Cuộc đoàn viên của cô gái thiểu năng bị lừa sang TQ
Vừa thoáng thấy người mẹ xuất hiện ở cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, cô gái thiểu năng trí tuệ lao tới, ôm chặt rồi khóc nức. Hai mẹ con rưng rưng, đoàn tụ sau hơn 3 năm xa cách.
Họ đã nhận ra nhau sau khi đọc bài “Bi kịch cô gái thiểu năng bị lừa bán sang Trung Quốc” trên Tiền Phong. Bà Nguyễn Thị Cam (44 tuổi, trú tại xóm 9, xã Nga Thuỷ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cho biết: “Nhìn thấy hình ảnh đăng trên báo, tôi nhận ra con mình ngay. Cả nhà vui mừng, vìbao nhiêu tháng ngày tìm kiếm vô vọng, không có kết quả”.
Các cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Lạng Sơn cho biết, đã có vài người điện thoại hoặc trực tiếp đến xin người, thế nhưng khi kiểm tra giấy tờ, không đáng tin cậy nên không cho đón. Thêm nữa, chính nạn nhân cũng dửng dưng, không hề biểu lộ tình cảm khi giáp mặt với họ.
Cô Nguyễn Thị Bưởi (trái) và mẹ. Ảnh: Duy Chiến
Bị lừa
Theo lời kể của bà Cam, gia đình bà có 4 người con gái, trong đó Nguyễn Thị Bưởi là lớn nhất, sinh năm 1993. Từ bé, cô thường xuyên bị đau đầu, trí nhớ kém và nói năng khó khăn và bị thiểu năng trí tuệ.
Sau khi nhận được thông tin về gia cảnh của bà Nguyễn Thị Cam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 2 triệu đồng giúp mẹ con bà về quê.
Sáng 24/11/2011, ông Hải và Bưởi ở nhà thì xuất hiện một người, mặt đeo khẩu trang tìm đến. Người này cho ông Hải một ít chè, nửa bao thuốc lá và giới thiệu là bạn với vợ ông. Sau đó, người lạ mặt này xin phép cho Bưởi đi chợ cùng để mua thức ăn về làm cơm rồi dắt Bưởi đi mất.
Trưa về nhà, không thấy Bưởi đâu, bà Cam vội chạy ra ngoài ngõ tìm kiếm thì người trong làng cho biết, có một người đưa Bưởi đi bộ chừng 3 km, rồi đưa lên một chiếc taxi.
Biết chuyện không lành, bà Cam thông báo cho gia đình đến các bến tàu, bến xe tìm kiếm đồng thời làm đơn trình báo công an.
Video đang HOT
“Tôi nhờ người đăng tải thông tin tìm kiếm con, nhưng mãi không thấy. Nó là đứa không được khôn nên tôi càng thấy thương hơn. Ba năm nay, tôi hay mất ngủ vì nằm mơ, nó gọi mẹ đến cứu”. Bà Cam nói.
Hội ngộ
Ngồi nghe mẹ trình bày, Bưởi e thẹn nép vào lòng bà Cam. Bà Bùi Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm BTXH Lạng Sơn nói: “Khi gặp mẹ, Bưởi có vẻ tinh anh lên nhiều và vui vẻ hẳn”.
Bà Hảo cho biết, khi tiếp nhận nạn nhân từ cơ quan công an, cô này mang tên trong chứng minh thư là Lương Thị Hương, trú tại Tiền Châu, Hương Canh, Phú Thọ. Một thời gian sau, cô hay nói đến tên là Bảy. “Điều này khẳng định, bọn xấu đã chuẩn bị kỹ trước khi gây án và đã làm cho cô một chứng minh thư giả”. Bà Hảo kết luận.
Các cán bộ Trung tâm BTXH tỉnh Lạng Sơn chung vui với sự hội ngộ của mẹ con bà Cam. Họ xúc động khi Bưởi không rời mẹ nửa bước, luôn mồm nói: “Mẹ ơi, cho con về nhà”.
Tìm hiểu gia cảnh của bà Cam, phóng viên Tiền Phong được biết, gia đình bà thuộc hộ nghèo của xã, gia đình bốn miệng ăn trông cả vào công việc cấy, gặt thuê của bà Cam. Gia đình có 2,4 sào cói, nhưng đất ở đây bạc màu, cả làng để hoang. Hay tin con ở Lạng Sơn, gia đình bà chạy vạy đi vay nóng của hàng xóm 2 triệu đồng để làm lộ phí đi đường.
Chiều 8/4, từ Thanh Hóa, bà Cam điện thoại cho phóng viên nói: “Bưởi trở về, dân làng ai cũng mừng, người đến chơi đông cho củ khoai, bắp ngô. Có người tạo điều kiện để cái Bưởi dóc thảm thuê, ngày công 10 nghìn đồng. Như vậy, mẹ con rau cháo nuôi nhau là vui rồi!”.
Lộ mặt nghi can
Theo bà Cam, khi về đến gần nhà, Bưởi túm lấy tay mẹ chỉ vào ngôi nhà rồi thảng thốt chạy. Đây là một căn nhà nhỏ mà chủ nhân của nó là một cô gái thuộc dạng “bất hảo” trên địa bàn. Cô này tên là L., ở một mình và có một con gái nhỏ ngoài giá thú.
Nhiều người dân địa phương xác nhận, cô gái mà bà Cam đề cập, có mối quan hệ rất phức tạp, trong đó có người em trai đang ở Trung Quốc. Khi nghe thông tin Bưởi đã được giải cứu, trở về địa phương, cô ta bỗng nhiên biến mất.
Bà Nguyễn Thị Cam cho biết, đã làm đơn gửi Công an tỉnh Thanh Hóa trình báo sự việc và tố cáo người đã lừa bán con gái bà sang bên kia biên giới. Bà mong cơ quan điều tra sớm vào cuộc làm rõ vụ việc, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.
Theo Nguyễn Duy Chiến (Tiền Phong)
Hành trình 1.000 ngày tìm con của lão nông nghèo
Bị chính người chị họ lừa bán sang Trung Quốc, nhưng trong những ngày tủi nhục trên xứ người, Hồ Thị Hằng (SN 1974) vẫn nuôi quyết tâm sẽ trở về với gia đình. Và trong thời gian mỏi mòn chờ đợi đó, Hằng đã vỡ òa hạnh phúc khi gặp được người cha của mình sau 4 năm trời.
Ít ai biết, để tìm được cô con gái bạc phận, ông đã trải qua hành trình gian khổ suốt hơn 1.000 ngày, với bao hiểm nguy rình rập... Người cha hết lòng vì con ấy là lão nông dân Hồ Xuân Nhâm (SN 1949, ở thôn Bắc Ái, Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc).
Gian nan hành trình "đột nhập" nhà thổ tìm con
Trong câu chuyện cùng PV báo GĐ&XH Cuối tuần, ông kể, tai họa ập lên đầu gia đình mình khi người con gái thứ hai (chính là Hằng) bị người chị họ Trần Thị Hường hứa đưa sang Trung Quốc làm ăn. Sau đó một thời gian, ông Nhâm đã nhiều lần liên lạc với Hường để hỏi thăm tình hình của con nhưng không được. Qua quá trình tìm hiểu sau đó, ông và gia đình phát hiện con gái của mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Thương con, ông Nhâm đã bất chấp hiểm nguy, tự mình lặn lội vượt hàng ngàn cây số, đi sâu vào nội địa Trung Quốc để tìm con gái ở nơi đất khách quê người.
Nhớ ngày đầu bắt đầu hành trình, ông Nhâm kể lại: "Sau một thời gian không có tin tức gì của cháu, hai vợ chồng tôi đã đi dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả gì. Thấy bà nhà tôi suy sụp vì đau khổ, trong đầu tôi chợt nảy ra ý định phải đi tìm con gái về. Nhà không còn một cắc bạc, tôi phải chạy vạy vay mượn lấy tiền làm lộ phí. Bắt đầu hành trình, tôi bắt xe khách lên cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), vì nghe nói Hằng được đưa sang Trung Quốc qua đường này. Nhưng lên đó rồi, tôi mới ngộ ra chuyện tìm con thật "thiên nan vạn nan", khi tất cả những người tôi đưa ảnh hỏi thăm đều lắc đầu không biết. Lang thang trên đó hơn một tuần, trong người không còn một xu dính túi, tôi đành quay trở về nhà. Đón chồng từ cổng sau chuyến đi công cốc ấy, vợ tôi lại càng đau khổ. Cả đêm hôm tôi về, bà ấy bỏ cơm, chỉ nằm khóc một mình".
Thương vợ, xót con, ông Nhâm nghỉ vài ngày rồi lại vay mượn mấy triệu bạc, tay xách quần áo lên biên giới. Rút kinh nghiệm lần trước thất bại, ông không nán lại cửa khẩu lâu mà xin giấy thông hành, quyết sang tận nước bạn dò hỏi thông tin về con gái mình. "Lúc đầu, tôi nghĩ cái Hằng bị bán sang Trung Quốc thì rất có thể sẽ lưu lạc trong vào các nhà thổ. Nghĩ thế, tôi bỏ tiền thuê một phiên dịch viên là những người qua biên giới buôn bán rồi đóng giả khách làng chơi, tìm đến từng nhà thổ quanh khu vực cửa khẩu dò hỏi", ông nhớ lại.
Để tiết kiệm chi phí, nhiều đêm, ông Nhâm phải lang thang vật vạ ở nhà ga, trong rừng hay những ngôi nhà hoang. Để duy trì sức khỏe, ông "tập" ăn bánh mì ngày hai bữa và uống nước lọc. Thời gian rảnh rỗi, ông lại lần mò đến các nhà thổ ở thị trấn Hà Khẩu nhưng không dò ra được bất kỳ tin tức gì. Cứ như vậy, đi đến lúc trong túi hết sạch tiền, ông lại phải quay về. Cái vòng luẩn quẩn, vay mượn tiền rồi lại bắt xe lên Hà Khẩu cứ thế lặp lại. Nhưng khi số nợ ngày càng chồng chất, thì mỗi chuyến ra đi trong hy vọng và trở về trong thất vọng của ông cũng tỷ lệ thuận. Thời gian trôi qua, đã có lúc ông cảm thấy bế tắc, không còn sức và cả tinh thần để tiếp tục đi nữa.
Nhưng đúng vào lúc cả gia đình ông đã xác định sẽ mất con thì một ngày giữa tháng 8/2009, người hàng xóm bất ngờ chạy sang gọi ông nghe cuộc điện thoại gọi về từ... Trung Quốc. Giật bắn người, ông sấp ngửa chạy lên cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia, giọng nói thân thương của Hằng vang lên: "Bố à... Con, Hằng đây". Chỉ mấy tiếng ấy nhưng tim ông như ngừng đập. Đột nhiên trên khóe mắt người cha, giọt nước mắt lặng lẽ rỉ ra. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Hằng cho ông Lâm biết mình đã bị bán sang làm vợ một người Trung Quốc. Nhưng hỏi chỗ ở hiện tại, cô lại không biết rõ. Chỉ còn manh mối duy nhất là số điện thoại, ông Nhâm đành mang đến trình báo cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ.
Ông Nhâm và đứa cháu ngoại, con chị Hằng. Ảnh: T.G
Nhớ lại thời điểm ấy, ông Nhâm cho biết: "Suốt bốn năm trời, tôi xuôi ngược, dò dẫm đến từng xó xỉnh trên biên giới. Bây giờ mọi chuyện mù mờ quá nhưng không thể dừng được. Đêm hôm ấy, tôi bàn với vợ: "Có lẽ mình phải bán mảnh đất lấy tiền để đi tìm con thôi bà ạ". Nghe tôi nói vậy, bà ấy gật đầu đồng ý ngay. Thực hiện giao dịch được mấy chục triệu, tôi lại xách quần áo lên đường đi tìm con".
Lần này sang đất nước bạn, ông Nhâm lần theo số điện thoại Hằng gọi về để hỏi tin con. Ông không thuê người đi cùng như vài lần trước nữa mà mua hai chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Những lúc hỏi đường, ông gọi cho một người trước từng thuê phiên dịch để nói chuyện với người Trung Quốc, rồi lại bảo lại với ông. Cứ như thế, ông đi theo chỉ dẫn, có lần đi qua những rừng cây rậm rạp mà trời thì tối, ông đành phải ngủ lại trong rừng. Ngồi ăn mẩu bánh mì rồi uống nước lọc, trong đầu ông không hề nghĩ đến sự vất vả của mình mà chỉ mong sớm gặp được con. Có những lần đi bộ đến trưa, bụng thì đói, lại đang ở trong vùng đồi núi chẳng có quán ăn nào, ông không ngại khi vào nhà dân xin cơm. Không biết tiếng, ông ú ớ chỉ vào bụng, rồi họ mời vào ăn cơm, đến chiều ông lại tiếp tục hành trình. Suốt mấy tháng trời rong ruổi, vừa hỏi thăm vừa đi lần theo số điện thoại đó, cuối cùng ông Nhâm cũng tìm đến nơi mà mình cần đến.
Nỗi niềm của người cha nghĩ kế "giải cứu" con
Trước mắt ông Nhâm là một ngôi nhà lụp xụp dưới chân quả đồi. Phía bên trong, một người đàn ông đang cùng với con gái mình đứng ở ngoài sân. Nhận ra con trong hoàn cảnh đó, hai cha con ông Nhâm chỉ biết ông nhau khóc. Hằng kể cho cha biết về những tháng ngày đầy sóng gió trong cuộc đời mình. Nhưng sau khi trút hết nỗi uất ức, khuôn mặt Hằng lại rạng ngời niềm hạnh phúc. Chị kể, chồng mình tên là Thọ, trong thời gian ở với chồng "bất đắc dĩ", chị thấy anh ta cũng tốt tính, biết chăm sóc, giúp đỡ vợ. Thế rồi tình cảm nảy sinh, Hằng đã yêu Thọ lúc nào không biết.
Mấy ngày sau đó, ông Nhâm ở nhà con gái chơi, biết được sự việc con mình bị chính đứa cháu là Hường bán sang đây, ông Nhâm đã bàn tính với con gái đi cùng mình trở về Việt Nam để trình báo với cơ quan công an. Nhưng lúc này, Hằng nói rằng chồng mình không tin tưởng để cho vợ về. Để có thể lấy được niềm tin với người con rể "ngoại" của mình, ông Nhâm đã bảo con gái hỏi Thọ xem chồng mình có người thân nào trong nhà mà chưa có gia đình, để ông gả nốt người con gái út cho. Nghe thế, Thọ cùng vợ đưa ông Nhâm đến nhà một người em cùng họ hàng giới thiệu và đặt vấn đề. Như mở cờ trong bụng, ông Nhâm tức tốc trở về Việt Nam.
Về đến nhà, ông kể hết mọi chuyện cho gia đình nghe, ông có nói với mọi người rằng nếu muốn đưa được Hằng về thì chỉ có cách đưa Hồ Thị Huyền (SN 1987, con gái út của ông Nhâm - PV) phải chấp nhận sang đó "làm tin", như vậy Thọ mới tin tưởng cho Hằng về. Từ đó mới có thể đưa Hằng lên trình báo công an việc làm mất hết nhân tính của Hường. Nghe bố nói vậy, Huyền đã khóc mấy ngày trời, nhưng vì thương chị phải chịu ấm ức nơi đất khách quê người, cuối cùng cô chấp nhận hy sinh bản thân mình.
Và thế là sau khi lo chuyện cưới xin cho Huyền bên Trung Quốc, ông đã đưa Hằng về nước và ngay sau đó lên công an trình báo việc Hường bán con mình, và cuối cùng Hường đã phải cúi đầu nhận tội trước cơ quan công an. Mấy ngày sau, hai bố con Hằng lại sang Trung Quốc để thăm Huyền đang sống bên đó. Lần quay trở lại này, ông Nhâm còn có quyết tâm sẽ đưa cả chị Hằng và ba bố con về Việt Nam sinh sống, vì thấy con rể mình cũng vất vả, thấy thương con gái. Cuối cùng, Thọ cũng đồng ý rồi cả bốn người về nhà ông Nhâm ở. Sau đó, ông xây một căn nhà nhỏ để cho vợ chồng Hằng và con cái sinh sống.
Về phần Huyền, sau khi ở lại làm tin để bố đưa chị gái trở về, Huyền đã lấy người em họ của Thọ, hai người sống rất hạnh phúc và có với nhau hai đứa con. Ông Nhâm có hỏi Huyền muốn về nước hay không nhưng Huyền lại muốn ở lại sống cùng gia đình nhà chồng, để bố và chị về Việt Nam. Một thời gian sau khi trở về nhà, thỉnh thoảng nhớ Huyền, ông và cả gia đình Hằng lại xuất ngoại sang thăm cô con gái út. Bản thân Huyền cũng đã một vài lần đưa chồng về ra mắt họ hàng rồi lại về nhà chồng bên Trung Quốc.
Nhìn ông Nhâm ngồi kể về câu chuyện tìm con ly kỳ của mình, tôi càng thấy được tấm lòng yêu thương của ông đối với con cái, ông tiếp lời: "Bây giờ cái hai đứa chúng nó đều có cuộc sống hạnh phúc rồi, giờ tôi lo nhất là cái Huyền, sống bên đó nhỡ nó vất vả, nếu có chuyện gì với gia đình nhà chồng thì không biết nó làm sao đây. Lần nào về nó cũng nói cuộc sống bên đó rất tốt, gia đình nhà chồng và chồng nó rất quý. Nghe vậy, tôi cũng thấy yên tâm một phần chú ạ".
Cả làng thán phục người cha dũng cảm Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Văn Tư (Trưởng thôn Bắc Ái, Ngọc Thanh, Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Việc làm của ông Nhâm khiến cho người dân ở đây ai cũng thán phục, không ai nghĩ một mình ông ấy lại dám đi sang tận Trung Quốc rồi tìm được con gái về. Hiện tại, chị Hằng đang sống với anh Thọ và hai đứa con trai. Khi sang đây sinh sống, anh Thọ cũng chỉ đăng ký tạm trú, nếu hết hạn anh ấy lại phải về nước làm đăng ký lại. Ở địa phương, hai vợ chồng chị Hằng sống rất hạnh phúc, bản thân anh Thọ cũng hiền lành, chịu khó, mọi công việc ở địa phương anh đều hăng hái tham gia".
Theo Tiến Ngọc
Cuộc đào thoát khỏi nơi tủi nhục Để có tiền chữa trị cho mẹ đang mắc bệnh hiểm nghèo, thiếu nữ quê Kiên Giang chạy vạy khắp nơi. Cô gái tuổi 18 không thể ngờ rằng, người đồng nghiệp "tốt bụng" nhận lời giúp mình lại là gã buôn người chuyên nghiệp. Bị hại trình báo tại cơ quan công an Ép lấy chồng... trừ nợ Bùi Thị Cẩm Tuyết...