Cuộc đối đầu Mỹ-phương Tây rơi vào giai đoạn nguy hiểm
Giới chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã và đang tăng cường lực lượng đến vùng Vịnh nhằm bảo đảm cho các tuyến đường biển được thông suốt.
Sau khi các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran bế tắc và phương Tây áp đặt thêm các biện pháp cấm vận nhằm siết chặt nền kinh tế của Tehran, giới phân tích cho rằng cuộc đối đầu giữa Iran với phương Tây do Mỹ cầm đầu đã bước sang giai đoạn nguy hiểm.
Phương Tây “nhe nanh múa vuốt”
Tại “đại bản doanh” của phương Tây ở Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục tuyên bố tất cả các lựa chọn, kể cả lựa chọn quân sự đã sẵn sàng nếu Iran không đáp ứng các yêu cầu của Washington. Giới chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã và đang tăng cường lực lượng đến vùng Vịnh nhằm bảo đảm cho các tuyến đường biển được thông suốt. Lực lượng của Mỹ giờ đây gồm: 2 hàng không mẫu hạm USS Lincoln và USS Enterprise cùng các nhóm tàu tấn công; tăng gấp đôi số tàu quét mìn; hàng chục máy bay ném bom tàng hình F-22, máy bay chiến đấu F-15C. Ngoài ra, Mỹ cũng thiết lập một căn cứ tác chiến nổi có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, kể cả phục vụ cho việc triển khai lực lượng đặc biệt của nước này. Do căn cứ nổi này được đặt ở vùng biển quốc tế, lực lượng Mỹ có thể tiến hành các hoạt động tấn công vào lãnh thổ Iran mà không cần sử dụng các căn cứ của các nước trong khu vực.
Video đang HOT
USS Lincoln – Một trong hai tàu sân bay được Mỹ điều đến vùng Vịnh
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc tăng cường lực lượng Mỹ trong khu vực nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân và tham vọng bá quyền khu vực của Têhêran. Đợt triển khai lực lượng lần này nhằm khẳng định sức mạnh của Mỹ với tất cả các đồng minh, các đối tác và bạn bè của Mỹ rằng, mặc dù trọng tâm chiến lược của Mỹ là trở lại châu Á, nhưng sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện ở Trung Đông. Nhận định này cho thấy, tuyên bố của Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran chỉ là cái cớ để Mỹ đẩy mạnh chính sách bá quyền ở các khu vực nhiều dầu mỏ như Trung Đông và Trung Á. Từ lâu Mỹ vẫn coi Iran như một trở ngại lớn cho các tham vọng này của họ.
Chính quyền Obama đang tiến tới canh bạc cuối cùng trong chiến lược đối đầu với Iran, được vạch ra ngay sau khi Obama lên nắm quyền. Tháng 9/2008, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng của Nhà Trắng gồm nhiều nhân vật diều hâu – kể cả Dennis Ross hiện đang là cố vấn cao cấp về Iran của Obama – đã công bố một bản báo cáo, trong đó mô tả chi tiết chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Washington. Ngoài ra, một số tài liệu khác của Nhà Trắng cũng ủng hộ chủ trương đàm phán vấn đề hạt nhân của Iran phải kèm theo các biện pháp cấm vận và đe dọa các cuộc tiến công quân sự. Do đó, có thể thấy, các đề nghị đàm phán với Iran của chính quyền Obama chưa bao giờ là thật lòng. Đây chỉ là phương tiện để Mỹ bảo đảm sự ủng hộ của các nước đồng minh quan trọng châu Âu – những nước đã từng ủng hộ các chính sách trước đây của chính quyền George W. Bush.
Tổng thống Obama dù sao cũng chỉ là một sản phẩm của nền chính trị đế quốc Mỹ
Đến nay, Mỹ dường như đã hết hy vọng vào những lựa chọn ngoại giao và tăng cường áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận kinh tế chống Iran. Bước tiếp theo sẽ là lựa chọn quân sự. Bản báo cáo năm 2008 của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng một cuộc tiến công quân sự là lựa chọn khả thi và phải tiếp tục là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran. Một cuộc tấn công quân sự không những chỉ nhằm vào cơ sở hạt nhân mà cả cơ sở quân sự thông thường của Iran để dập tắt sự trả đũa”. Sau gần 4 năm, lực lượng Mỹ tại vùng Vịnh đã có được khả năng để thực hiện các kế hoạch đó. Theo kế hoạch, tháng 9/2012, Mỹ sẽ tổ chức cuộc diễn tập chống thủy lôi quy mô lớn với 19 nước tại vùng Vịnh và áp dụng nhiều biện pháp khác để phát triển quan hệ với đối thủ trong khu vực của Iran là Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh.
Iran từ lâu đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối đầu với phương Tây
Tehran diễu võ dương oai
Trong khi đó, tại Tehran, ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố lệnh cấm vận dầu lửa đối với Iran chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng và Quốc hội Iran đã triển khai một số biện pháp nhằm đe dọa và đáp trả EU. Từ ngày 2 đến ngày 4/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tổ chức cuộc diễn tập quân sự nhằm thử nghiệm loại tên lửa mới có khả năng phá hủy các mục tiêu ở cự ly khá xa như trên lãnh thổ Israel và các nước đồng minh khác của Mỹ trong khu vực, một ngày sau khi EU bắt đầu áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu lửa của Iran. Cuộc diễn tập quân sự của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran được tổ chức tại khu vực sa mạc trung tâm ở phía Bắc tỉnh Semnana mang tên “Great Prophet 7″ (Đại Tiên Tri 7) nhằm thử nghiệm cự ly, độ chính xác và hiệu quả của hệ thống tên lửa và đầu đạn của lực lượng này.
Lâu nay, Iran thường tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự nhằm đối phó với một cuộc tấn công quân sự có khả năng xảy ra do khủng hoảng đang diễn ra tại Syria, đồng minh thân cận nhất của Iran trong thế giới Arab, và các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây gần như thất bại. Cả Israel và Mỹ đều tuyên bố sẵn sàng áp dụng giải pháp quân sự chống Iran. Trong cuộc diễn tập quân sự vừa qua, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran sẽ sử dụng một số máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay trinh sát và bắn thử vài chục quả tên lửa đạn đạo, được sản xuất ở trong nước, vào 100 mục tiêu ở trên bộ và trên biển được mô phỏng giống như các căn cứ của các cường quốc nước ngoài ở các nước trong khu vực.
Hiện nay, NATO đang triển khai các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu để đối phó với các tên lửa của Iran. Tướng Ali Hajizadeh, Tư lệnh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cho biết Iran sẽ không chịu bó tay khi Mỹ và các nước đồng minh châu Âu triển khai chương trình phòng thủ tên lửa nhằm vô hiệu hóa sức mạnh quân sự của Iran. Theo Tướng Hajizadeh, Iran sẽ thử nghiệm loại tên lửa mới mang tên Arm, có khả năng phát hiện và bắn trúng các trận địa radar của đối phương. Tên lửa Arm có thể phá hủy tất cả các mục tiêu của NATO trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu chiến của các nước thù địch đang hoạt động ở vùng Vịnh và hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel. Ông Hajizadeh cũng cho biết, hiện nay các chuyên gia điện tử của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã giải mã thành công tất cả các thông tin bí mật trên chiếc máy bay không người lái RQ-170 của Mỹ bị rơi ở Iran hồi tháng 12/2011. Iran đang sử dụng các thông tin tình báo này để bắt đầu chế tạo một máy bay không người lái tương tự như của Mỹ. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn im lặng và không hề bình luận tuyên bố này của Iran.
Tuy nhiên, Tướng Hajizadeh cũng bác bỏ mối đe dọa của các cuộc tiến công quân sự chống Iran. Ông nhận định Mỹ sẽ không ủng hộ kịch bản này bởi vì tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực đang nằm trong tầm ngắm của các loại vũ khí và tên lửa của Iran. Theo vị tướng này, Israel cũng không đủ khả năng phát động một cuộc tấn công đơn phương chống Iran, nhưng nếu Israel hành động, Iran sẽ đáp trả ngay lập tức. Ông tuyên bố: “Nếu Israel phát động cuộc tấn công quân sự chống Iran, điều đó sẽ giúp chúng tôi có cơ hội xóa bỏ họ khỏi bản đồ thế giới”.
Cùng với các biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự, Quốc hội Iran cũng đã thông qua một đạo luật cho phép Lực lượng Vũ trang Iran áp dụng tất cả mọi biện pháp có thể để phong tỏa Eo biển Hormuz – một tuyến đường vận chuyển dầu mỏ sống còn – đối với các tàu chở dầu của Mỹ và châu Âu. Tiếp đó, tuyên bố trên trang mạng Icana của Quốc hội Iran, ông Ibrahim Agha Mohammadi, thành viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, còn cho biết đạo luật trên là một “kế hoạch khẩn cấp của Iran nhằm phong tỏa Eo biển này” sau khi EU áp dụng các biện pháp cấm vận dầu lửa chống Iran.
Đạo luật mới của Iran được 100/290 nghị sĩ Quốc hội ủng hộ và sẽ được sử dụng để bảo vệ chủ quyền các vùng biển của Iran, đồng thời chống lại lệnh cấm vận dầu lửa thô bạo và không công bằng của EU. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp đó của Quốc hội Iran chủ yếu mang tính tượng trưng, bởi vì chỉ lãnh tụ tinh thần tối cao Đại Giáo chủ Ali Khamenei mới có quyền quyết định phong tỏa Eo biển Hormuz. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, từ trước đến nay thế giới và khu vực đã chứng kiến Chính quyền Iran đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz nhiều lần. Nhưng mọi ý đồ phong tỏa Eo biển hoặc đòi tất cả tàu thuyền quá cảnh qua Eo biển phải xin phép Iran sẽ không phù hợp luật pháp quốc tế và Mỹ không thể chấp nhận những hành động như vậy.
Theo giới phân tích, những hành động đe dọa chống Iran của Mỹ và đồng minh cùng với sự đe dọa can thiệp quân sự chống Syria – một đồng minh của Iran – đã và đang biến Trung Đông thành một thùng thuốc súng nguy hiểm. Bất kể ý đồ trước mắt của chính quyền Obama với Iran thế nào, chỉ một tính toán sai lầm hoặc một hành động quân sự rất có thể mở đầu cho một cuộc chiến tranh và cuộc chiến này sẽ nhanh chóng phát triển thành một cuộc xung đột khu vực.
Theo PLXH