Cuộc chơi tiền bẩn của phó chủ tịch FIFA
Ở Trinidad & Tobago, cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner được tôn vinh như Robin Hood, một nhân vật trong văn học Anh thường “cướp của người giàu cho người nghèo”.
Jack Warner (giữa) và vợ Maureen (phải) là những người nổi tiếng giàu có ở Trinidad & Tobago – Ảnh: Reuters
Nhưng ở phần còn lại của thế giới, Warner được ví như “Cướp biển vùng Caribbean” của FIFA với cuộc sống siêu giàu nhờ tham nhũng, nhận hối lộ, lừa đảo và gian lận.
Đụng đến đâu cũng tham nhũng
Năm 1998, Jack Warner được cho là “con cờ” quyết định khi vận động hành lang để lấy 30 phiếu bầu từ tất cả thành viên LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF), giúp ông Sepp Blatter đánh bại Lennart Johansson đắc cử chức Chủ tịch FIFA với số phiếu 111 – 80. Thời điểm ấy, Chủ tịch CONCACAF Warner vừa được bổ nhiệm chức Phó chủ tịch FIFA. Có lẽ nhờ có “ơn” với Blatter và sở hữu quyền lực nhất định nên vị quan chức người Trinidad & Tobago dễ dàng thực hiện việc tham nhũng, lừa đảo, gian lận, nhận hối lộ, lại quả, rửa tiền… để trở nên giàu có.
Theo điều tra, thông qua các công ty sân sau của gia đình, Warner thu lợi hàng triệu USD từ việc tuồn vé ra chợ đen bán với giá chênh lệch và thao túng bản quyền truyền hình ở nhiều kỳ World Cup. Vị quan chức 72 tuổi này còn bị buộc tội nhận hối lộ 10 triệu USD từ Nam Phi trong cuộc chạy đua đăng cai World Cup 2010. Danh sách cáo buộc “bỏ túi” tiền “bẩn” từ FIFA đối với ông Warner dài dằng dặc. Mới đây nhất, ông bị cáo buộc là nhân vật chủ chốt trong nghi án nhận hối lộ và lại quả tổng cộng 150 triệu USD liên quan đến bản quyền truyền hình và tiếp thị các giải đấu ở khu vực châu Mỹ – Latin. Warner còn bị cáo buộc “cướp” tài sản của FIFA trong dự án xây dựng Học viện Bóng đá Centre of Excellence tại Trinidad & Tobago có tổng mức đầu tư 22,5 triệu USD khi biến nơi đây thành địa điểm kinh doanh thương mại, cho thuê tổ chức các buổi hòa nhạc, lễ cưới…
Video đang HOT
Cuộc chơi tiền “bẩn” của Warner kết thúc năm 2011 khi bị buộc tội giúp ứng viên Mohammed bin Hammam (cựu Phó chủ tịch FIFA) hối lộ mỗi thành viên CONCACAF số tiền 40.000 USD để đổi lấy phiếu bầu trước thềm tranh cử Chủ tịch FIFA. Theo nhà báo Camini Marajh của tờ Trinidad Express, một thống kê vào cuối năm 2013 tiết lộ rằng tài sản của ông Warner lên đến 160 triệu USD, chưa kể những tài sản đứng tên chung với các thành viên gia đình và đối tác. “Ông ấy sở hữu một tờ báo (Sunshine) tại Trinidad & Tobago; bất động sản đắt giá, 60 công ty, cổ phiếu và nhiều block chung cư, tòa nhà cho thuê, trung tâm vui chơi giải trí… ở khắp đảo quốc thuộc vùng Caribbean.
Chiếc mặt nạ bị rớt
Ngoài quyền lực trong bóng đá thế giới, Warner còn có một địa vị cao ở quê hương khi từng giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải – xây dựng, Bộ trưởng An ninh quốc gia và thành viên quốc hội đại diện cho vùng Chaguanas West. Nhờ sự giàu có và quyền lực tại địa phương, vị quan chức từng là giảng viên môn lịch sử trở thành ân nhân của dân nghèo Trinidad & Tobago khi luôn hào phóng giúp đỡ về thực phẩm, y tế, xây dựng công trình công cộng và bất cứ điều gì cần thiết. Cựu Phó chủ tịch FIFA còn một tay đưa các cầu thủ trẻ và tên tuổi bóng đá Trinidad & Tobago nói riêng và vùng Caribbean nói chung bước ra thế giới. Ông không những giúp hình thành giải đấu chuyên nghiệp ở quốc gia (TT Pro League) mà còn góp phần lớn đưa tuyển Trinidad & Tobago lần đầu tiên góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại World Cup 2006, thời điểm đội bóng này sở hữu những danh thủ Dwight Yorke và Shaka Hislop. “Jack (Warner) là Robin Hood của chúng tôi. Có lẽ ông ấy đã lấy tiền từ FIFA nhưng ông đã đưa chúng cho người dân nghèo”, Eraj Sagewan, một tài xế taxi ở Port of Spain, cho biết.
Sự hào phóng nhân đạo và công lao với bóng đá Trinidad & Tobago giúp Warner luôn được người dân ở khắp đất nước chào đón cuồng nhiệt, đến mức báo giới mô tả ông như một ngôi sao nhạc rock ở Mỹ. Tuy nhiên, sau hàng loạt vụ bê bối trong bóng đá bị phanh phui, chiếc mặt nạ mà ông Warner đeo đã bị rớt. Ông đã phải tìm cách né tránh và từ bỏ mọi chức quyền, đồng thời dùng số tiền tích lũy của mình tiếp tục trò mị dân để đứng ra thành lập đảng Độc lập tự do ở Trinidad & Tobago nhằm thu hút sự ủng hộ chống lại việc bị dẫn độ sang Mỹ xét xử. Nhưng lưới trời lồng lộng, vị quan chức bóng đá sống như đế vương này đã phải gục mặt trước những cáo buộc.
Theo TNO
Úc tố vụ đưa tiền cho quan chức FIFA nhưng không được đăng cai World Cup
Thêm vụ lùm xùm với FIFA khi có tin Liên đoàn bóng đá Úc từng gửi tiền cho một trong số những quan chức FIFA vừa bị bắt để được giúp đỡ giành quyền đăng cai World Cup 2022 nhưng bị "xù".
Ông Jack Warner bị cáo buộc biển thủ gần 500.000 USD của Úc trong tài khoản của CONCACAF - Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ độc lập Nick Xenophon (Úc) ngày 28.5 đã viết đơn gửi ông Andrew Colvin, lãnh đạo Cảnh sát liên bang Úc, yêu cầu điều tra nghi án ông Jack Warner biển thủ tiền của Liên đoàn bóng đá Úc. Ông Warner là một trong số 7 quan chức FIFA bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ hôm 27.5, theo Sydney Morning Herald ngày 28.5.
Vào năm 2010, Liên đoàn bóng đá Úc được cho đã gửi vào tài khoản của Liên đoàn bóng đá khu vực Bắc, Trung Mỹ và Carribean (CONCACAF) khoản tiền gần 500.000 USD, lấy cớ nhằm giúp tái phát triển một sân vận động tại Trinidad và Tobago. Tài khoản này do ông Warner - lúc này là Chủ tịch CONCACAF và phó chủ tịch FIFA - kiểm soát.
Vụ việc đặt ra nhiều nghi vấn rằng Liên đoàn bóng đá Úc đã cố gắng giành sự ưu ái của ông Warner cho cuộc chạy đua của Úc đăng cai World Cup năm 2022. Tuy nhiên, quốc gia giành được quyền trở thành nước chủ nhà kỳ World Cup này lại là Qatar.
Cuộc điều tra chính thức của Ủy ban liêm chính CONCACAF năm 2013 cho thấy số tiền 462.200 USD mà FFA gửi vào tài khoản ngân hàng của CONCACAF gần như chắc chắn đã bị ông Warner biển thủ.
Vụ biển thủ đã bị Liên đoàn bóng đá Úc ém nhẹm trong nhiều năm và giờ đây lại được khơi ra sau khi ông Warner bị cơ quan chức năng Mỹ buộc tội tham nhũng.
Hôm 27.5, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội tham nhũng đối với nhiều quan chức FIFA, trong đó có ông Warner. Mặc dù số tiền 500.000 USD đó không được nêu ra trong cáo trạng, nhưng hãng truyền thông Fairfax Media cho rằng cơ quan điều tra Mỹ đã xem xét vấn đề này vì khoản tiền được Liên đoàn bóng đá Úc chi thông qua một ngân hàng có chi nhánh tại Mỹ.
Liên đoàn bóng đá Úc ngày 28.5 nêu lý do cơ quan này không thông báo vụ việc với cảnh sát Úc hay cảnh sát Mỹ là vì FIFA đã yêu cầu như vậy, theo Sydney Morning Herald.
Sau vụ bê bối, nhiều người đang lên tiếng yêu cầu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức - Ảnh: AFP
Ngoài ra, cũng trong ngày 28.5, cựu quan chức cấp cao của Liên đoàn bóng đá Úc, bà Bonita Mersiades cũng đã viết đơn cho lãnh đạo cơ quan điều tra về gian lận và hối lộ Úc, Ian McCartney để yêu cầu xem xét vụ việc trên.
Cảnh sát liên bang Úc xác nhận đã liên lạc với ông Xenophon và bà Mersiades nhưng không cung cấp thêm thông tin. Cả 2 người đều thúc giục Liên đoàn bóng đá Úc gửi báo cáo chính thức cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) về vụ biển thủ 500.000 USD và kêu gọi Liên đoàn bóng đá Úc yêu cầu ông chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien