Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Vì sao khó đạt được hỏa thuận?
Những ngày gần đây, số người lạc quan cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại đang tăng lên, nhất là khi hai bên bước vào vòng đàm phán mang tính quyết định trong tuần này tại Washington.
Tuy nhiên, theo hãng tin tài chính Bloomberg, các nhà đầu tư lại đang “quên” một điều là các cuộc đàm phán đã trở thành phép thử độ bền bỉ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này – hay nói đúng hơn, đây là cách để đánh giá chính xác sức chịu đựng của mỗi nước đến đâu.
Chưa thấy dấu hiệu đột phá
Trong thực tế, cả Mỹ và Trung Quốc đều không có đủ sức mạnh để áp đặt lý trí lên nước kia. Mỹ không có khả năng buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tuân theo, trong khi Trung Quốc cũng không đủ mạnh để xa rời thế giới phương Tây. Cho đến nay, họ vẫn đang phải đối mặt với thực tế đó, do đó họ sẽ không bao giờ có thể đạt được một thỏa thuận kéo dài.
Điều chúng ta biết về các cuộc đàm phán hiện tại là hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc Trung Quốc mua số lượng lớn đỗ tương, vi mạch và các sản phẩm khác của nước này. Hai bên dường như cũng đạt được một số tiến triển trong việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các Cty nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên có thể đạt được bước đột phá trong các vấn đề “cấu trúc” – Mỹ đòi hỏi phải có sự cải cách lớn trong các chính sách của Trung Quốc mà theo nước này là không công bằng với các DNMỹ, chẳng hạn như trợ cấp cho các Cty Trung Quốc và ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Đây sẽ là vấn đề cốt lõi cho bất kỳ thỏa thuận nào, những cải cách sẽ phải thay đổi cơ bản nền kinh tế của Trung Quốc và thúc đẩy cạnh tranh dựa trên thị trường nhiều hơn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang căng thẳng. Ảnh tư liệu
Thuế quan là chiến lược thất bại
Không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc sẽ tỏ ra lưỡng lự nhượng bộ bởi vì việc đáp ứng các yêu cầu của Mỹ sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải điều chỉnh lại cách nền kinh tế nước này đang vận hành. Đây cũng là vấn đề cực kỳ khó khi phải ép các nước làm những việc họ thực sự không muốn. Nên nhớ rằng, Triều Tiên đã quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân như thế nào bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế làm kiệt quệ nền kinh tế của nước này.
Năm 1973, khi các quốc gia Arab áp đặt cấm vận dầu lửa đối với Mỹ nhằm trả đũa nước này vì ủng hộ Israel, người Mỹ đã chọn cách chờ đợi thay vì cắt đứt quan hệ với đồng minh Trung Đông. Những thống kê gần đây cho thấy, việc cố gắng khuất phục Trung Quốc bằng thuế quan là một chiến lược thất bại. Ví dụ, theo dữ liệu thương mại hồi tháng 1-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng hơn 9%, trong khi Mỹ giảm 2,4%. Mặt khác, đối với Trung Quốc, thị trường Mỹ cũng quan trọng như các thị trường còn lại của thế giới. Thậm chí, ngay cả khi tập đoàn công nghệ Huawei – đang phải đối mặt với một chiến dịch phối hợp của Mỹ ngăn chặn sử dụng thiết bị của Cty này cho các mạng lưới 5G – vẫn có thể phát đạt khi tập trung vào các thị trường không phải phương Tây. Năm ngoái, thị phần toàn cầu của Huawei trong điện thoại thông minh gần bằng của hãng Apple, theo báo cáo của Cty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.
Video đang HOT
Tổn thất thương mại
Trong lúc đó, Trung Quốc đã gây ra một số tổn thất thương mại cho Mỹ. Hãy hỏi những người nông dân trồng đậu tương của Mỹ, sản lượng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc đã giảm mạnh khi những nhà nhập khẩu của nước này đã quay sang Brazil và các nước khác giữa lúc chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung diễn ra. Trung Quốc đã phớt lờ nhiều “thời hạn chót” trong suốt năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, không phải vì thuế quan mà vì những vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế nội địa, chẳng hạn như nợ tăng cao và nỗ lực giảm nợ của chính phủ, chủ yếu bằng cách kiểm soát mở rộng tín dụng.
Có lẽ các nhà chức trách ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc không cần phải tiếp cận các khách hàng cũng như công nghệ của phương Tây và các đồng minh của họ nữa. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản về công nghệ và sự thịnh vượng, những thứ này có thể đem đến rủi ro lớn cho tương lai của Trung Quốc. Cho dù Huawei có thể tìm thấy các khách hàng mới ở châu Phi và Trung Quốc nhưng DN này vẫn cần vi mạch của Mỹ cho các sản phẩm của mình. Đối với cả Mỹ và Trung Quốc, vấn đề không chỉ là sự kiêu ngạo. Nó là về chính sách biệt lập. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có xu hướng hoạt động khép kín. Dường như không nhà lãnh đạo nào quan tâm đến việc hiểu rõ quan điểm của nước kia.
Một thỏa thuận thương mại hời hợt sẽ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, thậm chí nếu nó tạm thời xoa dịu các thị trường. Căng thẳng sẽ tiếp tục cho đến khi Washington nhận ra hành động đơn phương của mình trong một trật tự thế giới đã thay đổi và ông Tập Cận Bình nhận ra sự phá vỡ các quy tắc toàn cầu của mình đang khiến các nước quay lưng lại với Trung Quốc. Mỗi bên sẽ phải nhận thấy điểm yếu của mình trước khi họ có thể thúc đẩy một mối quan hệ mạnh mẽ hơn.
Hồng Phúc
Theo Phapluat&xahoi
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979: Bài học nằm lòng
40 năm đã trôi qua, song những bài học rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 vẫn vô cùng quý giá, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 17/2 đúng 40 năm trước, 600.000 quân Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam. Cuộc bành trướng này tuy ngắn nhưng để lại thương vong nặng nề cho cả đôi bên và đẩy quan hệ hai nước vào tình trạng đóng băng trong một thời gian rất dài sau đó.
Mặc dù vậy, trải nghiệm đau thương này cũng giúp chúng ta đúc kết được nhiều bài học qúy giá, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vẫn còn căng thẳng và tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Có lẽ bài học đầu tiên và lớn nhất có thể rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc tháng 2/1979 là không được phép đánh giá thấp nỗi lo sợ của một cường quốc. Các cường quốc vẫn có những mối lo ngại về an ninh và một khi lo sợ, rất có thể họ sẽ chủ động dùng vũ lực để trấn an bản thân.
Ở thời điểm Trung Quốc tấn công bành trướng chúng ta, tuy không mạnh như Mỹ hay Liên Xô nhưng nước này vẫn có thể được coi là một nước lớn ở khu vực Châu Á. Hơn nữa, Trung Quốc khi đó đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân, đồng nghĩa với việc họ có thể răn đe mọi đối thủ có ý định tấn công lãnh thổ của mình.
Với lãnh thổ rộng lớn, Trung Quốc gần như là một "pháo đài bất khả xâm phạm" trước kẻ địch. Vì vậy trên lý thuyết, Trung Quốc có ít lý do để lo sợ trước Liên Xô, bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Thế nhưng từ góc nhìn của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khi đó thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Điều duy nhất họ thấy là Liên Xô đang tìm cách vây hãm mình từ tứ phía và Việt Nam sẽ là cái chốt cuối cùng giúp Liên Xô hoàn thành "vòng kim cô" siết chặt Trung Quốc.
Ngày 17/2 đúng 40 năm trước, Trung Quốc đã tràn quân sang tấn công Việt Nam.
Lịch sử cho thấy người Trung Quốc đã không ít lần phải đối mặt với kẻ địch hùng mạnh nhưng không bị khuất phục. Dưới triều đại nhà Thanh, Trung Quốc thậm chí còn bị các cường quốc phương Tây đô hộ và chia năm xẻ bảy song dân tộc này vẫn tìm được lối thoát.
Nhưng đối với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, bản thân việc bị bao vây chiến lược như vậy đã là một mối đe doạ an ninh nghiêm trọng. Đó là một mối lo sợ vô hình, vốn chỉ tồn tại trong tâm trí các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979 cho thấy Trung Quốc không chỉ dùng đến vũ lực khi họ muốn bành trướng lãnh thổ, mà họ còn phát động vũ lực để trấn an bản thân trước các mối đe doạ. Có ý kiến hiện nay cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông bởi dùng vũ lực để chiếm đảo vô cùng rủi ro mà lại có thể "lợi bất cập hại".
Điều này tuy có thể đúng nhưng rút kinh nghiệm từ quá khứ, để duy trì được hoà bình, Việt Nam cần tính đến cả trường hợp Trung Quốc tiến hành xung đột vũ trang chớp nhoáng ở quy mô hạn chế để "dạy các nước khác một bài học" hay giành lợi thế trên bàn đàm phán ở các thời điểm nhạy cảm.
Bài học thứ hai rất đơn giản: một nước nhỏ như Việt Nam cần làm mọi cách để không bị coi là quân cờ trên bàn cờ nước lớn.
Năm 1965, quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương để đến Việt Nam với niềm tin rằng Việt Nam chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Xô và Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của "học thuyết domino", người Mỹ cho rằng Việt Nam là đạo quân tiên phong của khối xã hội chủ nghĩa và rằng nếu không đánh chặn chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, toàn bộ Đông Nam Á sẽ ngả theo Liên Xô.
Trong khi, thực chất Việt Nam là một nước độc lập và chúng ta nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa đơn thuần để phục vụ mục tiêu thống nhất đất nước chứ không phải để giúp cho Liên Xô giành lợi thế trong Chiến tranh Lạnh ở Châu Á.
Năm 1979, Trung Quốc sử dụng vũ lực bành trướng sang biên giới chúng ta cũng vì họ nghĩ rằng Việt Nam đưa quân sang Campuchia để lật đổ chế độ Khơ Me đỏ diệt chủng chỉ để giúp Liên Xô kiểm soát Đông Dương. Trong khi thực chất đây hoàn toàn là hành động tự vệ chứ không nhằm bao vây họ.
Hết lần này đến lần khác, chúng ta đều chịu thiệt bởi các nước không nhận ra rằng người Việt Nam chiến đấu vì lợi ích của dân tộc Việt Nam chứ không phải bất kỳ thế lực nào khác.
Nhìn vào vấn đề Biển Đông hiện nay, Việt Nam có lợi ích trong việc thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và tất cả các nước muốn duy trì hoà bình cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Nhưng cần tránh để bị hiểu lầm rằng Việt Nam đang ngầm phối hợp với nước này để kiềm chế nước kia. Để làm được điều này, chúng ta cần những sự hợp tác thực chất nhưng không khoa trương và đặc biệt tránh những tuyên bố dễ gây hiểu lầm về lập trường đối ngoại - quốc phòng của ta.
Cuối cùng, cách Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc bành trướng biên giới cho thấy họ tuy sẵn sàng sử dụng vũ lực nhưng vẫn hết sức cẩn trọng. Trước khi đưa quân sang Việt Nam, lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đã đích thân sang Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng chủ chốt để vận động ngoại giao và cô lập Việt Nam. Bắc Kinh đã chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng cho cuộc chiến này và họ chỉ tấn công chúng ta khi đã chắc rằng cộng đồng quốc tế sẽ không lên án hay phản ứng một cách mạnh mẽ. Nói cách khác, việc cô lập chúng ta về mặt ngoại giao có thể xem như một trong những điều kiện cần để họ phát động cuộc bành trướng vào năm 1979.
Người Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới dư luận quốc tế nên có lý do để tin rằng ngày nào Việt Nam còn được sự ủng hộ ngoại giao của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây, ngày đó Trung Quốc còn động lực để hành xử kiềm chế. Để tránh rơi vào tình trạng cô lập, Việt Nam cần chứng minh rằng mình là một thành viên tích cực của cộng động quốc tế trong nhiều vấn đề dù không trực tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của ta, đồng thời hành xử kiềm chế trong các cuộc khủng hoảng như sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014.
Những bài học trên có thể giúp Việt Nam tránh một cuộc đụng độ với Trung Quốc trong tương lai nhưng nó không thể giúp ta có được một môi trường thực sự hoà bình. Một dạng "hoà bình nóng" vốn chưa bao giờ là một trạng thái ổn định. Là nước nhỏ cạnh một nước lớn, chìa khoá để chúng ta có thể đảm bảo an ninh về lâu dài vẫn là quan hệ hữu hảo với láng giềng phương Bắc. Điều này chỉ đạt được khi hai bên có thể cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, trước hết qua việc dám nhìn thẳng vào lịch sử, chấp nhận quá khứ nhưng bàn về tương lai.
Ngô Di Lân
Theo Vietnamnet
Thế cửa giữa Nhiều quốc gia đang lâm cảnh khó xử vì vừa là đồng minh của Mỹ vừa có quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Mỹ gây áp lực để buộc các đồng minh cứng rắn với Bắc Kinh - không chỉ về thương mại mà bao gồm cả những hợp tác về mặt tình báo và quốc phòng. Việc Mỹ thuyết phục nhiều...