Cuộc đời thăng trầm của diễn viên Chánh Tín
Sẽ không ngoa nếu nói rằng tất cả những người phụ nữ sinh ra trước năm 1970 đều ngưỡng mộ Nguyễn Chánh Tín – tài tử một thời của điện ảnh Việt Nam với vai diễn điệp viên Nguyễn Thành Luân đã đi vào huyền thoại trong phim “ Ván bài lật ngửa”.
Đã có một thời, anh là người đàn ông được không biết bao nhiêu cô gái đem lòng say mê, ngưỡng mộ, là người đàn ông khiến không biết bao người phụ nữ từng phải rơi nước mắt. Nhưng đi qua hơn nửa cuộc đời, chỉ có duy nhất một người phụ nữ vẫn ở bên cạnh anh, giúp anh hiểu hạnh phúc là gì và hạnh phúc ở đâu.
Nguyễn Chánh Tín
Nổi tiếng từ một sự cố tình cờ
Những năm 1980, khi bộ phim Ván bài lật ngửa được công chiếu trên màn ảnh rộng khắp nước, Nguyễn Chánh Tín – với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt. Vai diễn đó đã đưa Nguyễn Chánh Tín – từ một ca sĩ nổi tiếng khi đó vụt sáng trong vai trò diễn viên và chỉ một bước đã trở thành ngôi sao thực thụ của điện ảnh Việt, trở thành diễn viên được khán giả màn ảnh rộng cả nước yêu mến và ngưỡng mộ.
Ván bài lật ngửa đến bây giờ vẫn là một bộ phim để đời trong sự nghiệp của Nguyễn Chánh Tín, cũng như một trong những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam một thời, đặc biệt là dòng phim tình báo chiến tranh. Nguyễn Chánh Tín cũng có đủ những kỉ niệm vui buồn và thăng trầm của cuộc đời xung quanh bộ phim đó.
Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952, tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thồng võ học. Ông nội anh là một võ sĩ nổi tiếng dưới thời vua Tự Đức, chuyện đi trừ gian diệt bạo, tiêu diệt bọn cướp bóc ác ôn giúp dân lành nên đã bị bọn chúng đem lòng thù ghét mà giết chết khi còn rất trẻ. Nối tiếp truyền thống gia đình, cha Nguyễn Chánh Tín là Nguyễn Chánh Minh đã đi khắp miền Nam tầm sư học đạo và may mắn được một tướng trong quân đội Tôn Trung Sơn lưu lạc sang Việt Nam nhận làm đệ tử, trở thành chân truyền của vị tướng này.
Nguyễn Chánh Tín kể từ lúc sinh thời, cha anh là một người đàn ông can đảm, không sợ cường hào, ác bá, được người dân khắp xứ Cà Mau gọi là “Nhạn trắng Cà Mau”. Sống giữa thời loạn, ông đã từng kêu gọi người trong vùng nổi dậy đánh Tây nhưng không thành. Chính vì cảm phục sự can đảm của cha anh mà má anh, bà Lưu Ngọc Lan – một hoa khôi của vùng Bạc Liêu, Cà Mau ngày đó đã đem lòng yêu thương và nên vợ nên chồng với ông. Má anh là một người phụ nữ giỏi ca hát.
Cái gien nghệ thuật của Nguyễn Chánh Tín sau này có lẽ được thừa hưởng từ chính người mẹ của mình. Nguyễn Chánh Tín là con út trong gia đình có 5 người con. Vì là con nhà võ, nên ngay từ nhỏ, anh đã phải chịu một nền giáo dục rất nghiêm khắc, quy củ. Ngày bé, Nguyễn Chánh Tín đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Anh hát rất hay và thường được chọn biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Không chỉ thế, Nguyễn Chánh Tín còn biết tạc tượng, vẽ tranh. Là người học võ nên cha của Nguyễn Chánh Tín rất ghét văn nghệ, coi đó là xướng ca vô loài.
Ông luôn lo ngại con cái mình sẽ vì thế mà chểnh mảng học hành nên luôn cấm cậu con trai út tham gia các hoạt động văn nghệ. Vì thế cứ mỗi lần phát hiện con trai tham gia ca hát ở trường, ông đều cho con trai 1 trận đòn nhớ đời. Nguyễn Chánh Tín kể, có lần anh đi tập văn nghệ về, bị cha phát hiện ra. Giận con không nghe lời, cha anh đánh anh bằng một bó năm cây roi. Cha anh đánh không bao giờ dưới 10 roi. Biết chắc nếu ăn đủ số roi cha đánh sẽ “tiêu đời” nên mới bị đánh 2 roi, không chịu nổi nữa, cậu bé Nguyễn Chánh Tín đã phải chạy trốn lên máng cối đến khi cha nguôi giận mới về.
Có năm gần dịp Tết, vì có tài vẽ tranh nên Nguyễn Chánh Tín vẽ thiệp xuân mang vào trường bán, không dè được các bạn trong trường thích quá, thi nhau đặt mua. Quá mải mê vẽ tranh kiếm tiền nên dịp đó anh học hành chểnh mảng, kết quả thi thấp khiến cha anh rất giận. Ông vứt hết cọ và màu vẽ đi rồi đánh cho cậu con trai bướng bỉnh một trận đòn nhớ đời vì không biết nghe lời.
Cha Nguyễn Chánh Tín là người theo đạo Phật. Hình ảnh mà anh nhớ nhất về cha là khi về già, ông vẫn thường ngồi ở góc đường nói chuyện Phật pháp với tất cả mọi người, từ người sửa xe vỉa hè đến người bán nước. Ông cũng dạy các con mình không tham sân siu với đời, để được sống với cái tâm trong sáng và bình yên. Sinh thời, cha Nguyễn Chánh Tín lúc nào cũng mơ ước con mình nếu không theo nghiệp vô thì sẽ trở thành kĩ sư, bác sĩ. Nhưng cái nghiệp nghệ thuật dường như đã trở thành số phận của Nguyễn Chánh Tín. Bởi đến năm anh 15 tuổi, khi cha anh qua đời, một sự xếp đặt tình cờ con đường nghệ thuật. Thế nên anh vẫn nói mọi sự trong cuộc đời nghệ thuật của anh đều là chuyện bỗng dưng mà thôi.
Video đang HOT
Khi học trung học, ước mơ của Nguyễn Chánh Tín là trở thành bác sĩ, theo nguyện vọng của người cha quá cố. Nhưng năm cuối cấp Trung học tại trường Mạc Đĩnh Chi, một ngôi trường ngoại ô Sài Gòn, có một sự kiện đã khiến cuộc đời Nguyễn Chánh Tín thay đổi. Vốn có khiếu văn nghệ, nên ở trường trung học, anh vẫn là một cây văn nghệ đinh trong những buổi diễn lớn. Hôm đó có hội thi văn nghệ liên trường. Nguyễn Chánh Tín được giao hát lãnh xướng giọng nam cho trường ca Hòn vọng phu, đằng sau là 40 người bạn học với 4 bè khác nhau.
Nhưng sau đó, vì một chút sự cố nhỏ nên chương trình bị gián đoạn mất 5 phút. Bí quá nên đạo diễn chương trình đã yêu cầu: “cậu lãnh xướng hồi nãy” ra hát để bù khoảng trống cho chương trình. Trong lúc luống cuống, Nguyễn Chánh Tín đã chọn bài Tìm nhau và bài Nghìn trùng xa cách – 2 bài hát đang rất nổi tiếng lúc bấy giờ của nhạc sĩ Phạm Duy. Nguyễn Chánh Tín kể, vì không có sự chuẩn bị nên lúc đó anh rất run. Để tạo sự bình tĩnh, anh phải xin một điếu thuốc lá và vừa hút thuốc vừa hát. Không ngờ hình ảnh người đàn ông ngồi trầm tư hút thuốc lá và hát như đang đối diện với sự mất mát của cuộc đời đã đi vào lòng tất cả những người nghe nhạc đêm hôm đó và tạo ra một hiệu ứng lạ. Ngay sáng hôm sau, đồng loạt 40 tờ báo Sài Gòn đồng lọat đăng tin “hiện tượng lạ” về người thanh niên trẻ hát bài Nghìn trùng xa cách tại trường Mạc Đĩnh Chi.
Nhạc sĩ Phạm Duy khi đó đọc báo đã rất tò mò về người đã thể hiện ca khúc Nghìn trùng xa cách của mình khiến dư luận xôn xao, bởi trước đó người thể hiện ca khúc này là ca sĩ nữ, nên Phạm Duy đã cùng Dương Thiệu Tước vào tận trường để tìm bằng được Nguyễn Chánh Tín. Nhờ lần gặp gỡ này, Nguyễn Chánh Tín, đã được Phạm Duy mời hát trong chương trình Đạo Ca của nhạc sĩ Phạm Duy và được mời tới hát tại phòng trà Queen Bee. Chính nhờ bài hát lấp chỗ trống tình cờ đêm hôm đó mà Nguyễn Chánh Tín đã được phát hiện trong vai trò ca sĩ.
Anh trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp Miền Nam. Nhưng không chỉ thế, khi được biết đến với vai trò ca sĩ, cũng khiến nhiều đạo diễn điện ảnh chú ý bởi vẻ ngoài hào hoa, lãng tử và gương mặt điện ảnh nên đã mời anh tham gia những vai diễn lớn nhỏ thời đó. Rất nhiều đạo diễn bị ấn tượng với hình ảnh Nguyễn Chánh Tín vừa hút thuốc vừa hát trong đêm đó nên sau này, trong những bộ phim anh đóng, hình ảnh Nguyễn Chánh Tín với điếu thuốc trên môi và gương mặt tư lự đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của anh trên màn ảnh rộng.
Lúc trẻ, ước mơ của Nguyễn Chánh Tín là trở thnh bác sĩ, nhưng năm đó vì đột ngột nổi tiếng nên việc anh đã không thể toàn tâm toàn ý cho việc học. Anh thi trượt vào trường Đại học Y khoa, trở thành sinh viên trường Luật nhưng vẫn toàn tâm toàn ý hướng về nghệ thuật. Năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ với Nguyễn Chánh Tín. Năm đó anh được huy chương vàng điện ảnh, lại được giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn. Con đường nghệ thuật của cậu học trò trường Mạc Đĩnh Chi vì thế ngày càng thênh thang rộng mở.
Gia đình Nguyễn Chánh Tín
Mối tình vượt qua gian khổ
Là một người đàn ông hào hoa, được nhiều phụ nữ theo đuổi và cũng từng trải qua nhiều mối tình, nhưng người đàn bà duy nhất có thể yêu và hi sinh trọn vẹn cho Nguyễn Chánh Tín cho đến cuối đời thì chỉ có thể là vợ anh – ca sĩ Bích Trâm nổi tiếng một thời. Hai anh chị quen nhau khi đang là sinh viên trường Luật và cùng tham gia hoạt động văn nghệ trong trường.
Học hết lớp 12, Nguyễn Chánh Tín thi vào trường Y nhưng không đỗ, anh đành học Luật cùng trường Bích Trâm. Vốn mê ca hát nên Nguyễn Chánh Tín nhanh chóng tham gia vào Ban văn nghệ của trường, cũng là nơi mà giọng ca đinh của Ban văn nghệ ở trường Luật, nhưng hai anh chị lúc đầu rất “dị ứng” với nhau. Ngày đó, chị Bích Trâm là con gái một sĩ quan quân đội cao cấp của chính quyền Sài Gòn, nên từ bé đã học trường Tây và sống trong nhung lụa như một tiểu thư khuê các, đi đâu cũng có xe đưa xe đón. Chính vì nghĩ Bích Trâm là một cô tiểu thư kiêu kỳ, nên Nguyễn Chánh Tín không bao giờ tỏ thái độ gần gũi, thân mật với cô bạn học cùng trường của mình. Anh thích chị mỗi lúc chị lên sân khấu và cất tiếng hát. Những lúc đó anh thấy chị duyên dáng vô cùng. Nhưng khi trở về đời thực, hai người lại trở nên lạnh lùng xa cách. Thế nhưng cuối cùng họ vẫn tìm thấy nhau.
Lần đó, một người bạn học trong trường của cả Nguyễn Chánh Tín và Bích Trâm không may qua đời, hai anh chị đều phải đi đám tang ở một tỉnh xa Sài Gòn. Mọi lần đi đâu Bích Trâm cũng có xe hơi đưa rước nhưng hôm đó không hiểu sao chờ mãi mà xe vẫn chưa tới. Trời tối, không đợi được nữa, Bích Trâm đành đi nhờ xe Honda của Chánh Tín về thành phố. Đến lúc đưa được Bích Trâm về đến nhà thì cả hai đều ướt như chuột vì cơn mưa bất chợt. Sợ cha mẹ Bích Trâm nghi ngờ, Chánh Tín phải an ủi cô bạn học: “Trâm đừng lo, để Tín nói với ba mẹ cho”. Sau lần đó, họ bắt đầu để ý đến nhau.
Nguyễn Chánh Tín là con út và cũng là người con cuối cùng lập gia đình, nên mẹ anh rất sốt ruột. Mỗi lần thấy con trai đưa cô bạn gái nào đó về nhà chơi, dù chỉ là bạn học, bà cũng mừng như bắt được vàng và lập tức mang trầu cau sang nhà người ta dạm ngõ, khiến Chánh Tín nhiều lần xấu hổ vô cùng. Khi anh quen và yêu Bích Trâm, mẹ anh cũng làm thế. Thấy mẹ quá sốt ruột với việc có con dâu mới và có cháu nội bồng, anh đã quyết định lấy vợ năm 1974, khi mới 22 tuổi.
Những ngày đầu mới lấy nhau, nhờ có sự giúp đỡ của hai gia đình và cũng nhờ hoạt động nghệ thuật, cuộc sống của hai anh chị rất dễ chịu, nếu không muốn nói là sung túc, đủ đầy. Nhưng đúng lúc đó thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống của vợ chồng Chánh Tính thay đổi chỉ sau một đêm, từ những người có tất cả, trở thành tay trắng. Ngày đó, chị Bích Trâm có cơ hội sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình, nhưng vì yêu chồng, thương con, chị đã quyết định ở lại, dù biết ở lại là sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi đối diện với cuộc sống phía trước.
Những ngày sau giải phóng, Nguyễn Chánh Tín bỗng dưng trở thành một người thất nghiệp. Nghề chính của anh là ca sĩ, nhưng chất giọng của anh chỉ hợp với những bài hát trữ tình, không phù hợp với nhạc đỏ, nên khi dòng nhạc trữ tình bị cấm, Nguyễn Chánh Tín đã phải dừng con đường nghệ thuật lại một thời gian dài đi làm đủ thứ nghề mà anh không bao giờ ngờ tới sẽ có lúc mình phải làm. Anh nhớ cái Tết năm 1978 – 1979, nhà không có tiền mua mỡ, cũng không có tiền mua bánh kẹo ăn Tết, nên suốt cả Tết, căn bếp của hai vợ chồng anh chị vẫn nguội lạnh, buồn tênh. Nhưng may sao đúng lúc đó thì lại có nhạc sĩ Trần Tiến và nhạc sĩ Dương Thụ từ Hà Nội vào thăm, tặng cho anh chị mấy cái bánh chưng mang từ miền Bắc vào. Đó có lẽ là cái bánh chưng ngon nhất mà anh đã từng ăn trong đời.
Thời cuộc sống đói khổ, anh chị vẫn cố gắng duy trì sự lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, dù vô cùng hiếm hoi. Mỗi năm một lần, vào dịp kỉ niệm ngày cưới, cũng là dịp sinh nhật chị Bích Trâm, hai anh chị vẫn dành giụm tiền mua một con cá bé xíu về ăn, để cùng động viên nhau vượt qua khó khăn. Giai đoạn khủng hoảng nhất trong cuộc sống vợ chồng Chánh Tín là giai đoạn 1977, khi cả hai đều không có nghề nghiệp, mà tiền để dành cũng đã cạn đến những đồng cuối cùng. Năm đó, dù Bích Trâm đang bụng mang dạ chửa đứa con đầu lòng, nhưng hai vợ chồng Chánh Tín vẫn phải cắn răng ra chợ bán trái thơm, bán rau muống. Khi đó nhìn vợ đang bầu bí mà vẫn phải đứng suốt cả buổi ngoài chợ, Chánh Tín thương vợ ứa nước mắt. Nhưng việc buôn bán không phải ai cũng làm được, nhất là với 1 người nghệ sĩ. Anh chị bán gì lỗ đó, khiến cuộc sống khó khăn càng thêm khó khăn.
Sau 1975, cả miền Nam chỉ có hai đoàn hát, một là đoàn hát Kim Cương của nghệ sĩ Kim Cương, hai là đoàn hát Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, vợ chồng Chánh Tín xin đựoc vào làm việc trong đoàn hát, nhưng với đồng lương 3 cọc 3 đồng, Anh vẫn nhớ ngày đó lương của vợ chồng anh mỗi người được 3 đồng một tháng, trong khi đó một bát phở đã có giá 2 đồng. Đứa con trai đầu của anh chị đẻ ra giữa thời khốn khó, vợ anh không có sữa nhưng cũng không có tiền để mua sữa nhiều cho con nên có khi phải cho con uống nước cháo đường. Anh vẫn nhớ có lần con trai anh thèm ngọt đến nỗi nó phải ăn vụng cả kem đánh răng vì thấy trong đó có vị ngọt. Là nghệ sĩ nghèo, anh chị chẳng thể mua nổi quần áo cho con, phải đi xin của họ hàng mỗi người một chút. Mỗi lần đi hát kiếm thêm được 3-4 đồng, nhưng lại phải dành dụm tiền để mua máy hát, đầu tư trang phục, nên khó khăn vẫn hoàn khó khăn.
Con đường đến với vai diễn để đời trong Ván bài lật ngửa
Trong hoàn cảnh sống cùng cực khó khăn, có đôi lúc Chánh Tín rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Đầu những năm 1980, trong một lần đi về biên giới Campuchia để tìm đường vượt biên, nhưng dự định vượt biên không thành, anh phải quay trở lại thành phố làm tường trình với đoàn hát và bị bắt giam suốt mấy tháng trời trong trại giam trên đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Chính trong lúc tuyệt vọng đến không ngờ đó, Nguyễn Chánh Tín lại nhận được vai diễn điệp báo viên Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa (xây dựng từ hình ảnh nhà tình báo viên lừng danh Phạm Ngọc Thảo).
Khi đó, trong lúc Chánh Tín bị giam trong trại, thì có người đã đến nói với ông Sáu Thảo (Giám đốc Sở văn hóa – Thông tin TPHCM) – một người rất quan tâm đến bộ phim Ván bài lật ngửa về Nguyễn Chánh Tín. Đoàn làm phim Ván bài lật ngửa khi đó đã tìm được một vai diễn đóng vai điệp viên Nguyễn Thành Luân , nhưng sau khi quay được một số phân cảnh đầu tiên thì lập tức thấy diễn viên đó không toát lên được cái tinh thần của vai diễn. Khi đó có người nói với ông Sáu Thảo rằng chỉ có Nguyễn Chánh Tín mới đóng được vai Nguyễn Thành Luân. Nhưng lúc đó tất cả đều e dè vì Nguyễn Chánh Tín đang rơi vào cảnh tù tội hết sức nhạy cảm. May mắn cho Chánh Tín là ông Sáu Thảo là người rộng lượng, quả quyết. Nghe nói về Chánh Tín, ông lập tức nói: “Tôi sẵn sàng bảo lãnh cho nó ra trại để nó đóng vai này”?
Hôm đó đích thân ông Sáu Thảo đã vào trại gặp Chánh Tín và hỏi: “Chú có vượt biên nữa không?”. Chánh Tín nghe thấy thế thì buồn bã kể về lí do mình vượt biên: “Em vượt biên vì cực quá. Có cái hộ khẩu Sài Gòn xin mãi không ai cho. Mà không có hộ khẩu thì không được mua hàng bao cấp, toàn phải mua đồ chợ đen. Cực quá nên em mới tính đường vượt biên” , 3 ngày sau, với sự giúp đỡ của ông Sáu Thảo, Nguyễn Chánh Tín có hộ khẩu Sài Gòn và chính thức nhận vai Nguyễn Thành Luân.
Anh lao vào diễn vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa với một niềm hứng khởi chưa từng có: bởi đó không chỉ là vai diễn vì cơm áo gạo tiền, đó còn là vai diễn giúp anh lấy lại danh dự đã mất và giúp anh trả ơn cho những người đã tin tưởng và trao cho anh một cơ hội làm lại từ đầu. Với vai diễn Nguyễn Thành Luân, Nguyễn Chánh Tín đã toàn tâm toàn ý như chưa từng như thế trong đời. Và trời đã không phụ công anh, khi bộ phim được công chiếu, Ván bài lật ngửa đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trong cả nước. Cái tên Nguyễn Chánh Tín – người thủ vai điệp viên Nguyễn Thành Luân cũng nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất khi ấy. Vai diễn Nguyễn Thành Luân đã mang lại vinh quang cho đời diễn viên của Nguyễn Chánh Tín. Nhưng chính Nguyễn Chánh Tín cũng đã làm cho vai diễn đó có sức sống mãnh liệt đến thế trong lòng khán giả điện ảnh cho đến tận bây giờ.
Nguyễn Chánh Tín kể, cái thời anh nổi tiếng với Ván bài lật ngửa, anh vừa khổ sở, vừa hạnh phúc vì sự nổi tiếng của mình,. Đi đâu ra ngoài đường, anh cũng phải đội mũ, đeo kính, lấy khắn trùm kín mặt nếu không muốn bị người hâm mộ phát hiện. Có lần đi diễn ở tỉnh xa, có nữ khán giả vì nhìn thấy anh nên hạnh phúc đến nỗi ngất lịm đi. Thành công vang dội cũng khiến Nguyễn Chánh Tín – với vẻ hào hoa phong nhã của mình trở thành người đàn ông trong mộng của nhiều người phụ nữ. Cũng đã có đôi lần, anh xao lòng trước những bóng hồng. Nhưng cuối cùng sự kiên trì, hi sinh, nhẫn lại của vợ anh – ca sĩ Bích Trâm đã giữ anh lại. Chính chị đã giúp anh hiểu hạnh phúc của anh là gì và hạnh phúc ở đâu: hạnh phúc của anh chính là gia đình anh và anh chỉ có thể tìm được hạnh phúc dưới mái ấm của mình, bên cạnh vợ và hai đứa con của mình.
Rất nhiều năm đã trôi qua sau vai diễn lừng danh trong Ván bài lạt ngửa, Nguyễn Chánh Tín đã không còn là Nguyễn Thành Luân ngày nào. Anh đã bước sang tuổi 60, đã mất đi cái vẻ hào hoa phong nhã từng làm nghiêng đổ bao nhiêu trái tim phụ nữ. Nhưng rất nhiều trái tim khán giả vẫn nhớ tới anh – nhớ tới hình ảnh người điệp viên anh hùng Nguyễn Thành Luân trong bộ phim năm nào. Với Nguyễn Chánh Tín, đó là hạnh phúc thực sự trong cuộc đời nghệ thuật của mình.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Nguyễn Chánh Tín mặc váy hát 'Buồn ơi, chào mi'
Tham gia buổi dạ tiệc theo phong cách Hoàng gia Anh tổ chức tại Đà Lạt, Nguyễn Chánh Tín gây bất ngờ với khán giả khi hát lại "Buồn ơi, chào mi" dưới sự đệm đàn của chính tác giả ca khúc, Nguyễn Ánh 9.
Nguyễn Chánh Tín xuất hiện trong chiếc váy Kilt truyền thống của đàn ông Scotland. Họa tiết sọc caro tôn thêm chiếc áo gilê và tuxedo anh khoác trên người. Điều đó khiến người đàn ông trung niên, diễn viên chính bộ phim "Ván bài lật ngửa" của những năm 80 thêm thanh lịch, quyến rũ.
Nguyễn Chánh Tín mặc trang phục truyền thống Scotland.
Nói về sự vắng bóng của mình thời gian qua, anh chia sẻ: "Tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim nhưng chưa tìm được kịch bản ưng ý và vai diễn phù hợp nên không dám nhận lời". Nghệ sĩ cho biết thêm một ca khúc hay một vai diễn, nếu không thích thì không thể diễn, hát hay được. Muốn là một vai diễn hay ca khúc để đời thì nó phải ăn sâu vào máu của Chánh Tín.
Trò chuyện thân mât cùng người đẹp Thu Hương.
Anh tự nhận có lẽ vì quá khắt khe với nghề nghiệp nên không thể đi theo con đường điện ảnh hay âm nhạc chuyên nghiệp. Những vai diễn của anh có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng là những vai diễn để đời. Nguyễn Chánh Tín cũng thuộc rất ít bài hát, nhưng với mỗi bài hát đều là một kỷ niệm. Chẳng hạn với ca khúc "Buồn ơi, chào mi" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, anh là người đầu tiên hát trong một phòng trà. Năm ấy, Nguyễn Chánh Tín còn rất trẻ, 23 tuổi, nhưng đã sớm có sự đồng cảm cùng với tác giả.
Nguyễn Chánh Tín (phải) và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Đêm 17/3, gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong buổi tiệc giới thiệu sản vật dùng để triều cống cho hoàng gia Anh Royal Salute 62 Gun Salute, Nguyễn Chánh Tín không ngần ngại bước lên sân khấu biểu diễn "Buồn ơi, chào mi" bằng giọng hát của một người đàn ông từng trải, khác hẳn với giọng hát thuở 23.
Theo VNExpress
Lại thêm một "siêu phẩm mâm xôi" Việt? Mở hàng cho mùa phim hè 2011, Lệnh xóa sổ được kỳ vọng là một bộ phim hành động gay cấn, hấp dẫn, rốt cuộc chỉ là một chú "ngựa non háu đá", bởi còn thiếu quá nhiều thứ để có thể trở thành một tác phẩm "trưởng thành". Là một võ sư kick boxing nên không có gì đáng ngạc nhiên khi...