Cuộc đời ít ai biết của ‘cha đẻ’ Gangnam Style
Psy tên thật là Park Jae Sang, lớn lên ở quận Gangnam. Anh thích nghe nhạc của Queen, Aerosmith và Def Leppard. Theo những gì anh nói thì thành tích học tập của anh khá nghèo nàn.
Nhắc tới Gangnam Style là người ta nhắc tới “cha đẻ” của nó: nam ca sỹ Psy.
Anh đang bị vắt kiệt sức lực vì… quá nổi tiếng. Trong tuần qua, nam ca sỹ 34 tuổi này đã đi tới Australia, California và New York để quảng bá cho ca khúc Gangnam Style – MV đã thu hút hơn 600 triệu lượt view trên Youtube kể từ khi bắt đầu công bố vào ngày 15/7/2012, và đã thiết lập kỷ lục thế giới cho video được yêu thích nhất trong lịch sử Youtube.
Ngày 29/10 vừa qua, Psy đã nhận lời mời phỏng vấn độc quyền của tờ báo Mỹ nổi tiếng. Cảm hứng của điệu nhảy ngựa và cuộc đời thăng trầm ít người biết về Psy đã được chính anh tiết lộ.
Psy tạo nên “cơn bão” Gangnam Style
“Đó là video tuyệt vời nhất kể từ thời bản hit Thriller (Michael Jakson)”, Scooter Braun – nhà quản lý của hoàng tử nhạc pop Justin Bieber và ngôi sao triển vọng Carly Rae Jepsen – nói.
Chia sẻ về quá trình xây dựng MV Gangnam Style, Psy nói, MV đã được ghi hình trong suốt 48 giờ qua 28 địa điểm ở quận Gangnam thuộc thành phố Seoul. Mặc dù có nhiều cảnh quay về những khu vực nhà cao tầng giàu có, nơi được ví như Beverly Hills của Hàn Quốc, nhưng Psy khẳng định, video “không phải là một sự chỉ trích hướng đến khu vực Gangnam”. Nó chỉ đơn thuần nhằm mục đích “nâng cao tinh thần của người dân”.
Psy khẳng định, video “không phải là một sự chỉ trích hướng đến khu vực Gangnam”. Nó chỉ đơn thuần nhằm mục đích “nâng cao tinh thần của người dân”
Psy cũng nhấn mạnh, video ca nhạc cũng như điệu nhảy “virus” không hề gây hại. Đặc biệt, cha đẻ Gangnam Style tiết lộ xuất phát điểm của điệu nhảy ngựa nổi tiếng:
Video đang HOT
“Tôi và biên đạo múa của tôi tại Hàn Quốc đã trải qua 30 đêm làm việc”, Psy nói. “Chúng tôi trườn trên sàn nhà trong điệu nhảy mà chúng tôi gọi là “snake dance” (nhảy rắn), rồi xây dựng những vũ đạo bắt chước hầu hết các loài động vật. Sau đó tình cờ có người bật TV lên và trên màn hình là hình ảnh một con ngựa đang phi nước đại vượt qua hàng rào”. Đó chính là cảm hứng khơi nguồn cho điệu nhảy ngựa nổi tiếng.
Con đường đến với âm nhạc của Psy đầy gian khó
Psy tên thật là Park Jae Sang, lớn lên ở quận Gangnam. Anh thích nghe nhạc của Queen, Aerosmith và Def Leppard. Theo những gì anh nói thì thành tích học tập của anh khá nghèo nàn. Vậy nhưng anh đã thuyết phục được gia đình mình để anh sang nước ngoài nghiên cứu, thay vì đi làm việc tại công ty chất bán dẫn linh kiện điện tử của cha mình.
“Tại Hàn Quốc, theo truyền thống thì con trai sẽ kế thừa công việc kinh doanh của cha mình. Thật không may, tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên bị ép buộc rất nhiều về việc này”.
Psy đã ghi danh theo học tại Đại học Boston vào năm 1996, nhưng vội vã bỏ học ngay sau đó. Anh đổ lỗi cho lịch trình nghiêm ngặt và các môn học. Với số tiền học phí còn lại, anh mua một máy tính, bàn phím điện tử và một thiết bị MIDI để kết nối những nhạc cụ điện tử với nhau.
Anh bắt đầu nghe nhạc hip hop (Tupac, Dr. Dre và Eminem là những nghệ sỹ anh yêu thích) và các thể loại rap đang hot đã mang tới niềm hy vọng cho tương lai âm nhạc của anh. “Tôi nghĩ rồi đưa ra quyết định nhanh chóng, tôi có thể trở thành một ca sỹ”. Năm sau đó, anh chuyển tới học tại trường Cao đẳng âm nhạc Berklee.
“Tôi đã chuyển trường mà không có bất kỳ một thông báo nào vào năm 1997. Vào tháng 5/1998, trường Berklee đã gửi một bức thư cho cha tôi nhân Ngày cha mẹ. Cha mẹ tôi biết chuyện, đã rất tức giận”.
Hình ảnh Psy trong thẻ sinh viên của trường Cao đẳng âm nhạc Berklee
Sau khi tốt nghiệp trường Berklee, Psy trở về Hàn Quốc và phát hành album rap đầu tay của mình, mang tên From the Psycho World vào năm 2001. Theo lời kể của Psy, MV Bird trong single đầu tay này là “một hiện tượng rất lớn” tại Hàn nhờ vào bộ trang phục sặc sỡ và những bước nhảy kỳ quặc. Báo chí Hàn đã đặt cho anh một biệt danh “ca sỹ lập dị”.
Bìa album From the Psycho World
Mặc dù Bird đã tạo nên sự khuấy động không nhỏ nhưng Psy bị buộc phải nộp tiền phạt vì ngôn ngữ không trong sáng của album. Năm tiếp sau đó, anh phát hành hai album, Ssa 2 và 3 Psy, nhưng Ssa 2 không được phép bán cho những khán giả dưới 19 tuổi, bởi nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên.
Sự nghiệp âm nhạc của Psy bị “treo giò” vào năm 2003 khi anh phải trải qua 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, với nhiệm vụ công tác như một kỹ thuật viên trong quân đội. Năm sau, anh kết hôn với người bạn gái lâu năm Yoo Hye Yeon.
Ảnh cưới của Psy
Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện việc không hoàn thành các yêu cầu cần thiết của công tác quân sự, Psy một lần nữa phải vào phục vụ trong quân đội 2 năm, vào năm 2007.
Đó là một trải nghiệm nghiêm túc, Psy nói. Trong mắt công chúng Hàn Quốc, anh đã tham gia vào 3 cuộc đình công với những rắc rối về phía pháp luật và bị khám xét thấy có cần sa vào năm 2001. Tuy nhiên, Psy từ chối nói về vấn đề này.
“ Xã hội Hàn Quốc luôn đòi hỏi cao về mặt đạo đức đối với một số vấn đề như trên. Tôi đã 3 lần trải qua rắc rối lớn. Với các ca sỹ khác khi rơi vào tình huống này thường không thể quay trở lại”.
Nhưng mọi chuyện hôm nay đã khác. Kẻ nổi loạn trước đây đã trở thành một đại sứ cho hình ảnh Hàn Quốc và trở thành một ngôi sao quốc tế. Biểu diễn trước sự reo hò của 100.000 người hâm mộ ở phía trước trung tâm Seoul Plaza khiến anh phải rơi nước mắt trong những ngày gần đây.
Và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã giới thiệu anh tại LHQ như một lời thừa nhận: “Tôi có chút ghen tỵ. Cho đến tận 2 ngày trước, vài người vẫn còn nói tôi là người Hàn Quốc nổi tiếng nhất trên thế giới. Còn bây giờ, tôi đã phải từ bỏ danh hiệu đó rồi”.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon ngợi khen Psy là người Hàn nổi tiếng nhất thế giới
“Tất cả mọi người ở Hàn Quốc đều cổ vũ tôi như thể tôi là người đoạt huy chương vàng hoặc một điều gì đó tương tự, vì vậy tôi phải có trách nhiệm với đất nước tôi”, Psy nói. “Tôi đã không hề có kế hoạch phải nổi tiếng tại Mỹ, vì tôi luôn nghĩ rằng thị trường tại Mỹ đối xử và coi các nghệ sỹ châu Á là những người hoàn toàn khác biệt. Thật bất ngờ, bây giờ tôi đã ở đây, vì vậy tôi cần phải nói để những nhà thị trường Mỹ biết rằng người châu Á không hề khác biệt. Tất cả chúng ta đều như nhau”.
Theo lời của Psy, áp lực để chạy theo Gangnam Style là “một cơn ác mộng”. Sau khi ghi âm ca khúc mới vào tuần trước, bây giờ Psy đang xây dựng một music video và điệu nhảy mới để có thể vượt qua bản hit đột phá của mình.
“Tôi vẫn đang chỉ được biết đến như một “kẻ náo động” YouTube với một ca khúc hóm hỉnh, còn bây giờ, tôi cần cho thế giới thấy mục tiêu cuối cùng của tôi là thực hiện một buổi hòa nhạc lớn như Madonna”.
Theo Tiin
Người Nhật Bản miễn nhiễm với virus 'Gangnam Style'
Rapper người Hàn Quốc PSY có thể đang "làm mưa làm gió" ở khắp nơi với ca khúc "Gangnam Style,"song vẫn có một nơi mà điệu nhảy ngựa nổi tiếng trên chẳng hề để lại một chút ấn tượng. Đó là Nhật Bản - nơi mà người nghe nhạc dường như "miễn nhiễm" với điệu "Gangnam Style."
Âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) vốn rất thịnh hành đất nước mặt trời mọc từ trước tới nay, do vậy sự thờ ơ với một "hiện tượng gây sốt" tầm cỡ "Gangnam Style" của khán giả nước này là một điều bất ngờ. Tại Hàn Quốc, đã có nhiều tin đồn cho rằng việc tranh chấp các quần đảo với Nhật Bản đã khiến ca khúc nổi tiếng trên bị tẩy chay.
Dù cho "Gangnam Style" đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh cùng nhiều quốc gia khác, là quán quân iTunes Mỹ và đang xếp thứ hai tại bảng Billboard Hot 100, song tại Nhật ca khúc này chỉ có được vị trí khiêm tốn ở top 30.
Thậm chí nhiều blog về âm nhạc tại Nhật còn tỏ ý nghi ngờ về con số khổng lồ đang tăng lên từng giây của "Gangnam Style" trên Youtube: 530 triệu lượt người xem. Theo các blogger này, mức xem kỉ lục trên là do các cư dân mạng Hàn Quốc sử dụng những phần mềm xem video tự động để đẩy cho ca khúc nước mình lên cao hơn.
Thậm chí cộng đồng mạng Nhật Bản còn gọi cách làm đó là "F5 Style" - ám chỉ phím F5 của máy tính nhằm khởi động lại trang máy tính để được tăng thêm lượt xem.
Một lý do khác giải thích cho việc ca khúc này không thành công tại Nhật là do Psy đã không đi theo xu hướng nhiều ca sỹ Hàn Quốc khác từng làm: tung ra một phiên bản "Gangnam Style" tiếng Nhật.
Vào ngày 22/10, Viện nghiên cứu làn sóng Hàn Quốc (KWRI) - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2010 nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu "một cách quyết liệt" đã có lời đáp trả.
Chủ tịch KWRI là ông Han Koo-Hyun phủ nhận những giả thiết do Nhật Bản đưa ra và cho rằng đây là "hành động nghi ngờ một kỉ lục thế giới trong một cuộc đua Olympic."
Theo thông cáo báo chí của tổ chức KWRI, "sự hoài nghi về độ phổ biến của ca khúc trên toàn cầu và Youtube này giống như thói ghen tị của một đứa trẻ tiểu học."
Không những bảo vệ cho thành công của "Gangnam Style," ông Han còn khơi mào một cuộc chiến mới khi lên tiếng chỉ trích video duy nhất của Nhật Bản lọt vào top 30 video được xem nhiều nhất mọi thời trên Youtube. Video trên đang đứng thứ 29 với 237 triệu lượt xem và cho thấy một cô gái Nhật trẻ trung thả một viên kẹo mentos vào chai Coca để rồi loại nước này bắn tung tóe khắp nơi.
Ông Han giễu cợt nội dung video trên khi cho rằng nó là thứ "nhảm nhí và lố bịch nhất trong toàn bộ danh sách," và còn nói thêm rằng "đây là một ví dụ cho thấy gu thưởng thức video của người Nhật là như thế nào."
Theo Vietnamplus
'Gangnam style' đã đến lúc thoái trào? Chuỗi ngày liên tục phá vỡ kỷ lục trên Youtube của hiện tượng âm nhạc đến từ xứ Hàn đang sắp đi đến hồi kết với những thay đổi mới nhất về tiêu chí xếp hạng trên trang chia sẻ video hàng đầu này. Bắt đầu từ ngày 16/10, Youtube sẽ không còn xếp hạng video theo lượt xem, thay vào đó, các...