Cuộc đoàn tụ của cụ bà và con chó Cưng ở Hà Giang: “Chó về rồi, bà không khóc nữa”
Sau một đêm “vắng nhà”, Cưng em được người ta đưa về trả lại cho bà Kía. Nó quẫy đuôi vui mừng, còn cụ bà 75 tuổi chạy từ trong sân ra tận cổng đón, ôm chặt con chó.
Cách đây một tháng, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip về một cụ bà người Mông, sinh sống ở Hà Giang, bật khóc nức nở khi phải bán con chó yêu quý. Con vật nằm trong cũi sắt, không sủa tiếng nào, chỉ nằm im cho người chủ vuốt ve coi như lần cuối bên nhau.
Có lẽ, với những ai đã từng nuôi chó mèo hay bất cứ thú cưng nào và dành trọn tình cảm dạt dào cho nó, thì những hình ảnh cụ bà buồn bã không nỡ nói lời từ biệt với chú cún cưng trong clip kia – thật sự mang đến những cảm xúc nghẹn ngào. Phải từng yêu thương một thú cưng, chăm sóc và quan tâm chúng từng chút, dồn hết tình yêu thương vào một động vật quấn quýt ngày đêm – sẽ thấy đồng cảm ngay từ những phút đầu tiên khi cụ bà lẩm bẩm: “Bà nuôi nó từ bé, bà thương nó lắm…”
Người ta nói rằng cụ bà nghèo quá nên phải bán chó để cầm cự cuộc sống cho qua ngày, vậy nên lại càng khiến câu chuyện trở nên buồn và cảm động hơn. Chứng kiến tình cảm cụ bà dành cho “người bạn” nhỏ bốn chân, rất nhiều người dùng MXH không khỏi xúc động và bày tỏ mong muốn liệu có “phép màu” nào giữa đời thực hay không?
Giữa nắng hè tháng 6, chúng tôi tìm về xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Bức ảnh mờ nhoè chụp lại cụ bà bật khóc ôm con chó trắng được người dân nhận ra ngay lập tức. Họ bảo đó là bà Kía, nhà trong xóm, “nổi tiếng” nhiều tuần nay. Để đến nhà cụ, phải băng qua đoạn đường bê tông ngắn thôi, nhưng cheo leo, hiểm trở.
Gặp lại cụ bà và chú chó nhỏ trong khung cảnh bình yên của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện cuộc sống tuy bình dị nhưng quá đỗi đáng yêu về tình bạn giữa con người và vật nuôi.
Cuộc đoàn tụ của cụ bà và con chó Cưng ở Hà Giang: “Chó về rồi, bà không khóc nữa”
Cánh đồng ngô trải dài bất tận, con đường nhỏ mon men giữa 2 hàng cây. Nắng nghiêng mình giữa buổi trưa oi ả. Hiếm lắm cơn gió nhẹ mới nổi lên, rung rinh những tán lá. Đêm hôm trước, cơn mưa lớn dội xuống tắm tưới cả thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Mưa không ngớt, mãi cho đến gần sáng.
Dáng người nhỏ bé, đôi chân thoăn thoắt và cặp mắt sáng, bà Lầu Thị Kía, 75 tuổi, dân tộc Mông, rẽ đường ra thăm ruộng ngô. Cụ bà đi trước, con chó Cưng theo sau. Bình thường, Cưng chỉ thích ngồi góc nhà, lười vận động với thân hình “mập” quá mức cho phép dù chỉ mới 11 tháng tuổi. Rõ là từ ngày được “trả” về sau một đêm “vắng nhà”, Cưng quấn bà Kía lắm, quấn hơn cả trước đây.
Bà Kía ngồi bệt xuống cái ghế nhựa màu xanh trước cửa, đưa bàn tay lau giọt nước mắt. Hễ nhắc đến con Cưng, bà lại khóc.
Ngày 2 đứa cháu bế chị em Cưng về, bà Kía một tay chăm sóc. Cưng chị và Cưng em thuộc giống chó Mông cộc đuôi, rất hiếm, chính thức “gia nhập” đại gia đình gồm 4 chú chó và 3 con mèo. Cưng bé bỏng khi đó chỉ mới 3 tuần tuổi, nằm gọn ghẽ trong lòng bà.
Mỗi ngày, bà Kía nấu cho chúng 3 bữa, hôm nào thích thì 4. Cơm không thịt, chỉ có mèn mén (ngô) hoặc gạo, nhưng 2 chị em Cưng ăn hết sạch, lớn nhanh như thổi, bây giờ đã chạm mốc 19kg.
Được 2 tháng tuổi, Cưng em bị ốm, bỏ ăn. Bà Kía lấy cái thìa be bé, xúc cơm, bón sữa cho nó, rồi gọi điện dặn cô cháu dâu trên đường đi làm về thì ghé mua thuốc. Tiêm xong, khoảng một ngày sau Cưng lại bình thường, vui đùa và tinh nghịch. Bà Kía thở phào, trước đó bà còn sợ nó chết, cũng không dám ăn cơm, cứ trằn trọc mãi.
Mỗi ngày, 2 chị em Cưng đều được cột dây nằm trước hiên nhà, người lạ tới, thi nhau sủa inh ỏi. Bà Kía bảo không dám thả chúng bừa bãi, vì sợ cắn phải trẻ em trong làng. Đến tối, chúng chui vào chuồng sắt ngủ.
Dù nói tiếng Việt không tròn vành rõ tiếng, nhưng trong buổi nói chuyện, câu nào bà Kía cũng nhấn mạnh: Bà thương chúng nó lắm!
Hôm đó, có thầy giáo trên huyện xuống hỏi mua chó. Chị Sùng Thị Sy, 34 tuổi – cháu dâu bà Kía, xin phép bà được bán Cưng em. Bà không ý kiến gì, dù trong lòng đầy thương xót.
Nhiều người đồn rằng vì hoàn cảnh khó khăn nên nhà chị Sy mới phải bán con chó của bà, nhưng chị khẳng định gia đình đủ điều kiện, đảm bảo chăm sóc bà chu đáo về mọi mặt, không để thiếu thốn bất cứ thứ gì.
“Gia đình chúng tôi không phải nghèo đói mới phải bán chó. Chúng tôi mua 2 chị em Cưng xác định để bán làm kinh tế, không phải để nuôi. Ban đầu chúng còn nhỏ, để lại cho bà chăm sóc, đến khi lớn thì bán”, chị Sy kể.
Hợp giá, chồng chị Sy quyết định bán Cưng em, để lại Cưng chị với mong muốn nhân giống phát triển kinh tế sau này.
Trưa hôm đó, thầy giáo Thuần xuống nhà mang Cưng em đi. Thầy bảo “không phải mổ ăn đâu, mang về nuôi, bà ơi đừng khóc”. Cưng không hề sủa một tiếng, còn bà Kía đứng cạnh đó, bỗng dưng bật khóc nức nở. Bà thò tay vào chiếc lồng sắt, vuốt ve con chó. “Từ lúc còn bé, bà nuôi nó thành to. Bà thương quá!”.
“Lúc nào đi chợ, bà qua nhà cháu thì vào thăm Cưng nhé. Bà đừng khóc nữa, chó nuôi thì ai cũng quý rồi” – lời an ủi của thầy giáo Thuần không giúp bà Kía ngừng khóc, mà càng khiến bà quyến luyến hơn, không muốn rời xa con chó cưng khi đã trao cho chủ mới.
Tối đó, đêm đầu tiên, Cưng em không ngủ ở nhà. Khóc mãi rồi cũng thôi, bà Kía trằn trọc không ngủ được. Nhớ đến nó, bà lại khóc. “Bà thương nó lắm, nên bà mới khóc. Bà bảo để nó trông nhà, buổi tối đi xem con chuột. Nó biết cắn con chuột à, thấy chuột là nó cắn chết”.
Vợ chồng chị Sy cảm thấy có lỗi khi nỡ bán đi Cưng em. Lần đầu tiên, anh chị chứng kiến bà Kía xúc động như thế. Chị nói với chồng, “nếu biết bà thương con chó như thế, thì mình không nên bán. Em cảm thấy có lỗi với bà quá vì bà là một người sống rất tình cảm”.
Anh Thuần đăng tải đoạn clip bà Kía khóc thương chú chó lên mạng xã hội, anh Lê Văn Tiến – một người chuyên buôn các giống chó quý ở Hà Giang, ngỏ lời mua lại Cưng em, đem trả cho bà cụ.
“Tôi xúc động trước tình cảm cụ dành cho chú chó nhỏ, nên quyết định mua lại đem tặng, chứ không bán đi. Bao nhiêu năm buôn bán, đây là lần đầu tiên tôi hành động như vậy”, anh Tiến nói.
Sáng hôm sau, anh Tiến cùng 2 người bạn vượt 140km từ huyện Quản Bạ sang Mèo Vạc, tìm gặp anh Thuần, nhờ dẫn tới nhà bà Kía.
Cưng em về đến nhà, quẫy đuôi vui mừng, bà Kía chạy từ trong sân ra tận cổng đón, ôm chặt con chó. “Cưng về rồi, không khóc nữa”, cụ bà vừa nói vừa vuốt ve bộ lông trắng muốt của Cưng.
“Thời điểm trả chó về cho cụ, tôi biết khoảnh khắc đó trở nên vô giá vì cụ vui mừng không nói nên lời”, anh Tiến nhớ lại.
Bà Kía vốn là trẻ mồ côi, không cha mẹ, không anh chị, một mình bươn chải từ bé. Học đến lớp 3 thì nghỉ, bà lấy chồng năm 17 tuổi, có 5 người con: 2 trai, 3 gái. Hiện tại, bà sống cùng 2 người cháu, chỉ quanh quẩn ở nhà, chu toan việc bếp núc.
Hằng ngày, bà thích làm một công việc nho nhỏ nào đó, không muốn ngồi một chỗ vì “như thế sẽ rất buồn”. “Không thể ở yên được”, bà nói dứt khoát, nên thành thử, chăm sóc đàn chó 4 con là “nghề nghiệp” chính của bà.
Từ ngày Cưng về, bà Kía hứa sẽ không xa nó thêm lần nào nữa. Dù người ta có cho bà gạo, tiền, hay bất cứ thứ gì, cũng không thể đổi lại tình cảm bà dành cho con chó.Chiều buông, bà Kía tiễn khách. Cưng theo chân bà, không dám rời nửa bước. Ngày trước, Cưng còn bé bỏng, nằm e ấp trong lòng bàn tay, đến bây giờ con chó nhỏ đã đủ “vững chãi” để chở che bà Kía, như đất trời Hà Giang ôm chầm lấy thôn xóm nhỏ Sủng Lủ vậy.
Nam thanh niên vượt 140km tặng lại cụ bà H'Mông chú chó đã mua: 'Ngày mai cụ có bán cho ai nữa thì cũng là quyền của cụ'
Đoạn clip ghi lại cảnh cụ bà bật khóc khi phải bán chú chó mình nuôi từ nhỏ, điều kì diệu phía sau đó càng khiến tất cả ấm lòng hơn.
Ghi lại cảnh một cụ bà bật khóc khi phải bán đi chú chó mình nuôi từ nhỏ, đoạn clip ngắn đã gây xúc động với nhiều người. Đặc biệt, với những ai từng nuôi chó, thú cưng đều hiểu và đồng cảm với cảm giác của cụ bà. Được biết, cụ bà trong đoạn clip là người H'Mông ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Mặc dù được người mua động viên rằng chú chó sẽ được chăm sóc tốt, bà có thể đến thăm nhưng cụ bà vẫn không giấu được nỗi buồn. Đoạn clip đã gây bão trên MXH với hàng ngàn lượt chia sẻ và gây lập tức đã tạo nên điều kì diệu sau đó.
Đoạn clip gây xúc động
Xúc động trước tình cảm của cụ bà và được nhiều người cổ vũ, anh Lê Văn Tiến - một người chuyên buôn các giống chó quý, người đã mua chú chó của cụ bà đã quyết định trả lại bà chú chó. Được biết, anh Tiến đã đi hơn 140km để mang chú chó gửi lại cho cụ bà.
Anh Tiến là người nhận mua chú chó từ người khác, không phải người mua trực tiếp và quay clip.
Anh Tiến mang chú chó trao lại cho cụ bà
'Nhà tôi cách nhà bà 140km. Tôi đi từ 7 giờ sáng, đến 12 giờ trưa thì tới nơi' - anh Tiến cho biết. Anh chia sẻ do cụ bà nói tiếng H' Mông nên anh chưa biết cụ tên gì. Cụ bà kể đã nuôi chú chó 11 tháng.
'Nhiều người nói rằng, tôi tặng lại cụ thì đến lúc nào đó, cụ cũng sẽ lại bán đi thôi. Nhưng tôi không quan tâm chuyện đó. Tôi cũng có dặn dò cụ cố gắng nuôi nó cho tới khi nó chết. Nếu cụ muốn nuôi con khác, tôi sẵn sàng tặng cho cụ một con mới.
Nhưng khi tôi đã tặng lại cho cụ, nếu ngày mai cụ có bán nó đi luôn thì đó là quyền của cụ. Tôi chỉ muốn làm việc này vì sự trân trọng của mình dành cho tình cảm giữa cụ và chú chó' - nam thanh niên có hành động đẹp này chia sẻ.
Cô giáo Mông làm clip hướng dẫn đồng bào dân tộc phòng chống dịch Covid-19 Cô giáo Vàng Thị Lưu Ly đã xây dựng các clip ngắn bằng tiếng Mông hướng dẫn bà con dân tộc Mông biết cách phòng tránh dịch Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi địa bàn lại có đồng bào Mông sinh sống, cô giáo Vàng Thị Lưu Ly, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú, thành...