Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Cái nhìn xa hơn của Tổng thống Trump
Không chỉ vì thâm hụt thương mại, cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là một nỗ lực của Mỹ nhằm cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau 4 tháng vừa đàm phán, vừa đe dọa qua lại, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc cuối cùng cũng nổ ra hồi đầu tháng 7, khi mức thuế 25% của Mỹ với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Chính quyền Mỹ đã đe dọa áp thêm thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
(Ảnh minh họa: CNN)
Bề ngoài, cuộc chiến thương mại này được khơi nguồn trực tiếp từ cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đối với việc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau đó là một bức tranh phức tạp hơn rất nhiều.
Cuộc chiến tất yếu
Từ đầu tháng 1/2018, khi vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ vẫn chưa thu hút sự chú ý hoàn toàn của giới truyền thông, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 30% đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu, mà chủ yếu trong số đó là hàng sản xuất tại Trung Quốc.
Tiếp đó đến tháng 2/2018, Bộ Thương mại Mỹ lại khơi mào điều tra sản phẩm ống nối lắp ráp nhập khẩu từ Trung Quốc. Và kết quả là các biện pháp thuế chống bán phá giá đã ngay lập tức có hiệu lực.
Chưa hết, 2 tuần sau, đến lượt sản phẩm tấm lá nhôm của Trung Quốc chịu chung số phận bị áp thuế chống bán phá giá.
Tất cả những biện pháp đó chỉ như “màn dạo đầu” cho thông báo của Tổng thống Donald Trump cuối tháng 3/2018 về việc áp thuế với 1.300 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kể từ đó, căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang chóng mặt, dẫn tới một cuộc chiến thương mại thực sự, một cuộc chiến dường như là không thể không xảy ra sau hàng loạt tranh cãi trước đó.
Trong khi một số nhà quan sát cho rằng cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào là “điên rồ” hay “mất trí” bởi Bắc Kinh đang nắm trong tay những “vũ khí” cực mạnh để đáp trả lại Washington, số khác lại cho rằng điều quan trọng là phải nhìn xa hơn những biểu hiện đơn thuần trên bề mặt để xem xét vì sao Tổng thống Mỹ lại phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào đúng thời điểm này.
Nỗi sợ mang tên “Made in China”
Video đang HOT
Trước hết, về bối cảnh, Mỹ đã từng dùng Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 về phân chia sở hữu tài sản, trong đó có sở hữu trí tuệ, để chống lại Trung Quốc 5 lần trước đây. Lần nào cuộc điều tra của Mỹ cũng dẫn tới những tranh cãi thương mại. Nhưng cả 5 lần đó, tranh cãi giữa đôi bên cuối cùng đều được giải quyết mà không dẫn tới 1 cuộc chiến thương mại.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại một thời gian khá lâu. Đó là chưa kể thâm hụt thương mại giữa 2 nước có thể không lớn như một số báo cáo ước tính. Theo công ty phân tích hàng đầu thế giới Oxford Economics, cán cân thương mại Mỹ – Trung, nếu nhìn theo tương quan với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì gần như duy trì ổn định từ năm 2009 đến nay.
Vậy nếu thâm hụt thương mại không phải là vấn đề trọng tâm của cuộc tranh cãi này thì điều gì đã thúc đẩy Mỹ phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc?
Một mục tiêu thực tế có thể là ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, cụ thể hơn là những ngành công nghiệp được xác định trong “Sáng kiến sản xuất tại Trung Quốc 2025″ (Made in China 2025 Initiative). Đây là một chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy 10 lĩnh vực quan trọng về mặt chiến lược và công nghệ như là mạng lưới 5G và an ninh mạng, robot và các công cụ chính xác công nghệ cao, hàng không vũ trụ… Phần lớn những lĩnh vực này đang bị các công ty của phương Tây thống lĩnh.
Nhưng với việc triển khai một chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao trong nước, Trung Quốc có thể bị coi là đang trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ trên “sân chơi” mà lâu nay Washington nắm thế thượng phong. Lorand Laskai, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Hội đồng về Quan hệ quốc tế (CFR) đã chỉ rõ rằng, chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc 2025″ đang hình thành “một mối đe dọa hiện hữu thực sự đối với vị thế thủ lĩnh công nghệ của Mỹ”.
Thứ hai là với việc khơi mào một cuộc chiến thương mại, Mỹ cũng có thể phản ứng lại với mô hình phát triển nhà nước của Trung Quốc, mà nhiều người ở Mỹ cho là một mối đe dọa đối với hệ thống thị trường tự do.
Không thể phủ nhận là kinh tế Trung Quốc hiện do thị trường điều phối theo rất nhiều cách. Nhưng Mỹ cho rằng vẫn có quá nhiều bộ phận vô cùng quan trọng của di sản kinh tế kế hoạch ở Trung Quốc được giữ lại một cách có chủ ý.
Với mô hình phát triển nhà nước đó, chính phủ Trung Quốc đang dung dưỡng rất nhiều ngành công nghiệp, trong đó có những lĩnh vực công nghệ cao, bằng các chính sách bao cấp hoặc những hình thức hỗ trợ khác.
Và điều này bị Mỹ coi là một sự méo mó đối với thị trường, khiến cho các đối thủ của Trung Quốc chịu những bất lợi, bất công mãi mãi. Cuộc chiến thương mại vì thế có thể là coi là một cách tấn công vào mô hình phát triển của Trung Quốc.
2 lựa chọn chiến lược của Mỹ
Để hiểu được hết cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, Phó giáo sư – Tiến sỹ Liu Wei của trường Chính sách và Hành chính công, Đại học Nhân dân Trung Hoa cho rằng điều quan trọng là phải đặt cuộc chiến đó trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là quan hệ Mỹ – Trung.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy, cuộc tranh luận về “mối đe dọa mang tên Trung Quốc” đã nổi lên ở Mỹ và kéo dài dai dẳng, xoay quanh việc ngăn chặn hay bắt tay với Bắc Kinh, coi đó như là 2 lựa chọn chiến lược cho chính sách của Mỹ với Trung Quốc trong những năm 1990.
Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã chọn cách tiếp cận bắt tay với Trung Quốc. Như ông Clinton từng giải thích, việc bắt tay cùng với Trung Quốc có thể thúc đẩy nước này “tăng cường cải cách bên trong và hướng tới chấp nhận quy định luật pháp”. Sau khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2000, ông Clinton tuyên bố thêm rằng Bắc Kinh đã “đồng ý du nhập một trong những giá trị được trân trọng nhất của nền dân chủ: tự do kinh tế”.
Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ được hưởng chính sách “bắt tay” của Mỹ, Trung Quốc không những chưa đạt được độ tự do về kinh tế và chính trị như Washington kỳ vọng mà còn vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ Hai thế giới, đe dọa trực tiếp đến ngôi vị số Một của Mỹ. “Mối đe dọa mang tên Trung Quốc” vì thế mà càng trở nên hiện hữu, bùng phát mạnh mẽ như lửa được đổ thêm dầu.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại hiện nay có thể coi như là một sự “xoay trục” của Washinton trong chính sách đối với Trung Quốc. Cùng với những diễn biến mới đây, như “Đạo luật đi lại Đài Loan” (có hiệu lực từ 17/3/2018, cho phép quan chức Mỹ và Đài Loan tiến hành các chuyến thăm lẫn nhau ở nhiều cấp) hay việc Mỹ tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, thì cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chỉ là một phần của “hàng rào” chiến lược lớn hơn nhiều của Washington./.
Diệu Hương/VOV.VNTheo The Diplomat, CNN, CNBC
Trung Quốc im lặng bất thường khi ông Trump dọa áp thuế 500 tỷ USD
Bắc Kinh cho đến nay vẫn im lặng một cách bất thường khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cảnh báo sẽ áp thuế đối với gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC ngày 20/7, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng triển khai biện pháp mạnh tay hơn với Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa việc gần như toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế. Khác với những lần trước đây, lần này cả Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về lời cảnh báo của Tổng thống Trump.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã cho tới Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đều không đưa tin về tuyên bố cứng rắn mới nhất của Tổng thống Trump. Bài bình luận do Nhân dân Nhật báo đăng tải hôm 21/7 cũng không đề cập tới việc Mỹ có thể áp thuế 500 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, những câu hỏi do SCMP gửi tới Bộ Thương Mại và Ngoại giao Trung Quốc liên quan tới vấn đề này đều không được trả lời.
Theo SCMP, sự im lặng của Bắc Kinh là điều bất thường. Tuy nhiên, sự im lặng này diễn ra sau khi truyền thông Trung Quốc được yêu cầu không đưa tin quá nhiều về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhằm tránh lan rộng tâm lý lo sợ.
Trước đây, Trung Quốc thường lên tiếng đáp trả công khai những lời đe dọa của Mỹ. Khi Washington thông báo sẽ áp thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/6, Bộ Thương mại Trung Quốc ngay lập tức ra thông cáo tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả đi kèm một danh sách chi tiết về các sản phẩm của Mỹ mà Bắc Kinh dự định sẽ áp thuế nhập khẩu bổ sung.
Sau đó, khi Tổng thống Trump tuyên bố tiếp tục áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng nhanh chóng phản ứng bằng cách thông báo sẽ triển khai các biện pháp đáp trả "cả về chất lượng và số lượng". Tuy nhiên lần này, Trung Quốc không đưa ra thông tin cụ thể về các biện pháp đáp trả.
Lý do im lặng
Một góc cảng ở tình Quảng Tây, Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Iris Pang, nhà kinh tế học về Trung Quốc tại ING Bank, nhận định việc Bắc Kinh không đáp trả cảnh báo cứng rắn của Tổng thống Trump lần này một phần bởi vì cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể chỉ đang dọa dẫm. Ông Trump chỉ đưa ra cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn, chứ không phải thông báo chính thức.
Theo bà Pang, lời đe dọa áp thuế đối với 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không mới và đây có thể là chiến thuật của Tổng thống Trump để chuyển hướng chú ý của dư luận sau vụ lùm xùm liên quan tới hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ tại Phần Lan.
"Trung Quốc sẽ không lo ngại trừ khi lộ trình cụ thể của việc thực thi lời đe dọa này được công bố", chuyên gia Pang cho biết.
Một lý do khả thi khác là Trung Quốc không còn gì để bổ sung sau những tuyên bố trước đây của nước này, cũng với những lời cảnh báo tương tự của Mỹ.
"Trung Quốc sẽ phải chịu tổn hại từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ... và chúng ta sẽ phải có biện pháp đáp trả. Trung Quốc cần giáng cho Mỹ một đòn tấn công trực diện và đau đớn để Mỹ thực sự nhận ra rằng chiến tranh thương mại là thảm họa với Mỹ cũng như với các nước khác và toàn thế giới", bài bình luận trên Nhân dân Nhật báo ngày 21/7 nhấn mạnh, song không đề cập tới cảnh báo mới nhất của Tổng thống Trump.
Trên thực tế, Trung Quốc khó có thể đáp trả tương xứng với quy mô áp thuế 500 tỷ USD như cảnh báo của Tổng thống Trump. Theo số liệu thống kê của Mỹ, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Như vậy,nếu muốn đáp trả, Bắc Kinh có thể sẽ phải dùng tới những biện pháp phi thuế quan.
Tính đến nay, Trung Quốc và Mỹ đã áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Ngoài ra, mức thuế áp lên 16 tỷ USD hàng hóa nữa dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực trong những tuần sắp tới. Trong khi đó, Washington đang lên kế hoạch bắt đầu áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài những lời đe dọa áp thuế bổ sung, Tổng thống Trump cũng chỉ trích sự sụt giá gần đây của đồng nhân dân tệ.
"Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các nước khác đã thao túng tiền tệ và duy trì lãi suất thấp trong khi Mỹ vẫn tăng lãi suất và đồng USD ngày càng mạnh hơn qua từng ngày - điều này đã lấy đi lợi thế cạnh tranh lớn của chúng ta. Như thường lệ, đây không phải là cuộc chơi công bằng", Tổng thống Trump viết trên Twitter ngày 20/7.
Trung Quốc thường phớt lờ các cáo buộc của nhà lãnh đạo Mỹ về đồng nhân dân tệ. Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cơ quan phụ trách chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc, cũng hiếm khi công khai đáp trả những tuyên bố của Tổng thống Trump. Tuy vậy, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang trước đó từng tuyên bố Bắc Kinh sẽ không sử dụng tỷ giá đồng nhân dân tệ làm vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington.
Về lý thuyết, đồng nhân dân tệ yếu hơn so với đồng USD có thể mang lại lợi thế cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vì hàng hóa Trung Quốc sẽ có giá cạnh tranh hơn trong thị trường Mỹ.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang "bị lợi dụng" trên nhiều lĩnh vực, bao gồm chính sách thương mại và tiền tệ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh việc ông áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc không nhằm mục đích xấu đối với Bắc Kinh.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tổng thống Trump dọa áp thuế với tất cả hàng hóa Trung Quốc Tổng thống Donald Trump hôm ngày 20/7 cảnh báo Washington sẵn sàng áp thuế với toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ nếu căng thẳng leo thang. Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters) "Tôi sẵn sàng tăng lên con số 500 (tỷ USD)", Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh CNBC, hàm ý...