Cuộc đời Lý Quang Diệu – người kiến tạo Singapore phồn thịnh
Nổi tiếng là người thông minh, diễn thuyết lôi cuốn và có tài lãnh đạo, ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore từ một nước nghèo lên sánh ngang các nước phát triển phương Tây.
Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923, trong một gia đình người Hoa giàu có sống tại Singapore từ thế kỷ 19.
Học rất giỏi ngay từ nhỏ, ông Lý được nhận vào Viện Raffles tại Singapore, vốn quy tụ 150 học sinh xuất sắc nhất tại đây. Sau khi tốt nghiệp đầu bảng tại trường này, ông nhận được nhiều học bổng nhưng cuối cùng quyết định theo học ngành luật tại trường Fitzwilliam, thuộc đại học Cambridge, Anh.
Tại thời điểm ông tốt nghiệp và trở về nước, Singapore vẫn là thuộc địa của Anh. Ông Lý đã cùng những người cùng chung chí hướng lập ra đảng Nhân dân hành động (PAP) và ông là Tổng bí thư của đảng do mình lập ra năm 1954.
Năm 1955, hiến pháp mới của Singapore được thông qua, tăng số ghế đại biểu được bầu thông qua bầu cử lên 25 trong tổng số 32 ghế, thay vì thông qua bổ nhiệm như trước đây. Đảng PAP khi ấy chỉ giành được 3 ghế.
Năm 1956, ông Lý tới Anh để đàm phán về khả năng Singapore tuyên bố độc lập. Đàm phán thất bại, xung đột nổ ra tại Singapore và một năm sau ông lại quay trở lại London để đàm phán về khả năng Singapore trở thành một quốc gia tự trị, có hiến pháp mới. Theo bản hiến pháp này, bầu cử sẽ được tiến hành trong năm 1959. Và đảng PAP của ông Lý đã thắng áp đảo với 43/51 ghế tại Quốc hội. Singapore trở thành quốc gia tự trị, ngoại trừ các vấn đề quân sự và đối ngoại. Ông Lý nhậm chức ngày 5/6/1959, trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore độc lập và nắm quyền suốt 31 năm sau đó.
Để được độc lập hoàn toàn khỏi thực dân Anh, ông Lý đã vận động người dân ủng hộ ý tưởng liên bang với các thuộc địa khác xung quanh, lập ra liên bang Malaysia. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 1962, với 70% ý kiến ủng hộ đã giúp kế hoạch trên thành hiện thực một năm sau đó.
Video đang HOT
Tuy nhiên, do mâu thuẫn sắc tộc giữa cộng đồng người Hoa tại Singapore và người Malay, ngày 7/8/1965, ông Lý Quang Diệu đã ký hiệp định tách Singapore khỏi liên bang Malaysia, trở thành quốc gia độc lập.
Công bố quyết định tách khỏi Malaysia ngày 9/8/1965, ông Lý đã rất xúc động và gọi đó là “khoảnh khắc đau buồn”. Ông nói: “Suốt đời mình tôi đã tin vào việc sáp nhập với Malaysia và thống nhất của hai lãnh thổ. CÁc bạn biết rằng chúng ta, mỗi một người, được kết nối với nhau bởi địa lý, kinh tế, bởi sự gắn kết huyết thống… Nó đã phá vỡ mọi thứ theo đúng nghĩa đen mà chúng ta đã đấu tranh… giờ đây Singapore sẽ mãi mãi là một quốc gia độc lập, dân chủ và có chủ quyền, được tạo lập trên nguyên tắc tự do và công lý và sẽ mãi mãi theo đuổi sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân trong một xã hội chỉ có công bằng trên hết.”
Việc tách khỏi Malaysia khiến Singapore gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là tài nguyên thiên nhiên hạn chế, năng lực tự phòng thủ yếu. Ông Lý đã phát động một cuộc cải cách kinh tế, khuyến khích xuất khẩu hàng thành phẩm, thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời nâng cao đời sống người lao động. Những chính sách đúng đắn đã giúp đảng PAP của ông luôn áp đảo tại các cuộc bầu cử quốc hội suốt những năm sau đó. Đến tháng 11/1990, ông Lý từ chức thủ tướng nhưng vẫn là lãnh đạo đảng PAP tới năm 1992.
Ông Lý từng gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, trong đó có ông Mao Trạch Đông (trái).
Ông Lý Quang Diệu trong một cuộc gặp với nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Ông Lý Quang Diệu và phu nhân (phải) gặp thủ tướng Anh Thatcher
Khi đã 70 tuổi, ông Lý vẫn không ngại làm quen với máy tính.
Ông Lý thường được mời tham dự và phát biểu tại các diễn đàn, hội thảo quốc tế về phát triển.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Những phát ngôn bất hủ của nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu
Ông Lý Quang Diệu, người sáng lập đất nước Singapore hiện đại, nổi tiếng với tài hùng biện, diễn thuyết đi vào lòng người, để lại nhiều phát ngôn ấn tượng.
Ông Lý Quang Diệu nổi tiếng là người giỏi hùng biện và cứng rắn trong lãnh đạo (Ảnh: AP)
Về nghệ thuật quản trị
"Sự đàn áp chỉ có thể tới một mức nào đó. Khi nó trở nên quá mạnh mẽ, các công cụ đàn áp, như quân đội và cảnh sát, đã được lịch sử chứng minh nhiều lần sẽ quay trở lại chĩa súng vào chính những ông chủ của họ", Ông Lý Quang Diệu phát biểu trên tờ Straits Timesngày 5/5/1959 khi là lãnh đạo đảng đối lập tại Singapore.
"Tôi thường bị cáo buộc can thiệp vào đời tư của người dân. Đúng, nếu tôi không làm vậy, chúng ta đã không có được như ngày nay. Và tôi có thể nói mà không chút hối hận dù nhỏ nhất, rằng chúng ta sẽ không được như ngày nay, chúng ta sẽ không có được những tiến bộ kinh tế, nếu chúng ta không can thiệp vào những vấn đề rất cá nhân - hàng xóm của bạn là ai, bạn sống ra sao, bạn tạo ra tiếng ồn thế nào, bạn khạc nhổ ra sao, hay ngôn ngữ bạn sử dụng. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng. Không bận tâm mọi người nghĩ sao", ông Lý phát biểu trong bài viết trên tờ Straits Times, số ra ngày 20/4/1987.
"Ngay cả khi tôi nằm trên giường bệnh, thậm chí nếu bạn đang đặt tôi xuống mồ mà tôi cảm thấy có điều gì đó chưa đúng, tôi sẽ bật dậy", ông Lý phát biểu trong dịp tuần hành mừng quốc khánh năm 1988, khi thảo luận về việc chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho ông Goh Chok Tong năm 1990.
Về xã hội Singapore
"Nếu được quyền chọn một người dân và họ được giáo dục và nuôi dạy đầy đủ, thì bạn sẽ không phải sử dụng quá nhiều đòn roi bởi họ đã được huấn luyện rồi. Cũng giống như với chó. Bạn dạy cho nó một cách đầy đủ từ nhỏ. Nó sẽ biết rằng nó phải ra khỏi nhà, đi tiểu ở ngoài để tống chất thải ra. Nhưng chúng ta không phải một xã hội như vậy. Chúng ta phải huấn luyện những con chó đã trưởng thành, những con thậm chí hôm nay vẫn cố ý đi tiểu trong thang máy", ông Lý viết về xã hội Singapore trong cuốn sách "The Man & His Ideas" (tạm dịch: Người đàn ông và những ý tưởng), xuất bản năm 1997.
"Khi bạn là lãnh đạo của Singapore, sự sống còn của bạn tùy thuộc vào kết quả công việc - kết quả xuất sắc, tốt hơn các đối thủ - khi kết quả đó biến mất do hệ thống bị mai một, thì bạn đã mất mọi thứ...Tôi cố nói với những người trẻ tuổi rằng, họ luôn nói ông già lúc nào cũng làm theo lối cũ, chúng tôi từng nghe hết những điều đó rồi. Nhưng tôi biết do đâu mà chúng ta rơi vào tình trạng này và tôi biết làm sao để gỡ rối nó", ông Lý Quang Diệu khẳng định trong bài viết về kết quả bầu cửtại Singapore trên Straits Timesngày 26/6/2008.
Về dân chủ và trưng cầu dân ý
"Ngoài một số trường hợp ngoại lệ, dân chủ không đem đến những chính phủ tốt tại các quốc gia mới phát triển...Điều người châu Á đề cao không nhất thiết phải là các giá trị Mỹ hay châu Âu", ông Lý khẳng định trong bài phát biểu có tiêu đề "Dân chủ, nhân quyền và thực tế", tại Tokyo, ngày 10/11/1992.
"Tôi không xem việc trưng cầu ý kiến là một phương pháp quản lý. Tôi nghĩ rằng nó cho thấy một sự yếu đuối nhất định trong tư tưởng - một sự bất lực trong việc vạch ra lối đi cho dù gió thổi theo chiều nào, cho dù truyền thông khuyến khích người dân theo hướng nào, bạn chỉ đi theo. Nếu bạn không thể ép buộc hoặc không sẵn sàng buộc người khác làm theo bạn, dù có đe dọa hay không, bạn không phải là nhà lãnh đạo."ông Lý viết trong cuốn sách " SM Lee Kuan Yew, Success Stories, 2002".
Về những nhà phê bình
"Để có thể đứng vững và thắng các cuộc bầu cử, chúng ta phải làm chủ chương trình nghị sự. Điều này chỉ có thể làm được bằng cách không bị đánh bại trong những tranh luận với các nhà phê bình. Họ phàn nàn rằng tôi phản ứng quá mạnh trước ý kiến tranh luận của họ. Nhưng những ý kiến sai phải bị phản bác trước khi chúng ảnh hưởng tới công luận và tạo ra rắc rối. Những ai cố tỏ ra thông minh khiến chính phủ phải trả giá không nên phàn nàn nếu sự phản bác của tôi cũng mạnh mẽ như chính sự chỉ trích của họ", lời của ông Lý được trích dẫn từ cuốn sách "Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ Ba tới thứ Nhất".
Về cuộc đối thoại với Đặng Tiểu Bình
"Ông ấy đã nói rằng: "Nếu tôi phải bắn 200.000 sinh viên để cứu lấy Trung Quốc khỏi 100 năm bất ổn, thì sẽ là như vậy", ông Lý Quang Diệu nhớ lại cách cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã xử lý vụ biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được tờ Straits Timessố ra ngày 17/8/2004 trích dẫn.
Về truyền thông
"Tự do báo chí, tự do truyền thông, phải đứng sau nhu cầu trên hết về sự toàn vẹn của Singapore, và mục tiêu số một là hình thành một chính phủ qua bầu cử".(Phát biểu trước phiên họp toàn thể Viện báo chí quốc tế, tại Helsinki, Phần Lan tháng 6/1971).
Về tình yêu
"Tôi không tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm tệ hại. Bạn bị cuốn hút bởi những đặc điểm về thể chất và sẽ phải hối tiếc vì điều đó".
Về cái chết
"Mọi thứ đều phải kết thúc và tôi muốn cái kết của tôi đến càng nhanh và càng ít đau đớn càng tốt, không phải khi tôi đã liệt toàn thân, nửa tỉnh nửa mê nằm trên giương với một cái ống chạy từ mũi xuống dạ dày".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Người dân Singapore nghẹn ngào trước sự ra đi của ông Lý Quang Diệu Người dân Singapore vô cùng đau buồn khi nghe tin người sáng lập đất nước, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã qua đời ở tuổi 91 vào sáng sớm nay 23/3. Họ đặt hoa và các thông điệp tưởng nhớ nhà lãnh đạo xuất chúng chật kín trên khắp các đài tưởng niệm. Người sáng lập đất nước Singapore, cựu Thủ tướng...