Cuộc đại chiến không khoan nhượng của mẹ vợ và mẹ đẻ
Sau đám cưới, vì không hài lòng nhà thông gia, bố mẹ tôi nhất định không chịu lên thành phố lần nào nữa.
Từ ngày yêu nhau, tôi đã biết tôi không xứng với nàng. Nàng là gái thành phố, bố mẹ nàng là chủ một doanh nghiệp làm ăn rất phát đạt, còn tôi chỉ là chàng trai xuất thân từ nông thôn, bố mẹ làm ruộng, quanh năm chân lấm tay bùn chỉ đủ ăn. Để nuôi tôi ăn học, bố mẹ phải đi vay nợ. Sau khi ra trường, trong khi tôi còn đang vật lộn với những công việc tập sự vất vả, lương ba cọc ba đồng còn phải chắt chiu trả nợ cho bố mẹ, thì nàng được bố mẹ hậu thuẫn mở công ty riêng, thu nhập cao hơn tôi hàng chục lần.
Hình minh họa.
Biết mình không xứng, nhưng tôi không thể điều khiển được trái tim mình. Tôi yêu tính cách phóng khoáng, độc lập của nàng, thích khuôn mặt luôn tươi cười rạng rỡ, thích sự tinh nghịch, đáng yêu,…thích tất cả mọi thứ thuộc về nàng. Tình yêu chân thành của nàng giúp tôi xóa đi mặc cảm, tự ti trong lòng. Nhiều lúc bên nhau, tôi thường hỏi nàng, tại sao điều kiện của nàng tốt như thế lại chọn một chàng trai bình thường như tôi? Nàng bảo, vì thấy tôi thật thà, chăm chỉ, nàng thương!
Yêu nhau 2 năm, chúng tôi quyết định đưa nhau về gia đình hai bên để bàn chuyện cưới hỏi. Bố mẹ nàng biết chuyện thì ra sức phản đối. Mẹ nàng năm lần bảy lượt gọi điện thoại cho tôi, ngọt nhạt có, đe dọa có, mục đích cuối cùng là muốn tôi chia tay với nàng, nhưng tính cách nàng ương bướng, sống chết không muốn chia tay. Nàng còn dọn hẳn đến chung sống với tôi trong căn nhà trọ chật hẹp để phản đối bố mẹ. Được một thời gian thì nàng có bầu, bố mẹ nàng đành phải chấp nhận tôi.
Tuy nhiên, vì không hài lòng cậu con rể nhà quê nghèo “rớt mùng tơi” là tôi, chúng tôi kết hôn rồi mà bố mẹ vợ vẫn gây khó dễ đủ đường. Ngày bố mẹ tôi lên bàn chuyện cưới hỏi, bố mẹ vợ tiếp thông gia bằng thái độ khinh thường ra mặt. Bố mẹ tôi quen ở nông thôn, cả đời chưa lên đến thành phố lớn, hôm đó được đến khách sạn 4 sao, bố mẹ tôi làm gì cũng phải rón rén, chỉ sợ làm bẩn, làm hỏng đồ không có tiền đền. Vào bữa ăn, bố mẹ tôi lóng ngóng không biết bóc cua, mẹ nàng vỗ mặt luôn, “nhà quê nghèo kiết hủ lậu, đương nhiên là không biết ăn hải sản”. Hai đứa tôi nghe câu đó mà tái cả mặt. Thương con, bố mẹ tôi vẫn nhẫn nhịn cho qua. Bữa cơm hôm đó diễn ra trong không khí nặng nề.
Video đang HOT
Sau khi kết hôn, mẹ vợ tôi nói không thể để con cháu bà sống theo tôi trong cái nhà trọ ổ chuột như vậy, bắt nhà tôi chi ra 1 tỷ, nhà vợ cho thêm 1 tỷ để để mua nhà, nếu không bà đón mẹ con cô ấy về chăm sóc, còn tôi hàng tuần đến thăm vợ con là được. Vợ tôi gom góp tiền để dành, lén đưa cho tôi 400 triệu. Bố mẹ tôi thế chấp hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê vay được thêm hơn 200 triệu để đưa cho tôi. Còn thiếu 400 triệu, tôi không xoay xở nổi. Bị mẹ vợ giục giã, tôi đành phải muối mặt nói thật. Mẹ vợ nói thiếu thì mẹ vợ cho vay, tính theo lãi ngân hàng, còn bắt tôi viết giấy nợ, mỗi tháng trả mười triệu, trả đến khi nào hết nợ thì thôi. Sau đó, vợ chồng tôi càng phải nỗ lực kiếm tiền, đều đặn hàng tháng gửi mẹ vợ cả vốn cả lãi, còn phải dành dụm tiền trả nợ ngân hàng bố mẹ tôi vay.
Sau đám cưới, vì không hài lòng nhà thông gia, bố mẹ tôi nhất định không chịu lên thành phố lần nào nữa. Kể cả khi vợ tôi đẻ, cũng chỉ có anh chị và các bác tôi ở quê ra thăm, bố mẹ tôi ngày nào cũng gọi điện vì mong cháu, nhưng sống chết không đi thăm, chỉ mong Tết vợ chồng tôi cho cháu về để được ôm cháu. Hai bên thông gia né tránh không muốn đụng mặt nhau.
Hai năm sau, vợ tôi có bầu bé thứ hai. Lần này cô ấy mang thai đôi, ốm nghén rất dữ dội, cơ thể nặng nề, mà con trai đầu của chúng tôi vẫn còn bé quá, tôi lại hay phải đi công tác, thuê người lạ vào nhà bố mẹ vợ bảo không yên tâm. Vì vậy, chúng tôi đành phải năn nỉ mẹ tôi lên giúp đỡ vợ chồng chúng tôi một thời gian. Ban đầu, mẹ tôi không chịu đi, sau nghe con dâu ốm quá, cháu trai không được chăm sóc chu đáo nên cũng ốm vặt liên miên. Mẹ tôi xót cháu đành đồng ý.
Từ ngày mẹ tôi lên ở cùng, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, cơm dẻo canh ngọt, vợ chồng tôi chưa kịp thở phào thì đã phải đau đầu vì phải đứng giữa hai bà mẹ. Mẹ vợ tôi rất thích cháu ngoại, gần như ngày nào cũng qua chơi với cháu một lúc, cuối tuần thì đón cháu về bên nhà chơi. Tuy nhiên, mỗi lần mẹ vợ qua chơi, bà luôn kiếm cơ hội để nói mát mẻ vài câu. Tôi nghe mãi thành quen, thường lảng đi như không nghe thấy. Nhưng mẹ tôi nghèo khó cả đời nên lòng tự trọng rất cao, bà không thể chịu được những lời bóng gió của mẹ vợ tôi.
Ban đầu, mẹ tôi nghe mấy lời đó thì nhất định đòi về quê, chúng tôi phải nói hết lời mẹ tôi mới ở lại. Về sau, mẹ tôi cũng chẳng nhịn nữa, mẹ vợ tôi nói xéo câu nào, mẹ tôi cũng tìm cách đáp trả câu đó. Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại, không khí gia đình mỗi khi hai bà chạm mặt nhau luôn căng thẳng, chúng tôi ở giữa cảm thấy vô cùng khó xử. Còn vài tháng nữa vợ tôi mới sinh, chúng tôi không biết phải xử lý chuyện này thế nào mọi người ạ.
Theo Phununews
Ước gì vợ được ốm nghén một lần
Nói ra thì thật ngược đời, nhưng trong suốt gần 9 tháng mang bầu đứa con đầu lòng, cô lúc nào cũng mang trong lòng một mong ước dở hơi: Giá như mình ốm nghén một lần!
Bà bầu nào đang ốm lên ốm xuống vì nghén ngẩm, nghe được điều này chắc hẳn sẽ mắng cô điên khùng. Chín tháng mười ngày mang bầu vất vả dài dằng dặc, ai cũng chỉ mong được khỏe mạnh bình thường đi hết thai kỳ. Thú thật nhìn những bà bầu ốm nghén khổ sở, cả ngày nôn ọe không ăn không uống, cô cũng hãi lắm. Nhưng thi thoảng suy nghĩ giá như được ốm nghén một lần vẫn xuất hiện trong đầu, chỉ vì cô mong chồng cô nhớ: Vợ anh đang mang bầu.
Mang bầu lần đầu tiên, nhưng trộm vía sức khỏe của cô chẳng hề khác gì khi chưa mang "ba lô ngược". Ăn tốt, ngủ tốt, không mệt mỏi, không nôn ọe, cũng chẳng hề bị sợ mùi gì. Chồng cô vẫn vui vẻ khoe khắp nơi là vợ mang bầu khỏe mạnh, sau này con sinh ra cũng sẽ cứng cáp. Nhưng chính điều đó khiến anh quên mất, dù sức khỏe của cô chẳng hề thay đổi, thì tâm sinh lý vẫn là của một bà bầu: nhạy cảm hơn, dễ tủi thân hơn, dễ khóc hơn.
Công việc của cô vốn ở Hà Nội, cách xa thành phố nơi chồng cô đang sinh sống và làm việc, vậy nên ngay từ khi mang bầu, cô đã quyết định nghỉ việc chuyển hẳn về gần chồng để tiện dưỡng thai. Sống tại một thành phố xa lạ chẳng có ai quen biết, cô nhớ công việc, nhớ bạn bè. Một người vốn sôi nổi, năng động như cô giờ suốt ngày ru rú trong nhà, làm quen với điều đó chẳng dễ dàng gì.
Nhưng chồng cô lại chẳng mấy bận tâm đến điều ấy. Dù trước khi cô mang bầu, không ít lần anh thủ thỉ rằng khi vợ mang bầu thì vợ nói gì cũng đúng, muốn gì cũng được. Mỗi lần đọc những câu chuyện hài hước về các ông chồng bị vợ "hành" khổ sở khi mang bầu, nửa đêm phải phóng ra đường mua đồ ăn, đang ăn cơm phải bỏ dở dọn bãi nôn của vợ, anh đều kêu "sắp đến lượt mình rồi đây", khiến cô thầm nghĩ khi mang thai mình chắc chắn sẽ trở thành nữ hoàng.
Ấy vậy mà đến khi một sinh linh bé nhỏ tồn tại trong người cô, chồng cô lại quên béng hết những điều đã hứa. Hoặc trong thâm tâm của anh, những điều ấy chỉ áp dụng với một bà bầu yếu ớt, còn một bà bầu khỏe mạnh như cô thì không cần thiết.
Cô vốn chẳng bị nghén hay thèm ăn món gì. Thế nhưng vốn là người mê ăn uống, việc mỗi ngày cô lại thèm ăn món này, món kia là chuyện bình thường từ khi chưa mang bầu. Những món ăn quen thuộc ở thủ đô hóa ra lại khó kiếm ở thành phố này, hoặc nếu có thì cũng chẳng ngon. Kiên nhẫn đưa cô đi vài lần, sau này chồng cô thường xuyên cằn nhằn: "Em về đây rồi thì tập quen đồ ăn ở đây đi", hoặc kiếm cớ "Em đang mang bầu, chỉ nên ăn cơm nhà thôi cho an toàn".
Không nghén, nên món cô thèm hôm nay ngày mai sẽ quên, chẳng đến nỗi nếu không được ăn thì phát điên. Nhưng sự tủi thân, ấm ức thì cứ tích tụ lại. Cô ước gì được như cô vợ nào đó trong câu chuyện cô đã đọc, nửa đêm thèm bún đậu mắm tôm thì chồng đang ngủ vẫn lồm cồm ngồi dậy, "mặt dày" đi gõ cửa nhà hàng xóm xin mắm tôm về cho vợ.
Không nghén, nên cô vẫn ăn uống bình thường, suốt gần 9 tháng chưa hôm nào phải bỏ bữa. Chồng cô hồi đầu mỗi khi phải đi công tác xa còn quan tâm hỏi vợ hôm nay ăn được nhiều không, sau vài tháng đầu thì quên bẵng.
Nhiều khi ở nhà cả ngày, anh vẫn thường xuyên thức đêm chơi game, đến sáng thì ngủ hết ngày, và chẳng buồn hỏi hôm nay vợ có khỏe không, có ăn uống đầy đủ không. Chính cô mới là người giục giã anh ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ.
Nhiều khi cô nghĩ, nếu cô có không nuốt nổi thứ gì, hay ốm lăn lóc cả ngày hôm ấy thì anh cũng chẳng biết vì bận ngủ. Thi thoảng dằn dỗi: "Chồng không quan tâm vợ bầu bì có khỏe không, ăn uống được không", anh buông lời điềm nhiên: "Suốt từ hồi mang bầu tới giờ lúc nào em chả khỏe mạnh, biết thế thì hỏi làm gì". Cô chỉ biết thở dài.
Cô cố gắng lôi kéo sự chú ý của anh bằng cách thi thoảng kêu mệt, đòi chồng bóp chân, đấm lưng. Dĩ nhiên là chồng cô cũng không nỡ từ chối, nhưng thái độ thì chẳng mấy vui vẻ do bị kéo ra khỏi trận game hay công việc gì đó đang làm dở. Tủi thân, cộng thêm sự nhạy cảm của bà bầu tháng cuối, cô dễ rơi nước mắt hơn.
Chồng lại nhăn mặt: "Em đừng vin vào cớ trầm cảm thai kỳ. Trầm cảm là chuyện ở bên nước ngoài, người ta chịu đựng stress kém, chứ ở Việt Nam đẻ ra đã có áp lực quen rồi. Hơn nữa người ta bầu bì ốm lên ốm xuống mới trầm cảm, em khỏe re thế này thì buồn bã gì".
Thực ra chồng cô cũng chẳng phải người vô tâm. Từ khi cô mang bầu, cần uống bổ sung thuốc gì, giai đoạn nào đều do anh tự tìm hiểu, mua về cho vợ, cách ăn uống sao cho khoa học anh cũng bỏ công nghiên cứu, hỏi han kinh nghiệm của bạn bè. Nhưng cô vẫn ước được một lần nhõng nhẽo để chồng dỗ dành, chiều chuộng, ước chồng hiểu rằng dù khỏe mạnh, cô vẫn cần anh quan tâm hơn, nhường nhịn hơn bình thường. Ước gì cô được ốm nghén một lần...
Theo Phununews
Ghen tuông mù quáng, chị đã quá mất chồng và thảm hại trong hôn nhân Ngày cầm quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Tòa án nhân dân thành phố, chị không còn khóc được nữa. Nước mắt không làm lay động lòng anh khi mà những tình cảm cuối cùng trong anh đã không còn. Giờ chị biết mình sẽ bắt đầu một cuộc sống mới vô cùng vất vả khi không còn anh nữa....