Cuộc chiến tương tàn Triều Tiên – HQ
Sáng sớm hôm đó, hơn 100.000 quân Bắc Triều Tiên bất ngờ vượt vĩ tuyến 38 tràn sang miền Nam cùng với những đợt pháo kích dữ dội. Đó là màn khởi đầu của cuộc chiến khiến hàng triệu người thiệt mạng, mà miền Bắc gọi là để giải phóng đất nước, còn miền Nam gọi là cuộc chiến xâm lược.
Sau 60 năm, chiến tranh Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ tiếp diễn, khi căng thẳng giữa hai miền liên tục leo thang, Triều Tiên hủy hiệp định đình chiến và tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc. Loạt bài này sẽ giúp bạn đọc nhìn lại cuộc chiến trong quá khứ, nhằm hiểu rõ hơn xung đột hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc chiến 625
Chiến tranh Triều Tiên thường được gọi là Cuộc chiến 625 để ghi nhớ ngày nổ ra xung đột (25/6/1950). Trong vài giờ đầu tiên, lính gác Hàn Quốc nghĩ rằng đó chỉ là một cuộc xung đột biên giới nhỏ, nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng đó thực sự là một cuộc tấn công quy mô lớn. Những vũ khí hạng nhẹ mà họ được trang bị không ăn thua gì so với hàng loạt xe tăng và đại bác do Liên Xô sản xuất của quân Triều Tiên. Chỉ trong 4 ngày, quân Triều Tiên đã chiếm được Seoul.
Chiến hạm U.S.S Toledo bắn vào bờ biển Triều Tiên năm 1950. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Rất nhanh chóng, Mỹ và các nước trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cử lực lượng quân sự đến can thiệp vào Triều Tiên khi không có lá phiếu của Liên Xô – vắng mặt để phản đối đại diện của chính quyền Quốc Dân Đảng thành lập tại Đài Loan sau khi Tưởng Giới Thạch thất thế trong cuộc nội chiến Trung Quốc.
Được chỉ huy bởi tướng Douglas MacArthur, lính Mỹ chiếm tới 88% trong số 341.000 lính quốc tế đến trợ giúp cho Hàn Quốc chống lại quân Triều Tiên, cùng với trợ giúp của 20 nước khác của Liên Hợp Quốc. Trong vòng 1 tháng đầu, liên quân tại Hàn Quốc thất thế và bị dồn vào một khu vực nhỏ hẹp trong TP. Pusan, miền đông nam Hàn Quốc. Quân Triều Tiên thậm chí suýt hất văng quân đồng minh ra khỏi bán đảo.
Trong hoàn cảnh đó, MacArthur quyết định mở chiến trường thứ hai nhằm ép Kim Nhật Thành phải phân chia nguồn lực và đồng thời tấn công và điểm yếu của quân Triều Tiên quanh Pusan. MacArthur chọn Incheon, một thành phố nhỏ ở bờ biển tây Hàn Quốc. Cuộc tấn công được lên kế hoạch vào ngày 15/9, khi thủy triều lên đủ cao để đưa bè vượt qua các bãi bùn trên bến cảng. Dù đã được báo trước, quân đội của Kim Nhật Thành đã không tăng cường lực lượng tại Inchon nên nhanh chóng thất thế trước quân đồng minh.
Liên quân Mỹ thả bom một nhà thờ ở Wonsan. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Cuộc tấn công Inchon đã cắt đường viện trợ vốn bị dàn trải quá mức của quân Triều Tiên, khiến quân miền bắc phải rút lui và bị liên quân đuổi theo qua vĩ tuyến 38, đến tận sông Yalu – ngăn cách lãnh thổ Trung Quốc và Triều Tiên, bất chấp cảnh báo rằng hành động đó có thể dẫn đến sự can thiệp của Trung Quốc.
Video đang HOT
Lúc đó, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông quyết định tham chiến vì cho rằng quân đồng minh sẽ không dừng lại ở Triều Tiên mà có thể vượt qua sông Yalu vào Mãn Châu để lật đổ chế độ mới ở Trung Quốc. Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn quân tình nguyện đánh lùi liên quân vốn đã kiệt sức trở lại sau vĩ tuyến 38. Lo lắng của Mao Trạch Đông không phải không có cơ sở, vì tướng MacArthur đã gây sức ép để Tổng thống cho phép đánh bom Mãn Châu, Trung Quốc. Bị từ chối, MacArthur công khai bất mãn với quan điểm của Tổng thống, dẫn tới việc bị sa thải vào tháng 4/1951.
Mỹ suýt dùng bom hạt nhân
Dù không đưa quân tới cuộc xung đột, Liên Xô cung cấp đồ tiếp tế cho cả quân Triều Tiên và Trung Quốc.
Kể từ khi liên quân bị đánh lùi lại vĩ tuyến 38, cả hai bên đều không có bước tiến nào cho tới khi ký kết hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953, khẳng định biên giới giữa hai miền là vĩ tuyến 38 và thiết lập khu vực phi quân sự rộng 2,5 dặm dọc vĩ tuyến này.
Em bé ngồi khóc bơ vơ khi quân Liên Hợp Quốc đánh vào Incheon. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Chiến tranh Triều Tiên suýt dẫn tới khả năng đụng độ lớn bằng vũ khí hạt nhân. Khi chịu thương vong lớn và thất thế, Mỹ đã nhiều lần tính đến phương án sử dụng bom hạt nhân để tấn công quân đội Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng cuối cùng Mỹ đã kiềm chế không sử dụng do lo ngại xảy ra chiến tranh tổng lực với Trung Quốc và chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cũng như lo sợ áp lực của quốc tế.
Dù được gọi là “cuộc chiến bị lãng quên” vì không gây chú ý như Thế chiến II trước đó và chiến tranh Việt Nam sau đó, nhưng chiến tranh Triều Tiên đã khiến khoảng 1,2 triệu người Hàn Quốc, 1 triệu người Triều Tiên, 36.500 quân Mỹ và 600.000 lính Trung Quốc thiệt mạng.
Quan hệ thù địch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Ngay trước khi chiến tranh xảy ra, người Triều Tiên đã ghét Mỹ, vì cho rằng chính Mỹ là nhân tố cản trở quá trình giành độc lập, tự chủ và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Theo 24h
Bí ẩn hệ thống đường hầm biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên
Theo báo mạng Đông Phương của Trung Quốc ngày 28/3, hiện nay có khoảng 17 tuyến đường ngầm bí mật do Triều Tiên thi công chạy dưới lòng đất Khu phi quân sự (DMZ) nối giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc.
Du khách tham quan trước cửa Đường hầm số 4.
Từ thập kỷ 1970 của thế kỷ trước đến nay, phía Hàn Quốc đã lần lượt phát hiện thấy 4 tuyến đường ngầm do Triều Tiên đào xuyên qua Vĩ tuyến 38 ở khu vực phụ cận DMZ.
Có 17 đường hầm?
Năm 1974, một phân đội trinh sát liên quân Mỹ - Hàn Quốc đã tình cờ phát hiện được một đường ngầm dài 3.500 mét ở độ sâu 45 mét, trong đó 1.000 mét nằm trong DMZ.
Đường hầm này được đào theo hướng đâm thẳng vào một căn cứ quân sự chung Mỹ - Hàn cách thủ đô Seoul có 65 km. Vách hầm được đổ bê-tông và xây bằng đá khối.
Khi bị phát hiện, trong đường hầm đã được lắp hệ thống dây điện cùng các bóng đèn, đường ray và xe trượt ray. Để đề phòng ứ nước, đường hầm được đào với độ chếch Bắc thấp Nam cao, lệch nhau 5 độ. Đường hầm rộng đủ để đạt công suất vận chuyển 1 trung đoàn bộ binh cùng trọng pháo/ giơ.
Tháng 3 năm 1975, một sĩ quan công binh Bắc Triều Tiên đào ngũ đã chỉ điểm cho phía Hàn Quốc tìm thấy Đường ngầm số 2 với công suất lớn gấp ba lần Đường hầm số 1, bên trong thậm chí có cả một quảng trường ngầm để tập kết quân.
Đường hầm này có 3 cửa ra dùng cho các trường hợp chiến tranh quy ước và chiến tranh đặc biệt. Đường hầm này dài 3.500 mét, cách Seoul 108 km, nằm ở độ sâu từ 50 tới 160 mét, vượt qua DMZ phía Hàn Quốc 1.100 mét, mỗi giờ có thể vận chuyển được 3.000 lính với đầy đủ trang bị cùng pháo binh, xe tăng, xe vận tải đi kèm.
Theo lời khai của một nhân viên tình báo Triều Tiên đào ngũ khác, hiện đã có tới 17 tuyến đường ngầm bí mật được miền Bắc đào xuyên qua Vĩ tuyến 38, phần lớn được thiết kế đủ rộng cho xe tăng hạng nhẹ di chuyển.
Quân đội Triều Tiên còn tiến hành cải tiến xe tăng để khi chạy dưới đường ngầm không thải ra lượng khí thải quá lớn, không để chết máy giữa đường và họ đã tiến hành diễn tập với nhiều tình huống.
Người này nói các đường ngầm đều được đào dưới độ sâu hơn 50 mét, xuyên qua đá hoa cương bằng phương pháp khoan - nổ mìn. Để giữ bí mật, đất đá được chở đi đổ ở nơi rất xa. Những thông tin của những người chạy trốn từ phía bên kia đã khiến phía Mỹ và Hàn Quốc rất bất ngờ.
Tuy nhiên, may thay cho phía Triều Tiên là người kỹ sư công binh phản bội được đưa vào khu vực Vĩ tuyến 38 trong tình trạng bị đeo băng bịt mắt nên không thể biết đích xác vị trí của các đường ngầm còn tay nhân viên tình báo cũng chỉ "nghe hơi nồi chõ" mà thôi.
Để tìm ra nhưng bí mật bên dưới lòng đất Vĩ tuyến 38, Mỹ đã đưa tới đây các chuyên gia địa chất, các chuyên gia tìm kiếm với các loại sonar, radar, thiết bị thám trắc hiện đại tiến hành tìm kiếm vào các đêm khuya thanh vắng với hy vọng phát hiện các tuyến đường hầm thông qua những âm thanh của động cơ hoặc chấn động của các vụ nổ mìn.
10.000 lính có thể đi trong đường hầm
Trong số các đường hầm đã bị Hàn Quốc phát hiện, Đường hầm số 3 nổi tiếng nhất, được tìm thấy vào ngày 17-10-1978 bởi nguồn tin quan trọng do nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên phản bội nói trên cung cấp.
Nằm cách làng đình chiến Panmunjun 4 km về phía Nam, cách làng gần nhất của Hàn Quốc chỉ 3,5 km, cách Seoul chỉ 44 km. Đường hầm này nằm ở độ sâu hơn 73 mét, dài 1.635 mét, cao 2 mét, rộng 2 mét, mỗi giờ có thể đưa được 10 ngàn lính trang bị đầy đủ hoặc 3 vạn lính đi người không xâm nhập.
Để tìm kiếm đường ngầm, quân đội Mỹ đã lập ra một kế hoạch tuyệt mật, tập trung một số lượng lớn các thiết bị khoan dàn hàng ngang đặt cách nhau chỉ 1,8 mét/máy, mấy trăm máy cùng lúc khoan vào lòng đất.
Tháng 6-1978 kế hoạch này bắt đầu thực thi, khoan đến độ sâu 68 mét chưa thấy gì khoan tiếp đến độ sâu 73 mét thì đụng đường ngầm. Tin tức truyền đi làm chấn động chính giới Mỹ, Hàn Quốc, lập tức quân đội hai nước được đặt vào tình trạng báo động chiến đấu. Cứ khoan tìm theo hàng ngang, họ lần lượt phát hiện ra các đường ngầm khác.
Tháng 12-1978, Tổ điều tra của Liên hợp quốc đã tới tiến hành điều tra hiện trường các đường hầm này 2 triệu người dân Seoul xuống đường biểu tình phản đối "Đường ngầm Nam xâm" nhưng phía Triều Tiên không hề lên tiếng.
Phía Hàn Quốc đã cho lắp các cánh cửa sắt dày và đặt chướng ngại vật bít chặt cửa ra các đường hầm. Sau đó, họ mở cửa cho du khách tới tham quan các đường hầm bí mật, dĩ nhiên, du khách phải dừng bước trước cánh cửa sắt đã khóa chặt chặn lối thông sang phía Triều Tiên.
Vào tháng 5-1989, một lính Hàn Quốc tình cờ nghe thấy tiếng động cơ ầm ì dưới lòng đất. Phía Hàn Quốc lập tức sử dụng loại radar hiện đại nhất để tìm kiếm. Sau 23 ngày đào bới, cuối cùng họ đã tìm thấy một đường ngầm mới đang được phía Triều Tiên đào sang, dài 2.045 mét, nằm cách mặt đất tới 145 mét, công suất vận chuyển 30 ngàn lính/giờ. Đó chính là Đường hầm số 4 hiện đang được mở cửa đón du khách xuống tham quan nhưng cấm quay phim, chụp ảnh.
Theo thuật lại của các du khách đã được vào tham quan thì họ được đưa vào bên trong bằng xe điện, đi khoảng 300 mét thì xuống đi bộ tới nơi phân tuyến giữa hai bên. Đường hầm được phía Triều Tiên khoan xuyên thủng qua núi đá hoa cương. Tuy nói là đường hầm cao 2 mét, nhưng thực tế có chỗ chỉ cao quá đầu người, du khách phải đội mũ bảo hiểm, đèn trong hầm lại không sáng lắm nên cảm giác khi di chuyển trong hầm rất âm u, ngột ngạt. Du khách đi khoảng 100 mét thì tới hàng rào kẽm gai, phía sau là cánh cửa thép dày bịt kín lối thông sang Triều Tiên.
Hồi tháng 5/2012, Tướng Neil H. Tolley, Tư lệnh lực lượng đặc biệt Mỹ ở Hàn Quốc đã gây xôn xao khi tuyên bố tại một hội nghị tổ chức ở Florida rằng: Có nguồn tin nói Triều Tiên đã xây dựng mấy ngàn đường ngầm và các căn cứ quân sự dưới lòng đất. Tướng Neil H. Tolley nhắc đến 20 sân bay ngầm và mấy ngàn trận địa pháo ngầm của Triều Tiên.
Giới quân sự Hàn Quốc nói tuy họ không thể xác định được Triều Tiên đã đào đường ngầm ở đâu, nhưng tin rằng chúng đều nằm trong lãnh thổ Triều Tiên.
Một quan chức Bộ Quốc phòng đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn đường ngầm của Triều Tiên đã chạy tới thị trấn Hua-cheng, cách DMZ 30 dặm Anh, cách Seoul chỉ 10 dặm. Ông này cho rằng điều kiện kỹ thuật hiện nay không cho phép Triều Tiên làm được điều này.
Theo vietbao