu Năm Góc trình yêu cầu thực hiện cuộc đột kích lên Tổng thống Barack Obama, ông nhanh chóng phê chuẩn sứ mệnh. “Sự phê chuẩn nhanh chóng của Tổng thống mở đường cho quân đội thực hiện chiến dịch ở Afghanistan”, quan chức trên cho hay.
Khi lên đường thực hiện chiến dịch lần thứ hai, đặc nhiệm Mỹ tin tưởng rằng hai con tin đang bị giam giữ tại một địa điểm ở gần Jalalabad, miền đông Afghanistan. “Thật không may, khi chúng tôi đến đó, con tin đã không còn ở địa điểm này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo an toàn cho các con tin”, người này nói.
Máy bay chở các thành viên SEAL Team 6 tới một khu nhà ở Jalalabad, địa điểm họ định tổ chức cuộc đột kích vào đêm hôm trước. Khi đến khu vực mục tiêu, nhóm đặc nhiệm thực hiện một kỹ thuật đổ bộ có từ thập niên 1960 được gọi là HALO (nhảy dù từ độ cao lớn).
Khi thực hiện cú nhảy HALO, đặc nhiệm nhảy khỏi máy bay ở độ cao từ 4.600 mét đến 11.000 mét, tiếp tục rơi tự do trong một khoảng thời gian và chỉ bung dù khi còn cách mặt đất một khoảng cách ngắn, nhằm đảm bảo tiếp cận mục tiêu nhanh nhất và bí mật nhất. Kỹ thuật nhảy dù HALO thường chỉ được áp dụng khi không còn phương án đổ bộ khả thi nào khác.
Tuy nhiên, khi họ tiếp cận khu nhà được cho là nơi giam giữ hai con tin phương Tây, một cuộc đọ súng đã diễn ra. Nhóm đặc nhiệm nhanh chóng triển khai đội hình bắn trả, và tiêu diệt 7 phiến quân vũ trang. Không một lính đặc nhiệm nào bị thương hay thiệt mạng trong cuộc giao tranh.
Sau khi kết thúc cuộc đọ súng, đặc nhiệm Mỹ lục soát toàn bộ khu nhà, nhưng không tìm thấy hai con tin. Họ chỉ thu được một số dữ liệu điện tử cho thấy hai giáo sư phương Tây từng bị giam giữ ở khu vực này, cũng như chứng minh nhóm phiến quân đã bắt cóc và giam giữ họ. Hiện không rõ hai con tin này có phải đã bị chuyển đi nơi khác trước khi cuộc đột kích thứ hai được tiến hành hay không, theo một quan chức Lầu Năm Góc.
Tỉnh Jalalabad ở miền đông Afghanistan. Đồ họa: BBC
Đặc nhiệm Mỹ nhanh chóng triển khai kế hoạch rút về căn cứ sau cuộc đột kích hụt. Đến nay các cơ quan tình báo Mỹ vẫn chưa thể biết chắc được hai con tin đang bị giam giữ ở đâu.
Quân đội Mỹ vẫn lên kế hoạch triển khai 8.400 binh sĩ ở Afghanistan sau năm 2017, nhằm tiếp tục thực hiện các chiến dịch chống khủng bố và huấn luyện, cố vấn, hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan chống lại các nhóm phiến quân. Tổng thống Obama ban đầu dự định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước khi ông hết nhiệm kỳ, nhưng thay đổi kế hoạch vào đầu năm nay.
Trí Dũng
Theo VNE
Chương trình huấn luyện đoạt mạng đặc nhiệm SEAL Mỹ
Để trở thành một đặc nhiệm SEAL chính quy, các học viên phải trải qua chương trình huấn luyện đầy gian nan, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống.
Các thành viên thuộc đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ. Ảnh: AFP
Lính hải quân James Derek Lovelace, 21 tuổi, đã chết đuối khi tham gia khóa huấn luyện của lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) ở bang California hồi tháng 5. Cơ quan điều tra kết luận cái chết của Lovelace phần nào do chính huấn luyện viên gây ra. Theo nhân viên pháp y, Lovelace đã cố gắng ngoi lên mặt nước khi thực hiện bài tập lặn, nhưng bị huấn luyện viên nhấn chìm ít nhất hai lần.
Huấn luyện viên gây ra cái chết trong tuần huấn luyện đầu tiên của Lovelace, một đặc nhiệm hải quân SEAL đầy hoài bão, bị cáo buộc có hành vi giết người. Vụ việc làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính khắc nghiệt cũng như độ nguy hiểm của các chương trình huấn luyện đặc vụ SEAL, theo AP.
Chương trình Hủy diệt Dưới nước (BUD) là một khóa huấn luyện kéo dài 6 tháng của lực lượng đặc nhiệm SEAL mà chỉ trung bình 25% học viên tham gia có thể hoàn thành.
Trước khi chính thức tham gia BUD, học viên phải trải qua một chương trình huấn luyện chuẩn bị và "làm quen" kéo dài 5 tuần. Tiếp sau khóa học này là ba giai đoạn huấn luyện đầy gian khổ.
Đầu tiên là rèn luyện thể lực. Đây là giai đoạn nặng nhọc nhất trong cả chương trình huấn luyện. Quá trình này kéo dài 8 tuần, bao gồm các hoạt động như bơi 3,2 km trên biển sử dụng chân vịt, chạy tính giờ 6,4 km bằng ủng, chịu đựng môi trường ẩm ướt, lạnh giá và vắt kiệt sức lực dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, họ chỉ được phép ngủ 4 tiếng mỗi tối.
Đỉnh điểm trong giai đoạn một là "Tuần Địa ngục". Rất nhiều học viên đã phải từ bỏ vì không thể vượt qua quãng thời gian này.
"Những đau đớn và khó chịu về thể chất khiến không ít người phải bỏ cuộc", trang web của SEAL có đoạn. "Phương pháp huấn luyện kết hợp lạnh - ẩm gây hạ thân nhiệt sẽ đánh bại nhiều học viên. Các bài tập vắt sức và tình trạng thiếu ngủ sẽ giúp học viên hiểu rõ khả năng, động lực cũng như giới hạn của chính mình".
Tiếp sau là giai đoạn huấn luyện lặn kéo dài 8 tuần. Quá trình này chủ yếu tập trung hoàn thiện khả năng thao tác linh hoạt dưới nước và phối hợp tác chiến. Học viên sẽ thực hành các bài tập lặn nín thở, lặn dùng bình dưỡng khí, lặn quãng đường dài, bơi thực thi nhiệm vụ cùng hàng loạt kỹ năng lặn khác. Cường độ tập luyện sẽ tăng dần theo thời gian.
Giai đoạn cuối cùng là phiên bản nâng cao của chương trình huấn luyện quân sự cơ bản mà nhiều học viên phải trải qua.
"Các hoạt động huấn luyện chuyển từ kiểm tra khả năng phản ứng của học viên trong môi trường căng thẳng cao độ sang đảm bảo sự thuần thục của đặc nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ chiến lược", đoạn mô tả trên trang web của SEAL viết.
Các hoạt động trong giai đoạn cuối cùng này bao gồm nghiên cứu chất nổ, huấn luyện sử dụng vũ khí và ngắm bắn chính xác, học chiến thuật tác chiến đội hình nhỏ, kỹ thuật sử dụng dây thừng và tập hợp đội hình. Nếu hoàn thành, các học viên sẽ tốt nghiệp và có vinh dự phục vụ trong hàng ngũ lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ bậc nhất của hải quân Mỹ.
Người nhái đặc nhiệm SEAL huấn luyện đổ bộ bờ biển. Ảnh: Daily Beast
Trần Việt
Theo VNE
Huấn luyện viên khiến đặc nhiệm SEAL thiệt mạng trong bể bơi Một huấn luyện viên cho SEAL có thể phải đối mặt với cáo buộc giết người do có liên quan đến cái chết của một đặc nhiệm trong lúc tập luyện dưới bể bơi. Seaman James Derek Lovelace. Ảnh: US Navy. James Derek Lovelace, 21 tuổi, chết đuối khi tham gia khóa huấn luyện của SEAL ở bang California hồi tháng 5. Các...