Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Dân được hỗ trợ sinh kế ra sao?
Tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho hơn 4.200 hộ dân “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế khi thực hiện “cuộc di dân lịch sử”.
Ngày 22.2, theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế.
Một trong những nội dung của đề án khiến dư luận ở Huế quan tâm nhất là phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời đến nơi ở mới.
Theo đề án vừa được phê duyệt, khi chuyển đến nơi tái định cư ở phường Hương Sơ thuộc TP.Huế, người dân được tạo điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp cụm làng nghề ở phường An Hòa (tiếp giáp phường Hương Sơ). Tỉnh sẽ có những chính sách xã hội để các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi phát triển thương mại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống.
Ngôi nhà “vá chằng vá đụp” của một hộ dân sống tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe
Đối với các hộ gia đình, cá nhân không có việc làm, ưu tiên phát triển các hình thức khai thác giá trị di sản văn hóa. Trong trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được điều kiện về năng lực, chuyên môn thì sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở, đất ở sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của khung chính sách giải tỏa khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Nếu có nhu cầu, sau khi trùng tu khu vực 1 di tích hệ thống Kinh thành Huế thuộc các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, một số khu vực sẽ giao lại cho các hộ gia đình được trồng hoa mà không bị thu tiền thuê đất cũng như các loại lệ phí.
Đối với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh khi có đất bị thu hồi bởi dự án, căn cứ theo ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ được sắp xếp vào khu cụm công nghiệp làng nghề An Hòa.
Ngoài ra, người dân thuộc diện di dời giải tỏa bởi đề án cũng được hỗ trợ vay vốn để xuất khẩu lao động với mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường lao động.
Video đang HOT
Người dân lấn chiếm di tích Hộ Thành Hào xây dựng nhà cửa tạm bợ. Ảnh: Trần Hòe
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là “cuộc di dân lịch sử” của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư trước ngày 30.3; đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…
Tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa qua, người dân thuộc diện di dời giải tỏa cho biết họ không muốn chuyển đến sinh sống ở chung cư mà mong được tỉnh cấp đất tại nơi ở mới để làm nhà ở.
Trước nguyện vọng của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, chủ trương của tỉnh là không để người dân thuộc diện giải tỏa vào sống ở chung cư. Cụ thể, tỉnh sẽ bố trí cho mỗi hộ dân một mảnh đất cùng với một số tiền để người nghèo cũng có thể làm nhà trên đất được bố trí.
Theo Danviet
Cuộc di dân lịch sử ở Huế: "Ao ước làm được dù biết rằng rất khó"
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói về những khó khăn khi thực hiện di dời 4.200 hộ dân "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế.
Ngày 15.1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế tổ chức buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2019.
Tại buổi gặp mặt, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của đơn vị trong năm 2019 là phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành di dời, giải tỏa các hộ dân đang "sống treo" trên di tích theo Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Theo ông Hải, Thừa Thiên - Huế đã giải phóng 44 năm nhưng vẫn còn món nợ lịch sử rất lớn, đó là tình trạng hơn 4.200 hộ dân sống ngay trong vùng lõi di sản, cuộc sống của đại đa số hộ dân rất khó khăn. Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế mang tính chất lịch sử và việc thực hiện không hề đơn giản.
Ngôi nhà vá chằng vá đụp của một hộ dân sống tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe
Ông Hải cho hay, mặc dù tỉnh xây dựng chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn trong diện giải tỏa nhưng chính sách dù đặc biệt đến mức nào, việc thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại. Bởi lẽ, có những hộ gia đình sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ diện tích chỉ vài m2. Những hộ dân này dù được đền bù kiểu gì, cũng khó có đủ tiền mua một miếng đất hay một căn hộ chung cư để ở.
"Bây giờ, chúng ta giải tỏa chừng ấy hộ dân mà làm được thì tôi cho rằng hết sức vĩ đại. Chúng tôi nói thật là ước ao làm được việc này, dù biết rằng rất khó và hiện nay lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết và nỗ lực hết sức", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết thêm, ngay trong năm 2019, mục tiêu đặt ra hết sức lớn, đó là việc giải tỏa khoảng 600 hộ dân ở khu vực Thượng Thành và vùng kế cận ra khỏi di tích.
Theo ông Hải, việc di dời 600 hộ dân này trong năm là việc rất khó. Bởi thực tế, trong thời gian 12 năm, từ 2006-2018, chỉ 166 hộ dân đoạn từ cửa Thượng Tứ đến góc Tây Nam Đài mà vẫn chưa giải tỏa xong. Hiện vẫn còn 7 hộ khu vực này chưa di dời.
Người dân lấn chiếm di tích Hộ Thành Hào xây dựng nhà cửa tạm bợ. Ảnh: Trần Hòe
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua tại kỳ họp mới đây.
Theo Đề án, sẽ có hơn 4.200 hộ dân được di dời với kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng. Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực tường thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài...
Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105ha ở phường Hương Sơ, TP.Huế.
Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế. Sẽ có các sản phẩm du lịch trải nghiệm như đi bộ ngắm cảnh trên di tích Thượng Thành, đi thuyền dọc ở các hồ, sông ven Kinh thành Huế... được xây dựng để thu hút du khách sau khi việc trùng tu hoàn thành.
Nhà dân tại Thượng Thành không có cổng, để lên nhà phải bắc những chiếc thang gỗ. Ảnh: Trần Hòe
Theo ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu căn cứ theo Luật Đất đai, nhiều hộ dân sống tại khu vực 1 di tích Kinh thành Huế không được hưởng các chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư. Tuy nhiên, trước thực trạng đời sống hiện nay của người dân, đề án của tỉnh đã xây dựng thêm khung chính sách đặc biệt để hỗ trợ những gia đình nằm trong diện này.
Năm 2018 là năm đánh dấu sự đột phá mạnh mẽ ở lĩnh vực tài chính của TTBTDTCĐ Huế. Theo thống kê, có hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, kết quả thu về hơn 381 tỷ đồng từ tiền bán vé, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh đặt ra từ đầu năm hơn 19%.
Năm 2018, kế hoạch vốn được bố trí cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích cố đô Huế là 278,808 tỷ đồng; số lượng giải ngân là 245,027 tỷ đồng (đạt 87,88%).
Trong năm, TTBTDTCĐ Huế đã triển khai 24 dự án, trong đó có 16 dự án chuyển tiếp từ năm trước, 6 dự án khởi công mới và 2 dự án đã hoàn thành. Công tác tu bổ di tích tiếp tục được tiến hành chuyên nghiệp.
Đến nay, hầu hết các hoạt động dịch vụ trên địa bàn di tích Huế đều tổ chức triển khai theo hướng xã hội hóa hoặc thực hiện liên doanh liên kết.
Theo Danviet
TT-Huế: Xây dựng chính sách đặc biệt cho "cuộc di dân lịch sử" Để di dời 4.200 hộ dân "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn và đang trình Bộ TNMT xem xét. Sáng nay (20.10), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức buổi khảo sát thực địa khu vực giải tỏa...