Cuộc đời cơ cực của “người đội lốt quỷ”
Trong ngôi nhà nhỏ nằm ven quốc lộ 32 có một người đàn ông đã nổi tiếng khắp vùng với hình hài kì dị và cuộc sống vô vàn khốn khó.
Bản thân mắc căn bệnh lạ, ông Nguyễn Đình Chiểu (cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) gắn bó với cái biệt danh “người đội lốt quỷ” mà người ta đặt cho mình đã nửa đời người.
Không một lời than thở, oán trách, ông sống lầm lũi như con rùa quanh quất ở góc quê nghèo. Trên lưng ông phải đội một tấm bia đá nặng nề, ấy là những dị nghị, xa lánh của người đời, là gánh nặng chăm lo cho cái gia đình nhỏ khi người vợ tàn phế vừa bỏ ông ra đi và để lại đứa con gái khùng khùng dở dở.
Đi ăn cỗ, không ai dám ngồi gần
Ông Nguyễn Đình Chiểu (SN 1961) là con thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em đều bình thường, khỏe mạnh. Lúc mới sinh ông Chiểu cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng một thời gian sau, trên đầu cậu bé xuất hiện một u thịt bằng hạt đỗ. Không thấy cậu bé có biểu hiện gì khác thường nên gia đình cũng không lo lắng gì đến cái mụn thịt lạ lùng kia. Nhưng càng lớn, cục thịt ấy càng to ra và đau điếng mỗi khi có ai chạm vào.
Thấy biểu hiện lạ, gia đình đã đưa Chiểu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Các bác sĩ đã phẫu thuật, cắt bỏ khối u đó cho cậu bé. Tưởng chừng có thể trở lại cuộc sống bình thường nhưng khoảng ba năm sau, cái khối u kì dị kia quay trở lại hành hạ cơ thể bé bỏng của cậu.
Kì lạ hơn nữa, mỗi ngày, các khối u lớn bé lại đua nhau mọc ra khắp người, biến Chiểu thành một con người mang bộ da sần sùi dữ tợn như da cóc. Đau đớn thay, lần này, các bác sĩ ở viện Sơn Tây cũng lắc đầu bó tay trước căn bệnh lạ mà y học lúc đó chưa tìm ra cách chữa.
Gia cảnh bần hàn của bố mẹ Chiểu đã khiến họ phải cắn răng chịu đựng, chấp nhận nhìn đứa con mình hằng ngày sống chung với chi chít các khối u trên người với một nỗi mặc cảm lớn dần theo năm tháng. Kể từ ngày đó, cuộc đời ông Chiểu trở nên tăm tối và vô vọng.
Mấy chục năm ròng sống chung với cái lốt quỷ, tự ti, mặc cảm với thân phận mình, ông Chiểu thu mình lại, sống an phận trong căn nhà nhỏ, không tiếp xúc với mọi người và thế giới xung quanh. Tính tình ông cũng từ đó mà trầm lặng. Bè bạn cùng trang lứa hãi hùng, kinh sợ và xa lánh mỗi khi ông đến trường. Cũng vì thế mà ông Chiểu bỏ học từ rất sớm, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám ló mặt ra ngoài đường. Suốt mấy chục năm trời, nơi xa nhất ông Chiểu đặt chân đến cũng chỉ loanh quanh ở xã Ngọc Tảo này.
Ông Chiểu mang một hình hài kì dị khiến ai trông thấy cũng phải ghê sợ, hãi hùng. Khắp thân thể ông, từ khuôn mặt cho đến ngón tay, ngón chân, những cái bướu cứ chi chít, dày đặc đua nhau trồi lên khỏi lớp da mỏng. Cái bướu to nhất có kích thước gần bằng quả trứng gà, hàng nghìn cái còn lại bằng quả táo, quả mận hoặc quả sung, nhỏ hơn nữa và nhỏ nhất cũng bằng hạt ngô.
Xung quanh ông Chiểu, không một ai biết căn nguyên của căn bệnh lạ này từ đâu, chỉ biết, những cái bướu đã lúc lỉu trên người ông cả mấy chục năm nay, chúng “làm khó” ông từ việc sinh hoạt hằng ngày đến cái quyền được làm một người bình thường. Thế mà hỏi ông về bệnh tật, ông chỉ lắc đầu bảo: “Tôi quen rồi, cũng chẳng đau đớn gì cả…”.
Bà Nguyễn Thị Thuần – chị gái của ông Chiểu kể về nỗi khổ của em trai mình: “Càng ngày các nốt càng mọc dày ra, ai đến nhìn cũng thấy ghê lắm. Chú ấy khổ lắm. Chả bao giờ dám đi đâu cả. Đi ăn cỗ ăn bàn cũng không dám đi. Người ngoài thì họ không mời đã đành. Đằng này, anh em trong họ mời cũng chả dám đến. Nếu mà có vào ăn cỗ thì cũng không dám ngồi với ai. Bệnh của em tôi thì nó không lây đâu nhưng mà người ta nhìn vào người ta vẫn cứ ghê”.
Video đang HOT
Sống nghèo khó, tử tế – nhặt rác là công việc duy nhất mà ông có thể làm để kiếm vài đồng nuôi sống bản thân và gia đình
Mọi người xung quanh cảm thương cho số phận của ông. Làng xóm tạo điều kiện để ông có công ăn việc làm. Hằng ngày, ông kéo xe đi thu gom rác thải của cụm dân cư. Đó cũng là lúc ông làm việc cật lực, lật từng cọng rác rưởi, thu nhặt từng cái nilông đã qua sử dụng, đem về nhà giặt sạch rồi bán để kiếm đồng ra đồng vào.
Vẫn biết là vô cùng độc hại, không đảm bảo cho sức khỏe nhưng đó là công việc duy nhất mà ông Chiểu có thể làm để duy trì sự sống cho gia đình mình. Không bảo hộ lao động, đôi bàn tay trần của ông Chiểu ngày ngày làm lụng vất vả, tiếp xúc với đủ loại rác thải trên đời đổi lấy vài đồng bạc lẻ.
Không có bất cứ một trợ cấp xã hội nào, mọi sinh hoạt gia đình và chăm sóc cho cô con gái ngây dại đều trông vào nghề nhặt rác của ông Chiểu. Tài sản duy nhất mà ông Chiểu được bố mẹ để lại cho là hai gian nhà cấp bốn tạm bợ phủ kín rêu xanh.
Làm việc vất vả suốt cả ngày, nhưng mỗi buổi sáng, bữa ăn sáng của ông Chiểu là một cốc nước chè tươi pha với một chút đường, “sang trọng” hơn một chút thì có bát cơm nguội, thỉnh thoảng được “cải thiện” bằng một gói mì tôm. Ấy vậy mà mỗi ngày, ông Chiểu vẫn kéo đủ hai xe rác đầy. Ai biết hoàn cảnh cũng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của ông.
Dị nhân không muốn “lột xác”
Ông Chiểu kể rằng có một vị giáo sư y học nào đó, được tin ông mắc căn bệnh lạ đã về tận nơi xem xét, khám bệnh rồi bảo: Cái bệnh của ông có thể chữa được bằng cách “lột” bỏ lớp da này đi, thay bằng lớp da mới. Vừa kể chuyện, tay vừa mân mê rất lâu những cục thịt lều bều ở trên người mình, ông Chiểu ngẫm ngợi điều gì xa xăm lắm.
Ông thở dài bảo: “Bây giờ các bác có cho tôi tiền lột bỏ cái lớp da này đi, tôi cũng không làm. Nửa đời tôi sống trong cái lốt sần sùi như con cóc này rồi. Tôi chỉ mong cuộc sống của gia đình tôi bớt khổ cực đi một chút chứ tôi thì không cần gì nữa”.
Thoạt nhìn ông Chiểu, người ta có cảm giác sờ sợ vì hình hài kì dị, lại thêm giọng nói cục mịch, dữ dằn, nhưng nói chuyện lâu mới biết ông cũng là người tình cảm. Ông kể chuyện về người đàn bà đã gắn bó với ông gần nửa đời người. Vì thương cảm trước hoàn cảnh của ông Chiểu, thương ông bị mọi người xung quanh dè bỉu, xa lánh, bà Vũ Thị Mơ – người làng bên đã tình nguyện nên vợ nên chồng với ông.
Đám cưới nghèo của hai người diễn ra trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Người ta vừa mừng vừa lo cho cặp vợ chồng khốn khổ. Lo cái bệnh tật của ông Chiểu cộng thêm cái yếu đuối của bà Mơ sẽ làm cuộc sống của họ càng chật vật.
Thế nhưng mọi chuyện rồi cũng qua. Họ bấu víu vào nhau mà sống lay lắt qua ngày. Ông Chiểu ngày ngày đi nhặt rác, bán được vài nghìn mua mớ rau bát gạo. Bà Mơ cũng gắng gượng trồng thêm củ khoai củ sắn.
Tưởng chừng họ sẽ “xuôi chèo mát mái”, ai ngờ họ sinh được hai đứa con gái thì một đứa phải đi lấy chồng làng xa, một đứa càng lớn càng ngờ nghệch, không giúp đỡ được việc gì. Bà Mơ đột nhiên lại bị tai biến mạch máu não, cũng vì không có tiền chạy chữa mà bà trở thành tàn phế đặt đâu nằm đấy suốt một thời gian dài. Cố gắng lắm, bà Mơ mới gượng dậy được nhưng chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy, không làm được bất cứ việc gì, đi lại không vững, chẳng nói chẳng rằng như người câm.
Ông Chiểu và con gái
Ông Chiểu giàn giụa nước mắt nghĩ về người vợ tàn tật lúc nào cũng nhăn nhó khổ sở của ông mà ước ao có một ngày, vợ ông sẽ khỏi bệnh, sẽ trò chuyện được như trước để hằng ngày có thể tâm sự, chia sẻ được với ông, bớt đi gánh nặng về tinh thần mà một mình ông phải chịu đựng. Thế nhưng, ông trời không chiều theo lòng người, khi bị tai biến lần thứ ba, thần chết đã tìm đến và cướp mất người vợ bất hạnh của ông.
Bây giờ, ông Chiểu sống cô đơn, suốt ngày lủi thủi trong căn nhà lụp xụp. Đứa con ngờ nghệch không hiểu được nỗi đau của bố, suốt ngày chạy ra chạy vào, cáu giận, chửi bới. Ai thấy gia cảnh của người đàn ông tận khổ này cũng cảm thấy xót xa.
Mất đi người vợ yêu quý, ông Chiểu như mất đi “nửa con người”, mất đi cái đáng quý nhất trong đời mình. Bà Mơ đã bỏ ngoài tai dị nghị của người đời, bỏ qua cái gia cảnh nghèo hèn và hình hài xấu xí đến kinh sợ mà đến với ông Chiểu. Nay ông Chiểu lại trở về với cuộc sống “chăn đơn gối chiếc”, cuộc sống cô độc của một dị nhân.
Gánh nặng trên vai ông vẫn chưa nhẹ bớt, khi mà đứa con gái của ông đã lớn mà không được như người bình thường. Ông tự nhủ: “Tôi sẽ phải sống để lo lắng cho nó đến cuối đời, dù gì thì nó cũng là đứa con vợ chồng tôi rứt ruột đẻ ra, nó có bệnh tật thế nào, tôi cũng sẽ chăm sóc cho nó”. Ông Chiểu nhìn đứa con gái bằng ánh mắt trìu mến, an phận của người cha. Ánh mắt đó mang nỗi niềm của một người suốt đời mặc cảm với thân phận “người quỷ” của mình.
Theo 24h
Nỗi đau chị em mang thân hình "quỷ ám"
Hơn 40 năm sống với những khối u "khổng lồ" trên cơ thể, họ đã phải gồng mình lên để chấp nhận đau đớn của bệnh tật và sự xa lánh của người đời.
Đó là hoàn cảnh bất hạnh của chị Phạm Thị Hoa (1970) và chị Phạm Thị Vui (1975) ở thôn Thành Long, xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh.
Con đường gập ghềnh đầy sỏi đá dẫn chúng tôi vào căn nhà cũ nát giữa phố thị hối hả. Thấy có khách, chị Hoa và chị Vui giật mình ngơ ngác, dường như đã lâu lắm rồi mới có người lạ tới nhà.
Ngồi trên bộ bàn ghế đã mối mọt ọp ẹp, hai chị tâm sự cảnh đời mình trong dòng nước mắt nhạt nhòa.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông bố mẹ mất sớm, nhà có 5 anh chị em, người anh cả là Phạm Văn Hà (1967) hoàn cảnh cũng vô cùng khó khăn, vợ anh bị tai nạn mất một chân, không còn khả năng lao động nặng. Người em út là Phạm Văn Xuân (1979) do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, học hành dở dang nên cũng phải lang thang khắp nơi làm thuê kiếm sống. Hiện tại chị Hoa, chị Vui và người em trai Phạm Văn Trọng (1973) sống trong ngôi nhà cũ mà bố mẹ để lại. Chị Hoa, chị Vui đều không may mắc căn bệnh u xơ thần kinh ngay từ khi mới chào đời.
Chị Hoa và chị Vui sống với thân hình "quỷ ám" suốt bao năm qua.
Chị Hoa nghẹn ngào chia sẻ: "Ngày nhỏ khối u trên tay tôi không to như bây giờ. Khi đó đi khám bệnh, bác sĩ bảo đó là bệnh u xơ thần kinh, rất khó chữa và khó điều trị, chỉ có thể cắt bỏ dần dần. Các khối u mỗi ngày một to lên, gia đình đều bán hết mọi thứ giá trị để chữa cho hai chị em tôi nhưng không thể khỏi được".
Lúc bước vào tuổi đẹp nhất của người con gái cũng là lúc chị Hoa phải vác thêm "cục thịt biến dạng" trên tay phải, làng trên xóm dưới chẳng ai dám lại gần, chị tủi phận sống cô độc đến tận bây giờ. Năm 2004, chị dồn hết toàn bộ của cải để đi cắt khối u nhưng nó vẫn ngày một phát triển khiến chị đau đớn vô cùng.
Cùng bị căn bệnh như chị gái, chị Vui cũng bị khối u trên mắt phải chảy xệ xuống. "Tảng thịt" đó khiến chị đi lại khó khăn và không được linh hoạt như người bình thường.
Anh Trọng cũng có khối u nhỏ ở chân, đi lại khó nhọc nhưng hàng ngày anh vẫn đi làm thuê làm mướn khắp làng trên xóm dưới để phụ giúp cho hai người chị.
Vì mang trên mình thân hình " quỷ ám" dị dạng, ai ai cũng khiếp sợ nên 2 chị Hoa, Vui không thể lập gia đình, anh Trọng cũng ở vậy để chăm lo cho hai người chị bệnh tật.
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên các chị cũng không được đến trường. Gia tài lớn nhất của 3 chị em là 3 sào ruộng để trồng trọt nhưng do sức khỏe yếu nên anh chị cũng không thu hoạch được là bao.
Chị Hoa nhớ lại: " Năm 2004, mấy chị em dìu dắt nhau lên bệnh viện, nhà cũng chẳng có tiền phải vay mượn thêm bà con hàng xóm. Khi về trộm vào lấy hết mấy con gà, có cái xe đạp cũ dựng ở đầu bếp cũng bị lấy mất, 3 chị em lại ngồi ôm nhau khóc... Tôi luôn ước chị em tôi được phẫu thuật hết những khối u này để có được cuộc sống bình thường như mọi người".
Hàng tháng, mọi chi phí thuốc thang, sinh hoạt của cả 3 chị em đều dựa vào số tiền 300.000 đồng/người tiền trợ cấp của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Minh, trưởng thôn Thành Long cho biết: "Gia đình chị Hoa là một trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh của địa phương. Chúng tôi đã cố gắng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình nhưng kinh phí còn hạn hẹp. Rất mong các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này".
Theo 24h
Thêm một người mang hàng ngàn khối u Anh Võ Hồng Quân, sinh năm 1968, hiện sống cùng cha mẹ tại ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang mang trên người có đến hàng ngàn cái bướu lớn nhỏ. Mẹ của anh Quân cho biết, ông bà có 9 người con, tất cả đều lành lặn chỉ trừ Quân (con thứ 6) bị như thế....