Cuộc đời quyền lực của Chu Vĩnh Khang
Từng là người đầy quyền thế trong ngành dầu mỏ và công an Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị, đang bị điều tra về tội danh tham nhũng sau cú hạ cánh tưởng là an toàn năm 2012.
Chu Vĩnh Khang (thứ ba từ phải sang) từng thâu tóm nhiều quyền lực trong tay khi là bộ trưởng công an Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trong gần một thập kỷ, Chu Vĩnh Khang, con trai của một gia đình nghèo ở nông thôn tỉnh Giang Tô, là một trong những người đàn ông quyền lực hạng nhất Trung Quốc. Nhưng hôm qua, người đàn ông 71 tuổi này không còn là nhà lãnh đạo được nể trọng nữa, mà là đối tượng bị cơ quan chống hối lộ của đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ để điều tra.
Tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin trước đó cho biết thực tế ông Chu cùng vợ là bà Giả Hiểu Diệp đã bị bắt từ tháng 12 năm ngoái tại Bắc Kinh.
Là con trai cả của một gia đình ở làng Tây Tiền Thủ, Vô Tích, Giang Tô, Chu Vĩnh Khang thoát khỏi sự khắc nghiệt và nghèo đói của cuộc sống nhà nông, với tấm bằng khá ở trường trung học và thi đỗ vào đại học. Kết thúc khóa học tại trường trung học Tô Châu năm 1958, ông Chu thi vào Học viện Xăng dầu Bắc Kinh, nay là Đại học Xăng dầu Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang bắt đầu sự nghiệp là một thợ máy ở mỏ dầu Đại Khánh ở Hắc Long Giang .Khu này, chỉ mới hoạt động vài năm trước khi ông Chu đến, giờ đây là khu lọc dầu lớn nhất Trung Quốc. Ông Chu sau đó làm việc tại mỏ dầu Liễu Hà và từ đó thăng tiến trong ngành công nghiệp này.
Một người có các mối quan hệ thân cận trong ngành này nói: “Ông Chu lao mình vào công việc với niềm hăng say lớn. Ông là một người lãnh đạo thiên bẩm. Mùa đông ở đông bắc Trung Quốc kéo dài và lạnh, nhưng ông luôn đi đầu và không bao giờ bỏ cấp dưới đơn độc”.
Ông Chu nổi danh là một công nhân khỏe mạnh và bạo gan, nhưng cũng rất hào phóng. Trong điều kiện sống nghèo khổ lúc đó, các công nhân không có đủ đồ ăn, ông Chu cũng nghèo nhưng thường đem bánh bao nóng ở nhà đến cho các đồng nghiệp, người này kể.
Dần dần, Chu Vĩnh Khang trở thành người đứng đầu của ngành dầu mỏ Liễu Hà và có mối quan hệ với cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, lúc đó có tên trong Ủy ban Năng lượng quốc gia. Năm 1996, ông Chu là lãnh đạo của tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất Trung Quốc.
Năm 1999, Chu Vĩnh Khang trở thành bí thư của tỉnh giàu tài nguyên Tứ Xuyên và tiếp tục bước đường công danh sự nghiệp. Khi đó ông Chu tạo dựng danh tiếng là một người kiên định lập trường. Ông là một nhân vật trung tâm trong mạng lưới những chính trị gia có ảnh hưởng và có mối liên hệ với ngành công nghiệp dầu mỏ nhiều lợi nhuận và quyền thế. Đôi khi ông Chu được miêu tả là Dick Cheney của Trung Quốc. Cheney là phó tổng thống Mỹ nổi danh về sức ảnh hưởng về các vấn đề an ninh và quốc phòng Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và 5 năm sau có tên trong danh sách 9 thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan đưa ra quyết sách cao nhất, sánh vai cùng Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường.
Ông trở thành người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Luật pháp trung ương (CPLC), chịu trách nhiệm về an ninh nội địa của cả Trung Quốc, bao gồm cảnh sát, tòa án, nhà tù và giám sát an ninh nội địa. Ông để lại dấu ấn ở các cuộc trấn áp những vụ bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương.
Video đang HOT
Theo báo cáo của bộ tài chính Trung Quốc, năm 2013 ngân sách chính thức do CPLC quản lý vượt ngân sách quốc phòng trong năm thứ tư liên tiếp, với 124 tỷ USD dùng cho an ninh nội địa so với 123 tỷ USD chi tiêu cho quân đội.
“Duy trì ổn định là khai niệm rất, rất mơ hồ, và có nhiều kẽ hở cho tham nhũng”, Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học thành phố Hong Kong, nói với AFP.
“Khi có nhiều kẽ hở cho tham nhũng, có rất nhiều cách để chi tiêu, bạn có rất nhiều nguồn lực để xây dựng mạng lưới quan hệ của mình. Đó là lý do tại sao ông ta trở nên quá quyền lực như vậy”, Cheng nói.
Việc gây dựng quyền lực và nguồn lực, mạng lưới người thân cận và bè cánh trong đội ngũ lãnh đạo đảng, là một phần khiến ông Chu lợi dụng quyền lực chính trị. Việc ông Chu chịu trách nhiệm về bộ máy an ninh, mạng lưới ngày càng lớn mạnh dần và trở nên quá quyền lực, khiến giới lãnh đạo thấy không thoải mái, Cheng nói thêm.
Ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai (cùng mặc áo đen) trong một lễ kỷ niệm. Ảnh: SCMP
Sa lưới
Theo South China Morning Post, hồi tháng 8 năm ngoái, các lãnh đạo Trung Quốc đạt được đồng thuận trong việc điều tra ông Chu. Những chi tiết cáo buộc với ông hiện vẫn chưa rõ, nhưng các nhà quan sát cho rằng ông Chu có thể trở thành người có địa vị cao nhất bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng không khoan nhượng của chủ tịch Tập Cận Bình. Nỗ lực của ông Tập sẽ phá vỡ một luật bất thành văn lâu nay, tiến tới trừng phạt một trong những “tinh hoa” cao nhất vì phạm tội kinh tế.
Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng vào đầu tháng 10 năm ngoái, ông Chu dành cả buổi sáng ở trường trung học Tô Châu khi trường này kỷ niệm 60 ngày thành lập. Ông phát biểu với những lời lẽ ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Tập Cận Bình , thúc giục giáo viên và sinh viên ủng hộ đảng.
Nhưng nỗ lực đó có thể quá nhỏ và quá muộn. Ông Chu là người đỡ đầu của Bạc Hy Lai, người bị tuyên án tù vào tháng 9 năm ngoái vì tội tham nhũng và lạm quyền. Vụ án của ông Bạc là bê bối chính trị chấn động nhất Trung Quốc từ sau Cách mạng Văn hóa. Việc ông Chu bị điều tra sau vụ án của Bạc Hy Lai được nhận định là không thể tránh được.
“Trong mắt Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác, tội danh của Chu Vĩnh Khang là hỗ trợ Bạc Hy Lai”, Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói.
“Bạc Hy Lai đã hình thành nên một liên minh bí mật, một bè cánh thiết lập quyền lực, và Chu Vĩnh Khang là một trong những người thân thiết nhất của Bạc Hy Lai, vì thế ông Chu bị điều tra”.
Chiếc lưới tiếp tục siết chặt quanh ông Chu vào cuối năm ngoái, khi Lý Đông Sinh, cựu thứ trưởng an ninh và là người thân cận của ông Chu bị bắt. Không lâu sau, người đứng đầu cơ quan do thám của Trung Quốc, ông Lương Khắc, bị bắt và mất chức do bị nghi ngờ về tham nhũng. Có một số nguồn tin cho rằng Lương hỗ trợ Lý và ông Chu kiểm soát các cuộc điện thoại của các lãnh đạo cao cấp trong đảng.
Hầu hết những trợ lý thân cận của ông Chu trong ngành dầu khí cũng mới bị bắt giữ, gồm Lý Hoa Lâm, phó tổng giám đốc CNPC và là cựu thư ký riêng của ông Chu. Một số người họ hàng của ông Chu cũng bị điều tra vì những giao dịch trái phép liên quan đến CNPC, gồm con trai cả Chu Bân, con dâu Vương Uyển, em trai Chu Nguyên Thanh, em dâu Chu Linh Anh và cháu Chu Phong.
Ngoài ra, Tưởng Khiết Mẫn, cựu lãnh đạo CNPC và đồng thời là người thân cận của ông Chu, cũng bị Ủy ban Trung ương về thanh tra kỷ luật thẩm vấn. Tưởng bị tra hỏi năm 2012 vì những khoản chi cho các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn Ferrari ở Bắc Kinh, để đổi lấy sự im lặng của họ. Tưởng Khiết Mẫn sau đó bị khai trừ khỏi đảng và đang bị điều tra.
Theo truyền thông Trung Quốc, đến nay có ít nhất 13 quan chức liên quan đến ông Chu bị điều tra. Có 5 người là cựu quan chức ở Tứ Xuyên, 4 quan chức CNPC, bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, một thứ trưởng bộ công an và ba người khác được coi là cánh tay phải của Chu. Một số báo cáo khác cho biết hơn 20 người thân cận của ông Chu cũng đang bị giam cầm. Khi ông Chu rời Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, cũng là lúc số thành viên bị cắt từ 9 còn 7, không có chỗ cho Bộ trưởng Công an.
Là cựu ủy viên Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, ông Chu trở thành quan chức cao nhất “mắc lưới” trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Ông Tập từng tuyên bố nhắm tới quan tham ở tất cả các cấp, từ “hổ lớn” cho tới “ruồi bé”.
Theo VnExpress
Chu Vĩnh Khang và những tiết lộ động trời
Sau khi cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc - Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra, những thông tin về thủ đoạn đấu đá chính trị, đời tư hay những bình luận liên quan đến nhân vật này lập tức bung ra trên khắp báo chí Trung Quốc và cả nước ngoài.
Chu Vĩnh Khang từng có âm mưu lật đổ ông Tập Cận Bình
Âm mưu ám sát
Được ví là "ông trùm" an ninh ở Trung Quốc bởi từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an (năm 2002), ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư Ủy ban Chính pháp (2007-2012), ở tuổi 71, Chu Vĩnh Khang chính thức bị chính quyền Bắc Kinh tuyên bố lập án điều tra do "những sai phạm nghiêm trọng" - cụm từ chỉ hành vi tham nhũng tại nước này. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin lại cho biết, ông Chu Vĩnh Khang bị "sờ gáy" là do liên quan tới mưu đồ đảo chính. Tờ "Nhật báo Tinh đảo" bản tiếng Trung phát hành tại Canada đã đăng tải bài viết "tiết lộ" Chu Vĩnh Khang bị bắt vì có âm mưu đảo chính. Tờ báo này cho rằng mặc dù Chu Vĩnh Khang từng nắm trọng trách cao trong Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc nhưng đã vượt quá giới hạn khi dùng cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh - Bạc Hy Lai để thực hiện mưu đồ đảo chính.
Liên quan đến nội dung trên, tờ Minh Kính xuất bản tại Hồng Kông từng đưa tin, ngày 4-12-2013, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - ông Vương Kỳ Sơn đã công bố trước hội nghị Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc về tiến triển của vụ Chu Vĩnh Khang. Trước đó, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông cho biết, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc đã nhất trí điều tra Chu Vĩnh Khang từ tháng 8-2013. Theo công bố của ông Vương Kỳ Sơn, ông Chu liên quan đến 4 vấn đề vi phạm nghiêm trọng: Đẩy Bạc Hy Lai leo cao để làm con rối chính trị; Thông qua việc điều khiển Bạc Hy Lai để thực hiện âm mưu chiếm đoạt các lợi ích lớn hơn; Chu Vĩnh Khang còn được cho là đã tìm cách thay thế vai trò của ông Giang Trạch Dân ở hậu trường và "phạm tội đặc biệt nghiêm trọng" khi lên kế hoạch ám sát Tập Cận Bình sau khi ông này được xác định là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Theo Reuters, Chu Vĩnh Khang từng"âm mưu" tranh đoạt quyền lực trước thềm Đại hội Đảng khóa 18 hồi cuối năm 2012. Nhiều nguồn tin cho biết, Chu Vĩnh Khang từng muốn ám sát ông Tập ít nhất hai lần, trước và sau cuộc họp của lãnh đạo ĐCS Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà hồi tháng 8-2012. Các kế hoạch gồm cài bom hẹn giờ tại phòng họp của ông Tập và tiêm thuốc độc trong lúc ông Tập kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện 301. Khi đó, ông Tập đang giữ chức Phó Chủ tịch nước và được xác định sẽ trở thành người thay thế ông Hồ Cẩm Đào. Theo báo Minh Kính, những âm mưu này đã bị phanh phui, nhờ một nguồn nặc danh tố cáo lên ban lãnh đạo cấp cao. Từ đó, ông Chu trở thành mục tiêu điều tra và gần như mất hết quyền lực trước khi chính thức về hưu hồi cuối năm 2012.
"Đào bới" mọi tình tiết
Ngay cả từ ngữ trong tin vắn của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc - Tân Hoa xã về chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang cũng được đem ra phân tích. Tờ Nhân dân nhật báo bình luận, so sánh với bản thông báo điều tra về vấn đề gây ra sai phạm nghiêm trọng của Bạc Hy Lai, trong văn bản thông báo điều tra ông Chu không sử dụng từ "đồng chí". Như vậy, khi bị chính quyền Bắc Kinh đưa vào mục tiêu "dẹp" quan tham, ông Chu còn thất thế hơn ông Bạc.
Cũng theo Nhân dân nhật báo, đây là quan chức cao cấp nhất bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc xử lý từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, "gần như không có ai ngạc nhiên trước tin này, dư luận như rũ bỏ được vô số nghi ngờ liên quan đến ông Chu trong thời gian trước. Điều gì đến sẽ đến, ông ta đã không còn là "đồng chí" nữa".
Liên quan đến một số thông tin đời tư của vị cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, trang Ifeng đưa thông tin đáng chú ý về việc mộ tổ gia đình ông Chu bị đào bới và mẹ ông này treo cổ tự tử. Theo đó, vào những năm 1990, ông Chu Vĩnh Khang từng mời thầy đến xem tướng. Thầy này cho biết tướng mạo của ông Chu rất tốt nhưng chưa leo lên được chức vụ cao là vì mộ tổ nhà họ Chu không hợp phong thủy. Sau đó, ông này đã nhiều lần gọi điện về quê nhà ở làng Tây Tiền Đầu, quận Tích Sơn, thành phố Vô Tích (Giang Tô) yêu cầu hai người em sửa sang ngôi mộ tổ. Tuy nhiên, sau một đêm mưa lớn vào mùa thu năm 2009, gia đình họ Chu bỗng phát hiện ngôi mộ tổ đã bị ai đó đào trộm. Sự việc mộ tổ của lãnh đạo Chu Vĩnh Khang bị đào trộm đã kinh động tới cơ quan cảnh sát Vô Tích, các cuộc điều tra được triển khai, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được thủ phạm.
Người dân địa phương còn cho biết, ông Chu rất ít khi về thăm quê. Những năm 1960, khi ông làm việc tại Liêu Ninh, 2 người em trai ở quê là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh đều không chăm sóc mẹ già Chu Tú Kim, nên muốn đẩy trách nhiệm này cho Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, khi bà Chu Tú Kim tới Liêu Ninh, không rõ cuộc sống có điều gì phiền muộn mà cuối cùng bà này đã treo cổ tự vẫn.
Quê nhà Tây Tiền Đầu cũng không nhận được nhiều đóng góp từ ông Chu. Trong quá trình sự nghiệp thăng tiến như diều gặp gió, ngoài một con đường cao tốc 8 làn xe hoàn thành vào năm 2011, nối trực tiếp làng Tây Tiền Đấu với thành phố Vô Tích, "gia đình họ Chu không cống hiến gì thiết thực cho quê hương" - hai người già trên 60 tuổi ở Tây Tiền Đầu cho biết.
Án nặng khó thoát
Trước khi có thông báo bị chính thức điều tra, những tin đồn về việc Chu Vĩnh Khang là "con cọp" lớn trong kế hoạch "đả hổ, diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện tràn lan, đặc biệt sau khi nhiều nhân vật được coi là "thân" Chu lần lượt sa cơ.
Theo Nhân dân nhật báo, trong 2 năm qua, sự việc liên quan đến Chu Vĩnh Khang đã trở thành một hiện tượng đặc biệt trên nhiều diễn đàn dư luận của Trung Quốc bởi nhiều tình tiết tham ô tinh vi, phức tạp trong các vụ án liên quan đến quan chức địa phương và Trung ương hay Tập đoàn Dầu khí quốc gia đều liên kết tới một đầu mối quan trọng là "đại lão hổ" - Chu Vĩnh Khang. Tuy nhiên, kể từ ngày 29-7, cái tên "Chu Vĩnh Khang" mới thực sự trở thành từ khóa "hot" trên trang mạng tìm kiếm Baidu của Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, từ khóa "Chu Vĩnh Khang bị điều tra" leo lên top đầu nội dung được quan tâm với 4,3 triệu lượt tìm kiếm chỉ trong vòng 2 giờ sau khi tin điều tra chính thức được đăng tải.
Điều đáng nói, bình thường Đảng Cộng sản Trung Quốc xử lý nội bộ đối với các quan chức cao cấp, nhưng lần này, nhiều dấu hiệu cho thấy họ sẽ phơi bày hết sai phạm Chu Vĩnh Khang trước công chúng. Báo Le Figaro của Pháp nhận định, nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang phải chịu án nặng như tử hình hay tù chung thân. Cũng theo Le Figaro, mặc dù việc xử "ông trùm" ngành an ninh Chu Vĩnh Khang có thể phơi bày trước công chúng những mâu thuẫn trong nội bộ ĐCS Trung Quốc và điều đó có thể gây tổn hại đến hình ảnh ông Tập Cận Bình nhưng nó cũng giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực và nắm lấy quyền kiểm soát an ninh đất nước.
Con trai "hổ Chu" bị bắt giữ
Cùng lúc ông Chu Vĩnh Khang bị chính thức điều tra, ngày 29-7, Chu Bân - con trai cả của ông này bị cơ quan công tố thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc bắt giữ vì dính líu tới hoạt động kinh doanh phi pháp.
Sinh năm 1972, Chu Bân theo chân bố, bắt đầu sự nghiệp trong ngành dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc. Dựa vào thế lực của người bố, Chu Bân và các anh chị em xây dựng một đế chế kinh doanh lớn với phạm vi từ Bắc Kinh kéo dài đến Tứ Xuyên, thậm chí ra cả nước ngoài. Vào cuối năm 2013, Chu Bân đã bị điều tra. Trước đó báo chí Trung Quốc từng đưa tin Chu Bân là đối tác làm ăn với trùm xã hội đen Trung Quốc - Lưu Hán. Tuy nhiên, trang Ifeng dẫn một nguồn tin có thế lực lại khẳng định án kinh doanh trái pháp luật của Chu Bân không liên quan tới Lưu Hán.
Theo An Ninh Thủ Đô