Cuộc chiến với Covid-19 qua lời kể của bệnh nhân đầu tiên ở Philippines
“Khoảng thời gian đáng sợ nhất có lẽ bắt đầu vào ngày thứ tư, khi trong những người nhập viện cùng đợt với tôi, đã bắt đầu có một vài ca tử vong. Vào sáng sớm bạn có thể nghe thấy tiếng khóc”.
Sau chuyến du lịch cùng gia đình đến Nhật Bản vào cuối tháng 2 vừa qua, anh Carlo Navarro (48 tuổi) đã trở thành một trong những người đầu tiên ở Philippines được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đương nhiên, ngay sau đó người đàn ông 48 tuổi này đã phải cách ly điều trị trong phòng áp lực âm. Trong thời gian điều trị, Carlo Navarro đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hoang mang cho đến sợ hãi và rồi cuối cùng là vỡ òa vui sướng khi được ra viện vào ngày thứ 15.
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn, Carlo Navarro đã có những chia sẻ về chính trải nghiệm và quan trọng hơn là bài học, mà anh rút ra được trong suốt thời gian cùng các bác sĩ chống lại căn bệnh đang lây lan toàn cầu này.
Cuộc chiến với Covid-19 qua lời kể của bệnh nhân đầu tiên ở Philippines
Carlo Navarro kể về thời gian được điều trị trong phòng cách ly: “Trong suốt thời gian cách ly điều trị, không ai được đến thăm bạn, ngay cả các thành viên trong gia đình. Chúng tôi ở trong phòng áp lực âm và biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Vì vậy, tôi và vợ đã gọi video cho nhau gần như là bất kể giờ nào. Cô ấy luôn hỏi han tình hình để chắc chắn rằng tôi ăn đủ bữa và uống đủ nước vào những thời gian quy định. Và bất kể khi nào tôi cảm thấy sợ hãi, tôi liền ngay lập tức gọi cho vợ và con gái, chỉ để tạm quên đi sự thật rằng, mình đang ở trong bệnh viện”.
Chia sẻ về những triệu chứng mà mình gặp phải khi mắc Covid-19, Navarro kể lại: “Khi ở bệnh viện, cảm giác lạnh toàn thân và những những cơn ho vẫn tiếp diễn, cùng với đó là hiện tượng đau nhức khắp cơ thể. Đến ngày thứ ba, những triệu chứng này dần nguôi ngoai. Hiện tượng đau nhức biến mất, cảm giác lạnh toàn thân thì cứ đến rồi lại đi, riêng chỉ có nhưng cơn ho là vẫn dai dẳng”.
Carlo Navarro cùng vợ và con gái.
Tuy nhiên theo anh Navarro, mọi chuyện chỉ bắt đầu trở nên thực sự tồi tệ và đáng sợ khi bước sang ngày thứ tư. “Khoảng thời gian đáng sợ nhất có lẽ bắt đầu vào ngày thứ tư, khi trong những người mắc Covid-19 nhập viện cùng đợt với tôi, đã bắt đầu có một vài ca tử vong. Vào buổi sáng sớm, bạn biết đấy, bạn có thể nghe thấy tiếng mọi người đang khóc lóc, kêu gào vì họ đã mất đi người thân” – Navarro kể.
Đến thời điểm hiện tại Philippines đã ghi nhận hơn 600 ca nhiễm Covid-19. 26 bệnh nhân đã hồi phục và Carlo Navarro là một trong số đó. Là một trong những người đầu tiên được điều trị khỏi Covid-19, anh Navarro cũng đã có những lời nhắn gửi mọi người về bài học mà mình đã rút ra: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng, nhiễm Covid-19 không đồng nghĩa với việc bạn sẽ chết. Nó là một thứ mà bạn có thể chiến thắng. Thứ mà bạn cần trong cuộc chiến này chính là một niềm tin đúng đắn, tinh thần và cảm xúc tích cực. Tôi muốn các bạn biết rằng, một khi đã xuất hiện các triệu chứng thì cần phải tự cách ly ngay. Không có cách nào khác, bởi những người cao tuổi hoặc người có nguy cơ nhiễm bệnh cao trong gia đình có thể bị lây nhiễm virus từ chính bạn”.
Minh Nhật
Mỹ - Úc liên minh chặn đứng Trung Quốc tại vịnh chiến lược của Philippines
Quỹ đầu tư Cerberus Capital Management (Mỹ) và Công ty đóng tàu Úc Austal đã cùng nhau tham gia đấu thầu nhà máy đóng tàu lớn nhất của Philippines tại Vịnh Subic trong khi Trung Quốc cũng quan tâm tới dự án này./p>
Một máy bay C-130 của Không quân Mỹ chuẩn bị triển khai gần Vịnh Subic trong khóa huấn luyện chung hàng năm giữa các lực lượng vũ trang Philippines và quân đội Mỹ - Ảnh: Không quân Mỹ
Theo Nikkei Asian Review, "liên minh" Mỹ - Úc đã tham gia vào các cuộc đàm phán độc quyền với các chủ nợ của nhà máy đóng tàu Hanjin Subic kể từ tháng 7. Nhà máy này đã đóng cửa hồi đầu năm nay sau khi chủ sở hữu của nó, một chi nhánh địa phương của tập đoàn xây dựng và công nghiệp nặng Hanjin (Hàn Quốc), bị vỡ nợ với khoản vay lên tới 1,3 tỉ USD.
"Tôi nghĩ rằng họ (Austal-Cerberus) có thể sẽ nhận được dự án xây dựng này" - một giám đốc điều hành tại một trong những chủ nợ của nhà máy đóng tàu nói với Nikkei Asian Review.
Trước khi phá sản, tập đoàn xây dựng và công nghiệp nặng Hanjin đã đầu tư 2,3 tỉ USD vào nhà máy đóng tàu nói trên và cung cấp hơn 30.000 việc làm cho những người dân địa phương và đóng hơn 120 tàu kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2006. Nếu thắng thầu, công ty đóng tàu Austal của Úc dự kiến sẽ đóng cả tàu quân sự và tàu chở khách.
Được niêm yết tại Úc với mức vốn hóa thị trường khoảng 1 tỉ USD, Austal có mối quan hệ gần gũi với Hải quân Mỹ. Công ty này từng giành được nhiều hợp đồng đóng tàu quan trọng và đang chạy đua giành tiếp hợp đồng trị giá 600 triệu USD để đóng 6 tàu tuần tra cho Hải quân Philippines, mà chính phủ Úc đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho dự án này.
Trong khi quỹ đầu tư Cerberus do cựu Phó Tổng thống Mỹ Dan Quayle làm chủ tịch với tài sản lên tới 30 tỉ USD, bao gồm sở hữu DynCorp - một trong những nhà thầu quốc phòng tư nhân lớn nhất tại Mỹ.
Đề xuất đấu thầu ban đầu của Cerberus và Austal đã "được xác nhận vào tháng này. "Mọi thứ đang tiến triển rất tốt và chúng tôi kỳ vọng sẽ hoàn tất đàm phán vào đầu năm tới", theo một nguồn tin cấp cao thân cận với cuộc đàm phán vẫn đang giữ bí mật cho hay.
Trong khi các điều khoản cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ, việc xác nhận đề xuất đấu thầu chính thức của Mỹ - Úc se làm dấy lên hy vọng về việc hồi sinh nhà máy đóng tàu rộng 300 hecta tại vịnh Subic, khu vực từng là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại nước ngoài và nằm ở trung tâm của Biển Đông - vùng biển chiến lược quan trọng.
Tư lệnh hải quân Philippines, phó đô đốc Robert Empedrad, hôm 3.12 nói với Nikkei Asian Review rằng, liên minh giữa Austal và Cerberus có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hải quân nước này, vốn kiên quyết phản đối bất kỳ sự tiếp quản nào của Trung Quốc đối với nhà máy đóng tàu dựa trên nỗi lo về an ninh quốc gia.
"Mỹ và Úc là những người bạn tốt của đất nước chúng tôi. Họ là đồng minh của đất nước chúng tôi. Tôi có một mối quan hệ rất tốt với các tư lệnh hải quân của Mỹ và Úc", ông Empedrad cho biết và tiết lộ hải quân quốc gia Đông Nam Á đang lên kế hoạch sử dụng một phần nhà máy đóng tàu và "biến nó thành căn cứ hải quân hàng đầu" sau khi nhà máy đóng tàu tại vịnh Subic tìm được chủ mới.
"Chúng tôi đang tìm kiếm một căn cứ nơi chúng tôi có thể đặt các trang thiết bị mới vì các tàu khu trục sắp được bàn giao ..., ngay cả các tàu ngầm trong tương lai của chúng tôi cũng có thể được đặt tại đó", ông Empedrad nói thêm.
Phó đô đốc Philippines cho biết, Mỹ và Úc có thể sử dụng nhà máy đóng tàu tại vịnh Subic cho hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng tàu, trong trường hợp liên minh Austal - Cerberus đạt được một thỏa thuận tiếp quản tài sản.
Trích dẫn sự hợp tác thành công giữa Philippines, Malaysia và Indonesia làm giảm "sự cố cướp biển và con tin trên biển xuống 0" ở miền nam Philippines, quan chức hải quân Philippines cho rằng hiện diện hải quân của Mỹ và Úc tại vịnh Subic có thể thúc đẩy an ninh quốc gia.
Ngoài ra, theo phó Đô đốc Robert Empedrad, hải quân Philippines luôn kết hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của chính phủ để rà soát các khoản đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt trong những lĩnh vực chiến lược. Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines đã rút lại sự ủng hộ dành cho các công ty Trung Quốc đang để mắt tới nhà máy đóng tàu tại Subic, sau khi Hải quân Philippines đưa ra cảnh báo về vấn đề này.
Các chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng Grande Island tại Vịnh Subic cũng buộc phải tìm kiếm các nhà đầu tư mới sau khi chính phủ Philippines từ chối khoản đầu tư 298 triệu USD từ nhà phát triển nghỉ dưỡng Trung Quốc, tập đoàn Sanya.
Ông Empedrad cho biết, hải quân Philippines cũng sẽ để mắt đến một công ty Trung Quốc được cho là đang nhắm mục tiêu tới một dự án phát triển "thành phố thông minh" trị giá 2 tỉ USD tại đảo Fuga, nơi có vai trò quan trọng chiến lược nằm ở phía bắc Philippines. "Nếu thông tin đó là chính xác, thì chúng tôi phải đến đó trước, chúng tôi xây dựng các căn cứ của mình vì đó là đất của chúng tôi", ông nói.
Việc Trung Quốc thời gian qua đã quân sự hóa biển Đông, nơi chiếm tới 1/3 hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu với ước tính giá trị khoảng 3,4 nghìn tỉ USD một năm, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời gây suy yếu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực.
Động thái ngang ngược của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy sự hồi sinh của Đối thoại Tứ giác An ninh - cơ chế đối thoại an ninh bốn bên gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ.
Tuy nhiên, sau khi đắc cử vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bỏ qua phán quyết của tòa để thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và đổi lấy cam kết đầu tư khoảng 45 tỉ USD tại Philippines, bao gồm các dự án xây dựng nhà máy thép, trung tâm công nghiệp, đường sắt, cầu và nhà máy điện. Mặc khác, ông Duterte cũng cố gắng đẩy Philippines rời xa Mỹ dù Washington là đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Manila.
Hoàng Vũ (theo Nikkei Asian Review)
Theo motthegioi.vn
Mỹ và Australia hợp sức chặn bước Trung Quốc ở vịnh Subic Một quỹ đầu tư Mỹ đã kết hợp với công ty đóng tàu Australia để thuê lại xưởng đóng tàu lớn nhất trong vịnh Subic của Philippines, không để nó thuộc về tay người Trung Quốc. Theo Nikkei Asia Review, quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Cerberus Capital Management và công ty đóng tàu Australia Austal đã hợp tác, chính thức gửi đề...