Cuộc Đời Của Yến – Chuyện khó nói được kể rất dịu dàng
“Cuộc Đời Của Yến” là một bộ phim có đề tài hay nhưng khó: tảo hôn và số phận người phụ nữ nông thôn; được truyền tải khá dễ chịu.
Giành 5 giải thưởng danh giá ở Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 19 – năm 2015 với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam – Dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, Cuộc Đời Của Yến là một trong những tác phẩm được khán giả Việt Nam mong đợi. Đồng thời, hai bài hát chủ đề của bộ phim do Lê Cát Trọng Lý sáng tác và trình bày cũng được đón nhận nồng nhiệt.
Bộ phim là câu chuyện của Yến – một cô bé nông thôn xinh xắn phải về nhà chồng khi mới mười tuổi. Cuộc đời của cô gắn liền với những thăng trầm của gia đình nhà chồng cùng người chồng kém mình một tuổi là Hạnh. Xuyên suốt phim, tính cách của người phụ nữ Việt Nam truyền thống được thể hiện trọn vẹn: tuy bên ngoài cứng cỏi mạnh mẽ, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn là sự yếu đuối và niềm khao khát hạnh phúc cháy bỏng.
Từng thể hiện cuộc đời của những người phụ nữ H’Mông và câu chuyện lấy chồng nước ngoài vùng Tây Bắc trong Và Anh Sẽ Trở Lại, lần này đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tiếp tục trăn trở với nạn tảo hôn. Vấn đề vốn khó nói nay đã được bước lên màn ảnh. Đức hi sinh và bản tính cam chịu của các bà, các mẹ chúng ta ngày trước được khắc họa dịu dàng, chân thật, gần gũi khiến người xem thấy thương và thấy đồng cảm.
Kịch bản được xây dựng khá chặt chẽ bằng cách tạo những “liên kết” suốt bộ phim. Đầu phim, những quyển sách xuất hiện làm cầu nối cho mối quan hệ của hai nhân vật chính. Những quyển sách cứ thế tiếp tục gắn liền với Yến và thay đổi hình thức theo sự thăng trầm của cuộc đời cô. Lúc còn mới nhưng bị kẻ gian giẫm đạp, lúc bị xé rách, lúc bị bám đầy bụi, lúc được phơi trong nắng trời và cuối cùng được trở lại gọn gàng giữ gìn như mới. Những quyển sách khiến câu chuyện diễn ra liền mạch, giúp khán giả dễ dàng hơn trong việc đồng cảm với nhân vật và tham gia vào mạch kể chính.
Phát huy thế mạnh hình ảnh từ Và Anh Sẽ Trở Lại, phim mang đến những thước phim có tông màu trong trẻo làm “mát mắt”. Tuy nhiên vẫn có những đoạn nhỏ có cảm giác bị “cháy” khi nhân vật đứng giữa nắng trời. Điểm trừ tiếp theo về hình ảnh là khi Yến nằm mơ thấy những quyển sách của mình. Đoạn ấy được chèn vào tiếng trống rất to, sự rung lắc của máy quay, cách đánh đèn, gương mặt hốt hoảng của Yến lúc đó tạo cảm giác hơi rùng rợn và khá “kinh dị” so với một phim vốn nhẹ nhàng như Cuộc Đời Của Yến.
Phần nhạc được chèn vào rất đúng lúc đúng chỗ, hai bài hát Tám chữ có và Đi qua bóng đêm của Lê Cát Trọng Lý được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, có khi bằng tiếng đàn bầu, có khi là tiếng hát trong veo mộc mạc của Lý, góp phần rất nhiều trong việc tạo mạch cảm xúc cho phim.
Diễn xuất của dàn diễn viên ở mức ổn, nhất là nữ diễn viên Thúy Hằng trong vai Yến khi đã trưởng thành. Từng để lại nhiều ấn tượng với người xem trong Những Đứa Con Của Làng, cô tiếp tục mang lối diễn khỏe khoắn, mạnh mẽ truyền tải vào nhân vật mới, giúp tính cách của Yến không bị tuyến tính, một chiều. Điều này cũng minh chứng cho việc cô xứng đáng nhận giải thưởng nữ diễn viên chính xuất sắc trong Liên hoan phim vừa được tổ chức. Các em diễn viên nhí diễn mà không đem lại cảm giác gượng gạo, rất hồn nhiên và dễ thương, khơi gợi những cảm xúc đẹp đẽ trong lòng khán giả.
Diễn viên nhí Kim Anh gây ấn tượng bởi gương mặt bầu bĩnh đáng yêu trong vai Yến lúc nhỏ
Video đang HOT
Ba diễn viên nhí vào vai con của Yến. Đáng khen nhất là vai chị cả của Thu Vân. Dù còn nhỏ nhưng đã sớm lo toan và thương mẹ thương em
Nội dung hình ảnh và âm nhạc của phim ở mức tốt nhưng một số chi tiết bị diễn đạt còn dài dòng, lan man. Điều này cộng với nhịp điệu khá chậm của bộ phim trở thành điểm khó tiếp cận với những khán giả không kiên nhẫn. Khuyết điểm này may mắn có đoạn kết hay, những câu thoại thâm thúy chắt lọc “cứu” vào phút chót.
Ai mà không thương câu “Đừng để mây mưa đánh đổi đá vàng”. Ai mà không cảm thấy phục Yến, nể Yến khi tỉ mẩn học chữ để kéo gần khoảng cách hơn với chồng – một ông giáo mê sách ấu trĩ cũng như vượt dặm trường để gặp “chồng ta” nay đã thành “chồng người” để trao vài quyển sách anh thích, kể tình hình con cái ở nhà rồi đi về với bàn chân rướm máu? Rõ ràng Yến được quyền “làm ầm lên” khi manh nha nghe tin về người chồng không chung thủy, nay lại bắt tận tay anh đầu gối tay ấp với người mới. Tuy nhiên cô không chọn làm thế. Phụ nữ có dăm ba cách giữ chồng, có người giữ bằng vật chất, người dùng sắc đẹp, riêng với Yến, cô chọn cách nhẫn nhịn để ấm êm. Dùng cái tình, cái nghĩa để níu chân người đàn ông có lẽ chưa phải là cách tốt nhất, nhưng với một người bản chất vốn không xấu như Hạnh thì hoàn toàn phù hợp.
Còn một số khuyết điểm nhỏ nhưng nhìn chung phim vẫn dễ xem, dễ chấp nhận và mạnh dạn chọn một hướng đi “lạ” ở thị trường vẫn còn xa lạ với những vấn đề nhức nhối, chỉ thích tập trung vào hướng làm phim mang tiếng cười dễ dãi.
Theo Khả Ái & Việt Nữ / Trí Thức Trẻ
"Cuộc đời của Yến": Phụ nữ có khôn thì mới giữ được chồng!
Bước vào phòng chiếu tối om với giọng hát trong vắt của Lê Cát Trọng Lý, "Cuộc đời của Yến" mở ra cùng với những cảm xúc lắng đọng, nhẹ nhàng nhưng đủ sâu cay về đạo nghĩa vợ chồng.
Nếu muốn tìm kiếm những giây phút hành động kịch tính, nghẹt thở hay loạt cảnh quay lãng mạn, ngọt ngào, Cuộc đời của Yến sẽ không bao giờ là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, nếu cần tìm chút ấm áp của tình người, chút trong trẻo, du dương của tuổi thơ nghèo, bộ phim từng đoạt 5 giải thưởng tại LHP Việt Nam năm 2015 này sẽ là tác phẩm khó lòng bỏ qua.
Xem Cuộc đời của Yến, khán giả sẽ không tránh được chuyện đôi lần quẹt nước mắt, xót thương cho số phận của người phụ nữ tên Yến. Bằng thủ pháp kể chuyện tươi mới, mỗi cảnh phim trôi qua đều mang chút dư vị thôn quê nhẹ nhàng, dung dị. Các vấn đề tảo hôn, trọng nam khinh nữ trong xã hội cũ được nhắc đến một cách nhẹ nhàng. Thay vào đó là tư tưởng nhân văn, cảm thương sâu sắc cho số phận người phụ nữ.
Yến về nhà chồng từ khi chỉ mới 10 tuổi
Tình cảm đơn sơ thưở ban đầu dần nảy nở ở Yến và Hạnh
Được thầy u gả đi từ lúc 10 tuổi, Yến đã trải qua cuộc sống ở nhà chồng sớm hơn rất nhiều bạn đồng trang lứa. Năm tháng cứ thế trôi qua, Yến - Hạnh đã chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt như một lẽ thường tình. Hạnh vì quá hiền lành, thẳng tính đã dính vào cái bẫy do những kẻ bất lương gây ra. Giữa cuộc họp của ban quản lý hợp tác xã, Hạnh bị đổ cho cái tội tham lam của công với số tiền khá lớn. Để thu xếp ổn thỏa mọi chuyện, Hạnh - Yến buộc phải bán hết đồ đạc trong nhà, dồn tiền trả nợ cho hợp tác xã. Từ đây, bi kịch gia đình Yến - Hạnh đã xảy ra.
Với người phụ nữ tần tảo như Yến, chẳng có nỗi đau nào hơn chuyện chồng mình không còn một dạ sắt son. Nhìn chồng ngồi bên đồng nghiệp Lanh xinh đẹp, Yến chỉ biết xót thương, ai hay cái đạo vợ chồng hơn 20 năm lại không bằng chút dư vị ngọt ngào của một mối quan hệ thoáng qua. Nhưng Yến - người phụ nữ chỉ biết ruộng nương, bếp núc làm sao so với cô gái trẻ xinh tươi mà chữ nghĩa lại đầy mình. Yến sợ mất chồng, Yến tủi thân vì mình dốt, mình không thể đọc được 1 con chữ dù ở nhà chứa đầy những sách.
Hạnh mất hết chí thú làm ăn sau khi bị cách chức khỏi hợp tác xã
Xem đến đây, khán giả những tưởng Yến sẽ lồng lộn đi đánh ghen hoặc mạnh mẽ gạt bỏ người chồng phụ bạc để tìm cho mình niềm vui mới. Nào ngờ, Yến chẳng những không phản ứng tiêu cực mà còn một dạ thủy chung. Cái tình người phụ nữ nghèo đất Bắc khiến khán giả xót xa, nhìn Yến khóc, khán giả thương cho kiếp người nhỏ bé, mỏng manh. Với Yến, thay vì trách móc chồng phụ bạc, cô chọn nhớ về ký ức ngọt ngào thưở xưa. Kể cả lúc các con nghe lời dèm pha của xóm làng là "thầy mày đã theo vợ bé đi kinh tế mới", Yến cũng nhất mực phủ nhận. Yến giữ trọn niềm tin dù trong mắt tất cả mọi người nó đã lung lay dữ dội.
Yến cáng đáng chuyện gia đình, cần mẫn sớm hôm cho gia đình có cái ăn cái mặc
Để níu giữ hạnh phúc gia đình, Yến nhờ các con dạy chữ cho mình vào ban đêm. Không sợ con cười, Yến chăm chỉ rèn chữ, tập đọc cho bằng được từng trang sách mà chồng yêu quý. Khi đã có thể hiểu được chút ít chữ, Yến vượt ngàn dặm xa xôi đi tìm chồng. Nhìn cái cách mà Yến nói chuyện với Hạnh, khán giả khó lòng tin nổi một người phụ nữ đang chịu cảnh chồng chung lại có thể bao dung đến nhường ấy. Yến không trách móc Hạnh nửa lời, cô chỉ lặng lẽ kể cho anh nghe về nỗi nhớ thầy của các con. Và khi câu nói: "Đừng để mây mưa đánh đổi đá vàng" vang lên, cả Hạnh lẫn khán giả đều không cầm được xúc động.
Ba đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học là nỗi niềm khiến Yến không thể buông bỏ cuộc đời này
Phụ nữ có dăm ba cách giữ chồng, không phải cứ ồn ào làm cho ra nhẽ đúng sai mọi chuyện mới là cách giải quyết tốt nhất. Ngay từ đầu, Yến đã chấp nhận làm người nhượng bộ, cô thà để bản thân chịu thiệt chứ nhất quyết không làm xấu mặt chồng. Chính nhờ tấm lòng bao dung, độ lượng này, Hạnh đã rời bỏ Lanh để về với mẹ con Yến. Người đàn ông như Hạnh bản chất không xấu, Hạnh chỉ phạm sai lầm trong một phút và cần được Yến tha thứ, tạo một con đường để về với gia đình. Chén đũa ở trong chạn lâu ngày còn có tiếng khua, vợ chồng sống cả đời đâu thể nói bỏ là bỏ được, Yến đã chọn cách buông bỏ quá khứ, buông bỏ nỗi đau để tự tạo cho mình một con đường mới.
Nhìn cách Yến mạnh mẽ làm bờ vai cho các con tựa vào, cách Yến đối xử chân thành với chồng, khán giả không khỏi cảm phục. Vẫn là hình ảnh người phụ nữ chân quê, mộc mạc mà sinh động đến lạ thường. Cuộc đời của Yến không kịch tính, không có quá nhiều tình tiết cao trào nhưng cũng đủ làm người xem vỡ òa vì tư tưởng nhân văn. Ở đời có bao nhiêu lần cái 20 năm, thay vì giận hờn, trách móc, chọn cách thứ tha mà vui sống sẽ làm con người ta cảm thấy thanh thản hơn. Huống gì, người đó lại là chồng mình, có ai ở đời mà không làm sai chuyện này chuyện nọ, quan trọng là khi họ muốn tìm đường phục thiện, người phụ nữ vẫn rạng rỡ vòng tay cho họ trở về.
Khi chồng sống cùng người phụ nữ khác ở vùng kinh tế mới, Yến vẫn không từ bỏ niềm tin về ngày đoàn tụ
Xem Cuộc đời của Yến, vấn vương mãi cảm xúc về đạo vợ chồng. Biên kịch Hồ Hải Quỳnh và Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã khéo léo lồng ghép những tình tiết mang hơi thở đời thường vào phim. Xem và soi lại thân phận người phụ nữ, càng thấy sáng hơn nữa phẩm chất chung thủy, sắt son đáng tự hào. Thông qua diễn xuất của các diễn viên: Thúy Hằng, Lâm Tùng, Minh Hương, Kim Anh... Cuộc đời của Yến đã lột tả được nhiều mảng sáng tối đối lập ở xã hội Việt Nam những năm 70 - 90 thế kỷ trước.
Nước mắt Yến rơi trong đôi mắt buồn có cả nỗi đau, sự chua xót và niềm hy vọng
Cái hay của bộ phim là đã khéo léo lồng ghép những tình tiết đời thường, dung dị vào loạt cảnh quay hút mắt nhìn. Cùng với giọng ca trong trẻo, ngọt ngào của Lê Cát Trọng Lý, Cuộc đời của Yến lại càng khắc họa trong tâm trí người xem những ấn tượng khó phai. Cuộc đời của Yến không nhiều kịch tính, cao trào, phim giống như một cuốn nhật ký nhiều trang xoay quanh cuộc đời người phụ nữ nghèo và ít chữ. Dưới bàn tay của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, cuốn nhật ký ấy trôi qua chầm chậm rồi lắng đọng trong lòng người xem cái nhìn đầy tính nhân văn.
"Cuộc đời của Yến" ra rạp từ ngày 8/1/2016
Một cách khách quan, cách đặt vấn đề và giải quyết mâu thuẫn trong Cuộc đời của Yến chưa phải là trọn vẹn nhất. Song ở một chừng mực nhất định, bộ phim cũng đã chuyển tải tròn trịa tinh thần của tiểu thuyết nguyên gốc Đá - Vàng. Với cái nhìn tích cực về cuộc sống hôn nhân,Cuộc đời của Yến là tác phẩm đáng giá dành cho những ai đã, đang hoặc sẽ rơi vào tình cảnh bị buộc phải sống kiếp chồng chung như Yến. Nhẹ nhàng nhưng đủ sâu cay, đàn bà muốn giữ chồng nhất quyết phải có sự thấu hiểu. Đúng sai ở thế sự đôi khi chẳng là gì so với cách Yến mập mờ mở lối cho chồng quay về nhà sau những vấp váp. Phụ nữ có khôn thì mới giữ được chồng!
Theo Shindo / Trí Thức Trẻ
Trương Ngọc Ánh đằm thắm sánh đôi Kim Lý không rời nửa bước Đến tham dự buổi ra mắt phim "Cuộc đời của Yến", Trương Ngọc Ánh khoe vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm bên "tình tin đồn" Kim Lý. Vừa qua, buổi công chiếu Cuộc đời của Yến - phim điện ảnh được mệnh danh là Cô dâu 10 tuổi phiên bản Việt Nam đã diễn ra thành công tại TP.HCM với sự góp mặt...