Cuộc đối đầu chưa có hồi kết
Sau 3 ngày làm việc với nội dung dày đặc, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 diễn ra tại Singapore vừa kết thúc trong bất hòa, sau khi Trung Quốc và Mỹ có màn “khẩu chiến” gay gắt về vấn đề Biển Đông. “Lời qua, tiếng lại” giữa đôi bên có thể sẽ tiếp tục phủ bóng lên Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung-Mỹ (S&ED) lần thứ 8 diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 6 và 7-6.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter gặp người đồng nhiệm Hàn Quốc Han Minkoo (phải) và Nhật Bản Gen Nakatani bàn về những thách thức khu vực tại Shangri-La lần thứ 15.
Không phải ngẫu nhiên trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La 15 với chủ đề “Đương đầu những thách thức an ninh phức tạp của Châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nhắc đi nhắc lại tới 38 lần cụm từ “có nguyên tắc” như một khái niệm an ninh mới trong khu vực. Điều này thể hiện quan điểm rõ ràng của Washington trước những hành vi cải tạo, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời nhấn mạnh khả năng hình thành cơ chế hợp tác giữa các nước để ngăn chặn những hành vi của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng trong vùng biển này.
Nói cách khác, có thể đây sẽ là một “mạng lưới an ninh” do Mỹ hậu thuẫn, liên kết các quốc gia bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Dù không đưa ra những hành động cụ thể nào thời gian tới, nhưng có thể thấy rõ lập trường cứng rắn của Mỹ khi Bộ trưởng A.Carter nhấn mạnh: “Căng thẳng đang gia tăng trong khu vực và ngay trong khán phòng này” vì các hành động của Trung Quốc. Phần kết thúc bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không kém phần gay gắt khi nêu “một số hành động bành trướng khó lường” của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới trong các vấn đề Biển Đông, không gian mạng… đã gây lo ngại. Ông chủ Lầu Năm Góc kêu gọi Bắc Kinh đi theo xu hướng của khu vực, nếu không sẽ tự xây “Vạn lý trường thành” cô lập mình.
“Song hành” với Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter, trong chuyến thăm Mông Cổ hôm 5-6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không ngần ngại đưa ra cảnh báo, Washington sẽ xem việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông là hành động khiêu khích, gây mất ổn định khu vực. Theo ông J.Kerry, hành động như vậy sẽ gây căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, củng cố những hoài nghi về cam kết giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo bằng biện pháp ngoại giao của Trung Quốc.
Đáp trả những động thái của Mỹ, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đã khiến Shangri-La “bốc hỏa” bằng giọng điệu mà giới quan sát gọi là thiếu thiện chí. Dù khẳng định Bắc Kinh luôn chủ trương bắt tay, đối xử hòa hiếu, tương trợ láng giềng và bạn bè; song tướng Tôn lại tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền lịch sử không thể bác bỏ” đối với Biển Đông và rằng chủ quyền này bị các quốc gia lân cận, đặc biệt là Philippines “xâm lược”. Vị tướng Trung Quốc lên án việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông lên Tòa trọng tài Thường trực của LHQ (PCA) là “hành động đơn phương, khiêu khích, vi phạm cam kết song phương”; đồng thời cho rằng PCA “không có thẩm quyền phân xử tranh chấp lãnh thổ”. Vì thế, Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết PCA sắp đưa ra. Đại diện Trung Quốc chỉ trích Mỹ, cụ thể là Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter đã thổi phồng tranh chấp ở Biển Đông.
Theo giới bình luận quốc tế, khát vọng muốn cân bằng chiến lược với Mỹ ở cả sân chơi quyền lực toàn cầu lẫn ưu thế chiến lược vượt trội tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành động lực chính để Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động bành trướng trên Biển Đông. Hậu quả tất yếu có thể thấy là các tranh chấp tại khu vực ngày càng bị đẩy lên cao với những diễn biến leo thang do chính sách được cho là khiêu khích từ phía Trung Quốc, cụ thể là việc sử dụng sức mạnh quân sự và chính trị để ép các quốc gia Đông Nam Á yếu hơn về cả quân sự lẫn tiềm lực kinh tế, những nước đang bị Trung Quốc thách thức về yêu sách chủ quyền. Đúng như Robert Kaplan, chuyên gia hàng đầu Bắc Mỹ về các vấn đề chiến lược đã nhận định: “Nếu như lãnh thổ nước Đức là chiến tuyến trong thời kỳ Chiến tranh lạnh thì Biển Đông cũng có thể trở thành giới tuyến quân sự trong những thập kỷ tới”.
Video đang HOT
Theo_Hà Nội Mới
Shangri-La 2016: Vừa hợp tác vừa đấu tranh để giải quyết xung đột
Chiều 5/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tại Singapore khép lại sau ba ngày làm việc và thảo luận sôi nổi về tình hình an ninh khu vực.
Xuyên suốt Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc nhiều lần bị chỉ trích vì bất nhất trong hành động và lời nói cũng như việc tăng cường bồi đắp, cải tạo trái phép đảo nhân tạo tại khu vực đang căng thẳng trên Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo. Ảnh: AP.
Trong phiên thảo luận về "Những thách thức trong giải quyết xung đột", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã nhấn mạnh rằng, mọi quốc gia đều dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc mình để hợp tác, phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói: "Điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là tất cả các quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; Đồng thời thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Nhưng dù hợp tác hay đấu tranh, trước hết đều phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi đó là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột; Kiên trì, bình tĩnh xử lý bằng các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tham dự một phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri La. (Ảnh: QĐND).
Thế nhưng, tại hội nghị này, không dưới 2 lần quan chức Trung Quốc đã lớn tiếng đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp trên Biển Đông.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Trưởng đoàn Trung Quốc cho rằng nước này không phải bên gây ra rắc rối và sẽ không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước.
Trong khi các nước kêu gọi tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thì Trưởng đoàn Trung Quốc cho rằng tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ, không nằm trong phạm vi của UNCLOS. Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le-Drian đã tái khẳng định hiệu lực mạnh mẽ của văn bản này.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia an ninh khu vực chỉ ra rằng: "Trung Quốc đã tham gia UNCLOS nhưng lại không chấp nhận việc Philippines kiện nước này dựa trên luật đó thì điều quan trọng không phải là nước nào thông qua hay tham gia mà là nước đó có tuân thủ luật pháp không và trong trường hợp này thì Trung Quốc là bên không tuân thủ".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Thái Lan trong phát biểu đề dẫn của ông cũng như phát biểu của quan chức quốc phòng các nước Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu, Australia... đều kêu gọi thực thi đầy đủ nghiêm túc Tuyên bố của các bên về Ứng xử trên Biển Đông của ASEAN và Trung Quốc (DOC) và thực tâm bàn bạc sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).
Thế nhưng trong một tài liệu phát bên lề hội nghị, Bắc Kinh thậm chí cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhận định chung của các quan chức và học giả tham dự hội nghị.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo Trung Quốc đang "tự xây Vạn lý Trường thành" cô lập với thế giới. Ông cũng nhấn mạnh những cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, ADMM là vô cùng quan trọng và ASEAN đóng vai trò trung tâm trong xây dựng lòng tin và đưa các nước xích lại gần nhau hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đã, đang và sẽ tiếp tục có những kế hoạch hợp tác an ninh với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông, khẳng định rằng không một nước nào có thể là "người ngoài cuộc" khi liên quan đến sự ổn định khu vực.
Ngoài Biển Đông, Đối thoại Shangri-La năm 2016 cũng tập trung thảo luận những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và những nguy cơ mới đối với an ninh khu vực như khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, di cư bất hợp pháp, buôn người...
Các chuyên gia và học giả nhận định, với chương trình thảo luận nhiều vấn đề nóng và mở ra nhiều kênh đối thoại như thế này, Đối thoại Shangri-La sẽ tiếp tục là một nền tảng quan trọng để các nước trong khu vực thảo luận để tìm ra những giải pháp cho các vấn đề an ninh hiện nay, góp xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Theo VOV
Theo_Kiến Thức
Shangri-La:Giải quyết tranh chấp Biển Đông không phải trò chơi được mất Đối thoại ShangriLa lần thứ 15 (SLD 15), diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, chính thức khai mạc vào ngày 3/6 tại Singapore. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã có bài phát biểu khai mạc đối thoại dài 30 phút, trong đó đề cập đến vấn đề thách thức an ninh ở Biển Đông và Hoa Đông....