Cuộc đời thăng trầm của nhạc sư Vĩnh Bảo
Điều đặc biệt giúp ông vẫn tinh tường cho đến tuổi gần “bách niên” là chỉ sống bằng tiếng nhạc và hiểu người qua tiếng đàn.
Đệ nhất danh cầm Nguyễn Vĩnh Bảo là một “báu vật của đờn ca tài tử” còn sót lại sau sự ra đi của GS-TS Trần Văn Khê và mới nhất là NSND Bảy Bá (Viễn Châu). Tiếng đàn của ông không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị, nó được GS-TS Nguyễn Thuyết Phong gói gọn trong 4 chữ nhưng lột tả đầy đủ ý tứ để diễn tả tiếng đàn lẫn cốt cách của một tài năng: tinh tường, tinh tế.
Rạng danh Việt Nam
Không chỉ trong phạm vi quốc gia mà tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo còn làm rạng danh âm nhạc Việt Nam trên thế giới qua đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ do ông và GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu, được hãng Ocara và UNESCO thu âm tại Paris – Pháp năm 1972.
Cũng vào khoảng thời gian này, ông và 2 tài hoa khác trong nền âm nhạc Việt Nam là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đã được ĐH IIlinois (Mỹ) mời sang giảng dạy.
Năm 2005, ông và GS-TS Trần Văn Khê được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TP HCM. Năm 2006, ông là một nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam trong số 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) tại TP Honolulu – Mỹ.
Video đang HOT
Nhạc sư Vĩnh Bảo (trái) trong buổi giới thiệu sách Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời .
Không chỉ ở lĩnh vực diễn xướng, ông còn là một “nhà phát minh, sáng chế” khi đã cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây cũng như cách đóng đàn… để cây đàn này có thể dễ dàng xử lý các “hơi và điệu” trong âm nhạc truyền thống Việt Nam mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn.
Năm 2008, đích thân đại sứ Pháp tại Việt Nam thay mặt Bộ Văn hóa Pháp tặng ông huân chương Officier des Art et des Lettres, phần thưởng cao quý của nước Pháp dành cho những văn nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương trên thế giới.
Một tài năng lớn như vậy nhưng các thông tin về ông có phần trầm lặng so với những tên tuổi khác cùng thời. Chưa có một quyển sách nào viết về ông nhằm để lại cho hậu thế nên GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã cùng các cộng sự bỏ ra 8 năm để tìm hiểu, nghiên cứu và ngày 27/1 vừa qua, quyển hồi ký Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời đã được ra mắt tại Trường ĐH Hoa Sen.
Lang bạt kỳ hồ
Thời thơ ấu của ông trôi qua khá êm đềm trong một gia đình điền chủ đất Cao Lãnh, theo nho học nên cũng yêu thích “cầm, kỳ, thi, họa”, sành nhạc lễ, nhạc tài tử và hát bội, lâu lâu cha ông lại mời bạn bè họp mặt bàn chuyện văn chương, đờn ca. Có lẽ những hạt giống nghệ thuật đã nảy mầm trong ông từ đó.
Đến năm 12 tuổi, ông được chính thức thọ giáo đàn tranh với một số thầy đờn có tiếng trong vùng. Tuổi trẻ của ông trôi qua với đủ các cung bậc cảm xúc, khi thì bay bổng trong những buổi hòa nhạc với bạn bè của mình hoặc bạn bè của cha, lúc lại rất hiếu động, dám tự viết, rải truyền đơn chống Pháp để rồi bị đuổi học và có lúc cũng rất lãng mạn khi thường tơ tưởng đến cô học trò Trâm Anh, bạn của cô em gái.
Chàng trai si tình Vĩnh Bảo còn làm một việc mà phim Hàn Quốc cũng không thể lãng mạn hơn, tìm đến trường học cách xa hàng trăm cây số nơi có người mình thầm thương trộm nhớ để canh giờ tan học, nhìn mặt nàng một lần trước khi đi xa.
Kinh tế gia đình đến hồi sa sút, Vĩnh Bảo muốn sống tự lập để đỡ gánh nặng cho cha mẹ nên theo người cậu học nghề thợ bạc. Thế nhưng, nghề thợ bạc cũng chẳng dễ kiếm sống.
Sau đó, Vĩnh Bảo quyết định sang Nam Vang (Campuchia) mưu sinh. Ở Nam Vang, ông làm thu ngân trong hãng nước đá Le Sud Industry của một ông chủ người Pháp, rồi làm thư ký đánh máy cho Sở Trường Tiền. Trong thời gian ở đây, những lúc rảnh rỗi, ông lại tụ họp bạn đồng hương yêu thích văn nghệ lập “gánh hát tự phát”.
Năm 1938, ông quay lại Sài Gòn, được hãng đĩa Béka – thuộc Công ty John Keller (Đức) – mời thu thanh một số bản đờn, đó là “vinh dự lớn đối với một chàng trai lãng tử, lang bạt kỳ hồ như tôi” – ông nói.
Sống bằng tiếng nhạc
Năm 1946, ông quay về Sa Đéc. Chính trong chuyến trở về này, hạnh phúc đã đến với ông thật bất ngờ, mối tình thầm kín đã có cái kết tuyệt đẹp, ông và cô thiếu nữ Trâm Anh mà ông thầm thương trộm nhớ ngày xưa nên duyên vợ chồng.
Từ năm 1955, ông cùng một số người bạn (Michel Nguyễn Phụng, Nguyễn Hữu Ba…) trở thành những người thầy đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP HCM) từ thuở mới khai sinh, ông dạy đàn tranh và được giao chức vụ trưởng ban cổ nhạc miền Nam. Từ đây, ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật thường xuyên hơn, chuyên nghiệp hơn.
Cuộc đời gần một thế kỷ của ông với bao biến đổi, thăng trầm. Người ta có thể biết ông như một nghệ sĩ nhưng ít ai biết đến ông là một nhà giáo, một công chức, một nhà đấu thầu, nhà kinh doanh ôtô… Điều đặc biệt giúp ông vẫn tinh tường cho đến tuổi gần “bách niên” là chỉ sống bằng tiếng nhạc và hiểu người qua tiếng đàn. Hiểu nghề, hiểu người, hiểu đời một cách tinh tường nên tiếng đàn cũng như cách ứng xử của ông với cuộc đời mới có được sự sâu sắc, tinh tế mà không dễ gì ai cũng có được.
Không chỉ là chàng lãng tử
Quyển sách Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời được GS-TS Nguyễn Thuyết Phong chủ biên với sự cộng tác của một số cộng sự rất chuyên nghiệp như nhà báo – TS Nguyễn Thị Kim Ửng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến thức Ngày nay; ThS Nguyễn Thúy Uyển, giảng viên Nhạc viện TP HCM.
Phần 1 là hồi ký được nhà báo Kim Ửng chấp bút theo lời kể của nhạc sư Vĩnh Bảo. Phần 2 và 3, dưới ngòi bút của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, người đọc không những cảm nhận được phong thái, cốt cách qua tiếng đàn “tinh tường và tinh tế” của người nghệ sĩ mà còn nể phục trí nhớ siêu việt của ông.
Qua chương này, người đọc còn thấy được một hình ảnh của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dù qua nhiều thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn rất an nhiên tự tại, vẫn yêu đời và yêu người. Có lẽ chính vì vậy nên ở tuổi 98 mà ông vẫn còn rất minh mẫn. Ngoài ra, ở phần này, với một số kiến thức về dân tộc nhạc học, cũng rất bổ ích cho những người làm công tác nghiên cứu.
Qua 353 trang sách đã cho người đọc thấy một nhạc sư Vĩnh Bảo “đệ nhất danh cầm” nhưng cuộc đời lại không hề êm đềm, suôn sẻ; một Vĩnh Bảo không chỉ là chàng lãng tử chỉ biết ôm đàn mộng mơ. Ông đã đi qua gần một thế kỷ, chứng kiến biết bao biến cố lịch sử, đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, với bao cung bậc cảm xúc, từ đó nhà báo Kim Ửng đã đặt tên cho quyển sách là Nguyễn Vĩnh Bảo – Những giai điệu cuộc đời.
Theo Lệ Minh/Người Lao Động