‘Cuộc đối đầu’ của Công Vinh và Teerasil Dangda
Chân sút Việt Nam không hề kém cạnh về danh tiếng với đồng nghiệp đang chơi bóng ở La Liga.
Sau thất bại ở chung kết AFF Cup 2012, người Thái quyết định làm mới triệt để đội hình để hướng tới giải đấu năm nay, thậm chí có mục tiêu cao hơn ở đấu trường châu lục, bằng lứa cầu thủ sinh sau năm 1990.
Đó không bị coi là một nước cờ mạo hiểm, bởi HLV Kiatisuk hẳn biết rõ mình đang có gì trong tay. Chắc chắn khi bước vào AFF Cup 2014, “Zico Thái” sẽ không bỏ qua các con bài tẩy như Teerasil Dangda, Teeratep Winothai, Suree Sukha, Suchao Nuchnum và cả Datsakorn Thonglao nữa… khi tất cả họ vẫn còn nguyên giá trị sử dụng ở đẳng cấp cao.
Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam chỉ đang làm một cuộc cách mạng khá nửa vời, dù nền bóng đá đã trải qua nhiều cuộc bể dâu, kể từ sau chức vô địch năm 2008. Theo đó, những Công Vinh, Phước Tứ, Vũ Phong… vẫn lĩnh ấn tiên phong, hệt như cách đây 6 năm.
Teerasil đang thử sức ở La Liga trong màu áo của Almeria. Ảnh: BKP.
Phút 65, cuộc đối đầu Almeria – Espanyol, vòng một La Liga hồi tuần trước, hẳn không ít khán giả Việt Nam ngạc nhiên khi tấm biển thay người đưa lên cái tên Teerasil Dangda vào sân. Cầu thủ Thái thay tiền đạo đội trưởng Fernando Sorino, người đã mở tỷ số cho đội chủ nhà. Teerasil tỏ ra rất tích cực và thực tế, anh đã có vài pha chạm bóng và dốc bóng tinh tế, nhưng thật không may cho ngôi sao đội tuyển Thái Lan, Almeria của anh đã bị đối phương chia điểm vào phút chót, sau sai lầm của hàng thủ.
Video đang HOT
Màn ra mắt của cựu tiền đạo Muangthong United tại giải đấu cao nhất xứ bò tót không như mong đợi, mặc dù vậy, chân sút đã ghi cho tuyển Thái Lan 29 bàn thắng (qua 60 trận) vẫn nhận được những tràng pháo tay. Trước khi đầu quân cho Almeria, Teerasil cũng đã nhận được hàng loạt các lời mời từ Atletico Madrid, Getafe và Real Zaragoza… Thông tin về Teerasil luôn ở trang nhất các tờ báo khổ lớn Thái Lan.
Cùng với Saiwaeo và Suree Sukha, Teerasil Dangda từng được gã khổng lồ Anh quốc Man City ký hợp đồng, năm 2007, thời điểm mà cựu Thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra, còn là ông chủ của đội bóng này. Song, do những quy định ngặt nghèo về điều kiện ra sân ở Premier League (với cầu thủ phải là tuyển thủ quốc gia và đội tuyển của họ phải nằm trong top 70 bảng xếp hạng FIFA), Teerasil và Sukha được Man City cho Grasshopper Zurich của Thuỵ Sỹ mượn.
Teerasil Dangda không phải hạng xoàng, thậm chí, anh còn là một thương hiệu cỡ bự, người sẽ có cơ hội đối đầu với cả Messi, Ronaldo, Bale và Neymar… trên sân cỏ La Liga mùa này. Ở tuổi 26 (Teerasil sinh năm 1988, bằng tuổi với Phạm Thành Lương và kém Công Vinh ba tuổi, theo giấy tờ), chân sút Almeria đang ở độ chín nhất sự nghiệp. Hơn 10 năm trước, Kiatisuk vẫn còn tập sự ở giải hạng nhất Anh, giờ bóng đá Thái Lan đã được La Liga thừa nhận.
Công Vinh được kỳ vọng là sức bật cho tuyển Việt Nam. Ảnh: SP.
Nếu như Teerasil Dangda đã và đang là thần tượng, niềm hy vọng số một để nâng tầm vị thế của bóng đá Thái Lan trên bản đồ bóng đá thế giới, tại Việt Nam, Công Vinh cũng được kỳ vọng không kém. So về mặt danh tiếng, chân sút đã có hơn 100 bàn thắng tại V-League, đồng thời đang giữ kỷ lục về số lần lập công trong màu áo tuyển Việt Nam (35 bàn sau 52 trận), không hề kém cạnh đồng nghiệp Thái Lan chơi cùng vị trí, nếu không muốn nói là trội hơn, dù Công Vinh mới chỉ đá cho Leixoes và Consadole Sapporo.
Năm 2009, khi đang tập vật lý trị liệu sau ca mổ dây chằng đầu gối ở Bồ Đào Nha và bình phục, Công Vinh được HLV tuyển Việt Nam lúc đó là Calisto giới thiệu với Leixoes S.C, đội bóng mà ông Tô có mối quan hệ khá khăng khít. Nhưng cũng như khoảng thời gian 5 tháng đá cho Sapporo ở giải hạng hai Nhật Bản (theo một bản hợp đồng ngắn hạn và bị cho là nặng tính thương mại), chân sút số một Việt Nam không thể hiện được nhiều, khi chỉ có quá ít cơ hội vào sân.
Bất luận thế nào, Công Vinh được cho là người đi tiên phong và phần nào khẳng định được năng lực tại môi trường bóng đá ở đẳng cấp cao hơn. Những lần mở đường của Công Vinh cho phép cầu thủ trẻ Việt Nam dám mơ mộng và biết đâu được, một ngày không xa sẽ có một số cầu thủ trẻ được gửi gắm về xứ sở mặt trời mọc.
Trở lại với vấn đề của Công Vinh và Teerasil Dangda, của bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Thực tế trong quá khứ, Công Vinh và Dangda đã không ít lần đối đầu với nhau trên sân bóng, trong màu áo U23 cũng như tuyển quốc gia, ở các giải đấu cấp khu vực. Dù Việt Nam và Thái Lan không nằm chung bảng đấu tại AFF Cup 2014 tới, nếu muốn giành ngôi cao nhất như lời hứa của HLV Miura, Công Vinh phải nghĩ tới một phen nữa đánh bại Teerasil, như chung kết năm 2008.
Theo Ngoisao
'Tuyển Việt Nam, 50 năm nữa mới có hy vọng'
HLV Lê Thụy Hải khẳng định không hy vọng nhiều vào đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014.
Trước những ý kiến cho rằng tuyển Việt Nam có kết quả bốc thăm thuận lợi và nhiều cơ hội giành vé vào bán kết, ông Lê Thụy Hải thẳng thắn: "Ai nói đội tuyển Việt Nam đánh bại được Indonesia và Philippines để vào bán kết chứng tỏ người đó không biết gì về bóng đá. Theo tôi, bóng chưa lăn chưa thể biết trước đươc điều gì, thậm chí tôi chẳng thấy có chút dễ dàng nào ở cái bảng đấu của đội tuyển Việt Nam cả. Đơn giản thế này, những đội tuyển đẳng cấp hàng đầu thế giới như Tây Ban Nha, Italy, chủ nhà Brazil ở World Cup 2014 vừa qua còn bị thua tơi bời huống hồ một đội tuyển Việt Nam chẳng có gì đặc biệt.
Trình độ các đội tuyển ở Đông Nam Á hiện nay đã xích lại gần nhau. Đội tuyển Indonesia hay Philippines đều có những cầu thủ nhập tịch rất chất lượng. Đó là chưa kể, thời gian gần đây cả hai đội tuyển này bắt đầu cho thấy sự kỵ giơ với đội tuyển Việt Nam".
HLV Lê Thụy Hải không đặt niềm tin vào tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014. Ảnh:Kỳ Lân.
Từ những phân tích trên, ông Hải không ngần ngại khẳng định: "Tôi chẳng hy vọng gì ở đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 cả, nếu có, tôi hy vọng 50 năm nữa".
Để tăng tính thuyết phục cho lời khẳng định của mình, ông Hải lý giải: "Có gì mà hy vọng, bởi thực tế đội tuyển Việt Nam có gì mới, hay quanh đi quẩn lại vẫn là Công Vinh, Tấn Tài. Mà họ cũng chẳng phải đặc biệt đâu, đẳng cấp cũng chỉ gói gọn trong cái giải đấu V-League. Công Vinh sang Nhật thi đấu đấy, nhưng ở đội bóng nào, ở hạng nào và có thường xuyên được ra sân hay hay không. Thậm chí lúc được đưa vào sân đá thì vì mục đích gì, vì chuyên môn hay để quảng cáo bia.
Lứa trẻ có một vài cái tên đáng chú ý như Minh Tuấn, Trọng Hoàng, Văn Quyết... nhưng họ cũng như Công Vinh, Tấn Tài, đẳng cấp cũng thế thôi, chưa vượt qua khỏi Đông Nam Á. Tôi cho rằng, chỉ khi nào bóng đá Việt Nam có những cầu thủ đến thi đấu cho các CLB đẳng cấp ở châu Á, hoặc chí ít là trong khu vực Đông Nam Á may ra còn hy vọng".
Không chỉ có cái nhìn khá thẳng thắn về thực trạng của bóng đá Việt Nam, cơ hội tiến sâu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2014, ông Hải còn đưa ra lời khuyên: "Tôi cũng yêu mến đội tuyển Việt Nam lắm chứ, cũng mong đội giành chiến thắng để có thể tự hào với thế giới lắm chứ. Song, phải nhìn nhận một thực tế đau lòng như thế để mà xem lại mình cần phải làm gì để tiến bộ, không nên phán xét một cách chủ quan, cảm tính.
Tôi nhắc lại là nếu cứ một phong thái làm bóng đá như thế này, 50 năm nữa tôi mới hy vọng đội tuyển Việt Nam vượt được các đội tuyển ở trong khu vực Đông Nam Á. Còn nếu muốn bóng đá Việt Nam ngày một phát triển, bắt kịp nền bóng đá tiến tiến thì cần phải chú trọng công tác đào tạo trẻ bài bản về lâu về dài, chứ đừng hy vọng vào việc gặt lúa non".
Theo VNE
Việt Nam cùng bảng Indonesia và Philippines ở AFF Cup Thầy trò HLV Miura né được bảng B tử thần với sự góp mặt của ba đội từng lọt vào bán kết AFF Cup 2012. Việt Nam nằm cùng bảng A với Philippines, Indonesia và đội xếp thứ hai ở vòng loại. Trong khi đó, bảng B có sự góp mặt của đương kim vô địch đồng thời là chủ nhà Singapore cùng...