Cuộc chiến săn sữa bột của phụ huynh Việt tại Mỹ
Tình hình thiếu sữa bột trầm trọng ở Mỹ khiến nhiều cha mẹ người Việt phải săn lùng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi nguồn xung quanh.
Họ mô tả quá trình này như “một cuộc chiến”.
“Đầu tháng 5 qua, báo chí bên này (Mỹ – PV) đăng tin thiếu sữa do nhà máy đóng cửa. Đấy cũng là lúc mọi người bắt đầu xôn xao và lùng sục mua tích trữ”, chị Hien Nguyen – sống tại Anaheim, bang California – kể lại với Zing về điểm khởi đầu “cuộc chiến” tìm kiếm sữa công thức của các bậc cha mẹ Mỹ.
Gia đình chị Hien cũng không đứng ngoài “cuộc chiến” này. Chị “huy động” gần như mọi nguồn lực, từ bạn bè cho tới các thành viên trong gia đình, tìm sữa trên nền tảng trực tuyến lẫn mua hàng trực tiếp ngoài siêu thị.
“Tôi nhắn tin nhờ bạn bè xa gần nếu đi siêu thị thì để ý quầy sữa, có hàng thì mua giúp. Chồng tôi có lúc đi mấy siêu thị xa nhà tìm mà cũng không có. Tôi kiểm tra website bán hàng liên tục, canh thông báo chỉ cần có là đặt ngay. Chỉ 2 tiếng sau, tôi xem thì đã lại hết hàng”, chị kể.
“Đó thật sự là một cuộc chiến!”, chị thở dài, cảm thán.
Nguồn cung sữa bột cho trẻ em tại Mỹ đã cạn kiệt kể từ cuối năm 2021. Tình hình gần đây nghiêm trọng tới mức Tổng thống Mỹ Joe Biden phải viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để xoa dịu khủng hoảng hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Thông báo này đồng nghĩa chính phủ liên bang sẽ ưu tiên các thành phần chính để sản xuất sữa công thức, và buộc những nhà cung cấp nguyên liệu sữa bột trẻ em phải ưu tiên giao hàng cho các nhà sản xuất, theo NBC News.
Ngoài ra, ông Biden cũng trình bày chi tiết về một nỗ lực khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng máy bay quân sự để nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài, đồng thời công bố chương trình Operation Fly Formula để có thể đẩy nhanh việc nhập khẩu sữa bột cho trẻ em và “có thêm sữa bột trong các cửa hàng càng sớm càng tốt”.
Mức dự trữ xuống rất thấp
Tại Mỹ, chi phí sữa công thức cho trẻ sơ sinh và sữa công thức chuyên biệt vốn đã cao ngất ngưởng đối với nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, những lo ngại gần đây về an toàn, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thách thức liên quan tới đại dịch Covid-19 đã làm tăng giá sữa công thức trẻ em lên mức cao báo động, đồng thời khiến nguồn dự trữ xuống mức cực kỳ thấp.
Video đang HOT
Abbott Laboratories, công ty sản xuất sữa Similac, thu hồi một số sản phẩm đầu năm nay. Ảnh: AP.
Ba nhà sản xuất trong nước lớn – Abbott, Mead-Johnson và Nestlé – cung cấp khoảng 98% tổng số sữa công thức ở Mỹ. 10% còn lại cung cấp bởi Perrigo – nhà sản xuất nội địa cho một số nhà bán lẻ như Walmart, CVS và Target – và đến từ hàng nhập khẩu.
Abbott Laboratories, công ty sản xuất sữa Similac, thu hồi một số sản phẩm đầu năm nay và tạm dừng hoạt động nhà máy lớn nhất của hãng vào tháng 2, để các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra nguy cơ ô nhiễm.
Tính đến tháng 5, 43% sản phẩm sữa công thức hết hàng trên toàn quốc, mức tăng lớn so với con số trung bình 2-8% hồi đầu năm. Một số tiểu bang – bao gồm Iowa, Dakotas, Missouri và Texas – đang vật lộn với tỷ lệ hết hàng hơn 50%.
Sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu một số nhà bán lẻ giới hạn số lượng sữa bột được mua đối với mỗi khách hàng, một số bậc cha mẹ quyết định dự trữ nhiều nhất có thể, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.
Một số nhà bán lẻ cũng cố gắng phân bổ nguồn cung và tìm sản phẩm thay thế, nhưng phần lớn đều không thành công.
Cuộc chiến “săn” sữa
Chị Hương Phạm (sống tại Houston, Texas) cho biết hồi cuối tháng 5, gia đình không thể mua được sữa cho người cháu hơn 1 tháng tuổi. Cả một tuần, nhà chị phải cân đối để đủ dùng một hộp sữa công thức nhỏ (204 g).
“Ngày nào chúng tôi cũng phải đi ’săn’ sữa”, chị nói, cho biết thêm đã lùng sục cả ở cửa hàng online lẫn siêu thị nhưng không có loại sữa mà cháu chị dùng.
“Có hôm có người quen đi một siêu thị Target trong khu vực thấy mới về sữa, người ta nhắn tin và tôi chạy đi ngay để mua, nhưng khi đến thì đã hết trong một nốt nhạc”, chị kể lại.
Về phần chị Hien, chị nghe loáng thoáng thông tin sắp thiếu sữa từ cuối năm 2021. Khoảng đầu tháng 4, chị sinh em bé nhưng không có sữa cho em bé bú nên buộc phải dùng sữa bột. Hồi đầu, chồng chị đi siêu thị và nhận thấy kệ còn khá nhiều nên không lo lắng.
Tuy nhiên, sang tháng 5, tình hình thay đổi nhanh chóng. Chị cho hay “tìm online thì tất cả website bán lẻ hay chính hãng đều báo hết hàng, trong khi đi mấy siêu thị thì kệ sữa đều trống trơn”.
Chị vẫn nhớ một lần chồng chị canh giờ siêu thị mở cửa để mua sữa. “8h mở cửa, 8h15 chồng tôi ra thì kệ trống lốc. Ngoài đó cũng có thêm 3 người khác đi tìm sữa. Có người nói đã đi tận 3 siêu thị rồi mà không có hàng”, chị nói.
Siêu thị Target gần nhà chị Hien lúc 8h15 hai tuần trước. Ảnh: NVCC.
Không chỉ cầu cứu người quen, các bậc cha mẹ bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội. Chị Hương đã đăng bài trên các hội nhóm Facebook. May mắn, bài viết của chị nhận được phản hồi từ một số người đã tích trữ được nhiều sữa nên chia sẻ lại, hoặc từ các mẹ có con đã đổi sang loại sữa khác và còn dư.
Đây cũng là cách chị Hien áp dụng. Chị cho hay đỉnh điểm là vào giữa tháng 5, mọi người trong những hội nhóm mẹ Việt ở Mỹ đều lên cầu cứu.
“Cũng như tôi, rất nhiều bà mẹ đã đăng bài lên Facebook để tìm kiếm sự giúp đỡ. Hễ cứ thấy người ta chỉ ở đâu, vợ chồng tôi lại liên hệ ở đó xem sao”, chị nói.
Chị cho biết rất nhiều bà mẹ đã đăng bài trong hội nhóm và nhận được sự giúp đỡ. Người không thừa thì chỉ chỗ cho người khác mua, người thừa sữa thì nhượng lại cho người cần. “Thậm chí có mẹ trong nhóm còn mua hộ người khác dù họ không biết nhau”, chị Hien chia sẻ.
“Rất nhiều bà mẹ đăng bài đã được giúp đỡ, vượt qua lúc bối rối”, chị Hien nói.
“Tích bao nhiêu cũng không thấy đủ”
“Năng nhặt chặt bị”, cũng nhờ huy động toàn lực từ bạn bè và kiên nhẫn theo dõi online, cứ mua dần, cóp dần, chị Hien đã mua được khoảng 24 hộp để bé đủ dùng cho khoảng 2 tháng.
Chị Hien Nguyen thấy may mắn vì trong 2 tuần gần đây, chị và chồng đi siêu thị Costco gần nhà đúng lúc có hàng nên lần nào cũng mua 4 hộp nhỏ để tích trữ, dù ở nhà không thiếu trong 2 tháng tới, “vì sợ lúc cần kiếm không ra”.
Bên cạnh đó, loại sữa mà con chị dùng vẫn rất hiếm trong các siêu thị khác như Walmart và Target.
Dẫu vậy, chị Hien Nguyen và một số mẹ Việt khác nói rằng dù đã tích được đến hàng chục hộp sữa, lớn có nhỏ có, nhưng họ vẫn chưa dừng “cuộc chiến tích sữa” này lại vì cảm thấy không yên tâm, bất chấp tin tức thị trường sữa có thể ổn định trong 2-3 tháng nữa.
Một mẹ Việt giấu tên chia sẻ bản thân cảm thấy “rất lo lắng vì tình trạng thiếu sữa trầm trọng hiện nay, vì con tôi mới được hơn gần 2 tháng tuổi và tôi không có sữa cho con bú, bé phụ thuộc hoàn toàn vào sữa công thức”.
Chị cho biết mình là “người hay lo xa, nên ngay từ khi nghe tin có thể thiếu sữa, cứ hễ thấy là tôi lại mua, giờ đã mua dự trữ được 30 lon”.
Tuy nhiên, “cứ nghĩ đến tình trạng thiếu sữa kéo dài và con không có để uống, tôi lại tìm muốn mua thêm để phòng hờ và không bao giờ thấy đủ”, chị nói.
Mỹ phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi
Ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và Moderna (cùng của Mỹ) sản xuất cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi - nhóm tuổi cuối cùng đang chờ được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại điểm tiêm chủng ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, FDA đã phê duyệt sử dụng loại vaccine 2 liều của Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong khi phác đồ tiêm vaccine do Pfizer bào chế đối với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi là 3 mũi.
Trong một tuyên bố, Giám đốc FDA Robert Califf cho biết: "Nhiều bậc phụ huynh, người bảo trợ và các nhân viên y tế đã chờ đợi có được loại vaccine (ngừa COVID-19) cho lứa trẻ nhỏ tuổi này và quyết định phê duyệt sẽ giúp bảo vệ các em nhỏ từ 6 tháng tuổi trước nguy cơ dịch bệnh. Chúng tôi hy vọng rằng các loại vaccine này có thể giúp bảo vệ các em trước những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của COVID-19, chẳng hạn như nhập viện và tử vong".
Theo quy trình, sau khi FDA cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về các loại vaccine này trước khi triển khai tiêm chủng. Các khuyến nghị này sẽ được CDC Mỹ công bố sau cuộc họp của một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia khoa học trong thời gian sắp tới.
Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ cho biết ngay sau khi FDA đưa ra quyết định trên, 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna đã lập tức được điều phối trên toàn quốc, trong khi hàng triệu liều tiếp theo cũng đã sẵn sàng triển khai.
Cả hai loại vaccine trên đều được bào chế theo công nghệ mRNA và đã được thử nghiệm đối với hàng nghìn trẻ em. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine có thể gây ra các phản ứng phụ ở mức độ nhẹ, trong khi cũng sản sinh kháng thể đối với cơ thể trẻ từ 6 tháng tuổi, tương tự như ở các nhóm tuổi lớn hơn. Theo các nhà khoa học, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm cao hơn khi tiêm vaccine của Pfizer - khoảng 80%, trong khi ở Moderna là 51% đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi và 37% đối với trẻ từ 2-5 tuổi.
Nghiên cứu sâu về hiệu quả phòng chống biến thể Omicron của vaccine ngừa COVID-19 Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố mới đây, kháng thể được tạo ra nhờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các mũi vaccine tăng cường sẽ mang lại ít hiệu quả trong phòng chống biến thể Omicron hơn so với các biến thể trước đây của virus SARS-CoV-2. Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Corona,...