Cuộc điều tra con trai có thể gây rắc rối cho Biden
Việc Hunter bị điều tra giao dịch làm ăn với Trung Quốc có thể khiến Biden khó xử với cam kết duy trì tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Sau nhiều tháng im lặng trước cuộc bầu cử tổng thống, giới chức liên bang Mỹ giờ đây bắt đầu tích cực điều tra các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden, con trai tổng thống đắc cử Joe Biden.
Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử hôm 9/12 ra tuyên bố dẫn lời Hunter cho biết anh đã nhận được thông báo về việc Văn phòng Công tố viên Mỹ ở Delaware đang điều tra các vấn đề thuế của mình.
Đây không phải là cuộc điều tra mới được mở vào giai đoạn Biden sắp nhậm chức. Nó đã được bắt đầu từ năm 2018, trước thời điểm William Barr làm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Hồi tháng 10, Sinclair Broadcast Group cho biết FBI đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào Hunter.
Tuy nhiên, cuộc điều tra được tiến hành âm thầm trong những tháng qua, do Bộ Tư pháp Mỹ ra chỉ đạo cấm công khai các hoạt động có thể tác động tới cuộc bầu cử, một nguồn tin cho hay. Khi cuộc bầu cử đã kết thúc, cuộc điều tra bước vào giai đoạn mới.
Trong giai đoạn này, các công tố viên liên bang ở Delaware, phối hợp với Đội Điều tra Hình sự thuộc Cơ quan Thuế vụ (IRS) và FBI, tiến hành các hành động công khai như đưa trát đòi hầu tòa và thẩm vấn những người có liên quan.
Hunter Biden tại sự kiện ở thủ đô Washington hồi tháng 4/2016. Ảnh: NBC News.
Các điều tra viên đã nhiều lần xem xét các vấn đề tài chính của Hunter, gồm việc liệu anh và cộng sự có vi phạm luật về thuế và rửa tiền trong các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, theo hai nguồn tin biết về vấn đề này.
Nguồn tin khác cho biết một số giao dịch trong đó có liên quan tới những người mà FBI tin có nguy cơ gây ra rủi ro về phản gián, một vấn đề thường xuất hiện khi giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Các nhà điều tra dường như tập trung vào các hoạt động kinh doanh của Hunter có liên quan tới Trung Quốc. Một số giao dịch ở Trung Quốc của anh được dư luận biết đến thông qua các cuộc thẩm vấn và tài liệu do các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Ủy ban Tài chính và Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề chính phủ cung cấp hồi tháng 9.
Sau khi phó tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng năm 2017, Hunter đã cố gắng đạt được một thỏa thuận với công ty CEFC China Energy để đầu tư vào các dự án năng lượng của Mỹ, theo các tài liệu mà đảng Cộng hòa công bố.
Video đang HOT
Một nguồn thạo tin cho hay ít nhất một vấn đề khiến các nhà điều tra để tâm tới giao dịch này là viên kim cương 2,8 carat mà Hunter được nhận như một món quà từ Diệp Giản Minh, người sáng lập và cựu chủ tịch CEFC, hồi năm 2017.
Năm 2019, Hunter từng nói với tạp chí New Yorker về viên kim cường từ cựu chủ tịch Diệp. Anh nói rằng cảm thấy không thoải mái khi nhận món quà này và đã đưa nó cho các cộng sự khác, nhưng không biết họ đã làm gì với nó.
“Tôi biết đó không phải ý hay. Tôi chỉ cảm thấy món quà này thật kỳ quặc”, Hunter nói.
Hunter thêm rằng thỏa thuận với CEFC đã thất bại và anh không xem Diệp là người mờ ám. Giới chức Trung Quốc sau đó đã bắt Diệp khi truyền thông đưa tin về các cáo buộc tham nhũng chống lại cựu chủ tịch của CEFC.
Trong cuộc phỏng với New Yorker, Hunter cũng chia sẻ về những vấn đề cá nhân, như việc lạm dụng chất kích thích và hôn nhân đổ vỡ. Trong quá trình ly hôn, luật sư đại diện cho vợ cũ của Hunter có nhắc tới viên kim cương mà anh từng nhận và cho biết nó trị giá khoảng 80.000 USD. Trong khi đó, Hunter nói New Yorker rằng nó chỉ có giá khoảng 10.000 USD.
Nhận một món quà như vậy có thể khiến Hunter vướng vào các rắc rối về thuế và anh cũng không nói rõ đã giải quyết vấn đề này như thế nào sau đó. Các nguồn tin nói với CNN rằng các nhà điều tra đã xem xét liệu Hunter có khai báo chính xác thu nhập cá nhân để tính thuế hay không. Dù viên kim cương ban đầu là một phần của cuộc điều tra, không rõ liệu món quà này giờ còn là trọng tâm của các điều tra viên nữa hay không.
Hunter Biden sau đó có thời gian ngắn làm luật sư đại diện cho Patrick Ho, người điều hành một tổ chức mà CEFC hậu thuẫn và từng bị kết án vào năm 2018 vì hối lộ hàng triệu USD cho quan chức ở Chad và Uganda, nhằm làm lợi cho các dự án năng lượng của CEFC ở hai quốc gia này. Ho đã bị tuyên án ba năm tù và sau khi được thả, ông đã trở lại Hong Kong, theo luật sư của Ho.
Hunter trước đó cũng từng tham gia một dự án liên doanh với Trung Quốc mà nhiều quan chức trong chính quyền của tổng thống Barack Obama quan ngại, theo New Yorker. Năm 2013, Hunter cũng cùng với các đối tác Trung Quốc tạo ra một quỹ đầu tư gọi là BHR Partners để thực hiện các giao dịch ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hunter là thành viên không nhận lương của hội đồng quản trị BHR và từng nhận cổ phần sau khi Joe Biden rời nhiệm sở.
Joe Biden (trái) và con trai Hunter tại Washington năm 2010. Ảnh: Reuters.
Thông tin về cuộc điều tra được công bố chỉ 5 ngày trước khi các đại cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu Joe Biden làm tổng thống kế tiếp. Evan Perez và Pamela Brown, hai biên tập viên của CNN, cho rằng cuộc điều tra sẽ là thách thức đối với cam kết của Biden trong việc duy trì tính độc lập của hệ thống tư pháp Mỹ.
“Tôi sẽ không nói họ phải làm gì hay không phải làm gì. Tôi sẽ không nói hãy truy tố A, B hay C”, Biden với Jake Tapper của CNN trong cuộc phỏng vấn tuần trước. “Đó không phải vai trò của tôi và đây không phải Bộ Tư pháp của tôi. Đây là Bộ Tư pháp của người dân”.
“Người tôi chọn để điều hành bộ này sẽ là người có khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập về việc nên truy tố ai”, Biden nói thêm.
Những thành viên Cộng hòa trong Quốc hội gần như chắc chắn sẽ nắm lấy cuộc điều tra này để tiếp tục tăng thêm các lập luận của họ rằng hoạt động của Hunter ở Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy xung đột lợi ích của Joe Biden khi đề cập tới chính sách đối ngoại với Bắc Kinh.
Đây cũng sẽ là một vấn đề mà bộ trưởng tư pháp mới của Biden sẽ phải đối mặt trong phiên điều trần phê chuẩn ở Thượng viện Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cũng từng đối mặt với vấn đề tương tự, nhưng khó khăn hơn nhiều, sau khi nhậm chức vào năm 2017. Jeff Sessions, bộ trưởng tư pháp khi đó, đã phải nhanh chóng rút khỏi việc giám sát cuộc điều tra liên bang về chiến dịch của Trump bị cáo buộc có liên hệ với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Sessions là một phần trong đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ông từng có các cuộc gặp với đại sứ Nga khi đó, người trở thành mục tiêu điều tra của FBI.
Hiện chưa rõ các đề cử của Biden cho Bộ Tư pháp có vướng vào các rắc rối như vậy hay không.
'Tuần trăng mật' của Biden ở Nhà Trắng sẽ sớm kết thúc
Giới chuyên gia nhận định "tuần trăng mật" của giới báo chí và tổng thống đắc cử Biden sẽ sớm kết thúc sau 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng.
Khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng chấm dứt "tuần trăng mật" của ông ở Nhà Trắng khi cùng với đội ngũ báo chí của mình có cuộc đối đầu căng thẳng với truyền thông về quy mô của lễ nhậm chức.
Nhưng khác với Trump, Joe Biden tuyên bố muốn giảm quy mô lễ nhậm chức và nhiều khả năng sẽ không có cuộc diễu hành khổng lồ tại Đại lộ Pennsylvania vì lý do đại dịch. Điều này có thể cho thấy ông đang mong đợi được tận hưởng một tuần trăng mật êm đềm với truyền thông, theo Jack Shafer, nhà bình luận của Politico.
Biden hiện phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng lớn là đại dịch và gián đoạn kinh tế. Giới quan sát nhận định Biden khó có thể khiến tình hình đại dịch ở Mỹ tệ hơn người tiền nhiệm, nên ông có thể sẽ nhận được "khoảng thời gian ưu ái" dành cho người mới trong những tuần đầu nhiệm kỳ.
Đồng thời, sau khi được công bố đắc cử, Biden cùng cộng sự của mình thường xuyên có những động thái tốt, nhằm tiếp tục ghi điểm với những người đã ủng hộ ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này có thể góp phần duy trì khoảng thời gian "êm ấm" hậu chiến thắng của Biden tới tháng 4 năm sau.
Joe Biden phát biểu tại Wilmington, bang Delaware hôm 4/12. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, Jack Shafer nhận định tuần trăng mật của Biden với truyền thông Mỹ sẽ chỉ kéo dài trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên. "Không phải báo chí không sẵn sàng chĩa mũi dùi chỉ trích vào chính quyền mới, chỉ là họ bận rộn chuẩn bị nhiều mũi dùi mà họ muốn sau này", Shafer viết.
Biên tập viên của Politico thêm rằng giới truyền thông không thể dành nhiều thời gian soi xét chính quyền mới của Biden, bởi họ bận thu thập các hồ sơ về nhóm của tổng thống đắc cử và xây dựng các nguồn tin trong chính quyền mới.
Theo Shafer, một điều có thể khiến tuần trăng mật của Biden bị rút ngắn là thực tế ông đã tham gia chính trường Mỹ trong gần 50 năm. Biden đã bắt đầu làm việc ở Thượng viện Mỹ từ năm 1973 và sau đó phục vụ hai nhiệm kỳ phó tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền tổng thống Barack Obama. "Một kho dữ liệu sâu như hẻm núi Olduvai" đã được tạo ra để các phóng viên khai thác.
"Chúng ta có thể thấy qua về điều đó khi báo chí bắt ông ấy chịu trách nhiệm cho những lập trường trước đây về tư pháp hình sự, các phiên điều trần Clarence Thomas và mối quan hệ tốt đẹp giữa ông với ngành thẻ tín dụng", Shafer viết. Clarence Thomas bị nhân viên cũ tố quấy rối tình dục ngay sau khi được bổ nhiệm làm thẩm phán Toà Tối cao Mỹ.
Biên tập viên của Politico cũng thêm rằng bê bối đạo văn hay nhiều vụ rắc rối vì "vạ miệng" của Biden có thể là các yếu tố khiến tuần trăng mật của ông sớm khép lại.
Phần lớn các mục tiêu của truyền thông trước lễ nhậm chức đã không nhắm vào Biden mà vào một số lựa chọn trong nội các của ông. Neera Tanden, người được đề cử vị trí giám đốc văn phòng quản lý ngân sách Nhà Trắng, đã tạo ra rất nhiều làn sóng thù địch khi được xem như kẻ thù của phe cực tả trong đảng của Biden, đồng thời là người gây khó chịu với đảng Cộng hòa. Một số lựa chọn khác như Tony Blinken, Michele Flournoy hay Avril Haines cũng là những cái tên phủ sóng trên nhiều trang báo như những bản sao cho chính quyền cũ của Obama.
Tuy nhiên, những điều này chưa gây tổn hại cho Biden. Ngược lại, nhiều trang báo còn đưa tin những câu chuyện tích cực về các lựa chọn chất lượng của Biden khi so sánh với chính quyền Trump.
Shafer thêm rằng mọi lộn xộn sẽ bắt đầu xuất hiện khi chính quyền Biden chính thức nhậm chức, với sự xuất hiện của những người mới để thế chỗ nhiều quan chức cũ. Giới báo chí đang dành thời gian xây dựng các nguồn tin trong chính phủ và chờ đợi "thu hoạch" các câu chuyện chỉ trích chính quyền mới sau thời gian này. Khi các phóng viên bắt đầu khai thác sâu hơn về nhiều khía cạnh của Nhà Trắng, cuộc đối đầu giữa truyền thông và tổng thống sẽ trở lại và tuần trăng mật của Biden sẽ dần dần kết thúc.
Ngoài ra, giới quan sát nhận định truyền thông cũng sẽ đánh giá cuộc chiến chống Covid-19 của Biden, điểm tạo nên nhiều khác biệt và lợi thế cho Biden trong cuộc đua với Tổng thống Trump.
Với việc đánh bại Donald Trump, người luôn xem truyền thông như kẻ thù, Biden sẽ có nhiều lợi thế để duy trì tuần trăng mật của ông với báo chí. Giới quan sát nhận định Biden đã "gặp may" khi đối thủ của ông trong cuộc đua này là Trump, bởi bất kỳ ai giúp loại Trump đều sẽ nhận được "ưu ái" tương tự.
"Số phận đã ưu ái Biden, nhưng số phận cũng dễ thay đổi. Hy vọng Biden có thể tận hưởng được tuần trăng mật của mình bởi nó sẽ qua đi trước khi ông ấy kịp biết về nó", Shafer viết.
Bộ trưởng thời Obama nói không tham gia chính quyền Biden Cựu bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson, ứng viên nặng ký cho một số vị trí nội các thời Biden, nói sẽ không tham gia chính quyền mới. Thông tin trên được Johnson xác nhận trong một email hôm 8/12. Ông được cân nhắc để trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền mới, nhưng Tổng thống đắc cử Joe...