“Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trong lòng dân”
“Tôi nhận được tin bác Giáp mất lúc 20h tối 4/10. Dẫu biết rằng sự ra đi của Người là điều không thể tránh khỏi trong quy luật sinh – lão – bệnh – tử, nhưng tôi bàng hoàng và cảm giác như nghẹt thở!”.
Chúng tôi đến nhà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyênỦy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 – vào buổi sáng mùa Thu dịu mát của Hà Nội nhưng trong lòng lại chất chứa nhiều nỗi niềm khi được tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – vị Tư lệnh từng có những năm tháng chiến đấu và kỷ niệm khó quên với Đại tướng ngồi lặng trong khuôn viên vườn nhà, trên tay ông cầm một cuốn sách thật dài viết về vị Tướng vĩ đại: “Tôi nhận được tin bác Giáp mất lúc 20h tối 4/10. Dẫu biết rằng sự ra đi của Người là điều không thể tránh khỏi trong quy luật sinh – lão – bệnh – tử, nhưng tôi bàng hoàng và cảm giác như nghẹt thở!Những hình ảnh về Người dần hiện ra trước mắt và càng thêm tự hào vì từng được sống, chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Người”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bàng hoàng về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chia sẻ thêm về cảm xúc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Không chỉ riêng tôi mà bất kỳ người Việt Nam nào khi biết tin Đại tướng qua đời đều có rất nhiều nỗi niềm cảm xúc đau thương. Nhưng chúng ta không được ủy mị, không được yếu đuối mà phải biến đau thương thành hành động, hãy thực hiện thật tốt tâm nguyện của Người, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với sự hi sinh vì nước vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Trung tướng Thước tin tưởng sâu sắc tin một điều rằng: Ngay cả khi Đại tướng đã qua đời, Người cũng không bao giờ có suy nghĩ đất nước này phải để bác nằm an nghỉ ở đâu, tổ chức tang lễ như thế nào, vì cuộc đời của Người nằm ở trong lòng dân!
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Con người toàn tài và thượng đỉnh”
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể rằng, cuộc đời ông may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các bức điện chỉ đạo chiến đấu, đặc biệt lần đầu tiên ông được trực tiếp gặp Đại tướng vào tháng 10 năm 1974, khi đó ông là Thiếu tá – Tham mưu trưởng chiến dịch, ông được thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội nhận lệnh cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.
“Lúc bấy giờ, chúng tôi được phổ biến mệnh lệnh, quyết tâm của Bộ Chính trị là phải giải phóng cho được miền Nam trong hai năm 1975-1976, và nhấn mạnh thời cơ là năm 1975, mà muốn thực hiện được kế hoạch ấy thì phải giải phóng được Tây Nguyên. Bởi khi đó Tây Nguyên là địa bàn trọng yếu, thời Pháp xâm lược nước ta đã từng tuyên bố rằng nếu chiếm được Tây Nguyên thì sẽ chiếm được 3 nước Đông Dương” – Tướng Thước cho biết.
Video đang HOT
Trung tướng Thước trong một lần đến thăm sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau khi làm việc với Bộ Tổng tham mưu và nhận lệnh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng để nghe lệnh. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới điều trị ở Liên Xô về, sức khỏe đang yếu nên tôi báo cáo ngắn gọn, rành mạch tình hình chiến trường và nhiệm vụ đã nhận của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đại tướng hỏi thăm tôi vào chiến trường Tây Nguyên được bao nhiêu năm và đã ra Hà Nội mấy lần rồi (theo quy định cứ đi 3 năm thì được về thăm nhà 1 tháng – PV).Tôi trả lời đã công tác trong chiến trường này được 10 năm và đây là lần đầu tiên ra Hà Nội. Bác Giáp ngỡ ngàng khi nghe tôi nói và hỏi sao lâu thế? Tôi trả lời Đại tướng rằng những cán bộ chỉ huy đánh giặc giỏi luôn được cấp trên quan tâm giữ lại để chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi cho chiến trường.
Nghe tôi chia sẻ, Đại tướng cười và 2 lần nói lời động viên tôi:Thôi, 10 năm dài lắm rồi, cố gắng chịu đựng nhé. Lần này cậu vào chiến trường nhưng sẽ không bao lâu nữa tớ sẽ cho cậu về nhà dài hơn. Và quả thật chỉ ít lâu sau, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi và tiếp tục giải phóng hoàn toàn miền Nam vào năm 1975. Cho đến giờ tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự dự báo vô cùng tài tình của bác Giáp” – Tướng Thước kể lại.
“Hai ngày hôm sau khi tôi chuẩn bị vào chiến trường, Đại tướng lại gọi cho chúng tôi một lần nữa. Lúc đó tôi linh cảm chắc có gì thay đổi nhưng Đại tướng đã nói tới dự báo: Đây là lần đầu tiên quân đội ta đánh vào một thành phố lớn như Buôn Mê Thuột nên phải dùng lực lượng bộ binh cơ giới mạnh và nhanh thì mới mong giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, chiến dịch này là một chiến dịch lớn, tình hình như thế và sẽ diễn ra một cách nhanh chóng, vì thế ngoài dự kiến ban đầu thì người Tư lệnh chỉ huy chiến dịch phải nắm lấy thời cơ và nhanh chóng hành động chứ không chờ lệnh của cấp trên”.
Tư lệnh Quân khu IV ngày ấy xúc động trước sự quan tâm của vị Tổng Tư lệnh về cuộc sống đời thường của anh em cấp dưới một cách ân cần, chu đáo và kịp thời. Một ví dụ điển hình về cái tài tình của Đại tướng: Người đang ốm bệnh phải ngồi ở Hà Nội nhưng vẫn chỉ đạo sâu sát, dự báo về mọi tình hình và việc giải phóng miền Nam chỉ trong vòng có 5 tháng đã hoàn thành, điều này ngay cả trong mơ cũng không ai dám thấy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – con người toàn tài và thượng đỉnh
Trung tướng Thước kể thêm về lần thứ 2 được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời bình. Đó là năm 1990, khi đất nước đã giải phóng được 15 năm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn trực tiếp chỉ huy trong quân đội nữa mà tham gia quản lý nhà nước ở cương vị Phó Thủ tướng. Nhưng khi đến thăm Tư lệnh quân khu IV và nghe báo cáo về tình hình xây dựng lực lượng, Đại tướng đã rất quan tâm và lắng nghe chia sẻ, người đã chỉ ra cái được, cái chưa được và những gì cần phát huy…
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và dường như khi Hồ Chủ tịch ra đi, Người đã để Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế tục sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, suốt đời chăm lo cho nhân dân của Người.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Tướng của các vị Tướng, là vị Tướng của nhân dân. Ông là một con người toàn tài và uyên bác, ở Tướng Giáp có sự nhân văn của một con người thượng đỉnh, của nền văn hiến dân tộc Việt Nam” – Trung tướng Thước nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng: "Cần tôn vinh xứng đáng với hy sinh của Đại tướng"
Theo Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhà nước cần phải có sự ghi nhận, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với những đóng góp, hi sinh lớn lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng nước nhà.
Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Viêt Nam mất đi khiến hàng triệu trái tim Việt Nam thổn thức, nghẹn ngào. Vẫn biết "sinh lão bệnh tử" là quy luật tất yếu nhưng nỗi đau đến quá đột ngột, khiến không ai muốn tin đó là sự thật. Tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu - Hà Nội, nơi ở và làm việc của Đại tướng, hai ngày qua lặng lẽ hơn mọi ngày, nhiều người dân đi qua đều dừng chân, kính cẩn, nghiêng mình trước sự ra đi của một vị tướng tài ba, đức độ, một cây đại thụ của cả dân tộc.
Chung niềm đau ấy, nhiều đồng chí, đồng đội, người học trò đã từng kề vai, sát cánh suốt mấy mươi năm chiến chinh với Đại tướng cũng không khỏi bàng hoàng, xúc động.
"Với tôi, anh Văn như người anh"
Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, không quên được giây phút khi được thư ký của văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện thông báo về sự ra đi của người anh cả lực lượng vũ trang nhân dân: "Lúc đó khoảng gần 7h tối, nhận được chuông điện thoại thông báo tin buồn, tôi sốc nặng, phải mất một khoảng thời gian để định thần lại thông tin. Toàn thân tôi run bật và mắt thì đã nhòe đi từ lúc nào... Tôi đã biết thông tin về tình hình sức khỏe không được tốt của Đại tướng. Nhưng trong tâm niệm tôi vẫn mong muốn đây không phải là sự thật... Nỗi đau này với tôi cũng như toàn thể dân tộc là quá lớn. Tôi rất xúc động".
Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết, từ đầu năm 2013, sức khỏe của Đại tướng đã yếu đi nhiều, Đại tướng hầu như không nói được nhưng vẫn nhận biết được những người vào thăm. Mấy ngày trước khi mất, Đại tướng lúc mê, lúc tỉnh: "Có lần tôi vào thăm Đại tướng. Lúc này anh Văn nằm trên giường bệnh, tay phải truyền nước, sức khỏe yếu vô cùng. Anh không nói được nhưng nhìn vào ánh mắt của Đại tướng tôi tin anh nhận ra tôi. Nắm lấy bàn tay của anh mà tôi không kìm được xúc động và nước mắt...", tướng Trà nghẹn ngào cho biết lần thăm ấy là lần cuối cùng ông được gặp Đại tướng.
Chiến đấu ở miền Nam nên tướng Trà ít có cơ hội được gặp và trò chuyện với Đại tướng, thế nhưng lần gặp mặt nào dù chỉ trong một thời gian ít ỏi cũng đều để lại những cảm xúc, ấn tượng khác nhau. Lật dở từng mảnh ghép, tướng Trà bồi hồi nhớ lại: "Có mấy lần tôi gặp đại tướng khi anh xuống thăm đơn vị quân khu 3. Dù là chỉ huy cấp cao nhưng Đại tướng rất giản dị, gần gũi và quan tâm đến từng người lính. Tôi còn nhớ rõ khoảnh khắc khi anh Văn ôm và bắt tay từng người một. Với ai, anh cũng dừng lại dành thời gian hỏi thăm về quê quán, điều kiện gia đình của từng người. Anh dặn cấp dưới của mình quan tâm đến chiến sỹ, phải biết thương yêu chiến sỹ như thế nào. Thế nên, với chúng tôi Đại tướng như một người anh, một người thân đặc biệt trong gia đình. Mãi sau này khi tôi lên làm việc tại Bộ Quốc phòng, chúng tôi hay đến thăm anh hơn. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, anh thường chia sẻ kinh nghiệm, nghệ thuật quân sự...".
Trong ký ức của tướng Trà, Đại tướng là một con người nghiêm nghị, quyết đoán ngoài chiến trường nhưng ngoài đời lại rất gần gũi, hay cười. Gặp khách thì cứ cười cái đã chứ không nghiêm nghị như mọi người vẫn tưởng. Chính vì thế, anh em chiến sỹ, đồng bào vẫn thường gọi Người bằng cái tên trìu mến "Đại tướng Nhân dân". Tác phong của Đại tướng trong công việc luôn khoa học, dứt khoát. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới thì bao giờ Đại tướng cũng yêu cầu nhắc lại. Khi nhắc lại được rồi thì mới đồng ý cho đi. Với một người chỉ huy quân sự thì đó là điều rất quan trọng bởi "sai một ly, đi một dặm". Đại tướng cũng có trí nhớ rất tốt, bất kể công việc gì đã giao cho các cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng cũng thuộc lòng và nhớ như in từng kế hoạch cụ thể mà không cần phải giở sổ ghi chép.
Với tài chỉ huy thiên bẩm, lỗi lạc, Đại tướng xứng đáng là vị thống soái vĩ đại của quân đội nhân dân, một trong những vị tướng vĩ đại nhất mọi thời đại, tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy.
Cũng theo tướng Trà, trước những đóng góp to lớn và những hi sinh thầm lặng của Đại tướng dành cho đất nước, nhân dân, chúng ta cần có những ghi nhận, tôn vinh xứng đáng. Bản thân tướng Trà mong muốn nhà nước xây dựng một khu đền thờ hoặc bảo tàng để các các thế hệ trẻ sau có điều kiện tìm hiểu về một huyền thoại của dân tộc.
Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương: "Tôi đã òa khóc"
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Lê Mã Lương tự nhận mình là người may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc và làm việc nhiều với Đại tướng. Cho đến bây giờ, cái khoảnh khắc lần đầu tiên được gặp người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam vẫn in đậm trong tâm trí người anh hùng Lê Mã Lương: "Tháng 4/1971 sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tôi được điều về Bộ Tư lệnh mặt trận để báo cáo thành tích. Tại Sở chỉ huy, thật bất ngờ tôi đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 10 phút. Thời gian không nhiều nhưng đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm về vị tướng soái lừng danh của dân tộc. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Đại tướng rất thân thiện, bình dị. Từ dáng đi, cử chỉ, nét mặt của người đều toát lên phong thái đĩnh đạc của một vị tướng cầm quân. Đặc biệt giọng nói của Đại tướng có một sức hút, lôi cuốn mạnh mẽ đối với người nghe. Tôi có cảm tưởng 10 phút trôi qua quá nhanh...".
Chia sẻ về cảm xúc lần đầu gặp Đại tướng, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết, lúc đó ông cảm thấy vô cùng xúc động và hồi hộp. Có thể nói cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, định mệnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân đã có ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời binh nghiệp sau nay của tướng Lương. "Tôi học được rất nhiều điều từ Đại tướng. Trước hết là tính giản dị, không thích phô trương, khoe mẽ, tiếp đến là sự quan tâm, đối xử với các cán bộ, chiến sỹ dưới quyền. Phải nói rằng rất ít có vị tướng nào lại đi sâu xát tình hình cơ sở, thực tiễn và quan tâm đến đời sống của anh em như tướng Giáp. Sau này khi làm công tác quản lý bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - điều tôi quan tâm, đau đáu nhất vẫn là tập hợp, sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp...".
Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.
Chia sẻ về những khoảnh khắc cuối cùng khi được gặp Đại tướng, Thiếu Tướng Lê Mã Lương bùi ngùi: Từ khi biết tin sức khỏe của Đại tướng yếu đi ngày nào ông cũng hỏi han, quan tâm đến sự tiến triển sức khỏe của ông. Nhận được tin thông báo về sự ra đi của Đại tướng, Thiếu tướng Lê Mã Lương cho biết ông đã không kiềm chế được xúc động và khóc òa lên như vừa mất đi một người thân ruột thịt. Cảm giác đau đớn, chống chếnh và hụt hẫng khiến ông phải mất một thời gian dài để trấn tĩnh tinh thần.
Với tư cách là một học trò, một người chiến sỹ từng trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, tướng Lương xúc động cho biết: "Trong thời khắc đau thương này, tôi không biết nói gì để bày tỏ sự đau đớn, xót xa khi vừa mất đi một tướng lĩnh tài ba, một cây đại thụ - biểu tượng của sức mạnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng ra đi là tổn thất rất lớn cho dân tộc ta, cho quân đội ta. Dân tộc ta đã mất đi một người tướng tài, mất đi một người con ưu tú suốt đời đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh...".
Xuân Ngọc - Hà Trang
Theo Dantri
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng không "hét ra lửa" "Thầy tôi là một ông tướng có văn hóa, không chút vẻ quắc thước, "hét ra lửa" như liên tưởng thường thấy về một vị tướng. Làm việc với ông bao nhiêu năm, tôi chưa từng thấy ông cao giọng, gắt gỏng", trợ lý của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ. Đại tướng như vẫn đang dạo bộ quanh...