Cuộc “đào tẩu” có một không hai của 4 thuyền viên bị ngược đãi
6 người cùng nhảy xuống biển nhưng 2 người bị đuối sức nên phải quay lại tàu, còn 4 người đeo bám trên 1 quả phao và 1 túi ni lông, lênh đênh trên biển – Anh Lê Đình Anh kể lại cuộc “đào tẩu” có một không hai khỏi tàu cá Đài Loan.
Chuỗi ngày đen tối trên con tàu Hsieh Ta
Sinh ra và lớn lên ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đến năm lên 6 tuổi, anh Lê Đình Anh theo bố mẹ vào đất Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) lập nghiệp. Năm 2009, anh lập gia đình với chị Trần Thị Thanh Hòa (SN 1988) và có 1 con gái.
Cuộc sống thôn quê nghèo khó, chồng làm nghề biển thu nhập thất thường, vợ không có việc làm ổn định, đến khoảng tháng 9/2012, biết Cty Cổ phần Xuất khẩu lao động thương mại và Du lịch (TTLC) tuyển lao động nghề cá ở nước ngoài, anh nộp hồ sơ dự tuyển. Được trúng tuyển, ngày 17/12/2012, anh được gọi ra Hà Nội tập huấn 2 ngày về cách cư xử, làm việc trên tàu cá nước ngoài. Vài ngày sau, anh cùng 9 người khác được đưa lên tàu Hsieh Ta. Thu nhập của các thuyền viên được TTLC thông báo là lương 400 USD/tháng, trong đó gia đình nhận 350 USD, họ được 50 USD, ăn uống chủ tàu bao.
Theo anh Anh, trên tàu Hisleh Ta có một thuyền trưởng tên là Ta-Cơ và một máy trưởng, 2 cai tàu người Trung Quốc. 22 thuyền viên gồm 10 người Việt Nam, 7 người Indonesia, 3 người Philippines và 2 người Myanma.
Anh Đình Anh (trái) ngồi bên cha, kể lại những tháng ngày cùng cực trên tàu cá Đài Loan
Ngồi bên người cha già, anh Anh kể về chuỗi ngày đen tối của mình và các thuyền viên trên tàu. Anh nói, lên tàu được 2 tháng mới biết thế nào là khổ cực bởi những trận đòn bầm dập và thời gian làm việc gấp đôi so với bình thường. Ban đầu cứ nghĩ do mình chưa quen việc cộng với bất đồng ngôn ngữ nên mới bị đánh, nhưng về sau mới thấy họ đụng đâu đánh đó.
Bị đánh nhiều nhất phải kể đến anh Thành (người Quảng Bình), làm phụ máy dưới hầm. Họ đánh bằng cờ lê, túm tóc đập đầu vào tường khiến anh hết lần này đến lẫn khác vỡ đầu chảy máu. Chịu không nổi nên anh xin lên boong thuyền làm đánh câu.
Ngoài việc bị đánh đập, các anh còn phải làm việc 17- 18 tiếng/ngày. Buổi sáng làm từ 4 giờ đến 10 giờ sáng, sau đó được ăn cơm, ngủ nghỉ đến 4 giờ chiều rồi phải làm tiếp đến 10 giờ trưa hôm sau. Cứ thế hết ngày này qua ngày khác.
Không riêng gì thuyền viên người Việt Nam mà các thuyền viên khác như Indonesia, Philipines, Myanma cũng bị bắt ép làm việc quá sức và bị đánh đập dã man không kém.
Video đang HOT
Anh kể có một trận đòn mà tất cả các thuyền viên Việt Nam đều không thể quên. Đó là khi bước vào tháng là việc thứ 3, tất cả 10 người Việt Nam có mặt trên tàu cùng họp lại nói với thuyền trưởng xin được về nước. Ngay lập tức 10 người bị cai trưởng cầm 1 tấm ván dài 1 mét, rộng khoảng 10cm đánh tới tấp; một tên khác dùng gậy thúc vào bụng. Tất cả mọi người đều bị thương.
Cuộc “đào tẩu” có một không hai
Bị đánh đập và bóc lột quá nhiều nên tất cả các thuyền viên đều nung nấu ý định tẩu thoát khỏi con tàu “địa ngục”. Ngày 2/8, tàu Hsieh Ta được lệnh kéo tàu Lieu Hoa vào cảng Papeete trên đảo Tahiti (thuộc Pháp) để sửa chữa. Thấy cơ hội cho cuộc “đào tẩu” đã đến, các thuyền viên Việt Nam liền bàn nhau chạy trốn.
Ngày 7/8, tàu chuẩn bị quay đầu ra, các thuyên viên liều mình nhảy xuống biển. Lúc đó, trên boong tàu chỉ có 6 người và cả 6 người đều nhảy (4 người khác do làm việc ở dưới hầm nên không lên được boong tàu). Tuy nhiên, có 2 người do bị đuối sức nên đã bởi trở lại boong tàu.
Kể lại giây phút nhảy từ tàu xuống biển, anh Anh cho biết: “Trước khi nhảy, chúng em bàn với nhau mỗi người cầm 1 bộ quần áo nhét vào túi ni long để làm phao khi bơi. Đến khi nhảy, em và Dũng (quê ở Nghệ An) có cầm 1 quả phao nên hai người bám vào quả phao, còn Hùng và Hậu thì dùng bộ áo quần và túi ni lông làm phao cứu sinh. Lênh đênh trên biển hơn 2 giờ đồng hồ thì chúng em được 1 chiếc ca nô chạy đến cứu và đưa vào bờ”.
Tại đây, 4 thuyền viên may mắn được đưa vào khách sạn để nghỉ ngơi. Do bất đồng ngôn ngữ nên các thuyền viên được một người Pháp gốc Việt giúp phiên dịch để lấy lời khai và viết bản tường trình. Cũng tại đây, họ nhận được tin 2 thuyền viên bị đuối sức đã quay trở lại boong tàu.
Sáng ngày 11/8, 4 thuyền viên được đưa về Nhật Bản và đêm 12/8 đã về đến TPHCM. Tại đây họ được một cán bộ của công ty TTLC ra đón rồi mua vé xe cho về quê. Trong đó, anh Anh về chuyến xe TP Nha Trang còn 3 thuyền viên Dũng, Hùng và Hậu về quê trên cùng 1 chuyến xe.
Anh chia sẻ: “Lúc nhảy xuống biển em rất sợ nhưng vẫn liều mình bởi nếu ở lại, bị hành hạ, đánh đập rồi cũng kiệt sức mà chết. Với lại đây có thể là cơ hội duy nhất, bởi không biết bao giờ chúng em mới có cơ hội gần bờ như thế”.
Được biết, từ khi anh Anh đi xuất khẩu lao động, đến giờ gia đình anh mới nhận được 4 tháng lương, mỗi tháng 6,3 triệu đồng. Trong chuyến đi biển vừa rồi, gia đình anh đã phải vay mượn 14 triệu đồng, trong đó đóng cho công ty TTLC 12,5 triệu đồng, số tiền còn lại dùng để chi phí ra Hà Nội học tập 2 ngày.
Nguyễn Dũng
Theo Dantri
'Thà nhảy xuống biển trốn còn hơn bị đánh đến chết'
"Chúng tôi bàn nhau, nếu không nhảy xuống biển trốn thì ở trên tàu sẽ có ngày bị đánh đến chết", anh Trần Văn Dũng, một trong bốn thuyền viên nhảy khỏi tàu cá của Đài Loan, kể lại.
Sáng 15/8, tại nhà riêng ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An), thuyền viên Trần Văn Dũng (22 tuổi) đã kể về quãng thời gian làm việc trên tàu cá Đài Loan. Ngày 20/12/2012, anh được phía công ty phái cử đưa sang Hong Kong, một ngày sau thì lên tàu Hiệp Đại làm việc. Anh chỉ kịp gọi một cuộc điện thoại về cho gia đình rồi biệt tăm cho tới ngày về.
Trên tàu Hiệp Đại có 23 người, trong đó trừ 3 người là chủ tàu, còn lại là thuyền viên các nước Việt Nam (10), Indonesia (8), Philippines (2). Lúc mới nhập tàu, các thuyền viên đều làm việc 12 tiếng một ngày. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, họ phải làm việc từ 16 đến 18 tiếng một ngày, có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Khi không hài lòng việc gì đó, chủ tàu liền đánh đập họ.
Thuyền viên Trần Văn Dũng bảo "nếu không bỏ trốn thì sẽ có ngày bị đánh đập đến chết". Ảnh: Hải Bình.
"Họ dùng búa, cờ lê đánh vào người chúng tôi, thậm chí dùng cả dầu chạy máy đổ từ đầu xuống chân. Có nhiều thuyền viên người Indonesia bị chúng dùng tay đấm vào mũi khiến hộc máu", Dũng kể và cho rằng có thể do không hiểu tiếng nên chủ tàu rất hay quát mắng, đánh đập.
Quá sợ hãi, 4 thuyền viên Việt Nam bàn cách chạy trốn. Sau 2 ngày chuẩn bị, ngày 8/8, khi con tàu đang hoạt động gần khu vực đảo Tahiti, 4 người gồm: Hoàng Văn Hậu (quê Quỳ Châu, Nghệ An); Lê Đình Anh (quê Vạn Ninh, Khánh Hòa), Nguyễn Văn Hùng (quê Hà Tĩnh) và Trần Văn Dũng, đã bỏ trốn.
"Lúc đó tầm 9h sáng, xác định con tàu cách đảo chừng 4 hải lý, 4 chúng tôi lấy 2 chiếc phao, nhân lúc không có ai kiểm tra đã cùng nhau nhảy xuống biển và bơi vào bờ", Dũng nhớ lại.
Sau 2 giờ vật lộn trên biển, ai nấy đều rã rời chân tay và đã nghĩ không còn cơ hội sống sót trở về. Rất may sau đó một tàu được cho là của cảnh sát biển Pháp đã phát hiện và cứu 4 thuyền viên lên tàu. 4 thuyền viên Việt Nam được đưa vào cảng Tahiti để làm thủ tục về nước.
Dũng kể, tất cả thuyền viên tàu Hiệp Đại đều biết việc chạy trốn của nhóm người Việt Nam, tuy nhiên anh em vẫn giữ im lặng. "Chúng tôi biết việc nhảy xuống biển bỏ trốn sẽ rất nguy hiểm, thậm chí không bảo toàn được tính mạng, nhưng nếu không trốn thì ở trên tàu sẽ có ngày bị đánh đập đến chết", anh giải thích.
Ngồi nghe con kể chuyện, ông Trần Văn Chắt (bố của Dũng) thỉnh thoảng lại thở dài xót xa. Ông cho biết, Dũng là con thứ hai trong gia đình có 5 anh em. Vợ chồng ông làm nghề bốc vác, câu mực thuê, nhà đông con nên cuộc sống rất khó khăn. Học hết cấp 2, Dũng phải bỏ học theo cha mẹ ra biển để mưu sinh. Sau nhiều năm lam lũ tại quê nhà mà vẫn không thấy cuộc sống thay đổi hơn nên gia đình bàn bạc cho Dũng đi lao động ở nước ngoài.
Mọi thủ tục đi xuất khẩu lao động của Dũng cũng như tiền lương đều qua một người môi giới cho Công ty Servico Hà Nội. Chi phí cho chuyến đi là 17 triệu đồng và theo thỏa thuận mức lương Dũng nhận được là 400- 500 USD một tháng. Từ khi Dũng sang tới nơi, gia đình chỉ nhận được một cuộc điện thoại duy nhất của con trai thông báo rằng đã sang đến nơi an toàn và bắt đầu làm việc.
"Thấy công ty gửi tiền về đều đặn theo hợp đồng nên tôi yên tâm là thằng Dũng đi làm bình thường, ai ngờ...", ông Trần Văn Chắt, bố của thuyền viên Trần Văn Dũng nói. Ảnh: Hải Bình.
"Nhiều người nói đi biển thường lâu ngày mới vào đất liền nên sẽ ít liên lạc với gia đình. Hơn nữa thấy công ty gửi tiền về đều đặn theo hợp đồng nên tôi yên tâm là thằng Dũng đi làm bình thường, ai ngờ...", bố của thuyền viên bỏ lửng câu nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (SERVICO HANOI) cho biết, ngay khi nhận được thông tin 4 thuyền viên nhảy xuống biển, công ty đã làm việc với đối tác Đài Loan.
"Chủ tàu khẳng định không có sự đánh đập như các thuyền viên mô tả. Mối quan hệ giữa thuyền trưởng và thuyền viên rất tốt. Hiện còn 7 người Việt Nam làm việc trên tàu Hiệp Đại. Khi sự việc diễn ra, chủ tàu hỏi họ nếu muốn về thì sẽ sắp xếp cho về nước nhưng các thuyền viên đều nhất trí ở lại", ông Tường cho hay.
Vị giám đốc cũng khẳng định, lương của mỗi thuyền viên là 400 USD một tháng. Sau khi trừ 50 USD cho thuyền viên tiêu vặt, 350 USD được gửi về cho gia đình thông qua công ty tại Việt Nam. Lương của anh Dũng đã được chi trả 2 quý, đến hết 30/6 với quý đầu tiên 1.167 USD (hơn 21,9 triệu đồng, công ty giữ lại 5 triệu đồng tiền đặt cọc) và quý 2 là 1.050 USD (hơn 19,9 triệu đồng).
"Việc thuyền viên Việt Nam bỏ trốn khi tàu đến gần các cảng lớn thường xuyên diễn ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ tàu, công ty đưa đi như chúng tôi còn bị phạt mà uy tín lao động Việt Nam cũng giảm sút", ông Tường nói.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết đang làm việc với các bên liên quan để xác minh vụ việc.
V.Hùng - H.Bình - H.Thùy
Theo VNE
Biên giới mềm của Trung Quốc Liệu Trung Quốc có thực hiện được "Con đường tơ lụa phía nam"? Những ý đồ phát triển của họ liệu có phù hợp với lợi ích của các bên liên quan hay không? Hơn 2000 năm trước, Trung Quốc tự hào đã tạo ra con đường tơ lụa phía tây nam kết nối được với Myanmar và Ấn Độ. "Con đường tơ...