Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gay cấn
Ngày 9-5 theo giờ Mỹ, Trung Quốc và Mỹ bước vào vòng đàm phán thương mại mang tính chất “sống còn” với hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại vốn đang ở trạng thái mong manh sau khi Washington có kế hoạch áp đặt thuế quan quy mô lớn đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngày đàm phán đầu tiên đã kết thúc, và hai bên dự kiến bước vào ngày đàm phán tiếp theo, 10-5, trong bối cảnh chưa có tín hiệu tích cực nào cho thấy cuộc đọ sức cân não này sẽ sớm kết thúc êm đẹp.
Bắc Kinh rút lại cam kết
Trải qua một loạt cuộc đàm phán quyết liệt trong nhiều tháng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã trở lại bàn đàm phán tại Washington với vai trò đặc phái viên thương mại. Vòng đàm phán lần này diễn ra trong không khí căng thẳng sau khi các nhà đàm phán Mỹ cáo buộc Bắc Kinh rút lại những cam kết đã nhất trí trước đó. Những cam kết này là tâm điểm trong những chỉ trích của Washington cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghiệp, cũng như sự can thiệp của nhà nước vào thị trường và thâm hụt thương mại gia tăng giữa hai nước.
Đài VOA của Mỹ đêm 8-5 đưa tin Trung Quốc thay đổi hầu hết các điều kiện thỏa thuận thương mại với Mỹ. Đài này lấy lại nguồn của hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn 3 nguồn tin từ Chính phủ Mỹ và 3 nguồn tin thuộc khu vực tư nhân thông thạo vấn đề cho biết, bức điện ngoại giao gửi từ Bắc Kinh tới Washington vào tối 3-5, với những sửa đổi có hệ thống trong bản dự thảo thỏa thuận thương mại dài gần 150 trang, được cho là thổi bay nỗ lực đàm phán trong nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các nguồn tin trên, dự thảo thỏa thuận thương mại này bị phía Trung Quốc thay đổi nhiều chỗ, đi ngược lại những yêu cầu cốt lõi của Mỹ. Trong tất cả 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đều xoá đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm: Đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; Cưỡng ép chuyển giao công nghệ; Các chính sách cạnh tranh thương mại.
Theo ông Scott Kennedy, chuyên gia kinh tế và thương mại Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), dường như Bắc Kinh đã bắt đầu rút lại những cam kết đã đưa ra trước đây. Ông Kennedy cảnh báo rằng điều này có thể gây ra những nguy cơ cao là cả hai bên đều sẽ có tính toán sai lầm.
Ảnh tư liệu
Mỹ tăng cường áp lực
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bị “sốc” vì mức độ thay đổi trong dự thảo nói trên. Hai quan chức này hôm 6-5 nói với các phóng viên rằng việc Trung Quốc quay lưng lại với các cam hết đã thúc đẩy lệnh áp thuế của Tổng thống Donald Trump, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về phạm vi các sửa đổi. Trên trang Twitter, ông Trump hôm 5-5 đã dọa sẽ tăng mức thuế từ 10% đến 25% đối với lượng hàng hoá trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 10-5 theo giờ Mỹ. Đòn thuế quan này có thể có hiệu lực ngay giữa lúc ông Lưu Hạc và giới chức thương mại hàng đầu của Mỹ tiến hành đàm phán tại Washington. Lời đe dọa này khiến Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả bằng “những đòn trả đũa cần thiết.” Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9-5 tuyên bố nước này đã chuẩn bị đầy đủ để bảo vệ các lợi ích của mình trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, song hy vọng Washington có thể giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại thay vì các bước đi đơn phương.
Gần đây đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó, song sự rạn nứt sâu sắc bùng phát hồi cuối tuần qua liên quan ngôn ngữ được sử dụng trong dự thảo thỏa thuận. Hãng tin AFP cho biết, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những thay đổi sâu sắc và sâu rộng đối với nền kinh tế, ví dụ để các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường, giảm trợ cấp nhà nước, và chấm dứt nạn ăn cắp công nghệ của Mỹ. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố hùng hồn trước người dân bang Florida rằng “thời đại đầu hàng về mặt kinh tế đã qua rồi,” đồng thời tuyên bố quyết không chịu nhượng bộ.
Những quân bài trả đũa của Trung Quốc
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh vẫn nắm giữ những quân bài đáp trả Washington ngay cả khi ông Trump chơi bài tăng thuế.
Video đang HOT
Theo ông Vương Dũng – Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, trả đũa việc Mỹ tăng thuế không phải là một lựa chọn khôn ngoan cho Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang hết dần các mặt hàng của Mỹ có thể đánh thuế, và việc làm đó sẽ ngăn cản nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vẫn có các lựa chọn khác để đối phó với những căng thẳng leo thang trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay. Một trong số đó là Trung Quốc có thể hạn chế hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đồng thời “cấm cửa” đối với các doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những đòn đáp trả này của Bắc Kinh sẽ là các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, năng lượng và chế tạo của Mỹ.
Một chuyên gia thương mại khác của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các nguyên vật liệu và thiết bị trung gian mà các nhà chế tạo của Mỹ phụ thuộc vào. Theo chuyên gia này, “Mỹ dựa vào những bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc và họ sẽ không thể tìm thấy nguồn cung thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu tổn thương”.
Tuy nhiên, ông Brock Silvers, Giám đốc quản lý Kaiyuan Capital, cho rằng Trung Quốc có thể quá lạc quan về khả năng mặc cả của mình. Theo ông, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã ổn định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại vẫn cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, một ván bài thương mại trong cuộc đàm phán kéo dài hai ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn đối với Trung Quốc hơn là đối với Mỹ.
Hồng Phúc
Theo Phapluat&xahoi
Quan hệ thương mại Trung - Mỹ đi về đâu sau tuyên bố tăng thuế của ông Donald Trump?
Theo kế hoạch, ngày 8.5.2019, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đoàn 100 người tới Mỹ để tiến hành vòng đàm phán tiếp theo về thương mại Trung - Mỹ trong lúc quan chức hai bên đều bảy tỏ hy vọng về cuộc gặp gỡ Donald Trump và Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 6 với việc một hiệp nghị chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai bên.
Tuy nhiên, trưa ngày 5.5 (sáng 6.5 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố trên Twitter rằng: mức thuế 10% hiện thời đối với 200 tỷ USD hàng hóa sẽ được tăng lên 25% vào thứ Sáu tới tức 10.5 và 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa đánh thuế có thể phải đối mặt với mức thuế 25%.
Với tuyên bố tái đánh thuế hàng hóa Trung Quốc của ông Donald Trump, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ có nguy cơ tái diễn.
Với tuyên bố này của ông Donald Trump, quan hệ thương mại Trung - Mỹ tưởng như đã sắp thoát khỏi tình trạng bế tắc lập tức quay lại thời kỳ đen tối. Sau tuyên bố của ông Donald Trump, thị trường chứng khoán Trung Quốc lập tức lao dốc... Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,7%, trong khi Shanghai Composite giảm 5,3%, Shenzhen Composite giảm 5,56%.
Theo báo chí Mỹ, ông Trump viết: "Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đã trả cho Mỹ 25% thuế suất cho 50 tỷ USD sản phẩm công nghệ cao, ngoài ra còn nộp 10% mức thuế cho 200 tỷ U USD sản phẩm khác. Số tiền thuế này đã mang lại thành quả kinh tế tốt đẹp cho chúng ta. Từ ngày 10.5 tới đây, mức thuế 10% sẽ được nâng lên 25%. 325 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang Mỹ vẫn chưa tăng thuế, nhưng sẽ nhanh chóng được áp mức thuế 25%. Việc tăng thuế không ảnh hưởng nhiều lắm đến giá thành sản phẩm, chủ yếu do phía Trung Quốc gánh chịu".
Vòng đàm phán thương mại Trung - Mỹ lần thứ 11 dự kiến diễn ra ngày 8.5 tới có thể không diễn ra.
Ông Trump viết thêm: "Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp tục, nhưng diễn tiến quá chậm, vì họ tìm cách đàm phán lại. Không thể được!". Giới quan sát cho rằng, câu này đã cho thấy nguyên nhân thật sự của việc ông Trump quyết định khôi phục việc đánh thuế và tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc
Hôm 1.5, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã kết thúc vòng đàm phán thương mại với Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Bắc Kinh. Người phát ngôn Nhà Trắng ra tuyên bố nói, cuộc đàm phán "đạt kết quả tích cực", hai bên sẽ tiếp tục vòng đàm phán tiếp theo tại Washington vào ngày 8.5... Chính bản thân ông Trump cũng có những đánh giá tích cực về các cuộc đàm phán và đặt kỳ vọng vào cuộc gặp cuối cùng diễn ra tại Mỹ hôm 8.5 tới trước khi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Trung giữa ông Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là vào tháng 6.2019.
Liệu tuyên bố của ông Donald Trump trên Twitter có dẫn đến việc ông Lưu Hạc hủy bỏ chuyến đi tới Mỹ như hồi năm ngoái? Vào tháng 9.2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc theo kế hoạch dự định sẽ dẫn đoàn tới Mỹ đàm phán. Nhưng vào 17.9 (một tuần trước ngày đoàn lên đường), ông Donald Trump đã tuyên bố từ ngày 24.9.2018 bắt đầu đánh thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và nâng lên 25% kể từ ngày 1.1.2019. Hành động này của ông Trump đã gây nên phản ứng của phía Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định hủy bỏ chuyến đi của ông Lưu Hạc, chấm dứt cuộc đàm phán giữa hai bên. Khi đó Trung Quốc dự tính chờ đợi kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, nếu Đảng Cộng hòa thất bại thì Trung Quốc có thể sẽ chiếm địa vị có lợi trong cuộc đàm phán...
Quyết định khôi phục đánh thuế của ông Donald Trump gây bất ngờ cho Trung Quốc và quốc tế.
Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 5.5 không nói rõ liệu tuyên bố của ông Trump có ảnh hưởng đến vòng đàm phán tiếp theo hay không? Phản ứng của phía Trung Quốc cũng không thật rõ ràng. Chiều 6.5, tại cuộc họp báo, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ông Trump tuyên bố tăng thuế và vòng đàm phán thương mại Trung - Mỹ tiếp theo, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: "Về việc Mỹ đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, chuyện như thế trước đây cũng từng xảy ra. Lập trường và thái độ của Trung Quốc rất rõ ràng, phía Mỹ cũng biết rất rõ. Đàm phán thương mại Trung - Mỹ đã tiến hành được 10 vòng, giành được tiến triển tích cực. Việc cấp bách hiện nay là chúng tôi mong hai bên Mỹ - Trung cùng nỗ lực, đi cùng một hướng, đạt được một hiệp nghị cùng thắng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Điều này không chỉ phù hợp với lợi ích của phía Trung Quốc mà cũng phù hợp với lợi ích của phía Mỹ và là điều cộng đồng quốc tế trông đợi".
Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Trong và ngoài nước đều rất quan tâm tới vòng đàm phán tới đây, cộng đồng quốc tế cũng bình luận rất nhiều, chúng tôi cũng đang tìm hiểu tình hình, đoàn đại biểu Trung Quốc đang chuẩn bị tới Mỹ để đàm phán". Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 11 sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 8.5 tại Washington.
Ông Larry Kudlow: quyết định đánh thuế trở lại của ông Donald Trump là lời cảnh cáo đối với Trung Quốc.
Sau khi chạy đua leo thang áp thuế lên hàng hóa của nhau vào năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc đã quay trở lại bàn đàm phán và trong những tuần gần đây, dường như tiến gần đến một thỏa thuận thương mại. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin còn mô tả các cuộc đàm phán được tổ chức tại Bắc Kinh có "hiệu quả". Việc ông Trump bất ngờ tuyên bố quay lại đánh thuế đã khiến Trung Quốc và cả quốc tế bất ngờ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, chiều 5.5 nói với Fox News rằng tweet của tổng thống là "một sự cảnh cáo đối với Trung Quốc". Ông nói: "Tôi cho rằng, tổng thống đã đưa ra lời cảnh cáo. Trước đây chúng ta đã nhân nhượng, chúng ta đã tạm thời duy trì mức thuế 10% mà lẽ ra phải là 25%. Nếu đàm phán không thành công thì chúng ta không thể dừng ở đây".
Ông Michael Pillsbury, người phụ trách nghiên cứu về Trung Quốc của Viện nghiên cứu Hudson Institute cho rằng, ông Larry Kudlow đã "giảm nhẹ ý định thực sự của Tổng thống". Ông cho rằng, ý định của ông Trump là thực sự, nghiêm túc, không chỉ là lời cảnh báo, nếu chỉ coi đây là lời cảnh cáo sẽ làm tổn hại đến danh dự nước Mỹ. Ông Michael Pillsbury nói, sở dĩ Tổng thống Donald Trump viết những lời này là do ông Robert Lighthizer báo cáo Trung Quốc đã thay đổi lập trường, rút lại những cam kết của họ về một số vấn đề. Ý kiến của ông Michael Pillsbury có vẻ có lý bởi trong dòng tweet của mình, ông Trump có nói: "Trung Quốc định đàm phán lại (renegotiate)". Điều này mang ý nghĩa Trung Quốc hối hận, muốn rút lại những điều họ cam kết trước đó và đàm phán lại từ đầu.
Ông Michael Pillsbury: tuyên bố của ông Trump nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi lập trường.
Từ phát biểu của ông L.Kudlow hôm 5.5 thì có thể Trung Quốc muốn rút lại những cam kết của họ về hai vấn đề lớn là: cải cách mang tính kết cấu và biện pháp đảm bảo thực thi.
Trước đó, hôm 3.5, Phó Tổng thống Mike Pence khi trả lời phỏng vấn Đài CNBC cũng đã nói: Tổng thống đã nói rõ với ông Tập Cận Bình rằng Mỹ muốn thấy Trung Quốc cải cách kết cấu, bao gồm thay đổi tình trạng lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng ép công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ. Ông nói: "Trung Quốc cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ và lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ là một thực tế không còn bàn cãi. Tổng thống Donald Trump nói đã biết rất rõ, Trung Quốc cần phải thay đổi trong vấn đề kết cấu và mậu dịch không cân bằng; chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì lập trường này".
Khi phóng viên CNBC hỏi về việc liệu Mỹ - Trung có đạt được hiệp nghị mậu dịch và Mỹ có giữ lại một phần thuế quan hay không? Ông Mike Pence trả lời: toàn bộ vấn đề thực thi là một bộ phận đang được thảo luận, "chúng ta hãy chờ xem" và nói thêm: "Chúng ta đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống cho rằng chúng ta đang ở thế có lợi. Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận thì chúng ta sẽ tăng thuế. Nhưng phương thức thực thi thuế quan sẽ trở thành một phần của cơ chế thực thi, tất cả những cái này đều là chủ đề chúng ta đang thảo luận".
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một nhà phân tích nói, nhiều quan chức Trung Quốc tỏ vẻ kinh ngạc về dòng tweet của ông Trump. "Trung Quốc sẽ không đến Mỹ đàm phán trong tình trạng bị dí súng vào đầu". Tờ báo viết, vài quan chức Trung Quốc cho biết họ sẽ không khuất phục trước chiến thuật gây sức ép, sẽ không đàm phán dưới sự uy hiếp.
Hãng Bloomberg dẫn lời một số nhân sĩ cho rằng, Trung Quốc đang xem xét trì hoãn chuyến đi Mỹ vào tuần tới của ông Lưu Hạc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời của "nguồn thạo tin" nói: Trung Quốc đang xem xét lại hành trình tới Mỹ của ông Lưu Hạc. Trong đó có việc trì hoãn hành trình hoặc hủy bỏ hoàn toàn chuyến đi này. Báo này nói, ông Lưu Hạc có thể sẽ lên đường muộn hơn dự kiến 3 ngày. Ông Cảnh Sảng chiều 6.5 tuy nói đoàn đại biểu thương mại Trung Quốc vẫn đang chuẩn bị tới Mỹ, nhưng không tiết lộ ông Lưu Hạc có đi hay không.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, Hồ Tích Tiến cho rằng ông Lưu Hạc không nên đến Mỹ để đàm phán.
Trong khi đó, phản ứng của dư luận Trung Quốc có sự khác nhau. Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu - một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo được cho là mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc đã viết trên Twitter, cho rằng Phó Thủ tướng Lưu Hạc không nên tới Mỹ. "Cứ để cho Donald Trump tăng thuế, xem đàm phán mậu dịch đến khi nào mới được khởi động trở lại".
Giáo sư Trần Ba ở Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung khi trả lời phỏng vấn tờ "Liên hợp Buổi sáng" đã phân tích: sự thay đổi lập trường của ông Trump có thể là thủ đoạn đàm phán, nhất là đàm phán đến giờ vẫn còn một số vấn đề có tính kỹ thuật chưa giải quyết được nên ông Trump tung ra những lời lẽ nặng cân này nhằm giành được lợi ích.
Trần Ba cũng nói, việc số liệu kinh tế mới nhất được Mỹ công bố hồi tháng trước cho thấy, kinh tế Mỹ đang ở đỉnh cao khiến ông Trump có thêm vốn liếng đàm phán. Kinh tế Mỹ quý I năm nay tăng 3,2%, vượt quá dự đoán của thị trường.
Trần Ba cho rằng, nếu ông Lưu Hạc xác nhận hủy bỏ hành trình tới Washington thì cuộc chiến mậu dịch sẽ tiếp tục leo thang và đạt đến đỉnh cao, tất cả hàng hóa của hai bên sẽ bị de dọa bởi thuế quan, có nghĩa là đạt đến giới hạn, chẳng còn gì có thể mang ra đánh nữa. Nhưng, nếu ông Lưu Hạc vẫn quyết định đi Washington thì đàm phán mậu dịch vẫn còn cơ hội.
Theo VietTimes
Mỹ có thể dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc Ngày 3/3, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ có khả năng sẽ dỡ bỏ hầu hết hoặc tất cả các loại thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) trong cuộc...