Cuộc đời cô gái chôn vùi tuổi xuân nơi trại giam
Rủ nhau đi lên thành phố làm việc nhưng không có tiền, Phui và hai người bạn của mình lên kế hoạch giết người để lấy tiền đi…
Gặp phạm nhân Phèn Thị Phui (25 tuổi, trú thôn Na Lan, Tả Nhìu, Xín Mần, Hà Giang) tại trại giam K1 thuộc trại giam Quyết Tiến (Sơn Dương, Tuyên Quang) khi buổi lao động sáng vừa kết thúc.
Nhìn khuôn mặt già nua không ai nghĩ Phui mới 25 tuổi tròn. Theo cán bộ trại giam, Phui vào trại cải tạo với hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Cũng như nhiều phạm nhân mới nhập trại, Phui cũng đã chán chường, tuyệt vọng không tìm được lối thoát. Nhưng rồi được sự động viên, giáo dục của các cán bộ trại giam, Phui cũng đã tìm cho mình được suy nghĩ đúng đắn là cải tạo thật tốt để có ngày trở về với xã hội.
Theo tài liệu cung cấp, khoảng cuối tháng 3/2007, Phèn Thị Phui (25 tuổi) được hai người bạn khác trong bản là Xèn Seo Tây (30 tuổi) và Hoàng Thị Thêm (29 tuổi, cùng trú Tả Nhìu, Xín Mần, Hà Giang) rủ đi làm thuê ở thành phố. Tuy nhiên, do cả ba không có tiền nên nảy sinh ý định giết Thèn Thị Ng. (28 tuổi) lấy tài sản để đi.
Một phút nông nổi, Phui đã chôn vùi tuổi xuân của mình nơi này…
Nghĩ là làm, khoảng 19h ngày 5/4/2007, cả ba cùng nhau đến nhà Ng. như đã thống nhất. Đợi Ng. ăn cơm xong, Xèn Seo Tây dùng dây váy của phụ nữ người Nùng trói tay chân Ng. lại, sau đó cả 3 dùng dao sát hại Ng.
Gây án xong, cả ba tắt điện rồi đi rửa tay chân đi về nhà như bình thường. Đến khoảng 4h ngày 8/4/2007, Xèn Seo Tây bán số vàng đã cướp được 780.000 nghìn đồng.
Riêng Hoàng Thị Thêm và Thèn Thị Phui sau khi được Tây đưa đến thị trấn Cốc Pài – Xín Mần thì quay về. Hai ngày ở tại một khách sạn trên địa bàn nhưng không thấy Tây quay lại. Chiều ngày 10/4/2007, do hết tiền và không biết đi đâu, cả hai bắt xe ôm quay về nhà thì bị bắt giữ. Xèn Seo Tây cũng bị bắt giữ ngay sau đó.
Ngày 27/8/2008, VKSND tỉnh Hà Giang đã truy tố Phèn Thị Phui (25 tuổi), Xèn Seo Tây (30 tuổi) và Hoàng Thị Thêm (29 tuổi, cùng trú Tả Nhìu, Xín Mần, Hà Giang) các tội danh Giết người theo điểm g, khoản 1 Điều 93 BLHS và tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 BLHS.
Trong vụ án này, Xèn Seo Tây là người khởi xướng, chủ mưu, đồng thời là người thực hiện hành vi tích cực nhất nên HĐXX tuyên phạt Xèn Seo Tây (30 tuổi) mức án chung thân.
Video đang HOT
Riêng Hoàng Thị Thêm (29 tuổi) và Thèn Thị Phui do bị rủ rê, lôi kéo và là người chưa thành niên khi phạm tội nên HĐXX tuyên Hoàng Thị Thêm 16 năm tù và Thèn Thị Phui 14 năm tù cho hai tội danh nêu trên.
Ngập ngừng một lúc, Phui bảo, nhờ các cán bộ trại giam ở đây mà Phui đã vượt qua được quãng thời gian 2 năm đầu tuyệt vọng. Giờ đây, sau 8 năm trong trại giam, Phui đã yên tâm cải tạo thật tốt để có thể trở về với gia đình, với xã hội.
Phui bảo, Phui sinh ra trong một gia đình 6 anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mấy chị em không được học hành đến nơi đến chốn. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào những cây ngô, cây sắn trên nương. Chính vì vậy, trong một lần bạn rủ đi giết người để lấy tiền đi làm, Phui đã đi. Sau quyết định đấy, cuộc đời cô gái đang độ tuổi trăng tròn bước sang một lối rẽ mịt mù.
“Ngày đó em nông nổi, một phần chơi với bạn nên thấy bạn rủ đi mình cũng đi mà không hiểu biết gì. Một phần thời gian đó, gia đình khó khăn nên thấy bạn rủ đi làm thuê em cũng đồng ý đi cùng với mong muốn giúp bố mẹ đỡ khổ, nhưng không ngờ…”, Phui tâm sự.
Gạt đi những giọt nước mắt, Phui kể, trong khoảng thời gian 3 năm đầu, Phui luôn sống trong cảm giác sợ hãi, suy sụp, đêm ngủ thường nằm mơ về tội lỗi mình đã gây ra cho bạn.
Không còn cách nào khác, ngày Phui miệt mài làm công việc mà cán bộ giao. Đêm về, Phui tâm sự với bạn cùng phòng giam của mình cho quên đi những sợ hãi.
“Ngày đầu mới vào đây em thấy sợ, suy nghĩ nhiều lắm, em suy sụp tinh thần khoảng 2-3 năm mới quen được cuộc sống nơi này. Những lúc khó khăn như vậy, chẳng biết bấu víu vào đâu để cố gắng.
Em đi trại cải tạo năm em 16 tuổi, chẳng có ai bên cạnh, chỉ có mỗi gia đình nên những lúc ấy chỉ nghĩ về gia đình để cố gắng. Nhưng cũng lâu lắm rồi em không được gặp ba mẹ. 8 năm từ ngày em đi trại, gia đình xuống thăm em một lần. Nhưng em cũng không dám trách gia đình, vì tội lỗi là do em gây ra và cũng do đường xa, gia đình lại không có tiền…”, Phui bảo.
Trước khi về buồng giam, Phui vẫn kịp nói rằng, Phui chỉ mong sau này được trở về với xã hội, Phui được xã hội thừa nhận, cho Phui công việc để giúp đỡ bố mẹ chứ cũng không dám nghĩ về một gia đình như bao người con gái khác…
KIỀU LINH
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Chuyện về "bóng hồng" cảm hóa người lầm lỡ chốn lao tù
Những phạm nhân nơi đây thường nhắc đến chị với thái độ cảm mến. Chị đã giúp nhiều trong số người đó tìm lại ánh sáng của cuộc sống...
Biệt tài cảm hóa
Đó là câu nói mà những cán bộ trại giam Quyết Tiến (Sơn Dương, Tuyên Quang) thường gọi về Thượng úy Nguyễn Quỳnh Nhung - Trại số 1 (trại giam Quyết Tiến). Chị được nhiều đồng đội coi là một trong những tấm gương tiêu biểu về công tác giáo dục, quản lý, cảm hóa các phạm nhân trong trại giam.
Tôi tình cờ gặp được chị trong dịp công tác lên vùng cao này. Thượng úy Nhung chia sẻ: "Các đồng nghiệp nói quá về tôi, chứ ai ở đây cũng làm tốt công việc này cả. Nó là công việc và trách nhiệm của mỗi người cán bộ chúng tôi".
Thượng úy Nhung quê ở Ninh Bình nhưng được sinh ra và lớn tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bố và anh trai của chị công tác trong ngành lực lượng vũ trang Công an nhân dân. Chính vì vậy, từ nhỏ, mỗi lần nhìn bộ cảnh phục bố và anh trai mang trên người, chị quyết tâm một ngày nào đó mình cũng khoác trên người tấm áo đó.
Thượng úy Nguyễn Quỳnh Nhung - Trại số 1 (trại giam Quyết Tiến).
Năm 1999, Thượng úy Nhung hoàn thành khóa học về công tác trại giam và được phân công về công tác tại trại giam Quyết Tiến. Thượng úy Nhung được giao quản lý, giáo dục các phạm nhân nữ có mức án cao trong trại.
Đây là một công việc rất khó khăn, vì theo thượng úy Nhung: "Những phạm nhân phải thụ án dài thường có biểu hiện tâm lý phức tạp. Và một số không tích cực trong cải tạo do họ có tâm lý bất cần khi thi hành mức án dài, nhiều phạm nhân coi đó là dấu chấm hết cho cuộc đời nên không tuân thủ nội quy. Những phạm nhân này thường mắc tội về ma túy, hoặc giết người, mua bán người" .
Thượng úy Nhung cho hay, để cảm hóa những phạm nhân ấy, chị đã phải làm tất cả những gì có thể với lòng chân thành, cảm thông giữa con người với nhau. Khi đó, chị và họ không còn khoảng cách nữa. Từ những lời động viên chia sẻ, Thượng úy Nhung đã giúp những phạm nhân nhận ra lỗi lầm, tuân thủ nội quy trại giam, cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.
"Muốn giáo dục, cảm hóa được các phạm nhân thì phải hiểu được họ. Mỗi phạm nhân khi mới vào thi hành án trong phân trại, tôi cũng phải đọc kỹ hồ sơ, tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình, động cơ phạm tội để tìm cách cảm hóa phạm nhân", Thượng úy Nhung chia sẻ.
Những câu nói xuất phát từ tâm can, từ sự sẻ chia gần gũi khiến những phạm nhân trải lòng, tin tưởng chị. Và từ đó chị làm cho họ hiểu được lỗi lầm, cho họ thấy cuộc đời chưa phải đã hết mà còn cơ hội làm lại khi cải tạo tốt.
"Có những phạm nhân phải mất đến 1-2 năm, hoặc vài năm để giáo dục cho họ hiểu. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản chí cả", Thượng úy Nhung tâm sự.
Giúp những mảnh đời lầm lạc tìm thấy con đường
Câu chuyện về phạm nhân Nguyễn Thị H. (SN 1989, quê Thanh Hóa) với án chung thân về tội giết người khiến chị Nhung nhớ mãi.
Phạm nhân H. là một trường hợp khá đặc biệt, gia đình khó khăn, bố mẹ quanh năm lao động ít thời gian quan tâm nên H. bị bạn bè rủ rê chơi bời. Trong một lần ngồi quán hát và xảy ra mâu thuẫn, H. đâm chết một người.
Khi vào trại H. tỏ ra chán trường, thường vi phạm nội quy trại. Trong một lần nghe câu chuyện bố H. từ Thanh Hóa ra thăm và cho sáu trăm ngàn đồng.
"Tôi nghe mà lòng nghẹn đắng, tôi đã cố không khóc trước mặt phạm nhân vì thương cho hoàn cảnh, thương cho bố H.", Thượng úy Nhung nói.
Trong một lần trò chuyện riêng chị đã nói với H: "Khi nghe câu chuyên của chị tôi đã cố không khóc. Tôi thấy thương cho bố chị, nghèo khó nhưng vẫn khăn gói mấy trăm cây số ra đây thăm chị... Chị tiêu cực như vậy có giải quyết được gì không? Tốt nhất chị nên sống tốt hơn, cải tạo tốt hơn để được giảm án được về với gia đình. Để trả ơn một người cha hết lòng vì con như vậy...". Nghe xong H. cúi mặt xuống khóc, cầm tay chị và hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt.
Một trường hợp khác là phạm nhân Nguyễn Thị Th. (50 tuổi, quê Lào Cai) thụ án 16 năm tù về tội mua bán trái phép ma túy. Chị rất ấn tượng với phạm nhân Thơm vì Th. rất hiền lành, hoàn cảnh khó khăn. Sau những lần chống đối cán bộ, Thượng úy Nhung bằng tấm lòng và sự chân thành của mình cũng đã cảm hóa được phạm nhân này.
"Nhiều lúc phạm nhân Th. nói với tối là cảm ơn cán bộ từ đáy lòng. Nghe xong mình cũng thấy vui lắm. Vì dù sao mình cũng giúp thêm được một con người tìm lại được hi vọng cuộc sống" , chị chia sẻ.
Công việc bận rộn là vậy nên thời gian dành cho gia đình của thượng úy Nhung cũng ít ỏi. Cả hai vợ chồng cùng làm trong ngành, công việc bận rộn không có nhiều thời gian bên con. Nhưng chị bảo, phải vượt qua tất cả và làm tròn nghĩa vụ của mình.
Kết thúc câu chuyện, Thượng úy Nhung chia sẻ mong muốn của mình: "Tôi mong các phạm nhân đừng bao giờ tiêu cực, chán nản. Mong các phạm nhân không chỉ riêng trại Quyết Tiến, mà các phạm nhân trong cả nước cố gắng sửa chữa lỗi làm để chuộc lỗi với chính nạn nhân, với chính người thân của mình. Họ hãy hiểu rằng gia đình đang chờ mong họ từng ngày, còn nhiều vòng tay chào đón họ với tất cả yêu thương...".
KIỀU LINH
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Những chiến sĩ áo trắng sau cánh cửa trại giam "Biết phạm nhân bị HIV, nhưng tình huống quá nguy cấp, tôi không suy nghĩ nhiều, trực tiếp hô hấp nhân tạo mà không suy nghĩ đến chuyện bị phơi nhiễm..."- Đó chỉ là một trong những câu chuyện được Đại úy Nguyễn Thị Nhàn - hiện đang công tác tại bệnh xá trại giam Xuân Nguyên (Bộ Công an) tại Thủy Nguyên,...