Cuộc đời buồn của một hoa khôi trại giam (Kỳ 1): Những ảo ảnh hạnh phúc của một cô bé mồ côi
“Thước đo lòng can đảm của con người không phải là chết mà là dám sống để đối mặt với khó khăn”. Tôi quyết định mình sẽ không thể chết vớ vẩn như thế.
LTS: Là một trong những hoa khôi của Trại giam Phú Sơn, được chú ý bởi nhan sắc nổi bật và giọng hát được đào tạo bài bản, phạm nhân Trương Quỳnh Hương – cựu nữ sinh viên của trường Cao đẳng Văn hoá và Nghệ thuật một thời, đã trải lòng về những sóng gió, bất hạnh và những biên cố xảy ra trong cuộc đời mình, với những ân hận khôn nguôi về những lỗi lầm đã phạm phải.
Tôi chỉ biết cha qua những bức ảnh và lời kể của mẹ
Tôi sinh ra tại Thủ đô Hà Nội. Gia đình tôi là gia đình cách mạng vì ông nội và ông ngoại tôi đều là liệt sĩ. Ba mẹ tôi cũng là Đảng viên. Ba tôi người Huế, mẹ tôi người Nghệ An. Ông bà ra Hà Nội công tác, gặp nhau rồi yêu thương và cùng nhau nên vợ chồng. Ba tôi từng tốt nghiệp loại giỏi Khoa Địa chất của trường Đại học Bách khoa, được cử đi nghiên cứu sinh tại Bungari để làm luận án tiến sĩ. Theo lời kể của mẹ thì ngày ấy, ba tôi được cử đi du học là một niềm vinh dự lớn, niềm tự hào của cả dòng tộc. Vậy mà cái niềm vui ấy lại trở thành định mệnh nghiệt ngã cho suốt cả phần đời còn lại của mẹ con tôi.
Ba tôi đã nằm lại vĩnh viễn ở đất nước bạn chỉ trước khi trở về Việt Nam 4 tháng. Điện báo của Đại sứ quán Việt ở Bungari thông báo về cái chết của ba tôi là “cảm đột ngột do viêm phổi cấp tính”. Lúc đó anh tôi 9 tuổi, tôi 4 tuổi. Mẹ tôi trở thành góa bụa ở tuổi 36. Lễ tang cha tôi không có thi hài cha, mọi người đến viếng không ai cầm được nước mắt. Nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau đó. Trong tiềm thức của tôi không có bất cứ kỉ niệm nào về ba cả. Tôi chỉ được biết mặt ba qua mấy tấm ảnh đen trắng mà mẹ tôi chỉ cho. Mẹ bảo, lúc ba đi tôi mới hơn 10 tháng tuổi, nên tôi thiệt thòi hơn anh trai vì không được sống với ba và được ba yêu thương, chăm sóc.
Trương Quỳnh Hương
Tuổi thơ của tôi lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Mẹ con tôi sống trong căn nhà tập thể mà ba được cấp trước khi đi du học. Thời đó, mẹ tôi công tác ở Hội Phụ nữ quận Hai Bà Trưng. Đồng lương bao cấp không đủ để mẹ nuôi hai anh em tôi đi học. Để đảm bảo cuộc sống, mẹ tôi phải nuôi lợn gà và đan len thuê. Lúc đó có rất nhiều người khuyên mẹ tôi nên đi bước nữa, vì mẹ còn trẻ và đẹp, nhưng mẹ tôi đã ở vậy vì yêu ba tôi và vì thương hai anh em chúng tôi. Nhờ mẹ mà cuộc sống của tôi, dù thiệt thòi hơn bạn bè vì không có ba, nhưng vẫn rất êm ấm, hạnh phúc.
Học lực của tôi lúc nào cũng xếp loại khá. Tôi đặc biệt có năng khiếu ca hát và học văn rất tốt. Từ khi học lớp 1 tôi đã luôn là quản ca trong lớp. Tôi rất năng nổ tham gia các hoạt động phong trào. Trong một cuộc thi dành cho thiếu nhi dịp hè với chủ đề “Kể chuyện Bác Hồ”, tôi đã một mình độc thoại ba giọng nói miền Trung: tiếng của Bác, tiếng của một em bé và tiếng của một bà cụ già người dân tộc trong câu chuyện “Bác Hồ chứ còn ai”. Nhờ câu chuyện này, tôi được giải nhất toàn quận, sau đó còn được thêm giải nhì tiếng hát măng non giữa học sinh khối trường cấp hai. Tôi cũng từng là học sinh của quận được cử vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi văn thành phố.
Nhờ những thành tích học tập và hoạt động phong trào đó, tôi đã được bầu làm liên đội phó phụ trách văn nghệ toàn trường. Điều đó khiến mẹ rất tự hào về tôi. Mong ước của mẹ là lớn lên, tôi sẽ đi theo con đường sư phạm, trở thành một cô giáo dạy Văn. Nhưng ước mơ của tôi là trở thành một nghệ sĩ, đước đứng trên sân khấu ca hát. Vì thế, tôi đã giấu mẹ nộp đơn thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội vào năm tôi đang học lớp 10 và đã trúng tuyển.
Mẹ tôi không ủng hộ tôi theo con đường nghệ thuật, vì mẹ bảo nghề này truân chuyên và bạc bẽo, nhưng thấy tôi kiên quyết, mẹ lại thương và ngày ngày đưa đón tôi đi học cách nhà 5 cây số. Trường nghệ thuật tôi học ngày đó, thầy Xuân Tứ là hiệu trưởng, còn giảng viên dạy thanh nhạc cho tôi là cô Ngọc Lan. Buổi sáng tôi lên lớp học chuyên môn, buổi chiều học văn hóa. Trong những ngày theo học ở đây, tôi đã gặp anh – mối tình đầu và cũng là người chồng của tôi sau này, trong một lần giao lưu văn nghệ giữa sinh viên các trường đại học, cao đẳng.
Mối tình thời sinh viên và một mái ấm trong mơ
Năm đó, một biến cố lớn đã xảy ra với cuộc đời tôi. Mẹ tôi được các bác sĩ thông báo đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối. 10 tháng sau, mẹ tôi qua đời ở tuổi 52, lúc đó bà đang là Phó Bí thư Đảng ủy quận Hai Bà Trưng. Khi mẹ tôi mất, anh trai tôi đang ở bên Đức không về kịp dự lễ tang. Ngày đưa me tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, trời mưa tầm tã, tôi gần như ngất đi bên quan tài của mẹ, không sao diễn tả nổi nỗi đau trong lòng mình.
Video đang HOT
Sau cái chết của mẹ, cuộc sống của tôi gần như bị đảo lộn. Tôi như một đứa trẻ mồ côi, không cha không mẹ, không anh em ruột thịt, khi mà anh trai tôi – người ruột thịt thân nhất của tôi đang ở mãi trời Âu. Tôi bắt đầu phải sống tự lập, khi chưa hề chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Bản năng sinh tồn buộc tôi phải thích nghi để tồn tại với cuộc sống mới khắc nghiệt và cô đơn này.
Ngày ngày tôi tự đi học, đến bữa đi ăn cơm bụi, mọi sinh hoạt cá nhân – những điều thường ngày mẹ tôi vẫn làm hộ, nay tôi đều phải tự làm lấy. Thay vì những buổi tối thảnh thơi nằm bên mẹ xem tivi như trước đây, hoặc đi chơi với người yêu, bạn bè, nay tôi phải đi hát ở các phòng trà sinh viên với giá rẻ để kiếm sống. Người thân duy nhất của tôi khi ấy ở Hà Nội là dì tôi. Nhưng dì là bộ đội thông tin chuyển ngành, chồng cũng mất sớm, chắt chiu lắm mới nuôi được hai con, nên tôi cũng không dám làm phiền dì, dù biết dì rất thương tôi.
Thấy tôi sống cực quá, dì khuyên tôi đi lấy chồng. Người yêu tôi tốt nghiệp Đại học Tài chính ra. Sau lần gặp đầu tiên ở buổi giao lưu văn nghệ giữa các trường, tình yêu của chúng tôi diễn ra rất êm ả. Những lúc vui, lúc buồn, những lúc khó khăn, hạnh phúc, anh ấy luôn ở bên tôi, đặc biêt là những ngày tôi phải trải qua nỗi đau mất mẹ. Thấy chúng tôi gắn bó khăng khít, dì tôi đã động viên chúng tôi kết hôn. Dì bảo với tôi: “Người yêu cháu cũng thật lòng với cháu, gia đình nó cũng cơ bản, hai đứa yêu nhau mấy năm rồi, cưới đi cho thiên hạ đỡ dị nghị. Cháu cũng sẽ có người ở bên cạnh chăm sóc, nương tựa, sẽ bớt buồn hơn”. Và đám cưới của tôi đã diễn ra 2 năm sau khi mẹ mất. Lúc đó tôi mới 21 tuổi, chồng tôi 23 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính, chồng tôi về làm kế toán cho công ty Hòa Phát, còn tôi được phân về đoàn văn công quân đội. Gia đình chồng tôi rất tốt và yêu thương tôi. Bố mẹ chồng tôi đều là công chức nhà nước, hai đứa em chồng ngoan ngoãn, học giỏi. Chúng tôi sống với gia đình chồng một năm thì được cho tiền mua một căn nhà để ở riêng. Thời gian đó, tôi mới sinh con, một bé gái rất dễ thương, kháu khỉnh, (giống bố như hai giọt nước). Khi tôi có bầu, chồng tôi đã bảo tôi xin nghĩ việc tại đoàn văn công quân đội, vì bản thân anh ấy cũng như gia đình chồng tôi đều không muốn tôi theo nghề làm nghệ thuật. Nghĩ đến hạnh phúc gia đình, tôi đã bỏ đoàn, toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống bên người chồng giỏi giang và cô con gái xinh xắn.
Tôi may mắn vì có mẹ chồng tôi là người tâm lý và nhân hậu. Điều đó khiến tôi được an ủi rất nhiều. Tôi nghĩ “Trời không lấy đi của ai tất cả”, sau khi mẹ tôi mất, mẹ chồng tôi như người mẹ thứ hai che chở, yêu thương tôi.
Vì tham lam, vợ chồng tôi đã đánh mất hạnh phúc
Đến lúc này, khi đã trở thành một kẻ “ăn cơm tù”, tôi mới nhận ra rằng những năm tháng đó, tôi đã có một cuộc sống như mơ, vậy mà vợ chồng tôi đã không biết bằng lòng với cuộc sống đó. Tham vọng làm giàu để vợ con có cuộc sống đầy đủ hơn, chồng tôi đã mở quán karaoke “tay vịn”, chuyên phục vụ những khách có nhu cầu đặc biệt. Tôi nghiễm nhiên trở thành một bà chủ đứng ở quầy bar thu tiền. Chuyện làm ăn của chúng tôi lên như diều gặp gió. Quán karaoke của chúng tôi với cái tên Lucky – May Mắn dường như đúng là đem lại sự may mắn cho chúng tôi.
Chẳng bao lâu sau khi mở quán karaoke đầu tiên, chúng tôi thu lại được vốn, tiếp tục mở quán karaoke thứ hai. Vì thêm quán nên vợ chồng tôi phải chia nhau ra để quản lý để quán xuyến công việc bận rộn. Tôi quản lý Luckyl, chồng tôi quản lý Lucky 2. Ban ngày đi làm, tối về là chồng tôi ở tại quán Lucky 2 để theo dõi tình hình làm ăn. Tôi cứ ung dung ở Lucky 1 mà không hề biết rằng từ bao giờ, chồng tôi và cô lễ tân thu tiền ở quán Lucky 2 đã dan díu với nhau. Khi biết chuyện tôi vô cùng sốc. Tôi không thể tin được vì chồng tôi quá khéo ngụy trang. Anh ấy vẫn yêu thương tôi, chăm sóc tôi và chỉn chu với tổ ấm của mình đến mức không thể hoàn hảo hơn nữa. Thậm chí chuyện ân ái vợ chồng còn nồng nàn và đằm thắm hơn xưa. Có lẽ đúng như người ta nói, sau những phút giây vụng trộm ở ngoài, khi trở về, người đàn ông có lỗi với vợ và thấy yêu vợ hơn.
Sau khi tận mắt chứng kiến sự phản bội của chồng tôi, thì không còn ai có thể ngăn cản tôi nộp lá đơn ly dị. Những ngày ấy tôi đã đau khổ tưởng chết đi. Tôi tiều tụy, bơ phờ như một kẻ vô hồn. Tôi gầy rộc đến nỗi bạn bè không một ai nhận ra. Ban ngày tôi tỏ vẻ cứng cỏi, bất cần. Đêm về tôi mới trở lại là tôi: yếu đuối, đau khổ, tuyệt vọng. Tôi giống như một kẻ thất tình. Một kẻ thất tình đến tội nghiệp, không biết đi đâu về đâu. Tôi đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng khi cầm viên thuốc ngủ trong tay, tôi lại nghĩ đến đứa con gái mới 5 tuổi tội nghiệp của mình. Tôi không thể để nó mồ côi mẹ giống tôi được. Tôi đã ở hoàn cảnh đó rồi nên rất hiểu nỗi đau đó như thế nào. Chính hình ảnh con gái tôi đã giữ tôi lại với cuốc sống.
Tôi nhớ tôi từng đọc một câu nói trong một cuốn sách nào đó: “Thước đo lòng can đảm của con người không phải là chết mà là dám sống để đối mặt với khó khăn”. Tôi quyết định mình sẽ không thể chết vớ vẩn như thế. Sau khi vợ chồng tôi ly hôn, Tòa án cho tôi quyền nuôi con và chia cho tôi một nửa tài sản của vợ chồng tôi. Tôi lại trở về căn nhà cũ của mẹ. Lúc đó anh trai tôi đã về nước, dù nhiều tuổi nhưng vẫn không chịu lập gia đình. Anh tôi bị trầm cảm sau những nỗi đau mất mát người thân, nên sau khi về nước, anh trở về Huế sinh sống, chỉ còn tôi ở lại Hà Nội.
Trương Quỳnh Hương (ở giữa)
Trong khoảng 3 năm đầu ly hôn, mối quan hệ của vợ chồng tôi rất tồi tệ. Chồng tôi có trách nhiệm chu cấp tiền nuôi con hàng tháng theo quy định của Tòa, nhưng tôi chẳng hề tha thiết điều đó vì tôi chỉ muốn chấm dứt mọi sự dây dưa với chồng. Nhưng con tôi thì khác. Dù sao đó cũng là bố của nó. Nó cần có bố và yêu bố tha thiết. Hàng tuần, cứ đến chiều thứ Bảy, anh ấy lại đến đón nó về nhà nội chơi hết ngày chủ nhật. Tôi toàn tránh mặt những lúc chồng tôi đến. Tôi coi chồng tôi như kẻ thù.
Nhưng chồng tôi vẫn kiên trì với tôi, tìm cách chuộc lại lỗi lầm. Sau khi vợ chồng tôi chia tay, anh sang nhượng lại hai quán karaoke, vì nghĩ đó là nguyên nhân khiến hạnh phúc vợ chồng tan vỡ. Những ngày sinh nhật tôi, ngày mùng 8 tháng 3, ngày giỗ bố mẹ tôi, anh ấy lúc thì qua tặng quà, lúc thì qua thăm hỏi. Anh ấy lo cho con gái tôi từng ly từng tý. Số tiền anh ấy bỏ ra chăm con lớn hơn rất nhiều số tiền Tòa đã quy định. Dù giận chồng đến mấy, tôi vẫn phải thừa nhận tôi chưa từng thấy người đàn ông nào yêu con và chăm sóc con như anh ấy. Đó là điều mà sâu thẳm trong lòng, tôi tự hào về người chồng của mình.
Nhưng tôi biết tôi khó có thể tha thứ cho lỗi lầm mà anh ấy đã gây ra cho tôi. Bởi hơn bất cứ người đàn bà nào khác, tôi thiếu thốn tình thương vô cùng. Bạn bè tôi đã có chồng, vẫn có thể về nhà ngoại để chia sẻ những lúc vui buồn, vẫn chia sẻ tình yêu và sự quan tâm của mình với gia đình bên ngoại, nhưng tôi thì toàn tâm toàn ý lo cho gia đình chồng. Những lúc buồn, tôi cũng chỉ biết chia sẻ với mẹ chồng, với chồng. Với tôi, chồng con là tất cả. Tôi dành mọi tình yêu mà tôi có thể cho chồng con mình. Khi tôi lấy chồng, tôi đã từng nghĩ, chỉ cần chồng tôi yêu thương tôi, tôi sẽ cùng đi với anh đến cùng trời cuối đất. Vậy mà cuộc hôn nhân của chúng tôi lại kết thúc trong địa ngục.
Những thời gian chính là liều thuốc chữa lành vết thương tốt nhất. Sau 3 năm đầu tiên, quan hệ của chúng tôi không còn căng thẳng nữa mà dần được cải thiện. Tôi cho anh vào nhà chơi với con mỗi khi anh đến, nói chuyện với anh như một người bạn cũ, chứ không đối đầu và căm ghét anh như trước.
Sau khi bỏ chồng, tôi mở một quán cơm văn phòng ở một địa điểm tương đối thuận lợi, nhưng sau một năm đầu, khi quán bắt đầu quen khách, thì chủ nhà phá hợp đồng lấy lại với lý do cần bán nhà vào Nam. Tôi lại chuyển ra chơi cổ phiếu. Ban đầu, có lẽ vì là tay mới, nên tôi được ưu đãi, thắng lớn. Nhưng sau đó, càng chơi càng thua và cuối cùng trở thành tay trắng. Tôi phải bán nhà để trả nợ. Để tìm cách mưu sinh, tôi quyết định nghe theo lời khuyên của các anh chị con bác ruột tôi. Tôi gửi lại con gái cho chồng một thời gian và vào Sài Gòn lập nghiệp.
Gia đình bên nội tôi đến một nửa di cư vào Sài Gòn năm 1975. Nên khi vào đây, tôi được gia đình, họ hàng lo lắng, giúp đỡ rất nhiều, từ chỗ ăn ở đến công ăn việc làm. Các anh chị tôi đều làm nhà báo, nhà thơ. Do có sự hậu thuẫn đó, nên tôi được các anh chị giới thiệu vào làm công việc PR cho một công ty truyền thông. Tôi sống trong guồng quay đó, ngày làm việc đến 12 tiếng. Đúng lúc đó thì người cô của tôi từ Đức về, thấy hoàn cảnh tôi đơn thân, nên quyết định rủ tôi sang Đức vì cô có một nhà hàng bên đó, muốn nhờ tôi trông coi.
Tôi quyết định đi theo cô để tìm một cuộc sống mới. Nhưng khi ra Hà Nội làm hộ chiếu và gặp lại chồng tôi, kể cho anh nghe về quyết định của mình, chồng tôi phản đối rất quyết liệt. Lúc này anh đã là cán bộ trong một chi cục thuế của nhà nước, vẫn sống độc thân để nuôi con. Anh nói: “Em vào Sài Gòn xa con hơn 1 năm là đủ lắm rồi đấy. Con lớn rồi, nó rất cần có em bên cạnh. Em không phải đi đâu cả, chỉ cần em tu chí thì ở Hà Nội không thiếu cách làm ăn. Anh sẽ giúp em về vốn đầu tư ban đầu nếu em đồng ý”.
Quả thật xa con chính là điều tôi áy náy nhất, vì những ngày tháng xa con vào Sài Gòn làm ăn, tôi đã nhớ con vô cùng. Tôi muốn sang đất khách quê người cũng vì muốn tích cóp một khoản tiền làm vốn liếng phòng thân sau này cho hai mẹ con. Cuối cùng, chồng tôi đã thuyết phục được tôi. Anh khuyên tôi mở quán karaoke, nhưng điều đó chạm đến nỗi đau quá khứ của tôi. Tôi giãy nảy: “Em đã thề dù có chết đói cũng không bao giờ kinh doanh gái gú nữa”.
Nhưng chồng tôi bảo: “Quán karaoke ôm bây giờ lỗi rồi. Em mở quán karaoke hát chọn bài và nếu có khách thân thiết đến hát có nhu cầu “bay” thì mình phục vụ, tạo điều kiện cho họ vui hết mình”. Không phải dân chơi, nhưng tôi cũng hiểu “bay” là cắn thuốc lắc. Tôi từng đọc báo và thấy có một vài sàn nhảy bị bắt vì hoạt động này, nên rất lo lắng hỏi chồng: “Làm như thế liệu có đi tù không anh?”. Nhưng chồng tôi gạt đi: “Buôn bán thuốc lắc mới đi tù. Còn mở quán cùng lắm chỉ bị phạt hành chính một vài chục triệu thôi”.
Tôi nghe chồng nói sao thì biết vậy, vì ngày đó tôi mơ hồ về pháp luật. Tôi được ăn học nhưng ấu trĩ và nghèo nàn về kiến thức pháp luật. Gia đình nội ngoại tôi bao đời nay chưa từng ai phải ra phường làm một cái bản kiểm điểm chứ đừng nói đến chuyện đi tù tội. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ có gan làm ăn phi pháp, vì có lần có người bạn giới thiệu cho tôi mua một cái spacy mới toanh với giấy tờ giả, giá rất rẻ, tôi cũng đã từ chối quyết liệt. Nhưng tôi rất tin tưởng chồng tôi. Bởi tôi tin anh không bao giờ xui tôi làm điều gì xấu cho tôi, có hại đến bản thân tôi. Tôi không có lý do gì để từ chối chồng, khi mà chồng tôi đã bỏ tiền ra đầu tư cho tôi, giúp tôi vạch chiến lược kinh doanh, lại không đòi hỏi tôi phải chia chác hay hoàn trả. Chồng tôi bảo anh chỉ muốn giúp mẹ con tôi có một chút vốn liếng sau này. Tôi đã quyết định nghe lời anh ấy, mà không nghĩ rằng đó là lúc cuộc đời tôi bắt đầu chìm vào tăm tối…
Theo ANTD
Uống thuốc chuột để người thân quan tâm, bé gái tử vong
Là một bậc cha mẹ, đã bao giờ bạn giật mình nhận ra vì mải chạy theo miếng cơm manh áo và những mối quan tâm khác mà quên đi "tài sản" lớn nhất cuộc đời mình là những đứa con?.
Ngày nghe hung tin rồi hớt hải rời TP HCM lao về quê nghèo xã Bình Quế (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), thiếu phụ Phan Thị Thúy đã không còn cơ hội nhìn thấy mặt cô con gái duy nhất của mình. Sau 15 năm sống trong tình cảnh không mẹ cha, bé Phan Thị Thủy (học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương) tự kết liễu cuộc đời mình bằng một liều thuốc chuột.
Di ảnh bé gái tội nghiệp
Đủ mẹ cha vẫn "mồ côi"
Buổi chiều 20/5, cả xóm Chùa ở thôn Bình Quang nhuốm màu tang tóc bởi lễ tiễn đưa cô bé Thủy về nơi an nghỉ cuối cùng. Bé gái vừa kết thúc năm học lớp 9 và cũng kết thúc luôn cuộc đời mình khi đã uống thuốc diệt chuột tự sát vào trưa 18/5. Sau một đêm cấp cứu, nạn nhân tử vong tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Lúc này bên cạnh những lời trách móc "con bé dại quá", người dân cũng dành nhiều sự cảm thông khi biết những sự thật éo le trong cuộc sống của em.
Mới 18 ngày tuổi, người cha đã rũ bỏ mẹ con Thủy đi theo người phụ nữ khác. Sau khi ra đời được nửa năm, em buộc phải cai sữa sớm để cho mẹ "vào Nam mưu sinh kiếm tiền nuôi con". Khi ấy Thủy được gửi cho dì ruột. "Sảy mẹ bú dì", thế nhưng người dì cũng không chồng không con phải trầy trật lắm mới nuôi nổi cô bé vì còn đang mang thêm một gánh nặng chăm cho cha mẹ già ở ngôi nhà bên cạnh đau ốm luôn.
15 năm Thủy lớn lên trong tình thương chắp vá đúng nghĩa từ họ hàng và những thông tin không mấy tốt đẹp về cha mẹ được hàng xóm, bạn bè "rót vào tai". Nhiều khi thấy đám trẻ ở quê có ba mẹ đưa đón đi học, chăm bẵm hạnh phúc, còn mình thì xa lạ hẳn với cha; riêng mẹ mỗi năm chỉ gặp được một lần và ngày càng thưa dần có lẽ khiến cô bé tủi hờn cho thân phận.
Càng lớn, cô bé lại chuyển sang căm ghét "người đàn ông nào đó là cha mình". Dì ruột của bé kể lại, vào những năm cấp 2 cháu mình từng lên trường xin nghỉ học, rút lại tiền học phí để lấy tiền làm lộ phí vào Nam kiếm cha ruột, hỏi rõ tội "vì răng ông bỏ con?". May mắn là lần ấy người dì biết được rồi ra sức khuyên nhủ, can ngăn.
Sau lần đó, chị thấy cháu mình tập trung học tập hơn và đã bắt đầu "xem dì như mẹ ruột", còn hứa chắc "sẽ cố gắng học tốt để sau này ra trường kiếm công ăn việc làm ổn định". Tuy nhiên, đến năm học cuối cấp, cô giáo chủ nhiệm đã báo lại với gia đình biết thời gian này Thủy bắt đầu sống thu mình, chán nản không muốn học hành.... Gặng hỏi nhiều lần chị mới vỡ lẽ nguyên do cháu gái buồn vì nghe tin mẹ mình sắp bỏ con để tái hôn với người đàn ông khác (thực tế mẹ Thủy đã tái hôn nhiều năm nhưng em không được biết - PV).
"Giờ ngồi ngẫm lại mới nhớ hèn gì nó toàn nói, làm những điều bất thường như hay ôm tui bày tỏ tình yêu thương, "đòn gió" định đi Sài Gòn tìm việc làm hay kể về ba mẹ của đám bạn....", người dì nói. Tiếc rằng do tưởng đó là tâm lý bất thường của thiếu nữ tuổi mới lớn nên người dì không nghĩ ngợi nhiều.
Chào cả làng trước khi tự sát
Đen đủi khi không chỉ đón nhận những nghịch cảnh éo le từ gia đình, mà trong sinh hoạt đời thường bé gái này cũng luôn gặp những bất trắc. Thủy nhìn thì có vẻ phổng phao hơn so với bạn bè cùng tuổi nhưng lại hay đau ốm liên tục, nhất là căn bệnh viêm ruột.
Thêm nữa vào năm học cấp 2, Thủy bị một tai nạn khi đang làm việc nên phải tháo khớp mất một ngón tay. Từ đó cô bé bị đám bạn bè trêu ghẹo rồi "chết danh" luôn với cái tên "Thủy 4 ngón" "Thủy cụt". Đã không có ba mẹ bên cạnh để bảo vệ, yêu thương; lại bị bạn bè gọi bằng cái tên không mấy đẹp đẽ... có lẽ những biến cố này càng khắc sâu thêm nỗi đau, khiến em càng lớn càng sinh u uất.
"Thủy còn nhỏ, suy nghĩ vốn nông cạn, lại đón nhận nhiều tủi hổ như rứa nên hắn mới quẩn trí chọn cách tự tử. Nhưng thực tế là nó không muốn chết, nó chỉ muốn làm điều chi đó cho gia đình để tâm đến thôi..", người chị họ của bé gái là người chứng kiến sự việc cho biết.
Nhân chứng này kể lại, khoảng 16h ngày 18/5, Thủy lê lết lần sang nhà chị vừa ói vừa thều thào: "Em đã uống thuốc diệt chuột từ lúc trưa". Thủy dặn người chị "phải bí mật, chỉ kêu dì về đưa em đi lên trạm xá, nói bác sĩ cho ăn cái gì đó để em có thể ói hết thuốc ra".
Người chị đỏ hoe mắt kể tiếp cô bé lúc đó còn nói tường tận: "Em chỉ uống có chút ít thôi, chị nói với mọi người là do em ăn bánh bị ngộ độc nghe. Em mua một gói thuốc diệt chuột nhưng rải hết trên bàn nhà ngoại rồi. Em làm rứa là để cậu hoặc mấy dì có vào thăm ngoại, nhìn thấy sẽ biết em uống thuốc tự tử. Nhưng đợi miết mà không thấy ai cứu, chừ ói mệt quá nên em phải tự chạy đi tìm chị".
Người chị hốt hoảng gọi dì và nhiều người nữa đến đưa em họ đi cấp cứu. Suốt dọc đường lên trạm xá và nằm tại đây chờ làm thủ tục, Thủy khá tỉnh táo, còn kể lại quá trình uống thuốc của mình. Theo đó, Thủy đã tìm mua loại thuốc diệt chuột ở một cửa hiệu trong xóm. Khoảng qua 12 giờ trưa, biết dì đi làm nên em mang số thuốc trên lên nhà ông bà ngoại để uống một ít, đồng thời để lại trên bàn cho mọi người nhìn thấy.
Sau khi uống thuốc, Thủy đi lại hết các nhà trong xóm chơi. Cô bé còn nhắn tin gửi cho mẹ đang ở Sài Gòn và bạn bè chào vĩnh biệt rồi khóa máy. Cỡ hơn một tiếng đồng hồ sau, hàng xóm thấy Thủy có biểu hiện mệt mỏi, giống như người bị đau bụng. Cứ nghĩ Thủy bị bệnh đường ruột như mọi khi, hàng xóm giúp em cạo gió, còn cho uống hẳn một ít dầu nóng rồi bảo em về nhà nằm nghỉ ngơi. Lúc đó cô bé cũng không phản ứng gì vì đang nuôi ý định... chờ đợi phía người nhà "sẽ biết rồi cứu" nên không một ai mảy may cho rằng Thủy tự sát.
Tin nhắn Thủy gửi vĩnh biệt mẹ
Theo người chị họ, cho đến khi ở bệnh viện, trong thâm tâm bé gái này không hề nghĩ rằng "chỉ uống có một chút xíu mà chết". Bác sĩ cho biết tuy lượng thuốc ít nhưng nạn nhân đã dùng loại quá độc, lại thường xuyên đi lại hoạt động và thuốc ngấm trong một thời gian dài nên y học bất lực. Sau khi chuyển lên bệnh viện Đa khoa Quảng Nam khoảng vài tiếng đồng hồ, cô bé trút hơi thở cuối cùng.
Ân hận nhất sau cái chết này là người mẹ của bé gái. Sau khi nhận tin nhắn của con, chị có điện lại nhưng thấy khóa máy nên "tưởng nó giỡn chơi" nên tiếp tục làm việc, rồi chết đứng người khi nhận tin báo. Có những sai lầm có thể sửa chữa, nhưng sai lầm chết người này chẳng biết bao giờ mới thôi day dứt cuộc đời chị?.
Theo PLXH
Xe khách lao đèn đỏ, 5 người bị thương 7h sáng 30/5, dòng xe máy đang dừng đèn đỏ ở giao lộ quốc lộ 1A - Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân, TP HCM) bất ngờ bị xe khách 29 chỗ lao từ phía sau tới. Trong 5 người bị thương có một phụ nữ mang thai. Các xe máy bị nạn nằm la liệt sau ôtô khách. Ảnh: An Nhơn....