Cuộc đàm phán quan trọng
Kênh CNA đưa tin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đến Washington để chuẩn bị các cuộc đàm phán thương mại với phía Mỹ trong 2 ngày 30 và 31-1.
Nếu cuộc chiến thương mại không được giải quyết, Mỹ sẽ tăng thuế lên mức 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc
Đây được đánh giá là cuộc đàm phán quan trọng bởi như tuyên bố của Nhà Trắng, mục đích của cuộc đàm phán thương mại này là để “thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc” – yếu tố mà Washington cho rằng ảnh hưởng đến thương mại song phương.
Thảo luận nhiều vấn đề
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, dự kiến ngày 31-1 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp ông Lưu Hạc. Trước đó, ông Mnuchin sẽ cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tham dự cuộc đàm phán thương mại với đoàn Trung Quốc, gồm 30 quan chức các bộ ngành do ông Lưu Hạc dẫn đầu. Phát biểu trước báo giới, ông Mnuchin bày tỏ mong muốn đạt được tiến bộ đáng kể tại cuộc đàm phán này để giải quyết cuộc chiến về thuế trước ngày 1-3 tới, thời điểm đợt đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày kết thúc.
Ngoài việc đạt được sự “thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc” như Mỹ mong muốn, trong cuộc đàm phán, 2 bên sẽ thảo luận về cam kết trước đó của Bắc Kinh liên quan đến việc mua một khối lượng đáng kể hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế số 2 thế giới. Lâu nay, Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt chính sách buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc, cho phép doanh nghiệp Mỹ dễ dàng tiếp cận thị trường và giảm các hàng rào phi thuế quan khác đối với sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các khiếu nại về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và bác bỏ cáo buộc các công ty nước ngoài phải đối mặt với việc chuyển giao công nghệ cho nước này.
Lạc quan
Trả lời phỏng vấn của kênh CNN, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett lạc quan cho rằng, có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước ngày 1-3. Theo ông Hassett, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng Mỹ đang ở trong “thế thuận” và phía Trung Quốc đã hiểu rằng họ có rất nhiều lợi ích khi thỏa thuận với Mỹ vì tăng trưởng kinh tế của họ đang tuột dốc.
Nhà báo Pháp Renaud Girard nhận định, ông Lưu Hạc không đến Washington để thương lượng với 2 bàn tay trắng. Đi theo ông Lưu Hạc là một kế hoạch nhập khẩu hàng ồ ạt của Mỹ, có thể giúp tái cân bằng cán cân thương mại giữa 2 siêu cường vào năm 2024. Kế hoạch này sẽ làm hài lòng Mỹ và Washington sẽ không chỉ trích Bắc Kinh làm lệch cán cân thương mại.
Video đang HOT
Nhưng Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc ở một điểm khác. Washington cáo buộc Bắc Kinh chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ qua các hoạt động tình báo, cưỡng ép chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc được tiếp cận thị trường Trung Quốc… Ông Lưu Hạc sẽ phải phủ nhận toàn bộ để rồi sau đó chấp nhận nhượng bộ và ký một thỏa hiệp với Mỹ. “Cuộc chiến này rồi cũng phải tạm ngưng. Cả 2 lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ hiểu rằng họ sẽ được lợi nhiều khi bắt tay nhau hơn là để cho cuộc tranh chấp thương mại này vượt qua ngày 1-3 tới”, ông Renaud Girard nói.
Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế mới cao hơn của 2 nước đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Nếu giới chức 2 nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.
Trong một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ đã chính thức cáo buộc Huawei và bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của tập đoàn này, cùng 2 công ty con của Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Trong một cáo buộc riêng rẽ khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định, Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và cản trở công lý khi đánh cắp công nghệ robot từ nhà khai thác mạng T-Mobile ở Mỹ. Trung Quốc phản đối tất cả cáo buộc trên của Mỹ.
ĐỖ CAO (tổng hợp)
Theo SGGP
Nhà Trắng: Hiệp nghị thương mại Mỹ - Trung còn xa vời!
Ngày 30.1 tới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn Trung Quốc đông tới 30 người tới Washington để đàm phán về một hiệp nghị nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 24.1, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã bày tỏ: cuộc đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung còn tồn tại rất nhiều vấn đề, "hai bên còn cách một hiệp nghị rất, rất xa". Còn Tổng thống Donald Trump thì cảnh báo: nếu Trung Quốc không nhượng bộ ông sẽ không đồng ý bất cứ hiệp nghị nào!
Trước thềm cuộc đàm phán Robert Lighthizer - Lưu Hạc, các quan chức Nhà Trắng vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một hiệp nghị chấm dứt cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước Mỹ - Trung.
Hôm 24.1, ông Wilbur Ross khi trả lời phỏng vấn chương trình "Diễn đàn kinh tế" (Squawk Box) của Đài CNBC đã nói, giữa hai nước Mỹ - Trung "đang tồn tại rất, rất nhiều vấn đề", chính phủ Mỹ cần phải tạo ra cuộc cải cách có tính kết cấu và các điều khoản trừng phạt thì mới có thể khôi phục được quan hệ mậu dịch bình thường với Trung Quốc.
Ông Wilbur Ross nói: "Thành thật mà nói, đó không phải là điều quá kinh ngạc. Chúng ta tuy hy vọng đạt được một hiệp nghị, nhưng đó phải là một hiệp nghị có hiệu quả đối với cả hai bên". Ông bổ sung: "Chúng ta còn cách nhiều dặm nữa mới đạt được một hiệp nghị với các phương án giải quyết".
Hai bên Mỹ - Trung sẽ tiến hành vòng đàm phán mới trong 2 ngày 30 và 31.1. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu tới Mỹ để đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Hôm 23.1, ông Donald Trump đã nói ở Nhà Trắng: "Trung Quốc rất mong đạt được một hiệp nghị. Chúng ta đang chờ đợi họ. Tôi rất thích địa vị [thế] của chúng ta trong cuộc đàm phán hiện nay". Ông Trump còn tuyên bố: nếu không đạt được một hiệp nghị, ông sẽ "gia tăng mức độ lớn" thuế quan mang tính trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong 1 cuộc đàm phán mậu dịch hồi tháng 5.2018.
Theo thỏa thuận chung trong cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình hôm 1.12.2018 về cuộc "ngưng bắn 90 ngày", nếu tới trước ngày 1.3.2019 mà hai bên không đạt được một hiệp nghị thì từ ngày 2.3.2019 Mỹ sẽ nâng mức thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Ông Wilbur Ross cho rằng, cuộc đàm phán Mỹ - Trung hiện nay đang phải xử lý 3 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là giải quyết sự mất cân bằng trong mậu dịch song phương. Theo số liệu thống kê chính thức do Bắc Kinh công bố hồi đầu tháng này, năm 2018 kim ngạch nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc đã lên tới 323,2 tỷ USD, đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ năm 2006.
Vấn đề thứ hai cần giải quyết là các công ty Trung Quốc mưu đồ thông qua kế hoạch chiến lược "Made in China 2025" để chủ đạo công nghệ cao toàn cầu. "Chúng ta phải tránh để xảy ra tình trạng đó", ông Wilbur Ross bổ sung.
"Vấn đề thứ ba là mở rộng cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng và tránh xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của họ" - ông Wilbur Ross nhấn mạnh.
Ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng hôm 24.1 khi trả lời phỏng vấn hãng FoxNews cũng nhấn mạnh, cuộc đàm phán cuối tháng này rất quan trọng, có tác dụng quyết định đối với việc hai bên Mỹ - Trung cuối cùng có đạt được một hiệp nghị hay không.
Trước đó, Hội kinh doanh Mỹ (United States Chamber of Commerce, USCC) và Hội kinh doanh Mỹ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China, AmChamChina) hôm 16.1 đã cùng nhau gửi lên Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) bản báo cáo mang tên "Kiến nghị về những ưu tiên trong đàm phán Mỹ - Trung" (Priority Recommendations for U.S.-China Trade Negotiations), trong đó thẳng thắn nêu lên những kiến nghị ưu tiên xử lý trong cuộc đàm phán về mậu dịch với Trung Quốc sắp tới.
Ông Donald Trump: nếu Trung Quốc không nhượng bộ, ông sẽ không đồng ý bất cứ bản hiệp nghị nào.
Hai tổ chức thương mại có ảnh hưởng khá lớn này trong báo cáo nói trên đã bày tỏ hoài nghi trước việc các quan chức Trung Quốc gần đây cố ý làm mờ nhạt tầm quan trọng của kế hoạch "Made in China 2025" và bày tỏ Bắc Kinh hiện nay vẫn đang thực thi kế hoạch chiến lược này với quy mô lớn nhằm thực hiện dã tâm trở thành người chủ đạo về công nghệ trên toàn cầu.
Ngoài ra, bản báo cáo cũng nêu rõ giới kinh doanh Mỹ rất lo ngại trước hành vi Trung Quốc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển nhượng kỹ thuật và can dự vào kinh tế, đa dọa sự vận hành của các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Đối với cuộc đàm phán mậu dịch Robert Lighthizer - Lưu Hạc sắp tới, bản báo cáo này đề xuất 3 mục tiêu ưu tiên: giải quyết vấn đề mang tính kết cấu của Trung Quốc; hủy bỏ mọi quy định và cách làm, hình thức liên quan đến việc cưỡng chế chuyển nhượng kỹ thuật; giải quyết yêu cầu bất hợp lý về quy định giám quản kinh tế số của Trung Quốc.
Ngoài ra, đối với việc làm thế nào để đạt được 3 mục tiêu lớn trên đây, bản báo cáo đề nghị tiến hành theo hai bước, trước tiên phải đảm bảo Trung Quốc thay đổi luật pháp và chính sách của mình; bước thứ hai là lập ra một cơ chế trọng tài độc lập.
Bên cạnh đó, tờ Wall Street Journal hôm 23.1 cho biết, ông Donald Trump cùng ngày tuyên bố, nếu Trung Quốc không nhượng bộ, ông sẽ không đồng ý bất cứ bản hiệp nghị nào. Hãng Reuters khi phân tích ý kiến của ông Trump cũng viết, trừ phi Trung Quốc đồng ý thay đổi về thực chất cách làm của họ, nếu không Tổng thống Donald Trump sẽ không đồng ý bất cứ thỏa thuận mậu dịch nào. Nhượng bộ được nói đến ở đây là Trung Quốc phải tiến hành cải cách có tính kết cấu, bao gồm làm thế nào xử lý vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ; nếu Trung Quốc chỉ cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ thì không đủ để giải quyết được cuộc chiến mậu dịch giữa hai bên.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: "Xét tình hình hiện nay, những vấn đề chúng tôi quan tâm chưa được giải quyết đầy đủ". Người này cho rằng, đoàn đại biểu đàm phán Mỹ do Robert Lighthizer - một người thuộc phái cứng rắn dẫn đầu quan tâm hàng đầu đến vấn đề có tính kết cấu và sự cân bằng mậu dịch.
Ông Larry Kudlow, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nhà Trắng cũng nói với Reuters, các vấn đề Tổng thống Donald Trump quan tâm nhất là cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ, lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế đối với đầu tư nước ngoài; "Tổng thống nhiều lần nói các vấn đề đó rất quan trọng, ông ấy sẽ không nhượng bộ".
Theo VietTimes
Mục tiêu thực sự của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu thật sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chủ động ra đòn trước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp tục hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. (Ảnh minh họa: Shutterstock) Kể từ khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã thể...