Cuộc chiến trong lòng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
Trong bối cảnh tòa án trọng tài quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc, những cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông trong nội bộ Trung Quốc cũng trở nên nóng bỏng, gay gắt hơn.
Theo Foreign Policy, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho tới Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Phó Tham mưu trưởng của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đều khăng khăng tuyên bố theo đuổi lập trường vô lý rằng, các chuỗi đảo ở Biển Đông là vùng lãnh thổ không thể chối cãi của của nước này. Theo đó, Bắc Kinh ngụy biện rằng, các hành động của nước này trong khu vực là những biện pháp hợp pháp nhằm để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cố gắng trấn an các nước láng giềng trong khu vực cũng như dư luận quốc tế rằng, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ và xây dựng các căn cứ quân sự trên một số đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, những tuyên bố trên của Bắc Kinh không thuyết phục được dư luận. Trong đó Philippines và Mỹ cáo buộc, Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, theo đuổi quyền bá chủ khu vực.
Thế còn dư luận Trung Quốc nghĩ gì về vấn đề Biển Đông? Trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc có thể sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc trong một vài tuần tới, các cuộc tranh luận về Biển Đông trong lòng Bắc Kinh cũng trở nên nóng bỏng, gay gắt hơn.
Theo Foreign Policy, hiện có 3 luồng tư tưởng chính trong dư luận cũng như giới phân tích Trung Quốc về chính sách Biển Đông của Bắc Kinh, bao gồm: Trường phái thực tế, trường phái bảo thủ và ôn hòa. Những người theo trường pháp thực tế cho rằng, chính sách Biển Đông hiện tại của Bắc Kinh là “hợp lý, không cần điều chỉnh”. Theo đó, họ cho rằng, “Bắc Kinh đang bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện cần thiết (về mặt quân sự như triển khai thêm tàu tuần tra, chiến hạm, máy bay, tên lửa…) trong khu vực”.
Nhóm này xem việc tăng cường hiện diện ở Biển Đông để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh (dù bị các nước láng giềng trong khu vực cũng như dư luận quốc tế lên án, chỉ trích) là quan trọng hơn so với các yếu tố như danh tiếng hay hình ảnh.
Các tàu chiến Trung Quốc rời cảng ở đảo Hải Nam để tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Trong khi đó, luồng tư tưởng thứ 2 là nhóm bảo thủ, những người cho rằng, Bắc Kinh cần phải có những động thái cứng rắn hơn nữa để bảo vệ yêu sách lãnh thổ của nước này trên Biển Đông.
Nhóm bảo thủ kêu gọi Bắc Kinh cần tiếp tục mở rộng phạm vi lãnh thổ cũng như đẩy mạnh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Sự bành trướng như vậy bao gồm, biến các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự, tiến tới kiểm soát toàn bộ khu vực địa chiến lược này bằng cách hợp thức hóa Đường Lưỡi bò phi lý thành đường phân địch ranh giới lãnh thổ trên biển.
Nhóm bảo thủ muốn tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông, không quan tâm đến sự lo ngại, phản đối của các nước láng giềng và quốc tế.
Nhóm thứ 3 là những người ôn hòa. Nhóm này tin rằng, Trung Quốc sẽ dần dần điều chỉnh chính sách về Biển Đông và việc này chỉ là vấn đề thời gian. Họ cũng cho rằng, sự mơ hồ hiện nay của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đang làm mất hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời làm gia tăng cảm giác ngờ vực của thế giới bên ngoài đối với Trung Quốc, gây hại cho lợi ích của nước này.
Nhóm này nhấn mạnh, Bắc Kinh cần phải làm rõ bản đồ Đường Lưỡi bò bằng các bằng chứng thuyết phục và cảnh báo, việc cố tình duy trì sự mơ hồ về vấn đề này sẽ gây trở ngại cho các thỏa hiệp ngoại giao.
Ngoài ra, nhóm ôn hòa nhấn mạnh, sẽ là phản tác dụng nếu Bắc Kinh cố biến Đường Lưỡi bò phi lý thành đường phân địch ranh giới lãnh thổ trên biển bởi nếu làm như vậy Trung Quốc sẽ bị xem là kẻ thù của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cũng như Mỹ, khiến nước này bị cô lập và sẽ phải đối mặt với những nguy cơ đáng ngại.
Tuy nhiên, dù quan điểm khác biệt ít hay nhiều thì cả 3 nhóm hiện thực, bảo thủ, ôn hòa ở Trung Quốc đều chia sẻ chung một điều, đó là việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là cần thiết và phải làm, không sớm thì muộn bất chấp dư luận quốc tế nhiều lần chỉ trích động thái này của Trung Quốc là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Theo Danviet
Putin và chuyến thăm Trung Quốc trước thềm phán quyết 'đường lưỡi bò'
Giới chuyên gia cho rằng việc Nga tuyên bố ủng hộ một phần lập trường Biển Đông của Trung Quốc trước khi tòa quốc tế ra phán quyết không phải là "món quà miễn phí".
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cố gắng tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế khi ông thăm Trung Quốc vào ngày 25/6.
Các quan chức trong chính phủ của ông Putin nói rằng họ muốn tăng cường quan hệ thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương để bù đắp tổn thất đầu tư nước ngoài do châu Âu và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các biện pháp cấm vận này đã khiến Nga không được tiếp cận với nguồn tài chính phương Tây, theoWSJ.
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra vào thời điểm ngoại giao nhạy cảm đối với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tích cực vận động các chính phủ nước ngoài ủng hộ lập trường của Bắc Kinh, trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Chương trình nghị sự tại Bắc Kinh dự kiến gồm các vấn đề thương mại, đầu tư và các vấn đề quốc tế, chính phủ hai nước cho biết. Các cuộc họp sẽ cho kết quả là "một số văn kiện chính trị quan trọng" và "văn kiện hợp tác thực chất", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết trong tuần này.
Giới quan sát nói rằng các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những nỗ lực để tích hợp sáng kiến Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga khởi xướng và đưa ra các thỏa thuận về việc Nga xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc cũng như Trung Quốc đầu tư cơ sở hạ tầng tại Nga, chẳng hạn như đường sắt cao tốc.
Tháng trước, Trung Quốc đồng ý cung cấp khoản vay trị giá 400 tỷ rúp (6,2 tỷ USD) để phát triển một tuyến đường sắt cao tốc giữa Moscow và Kazan, mở đường cho một thỏa thuận chính thức vào cuối tuần này. Một số nhà phân tích cũng cho rằng hai chính phủ sẽ thúc đẩy xây dựng một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng đất của Nga tại Bắc Cực, được hỗ trợ bởi khoản vay 12 tỷ USD từ hai ngân hàng nhà nước Trung Quốc.
"Tăng cường hợp tác kinh tế là vấn đề quan trọng đối với cả hai nước", đặc biệt là khi có những biến cố gần đây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và Nga, Chen Yurong, giám đốc nghiên cứu Âu - Trung Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế do Bộ Ngoại Trung Quốc vận hành, nói. "Hai nước có rất nhiều cơ hội đầu tư củng cố lẫn nhau, chẳng hạn như về năng lượng, giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng".
'Có đi có lại'
Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moscow, đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc được thiết kế cẩn thận như một màn thể hiện quan hệ đối tác, ràng buộc bởi các giao thức cho thấy lãnh đạo hai bên có vị thế bình đẳng. Tuy nhiên, ông Gabuev cho rằng Nga đang ở "chiếu dưới". Các lệnh trừng phạt với Nga vẫn được giữ nguyên, môi trường đầu tư của Nga nghèo nàn và tình hình giá cả hàng hóa trong nước ngày càng tồi tệ.
"Nga đang nghiêng về hướng phụ thuộc không đối xứng này, họ cần Trung Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc cần Nga", ông nói. "Trong các thỏa thuận, Trung Quốc có thể là những người đàm phán thực sự rắn".
Nga xích lại gần Trung Quốc khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow năm 2014 do khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước lên án Nga sáp nhập Crimea. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể tìm kiếm cách tiếp cận "có đi có lại" với Nga, vì những khó khăn ngoại giao Bắc Kinh đối mặt trong những tuần gần đây.
PCA dự kiến ra quyết định về vụ kiện của Philippines trong tháng nàyhoặc đầu tháng sau, theo báo Philippines. Dù khăng khăng tuyên bố tẩy chay vụ kiện, Trung Quốc gần đây phát động một chiến dịch lôi kéo quy mô lớn, nhằm xây dựng một liên minh đa quốc gia để bác bỏ thẩm quyền của tòa.
Alexander Korolev, một nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Nga thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Singapore, cho rằng ông Tập "sẽ muốn một cái gì đó tương tự như những gì Trung Quốc đã thể hiện với Nga trong khủng hoảng Ukraine, cụ thể là 'tỏ vẻ bình thường' trên tất cả các mặt, không chỉ trích rõ ràng và không tham gia bất kỳ biện pháp trừng phạt nào".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 4 nhắc lại rằng Moscow phản đối "quốc tế hóa" các tranh chấp Biển Đông, ủng hộ lập trường của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, mặc dù ông không nói chính xác lập trường của Moscow về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Đổi lại cho sự ủng hộ của Moscow với Bắc Kinh, ông Putin có thể mong đợi Trung Quốc đầu tư thêm ở vùng Viễn Đông Nga và Siberia, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng.
"Việc Nga ủng hộ một phần lập trường của Trung Quốc, hoặc không chỉ trích họ về vấn đề Biển Đông không phải là món quà miễn phí", ông Korolev nói. "Có lý do để suy đoán rằng Nga muốn có kết quả bằng hành động hơn lời nói".
Phương Vũ
Theo VNE
Mỹ cảnh báo Trung Quốc ngừng gây hấn sau phán quyết Washington tuyên bố sẽ duy trì cam kết an ninh ở khu vực, đối phó với bất cứ hành động gây hấn nào của Trung Quốc. Reuters đưa tin, Mỹ hôm 22-6 đã kêu gọi Trung Quốc tránh gây thêm các hành động khiêu khích sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền...