Cuộc chiến xe điện – Những bước đi chậm của Honda
Khác với những hãng xe châu Âu, Honda nói riêng và những hãng xe Nhật Bản nói chung khá chậm rãi trong việc gia nhập phân khúc xe điện.
Trong khi nhiều hãng xe châu Âu đã có những mẫu xe điện thương mại được phân phối ra thị trường từ năm 2019, mãi đến nay, những hãng xe Nhật Bản mới bắt đầu vén màn dải sản phẩm xe điện của mình.
Động thái này khiến các thương hiệu Nhật Bản chậm một nhịp so với đối thủ. Nhưng với nền tảng mạnh mẽ ở phân khúc xe động cơ đốt trong, Honda và những thương hiệu này vẫn có chỗ đứng ở phân khúc xe điện trong tương lai nếu tập trung phát triển.
Sản xuất xe điện từ năm 1997
Ít người biết rằng Honda đã bắt đầu phát triển xe điện vào tháng 4/1988 nhằm mục đích đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt trong tương lai. Đội phát triển xe điện của Honda đầu tiên chỉ có 4 người. Vào thời điểm đó, Honda là công ty ôtô cuối cùng ở Nhật Bản bắt đầu sản xuất xe điện.
Tuy nhiên việc phát triển xe điện vào thời điểm đó tạo ra nhiều trở ngại như động cơ điện quá mạnh mẽ, dung lượng pin sử dụng công nghệ axit-chì hiện tại quá thấp và tiêu tốn khá nhiều thời gian để sạc lại.
Bên cạnh những thách thức về mặt kỹ thuật, vào cuối năm 1990, Ủy ban Tài nguyên Không khí bang California đã ban hành quy định về xe không phát thải (ZEV), yêu cầu các hãng xe phân phối sản phẩm tại bang này phải có doanh số ZEV bằng 2% tổng doanh số từ năm 1998 trở đi. Honda đã phải mở rộng đội ngũ phát triển xe điện lên 100 nhân viên để phát triển xe điện vào năm 1991.
Nguyên mẫu đầu tiên được thiết kế dựa trên chiếc Civic hatchback ba cửa hiện có, được trang bị thêm động cơ điện và hệ thống pin axit-chì bán sẵn trên thị trường, đồng thời được tinh chỉnh nhằm giảm khối lượng, điển hình như các tấm thân bằng nhôm và cửa sổ bằng nhựa acrylic. Nguyên mẫu này được hoàn thiện vào tháng 7/1991 và không gặp vấn đề gì trong quá trình thử nghiệm.
Mặc dù các thành viên trong nhóm dự án xe điện của Honda cảm thấy nhẹ nhõm vì mẫu xe này có thể hoạt động được, trưởng dự án Junichi Araki vẫn nghĩ rằng như thế này là chưa đủ.
Honda phải tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất pin, đề xuất định dạng và kích thước pin, vốn được áp dụng làm tiêu chuẩn toàn cầu sau này. Ngoài ra, hãng bắt đầu phát triển động cơ không chổi than DC của riêng mình vì động cơ bán sẵn trên thị trường không đủ hiệu quả.
Honda tiếp tục phát triển một số nguyên mẫu xe điện như EV-X, Clean Urban Vehicle-4 (CUV-4) nhưng không đạt được nhiều thành tựu khả quan. Tuy nhiên nhờ những nguyên mẫu này mà Honda cho rằng hệ thống pin axit-chì không phù hợp để trang bị trên một mẫu xe điện thương mại.
Cụ thể CUV-4 có phạm vi hoạt động khá hạn chế, vào khoảng 40-50 km. Từ đó Honda bắt đầu điều chỉnh các thông số kỹ thuật cơ bản của nguyên mẫu này và áp dụng lên mẫu EV Plus.
Honda EV Plus.
Nguyên mẫu EV Plus đầu tiên được lắp ráp thành công vào tháng 12/1995 và được phê duyệt sản xuất vào tháng 1/1996. Vào tháng 4/1997, chiếc EV Plus phiên bản thương mại đầu tiên rời dây chuyền sản xuất tại thị trấn Takanezawa, tỉnh Tochigi, Nhật Bản.
EV Plus bán với giá khởi điểm 53.999 USD vào thời điểm đó, nhưng Honda không áp dụng chính sách mua nguyên chiếc, thay vào đó khách hàng chỉ được thuê xe theo hợp đồng 3 năm với giá 455 USD/năm.
Lý giải cho điều này, Honda cho biết chi phí của hệ thống pin có giá lên đến 20.000 USD vào thời điểm đó, tương đương 33.800 USD vào năm 2021, đồng thời hệ thống pin này phải được thay thế 3 năm một lần, do đó cho thuê là phương pháp khả thi nhất thời điểm đó.
Khách hàng thuê xe được yêu cầu lắp bộ sạc 220V. Chi phí thuê đã bao gồm bảo hiểm toàn diện và va chạm, tất cả chế độ bảo dưỡng và hỗ trợ trên đường.
Chiếc EV Plus cuối cùng được lắp ráp vào tháng 4/1999. Tổng cộng, khoảng 325 chiếc EV Plus được khách hàng thuê, bao gồm 300 chiếc ở Mỹ, 20 chiếc ở Nhật Bản và 5 chiếc ở châu Âu.
Vào thời điểm Honda tuyên bố ngừng sản xuất EV Plus, hãng đã hứa sẽ tiếp tục cho thuê lại và bảo dưỡng EV Plus vô thời hạn và cho phép khách hàng gia hạn hợp đồng thuê EV Plus trong một vài năm. Tuy nhiên sau khi kết thúc hợp đồng thuê, tất cả xe EV Plus đã được Honda lấy lại và mang đi tiêu hủy.
Video đang HOT
Chậm rãi tham gia vào thị trường xe điện
10 năm sau khi khai tử EV Plus, Honda bắt đầu ra mắt những bản concept xe điện như Fit EV Concept vào năm 2010, EV-Ster Concept vào năm 2011, FCEV Concept vào năm 2013, Everus EV Concept vào năm 2018 và e Concept vào năm 2019.
Honda Fit EV Concept, Honda EV-Ster Concept, Honda FCEV Concept, Honda Everus EV Concept và Honda e Concept.
Song song đó, hãng cũng ra mắt nhiều mẫu xe điện thương mại như Fit EV vào năm 2013, Clarity Electric vào năm 2017 nhưng không đạt được nhiều thành tựu. Sở dĩ nhiều người dùng vẫn chưa nghĩ đến việc sử dụng xe điện vào thời điểm đó, cùng với hệ thống trạm sạc chưa được phát triển mạnh mẽ.
Honda Fit EV và Honda Clarity Electric.
Mãi đến năm 2020, hãng xe Nhật Bản ra mắt mẫu Honda e và nhanh chóng nhận được nhiều sự yêu thích của giới mộ điệu. Tuy nhiên động thái này của Honda khá chậm chân so với các đối thủ châu Âu, vốn đã ra mắt những mẫu xe điện thương mại vào năm 2019 và đã có những thành tựu nhất định.
Tuy nhiên với mức giá dễ tiếp cận, khởi điểm từ 39.000 USD, Honda e vẫn đạt doanh số tốt tại thị trường châu Âu với khoảng 3.800 chiếc/năm trong hai năm 2020 và 2021.
Con số này khá khiêm tốn so với những mẫu xe điện khác như Mercedes-Benz EQC hay Porsche Taycan nếu so với cùng kì, nhưng vẫn là tín hiệu khả quan cho một mẫu xe điện “sinh sau đẻ muộn”, vì hai mẫu xe trên chỉ đạt doanh số vào khoảng 800 chiếc ở thị trường châu Âu vào năm đầu ra mắt.
Các mẫu ôtô điện cùng hạng với Honda e gồm có MINI Electric, Fiat 500e hay VinFast VF 5, model SUV hạng A chạy điện vừa được giới thiệu hồi đầu năm nay của hãng xe Việt Nam.
Điểm khiến Honda e khác biệt trên thị trường xe điện là thiết kế kết hợp giữa tính cổ điển và phong cách kei-car của ôtô nội địa Nhật Bản. Ngoài ra, xe có một vài chi tiết đáng chú ý ở ngoại thất như chỗ cắm sạc trước ca-pô, sử dụng camera quan sát thay gương chiếu hậu hay tay nắm cửa dạng ẩn.
Khoang lái của Honda e có đủ không gian cho 4 người lớn sử dụng. Trong khi đó, điểm nhấn chính là bảng đồng hồ tốc độ kỹ thuật số 8 inch cùng 2 màn hình giải trí 12,3 inch trải dài ở bảng điều khiển. Ngoài ra, Honda còn trang bị thêm 2 màn hình 6 inch để hiển thị hình ảnh từ camera quan sát 2 bên hông xe.
Honda e được trang bị một động cơ điện đặt ở cầu sau, trong đó bản tiêu chuẩn có công suất 134 mã lực còn bản Advance có thông số 152 mã lực. Với cụm pin dung lượng 35,5 kWh, Honda e có phạm vi hoạt động tối đa 274-308 km theo chuẩn kiểm tra JC08 tại Nhật Bản.
Mạnh tay đầu tư 40 tỷ USD vào xe điện, ra mắt 30 mẫu xe vào năm 2030
Năm 2021, Honda đã lên kế hoạch trở thành hãng xe thuần điện vào năm 2040. Và để làm được điều này, Honda vừa thông báo hãng sẽ chi 5.000 tỷ yen, tương đương 40 tỷ USD cho các nỗ lực điện khí hóa trong 10 năm tới.
Trong một cuộc họp giao ban, hãng xe Nhật Bản cũng cho biết về kế hoạch tung ra 30 mẫu xe điện đến năm 2030 với số lượng sản xuất 2 triệu xe/năm. Mục đích là để xe điện chiếm 40% dải sản phẩm của hãng vào cuối thập kỷ này.
Theo báo cáo của TechCrunch, Honda có kế hoạch chinh phục thị trường Nhật Bản bằng cách giới thiệu một mẫu xe điện mini siêu rẻ có giá khoảng 8.000 USD vào năm 2024.
Hãng cũng sẽ ra mắt hai mẫu xe điện Prologue và Acura cho thị trường Mỹ, thành quả của sự hợp tác với General Motors trong cùng năm. Trước đó vào đầu tháng 4, Honda và General Motors đã thông báo về việc hợp tác để đồng phát triển nhiều mẫu xe điện giá cả phải chăng dựa trên kiến trúc toàn cầu và công nghệ pin Ultium của hãng xe Mỹ.
Tuy nhiên, Honda có kế hoạch không liên quan đến General Motors và đang sử dụng một phần ngân sách 40 tỷ USD để phát triển nền tảng điện khí hóa của riêng mình.
Hãng cũng đang cân nhắc việc hợp tác với các công ty khác để sản xuất hệ thống pin. Ngoài ra, hãng xe Nhật Bản đã đầu tư 43 tỷ yen, tương đương 343 triệu USD vào việc xây dựng dây chuyền sản xuất pin thể rắn vào năm 2024.
Ngày 4/3, Honda và Sony cũng đã tổ chức họp báo để công bố thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xe điện. Tại sự kiện, CEO hai công ty đã ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập liên doanh để nghiên cứu, phát triển và bán xe điện. Kế hoạch sơ bộ hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm vào thương mại trong vòng 3 năm tới, theo Nikkei Asia.
Lãnh đạo Honda và Sony ký thỏa thuận hợp tác tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.
Theo thỏa thuận, ngoài phần việc chung của liên doanh, Honda sẽ phụ trách phần sản xuất và cung cấp các dịch vụ sau bán hàng. Trong khi đó, Sony đảm nhiệm vai trò phát triển các tính năng giải trí, kết nối mạng và dịch vụ di động. Tên gọi của liên doanh cũng như thương hiệu xe điện mới của Honda và Sony hiện chưa được công bố.
Chiến lược tập trung vào thị trường xe điện Trung Quốc
Giám đốc Điều hành Honda Toshihiro Mibe cho biết phần lớn trong nỗ lực điện khí hóa của hãng là đảm bảo việc hiện diện vững chắc tại thị trường Trung Quốc, vốn là thị trường xe điện lớn nhất thế giới hiện nay.
Chính vì thế Honda vừa chính thức tham gia vào cuộc chiến xe điện tại Trung Quốc với việc tung ra dải sản phẩm e:N Series, thể hiện tham vọng của hãng tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Trước đó vào tháng 4, hãng xe Nhật Bản đã ra mắt 3 mẫu concept thuộc dải sản phẩm này, đồng thời khẳng định từ nay đến năm 2027, hãng sẽ tung ra 10 mẫu xe điện mới tại thị trường này nếu doanh số và sản lượng sản xuất khả quan.
Dải sản phẩm Honda e:N Series.
Hãng cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở TP Quảng Châu và TP Vũ Hán để sản xuất xe điện cho Trung Quốc, cùng với đó là xuất khẩu xe điện sang các thị trường khác, đầu tiên là thị trường châu Âu vào năm 2023.
Thị trường xe điện Trung Quốc đang nhanh chóng phân thành hai phân khúc: xe điện giá rẻ và xe điện cao cấp. Những mẫu xe điện mới của Honda sẽ có giá khởi điểm vào khoảng 26.000 USD, rẻ hơn so với những mẫu xe điện từ Tesla. Điều này cho thấy mục tiêu của nhà sản xuất ôtô Nhật Bản là nhắm đến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc.
Mẫu xe đầu tiên trong dải sản phẩm này là e:NS1, được ra mắt bởi liên doanh Dongfeng Honda. Một liên doanh khác là GAC Honda Automobile cũng sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng mẫu e:NP1 trong tháng này, vốn khá tương đồng với mẫu e:NS1.
e:NS1 sẽ là mẫu xe thuộc phân khúc B với giá khởi điểm từ 175.000 nhân dân tệ (tương đương 26.000 USD). Xe có phạm vi hoạt động lên đến 510 km trong một lần sạc. Hệ thống pin được sản xuất bởi nhà sản xuất Trung Quốc CATL, vốn là nhà sản xuất pin ôtô lớn nhất thế giới hiện nay. Honda cũng đã đầu tư vào công ty này để phát triển hệ thống pin cho các mẫu xe của hãng.
Cabin e:NS1 được trang bị màn hình cảm ứng kích thước 15,1 inch, điều khiển bằng giọng nói. Xe cũng có thêm chức năng phát hiện người lái mất tập trung hoặc ngủ gật.
Honda đã bán được 1,56 triệu chiếc xe mới ở Trung Quốc vào năm 2021, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Xe sử dụng động cơ đốt trong và xe hybrid chiếm phần lớn, trong khi xe điện chỉ đạt khoảng 10.000 chiếc. Honda đang đặt mục tiêu bán ra 800.000 chiếc xe điện tại đây vào năm 2030. Việc đạt được mục tiêu này sẽ phụ thuộc vào sự thành công của dải sản phẩm e:N Series.
BYD Yuan Plus - crossover chạy điện hát karaoke, chỉ từ 21.000 USD
BYD Yuan Plus chạy điện có giá bán khoảng 21.000 - 24.000 USD ở thị trường Trung Quốc, và nó mang đến một không gian nội thất rất thú vị.
Thị trường xe điện ở Trung Quốc vẫn giữ đà tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Tesla, cùng với các chi nhánh địa phương của nhiều nhà sản xuất xe lâu đời, đang phải vất vả cạnh tranh với danh sách những mẫu xe điện nội địa ngày một đông đảo từ các công ty xe Trung Quốc, và một trong những công ty mạnh nhất hiện tại là BYD hay Build Your Dreams.
Với mẫu xe crossover không phát khí thải mới nhất của mình, Yuan Plus, thương hiệu này đang cho thấy một sự nâng cấp toàn diện, đặc biệt là trang bị và những tính năng tích hợp trong. Nhìn từ bên ngoài, BYD Yuan Plus 2022 mới trông có vẻ như là một chiếc xe điện nhạt nhẽo, phổ thông khác từ Trung Quốc với thiết kế khá đẹp nhưng thiếu cá tính riêng.
Tuy nhiên, nhìn từ những gì có trong video trải nghiệm xe mới từ kênh "Wheelsboy", ta thấy nội thất của Yuan Plus tỏ ra rất thú vị với những tính năng kỳ lạ mà BYD đã lắp đặt ngay từ nhà máy.
Yuan Plus tuân theo triết lý thiết kế được gọi là Dragon Face 3.0 và nói chung, mẫu crossover giống như được truyền cảm hưng bởi "thể dục âm nhạc". Mới nghe qua thì điều này có vẻ vô nghĩa, nhưng một khi vào bên trong xe, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều điểm nhấn tương ứng với triết lý này.
Lấy ví dụ các cửa gió bên dưới màn hình xoay trung tâm, chúng trông giống như là những quả tạ ở phòng tập gym. Trên mỗi tấm ốp cửa, bạn cũng sẽ tìm thấy 3 sợi dây giống như dây đàn guitar, và mỗi dây sẽ phát một nốt nhạc khác nhau khi bạn kéo nhẹ chúng.
Thế nhưng, tính năng kỳ lạ nhất của mẫu crossover chạy điện hoàn toàn này là chức năng karaoke tích hợp sẵn. Nó đi kèm với một micrô đặt dưới bệ tỳ tay trên cụm điều khiển trung tâm phía trước, cho phép bạn đăng nhập vào các bài hát yêu thích thông qua hệ thống âm thanh của xe.
Đây chắc hẳn là một trong những tính năng có sẵn từ nhà máy kỳ lạ nhất mà chúng ta từng được thấy, song nó đáp ứng đúng khẩu vị của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vào lúc này.
Ngoài nội thất khác lạ, BYD Yuan Plus của Trung Quốc không phải là một mẫu xe điện vượt trội hay đột phá gì về mặt công nghệ. Dù vậy, nó cung cấp khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong khoảng 7,3 giây.
Ở phiên bản này, sức mạnh đến từ một mô tơ điện duy nhất được gắn ở phía trước, mang lại công suất cực đại 201 mã lực và 310 Nm mô-men xoắn. Tùy thuộc vào bộ pin, mẫu crossove này có thể đi được quãng đường từ 430 - 510 km được đo bằng quy trình kiểm tra phạm vi xe điện nội địa của Trung Quốc.
Vision-S 02 Concept: Bước gia nhập phân khúc xe điện của Sony Ngoài việc ra mắt mẫu SUV concept, hãng công nghệ Nhật Bản sẽ thành lập một công ty con có tên Sony Mobility, thể hiện rõ ý định thâm nhập vào thị trường xe điện. Ngoài việc ra mắt TV OLED thế hệ mới, tai nghe thực tế ảo... tại Triển lãm CES 2022, Sony còn mang đến mẫu SUV concept Vision-S 02....