Cuộc đấu tranh cô đơn của cộng đồng LGBT Đông Nam Á
Nhiều người trong cộng đồng LGBT sẵn sàng công khai giới tính và xu hướng tính dục của mình, nhưng những vấn đề từ hệ thống pháp luật vẫn còn cản trở quyền lợi của họ.
Năm 2011, phát thanh viên Joshua Simon (Singapore) lần đầu chia sẻ trên Facebook hình ảnh anh cùng nhiều người tham gia cuộc diễu hành tự hào Pink Dot (tạm dịch: Chấm Hồng) nhằm tôn vinh cộng đồng LGBT của đảo quốc này.
“Tôi đã rất sợ hãi. Thật bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ từ nhiều người”, anh kể lại với South China Morning Post .
Hiện, Simon trở thành một trong những tiếng nói đại diện cộng đồng LGBT ở Singapore và điều hành kênh podcast bàn luận các vấn đề của người đồng tính, từ nỗi cô đơn đến việc công khai với gia đình.
Trên khắp Đông Nam Á, cộng đồng LGBT trở nên sẵn sàng hơn để nói về vấn đề và quyền lợi của mình. Sự thay đổi bắt đầu khoảng một thập kỷ trước và tăng tốc trong 5 năm trở lại đây.
Sự cởi mở này có một vài nguyên do chính: sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng LGBT, sự bình thường hóa các nhân vật LGBT trên phim ảnh và sự ủng hộ từ cả những người ngoài cộng đồng.
Nhiều người tham gia cuộc diễu hành tự hào Pink Dot tại Singapore. Ảnh: New York Times.
Sự phản kháng gia tăng
Phần đông các nước Đông Nam Á vẫn còn bảo thủ nên việc ủng hộ quyền lợi LGBT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thái Lan là một ngoại lệ. Luật pháp nước này đang cân nhắc cho phép hôn nhân đồng giới. Theo một nghiên cứu năm 2019 thực hiện bởi Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), 69% người Thái không thuộc cộng đồng LGBT bày tỏ sự ủng hộ.
Việt Nam cho phép các cặp đồng tính chung sống với nhau, tuy vẫn chưa hoàn toàn hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
Ở Malaysia và Indonesia, với những luật lệ khắt khe của Hồi giáo, quan hệ đồng tính bị nghiêm cấm gắt gao hơn.
Nhà hoạt động xã hội Lini Zurlia (Indonesia) nhận định: “Mức độ chấp nhận của xã hội với cộng đồng LGBT bị thụt lùi”.
Zurlia nhắc lại vụ việc một người chuyển giới nữ 42 tuổi ở Indonesia bị thiêu sống vào tháng 4/2020. Cũng năm đó, các nhà lập pháp Indonesia nỗ lực thông qua dự luật về gia đình bền vững, bao gồm một điều khoản gây tranh cãi yêu cầu người dân báo cáo những người đồng tính cho chính quyền nhằm đưa họ đến chương trình “phục hồi”.
Năm 2015, nhóm hoạt động xã hội của Zurlia đã bị tấn công khi tổ chức một cuộc biểu tình vào Ngày Quốc tế chống kỳ thị LGBT. Những không gian riêng tư như nhà riêng hay phòng khách sạn thường bị đột kích để truy soát những hoạt động tình dục đồng tính.
Cặp đồng tính Thái Lan Koedsang và Bas bị dân mạng Indonesia dọa giết sau khi đăng tải ảnh cưới. Ảnh: SCMP.
Nạn phân biệt đối xử LGBT xảy ra xuyên biên giới. Tháng 4/2021, một cặp đồng tính Thái Lan đã bị dân mạng Indonesia tấn công với những bình luận thô tục, thậm chí là dọa giết sau khi đăng ảnh cưới lên mạng.
Việc cộng đồng LGBT ngày càng thể hiện bản thân và công khai xu hướng tính dục của họ khiến nhiều thành phần bảo thủ gia tăng sự thù ghét.
“Mọi người coi sự hiện diện của chúng tôi là sự đe dọa. Trong khi đó, thực tế là chúng tôi chỉ đang cố gắng sống cuộc đời hàng ngày”, Thilaga Sulathireh, người sáng lập tổ chức “Justice for Sisters” dành cho cộng đồng LGBT Malaysia, chia sẻ.
Bên cạnh những mặt trái, sự phát triển tích cực trong quyền lợi LGBT ở châu Á cũng giúp các nhà hoạt động xã hội có thêm nghị lực đấu tranh.
Năm 2019, Đài Loan (Trung Quốc) hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và Ấn Độ phi hình sự hóa quan hệ đồng tính. Cùng năm đó, Hong Kong (Trung Quốc) đã trao cho một cặp nam công chức quyền hôn nhân và lợi ích thuế.
Đài Loan là nơi đầu tiên tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ảnh: Nikkei Asia.
Tại Singapore, người trẻ ngày càng cởi mở với LGBT. Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách vào năm 2013 cho thấy trong khi 5,6% người được hỏi cảm thấy không có gì sai trái trong quan hệ tình dục giữa hai người trưởng thành cùng giới tính. Con số này đã tăng lên 11,4% vào năm 2018. 42% trong số đó có độ tuổi 18-25.
Gavin Chow, nhà hoạt động xã hội người Malaysia, cho rằng những tiến triển này đã chứng minh đồng tính luyến ái không phải là một xu hướng phương Tây đi ngược lại những giá trị truyền thống của châu Á.
Khác biệt về trải nghiệm
Tuy nhiên, không phải thành viên nào của cộng đồng LGBT nào cũng có trải nghiệm như nhau. Dù là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hay chuyển giới, việc họ có tự tin thể hiện bản thân hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính cách, mức thu nhập, trình độ học vấn, vị trí xã hội và sự chấp nhận của gia đình.
Một vấn đề lớn với Singapore là các hệ thống ở đảo quốc này không thừa nhận sự tồn tại của cộng đồng chuyển giới.
Đầu năm 2021, Ashlee, người chuyển giới nữ tại Singapore, đã chia sẻ trên nền tảng cộng đồng Reddit những trải nghiệm của mình về hệ thống giáo dục nơi đây. Cô không được phép để tóc dài hay mặc đồng phục nữ sinh. Cô cũng cho biết Bộ Giáo dục đã can thiệp vào việc trị liệu hormone của mình.
Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ Giáo dục Singapore chối bỏ cáo buộc này: “Chúng tôi không có quyền can thiệp vào việc điều trị y tế. Đó là vấn đề do gia đình quyết định”.
Tuyên bố trên cũng đề xuất Ashlee tiếp cận nhà trường để làm rõ vấn đề và “thảo luận về cách nhà trường có thể hỗ trợ việc học của anh”, dù Ashlee đã xác định giới tính của mình là nữ.
Sinh viên biểu tình phản đối quyết định của Bộ Giáo dục với trường hợp của Ashlee. Ảnh: The Independent.
Zurlia cho biết người đồng tính có cuộc sống dễ dàng hơn khi tuân theo các chuẩn mực giới tính.
“Khi làm vậy, người khác khó mà nhận ra bạn là người đồng tính. Tuy nhiên, đối với những người chuyển giới hoặc những người đồng tính nữ có vẻ ngoài nam tính và những người đồng tính nam có vẻ ngoài nữ tính, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn”, cô chia sẻ.
Ở Indonesia, mức độ cởi mở của công chúng đối với cộng đồng LGBT phụ thuộc vào địa điểm. Cộng đồng LGBT ở các thành phố lớn và các trường tư thục sẽ dễ hòa nhập hơn hơn so với ở các vùng nông thôn và các trường công lập.
Sulathireh cho biết tôn giáo cũng đóng một vai trò lớn trong trải nghiệm của cộng đồng LGBT. Người đồng tính nam theo đạo Hồi phải đối mặt với áp lực trở lại con đường “đúng đắn” và kết hôn.
“Điều đó thực sự làm tổn hại đến lòng tự trọng của họ, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dẫn tới nhiều vấn đề khác”, cô nhận định.
Hợp tác trong đấu tranh
Các nhà hoạt động xã hội cho biết sự hợp tác giữa các nhóm vận động trong nước và trên toàn khu vực đã thúc đẩy nhận thức chung về cộng đồng LGBT.
Đối với Zurlia, sự hợp tác giữa các nhóm hoạt động là vì mục đích an toàn. Sau khi cuộc biểu tình của nhóm cô bị tấn công vào năm 2015, mọi người quyết định kết hợp với các tổ chức khác thay vì tự thực hiện các chiến dịch. Giờ đây, họ diễu hành cùng các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ vào Ngày Quốc tế Phụ nữ và các tổ chức cộng đồng vào Ngày Quốc tế Lao động.
Trong tương lai, các nhà hoạt động hy vọng sẽ được chứng kiến những cải cách trong luật pháp, nguồn tài trợ dồi dào, sự hợp tác đa phương giữa các nhóm vận động và sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông của cộng đồng LGBT.
Những bộ phim khai thác đề tài tình yêu đồng tính ở Thái Lan nhận được nhiều sự ủng hộ. Ảnh: them.us.
Simon cho rằng các chương trình truyền hình đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của công chúng về LGBT.
“Qua phim ảnh, mọi người sẽ bắt đầu hiểu rằng, ‘Nhân vật này là người đồng tính và họ cũng rất tuyệt vời. Có lẽ tôi nên suy nghĩ khác về cách tôi nhìn nhận cộng đồng LGBT’”, anh nói.
Sulathireh cho rằng cần phải xóa bỏ những điều luật coi LGBT là tội phạm. “Nếu bạn công khai giới tính thật mà không được bảo vệ trước luật pháp, làm thế nào để tiếp tục cuộc sống hàng ngày? Chúng ta cần tập trung thúc đẩy các quyền lợi ý nghĩa và không để xảy ra phân biệt đối xử và bạo lực với cộng đồng LGBT”, cô khẳng định.
Người đẹp chuyển giới bỏ nhà đi năm 17 tuổi tung clip thời "chập chững" làm con gái, nhan sắc so với bây giờ ra sao?
Những hình ảnh của Tường Vi lúc chưa phẫu thuật chuyển giới làm netizen ai nấy đều bất ngờ.
Còn nhớ năm ngoái, Tường Vi - Á hậu 2 của cuộc thi dành cho các người đẹp chuyển giới Đại Sứ Hoàn Mỹ từng gây sốt cộng đồng mạng vì câu chuyện bỏ nhà đi năm 17 tuổi của mình. Có thể nói câu chuyện của cô nàng đã truyền cảm hứng đến rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người chuyển giới ở cộng đồng LGBT.
Cách đây không lâu trên trang cá nhân, Tường Vi một lần nữa khiến netizen dậy sóng vì clip ghi lại quá trình thay đổi: Từ một người chập chững mặc đồ con gái, đến lúc toả sáng trên sân khấu của cuộc thi sắc đẹp dành cho người chuyển giới. Nhiều người đã bày tỏ sự thán phục về quá trình thay đổi, hoàn thiện mình mỗi ngày của cô nàng chuyển giới này.
Nhan sắc lung linh hiện tại của Tường Vi
Clip: Người đẹp chuyển giới Tường Vi công khai thời mình "chập chững" làm con gái
Nếu nhìn Tường Vi - cô nàng sinh năm 1997 ở bên ngoài, hẳn nhiều người thậm chí còn không dám tin đây là một người chuyển giới. Tường Vi sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn, sự nữ tính đến từ bản năng. Tuy nhiên, bản thân cô nàng cũng trải qua cả một quá trình để thay đổi. Trong đoạn clip kéo dài 12 giây ở trên, Tường Vi ban đầu chỉ tự mặc đồ giả gái (cộng đồng LGBT hay gọi là tập làm lộ), lấy nghệ danh Ty Ty.
Chính Tường Vi trong một bài phỏng vấn cũng kể chuyện rằng lúc mới lên Sài Gòn, sau khi chia tay mối tình đầu thì cô nàng bắt đầu tìm hiểu về chuyển giới và tập tành ăn mặc giống như con gái.
Hình ảnh so sánh trước và sau khi hoàn thiện của Tường Vi
Hình ảnh năm 17 tuổi của Tường Vi
Hiện tại Tường Vi đang trau dồi thêm khả năng tiếng Anh và có dự định cân nhắc thi thêm một cuộc thi nhan sắc nữa. Bên cạnh đó, cô nàng cũng đang "tích cực" tập luyện ở các phòng gym để cùng hội gái xinh tham gia "đại chiến bikini" trên MXH.
Vóc dáng nuột nà của Tường Vi ở hashtag Đại Chiến Bikini
Nguồn: Tổng hợp
Lỡ làm cô bạn thân có bầu, ông bố thuộc giới tính thứ ba viết lá thư đẫm nước mắt xin lỗi con gái Sau sự cố, Hoàng Phương và người bạn thân quyết định sẽ giữ nguyên mối quan hệ bạn bè và cùng nhau chăm sóc cho con gái. Khách mời của chương trình "Các ông bố nói gì" số mới đây là ông bố trẻ Nguyễn Hoàng Phương (32 tuổi, sống ở TP.HCM, hiện đang làm việc trong lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ)....