Cuộc chiến quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng Ukraine leo thang
Thủ tướng Ukraine Yatsenuyk đang đứng trước nguy cơ “ngã ngựa” với cáo buộc dung túng cho thành viên nội các tham nhũng.
Ngày 7/4, khoảng 700 người biểu tình tụ tập bên ngoài Quốc hội Ukraine đòi Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức khiến cảnh sát và Vệ binh Quốc gia phải can thiệp. Cuộc biểu tình diễn ra đúng ngày đầu tiên Quốc hội Ukraine nhóm họp để điều tra những đối tượng bị tình nghi tham nhũng, cũng là để quyết định tương lai của chính ông Yatsenyuk.
Biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine ở Kiev sáng 7/4. (Ảnh: RT)
Căng thẳng bên ngoài
Hơn 2.500 nhân viên cảnh sát và lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine (UNG) được huy động để bảo vệ tòa nhà chính phủ ở trung tâm thủ đô Kiev, cũng không ngăn nổi dòng người đổ xô đến tòa nhà Quốc hội, đưa ra yêu sách Thủ tướng Yatsenyuk phải từ chức ngay lập tức.
Những người biểu tình dựng 20 căn lều trước tòa nhà quốc hội, một trong số đó ghi dòng chữ đề nghị thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra hành vi tham nhũng trong chính phủ Ukraine. Hàng trăm người biểu tình tập hợp ở quảng trường trước tòa nhà quốc hội, cầm lá cờ của Đảng Svoboda.
Cảnh sát Kiev cho biết họ đã gửi các đơn vị an ninh tới bảo vệ cơ quan chính phủ, bao gồm tòa nhà nội các, quốc hội và văn phòng tổng thống ở các khu vực lân cận và trung tâm thủ đô.
Trước đó, một báo cáo buộc tội vị thủ tướng Ukraine tham nhũng làm dấy lên làn sóng phản đối của nhiều nghị sĩ trong quốc hội.
Cân não bên trong
Theo Sputnik, quốc hội Ukraine đang nhóm họp từ ngày 7/4, được cho là để quyết định tương lai của Thủ tướng Yatsenyuk.
Trước phiên họp này 1 ngày, ông Arseny Yatsenyuk đã lên kênh truyền hình TSN.Tizhden “biện hộ” cho mình: cá nhân ông cũng lên án hành vi tham nhũng “ghê tởm”. Cảnh tượng các quan chức cấp cao dính vào tham nhũng bị bắt được truyền hình trực tiếp sẽ là một lời cảnh báo sắc bén cho những quan chức khác đang bị tình nghi tham nhũng.
Ông Yasenyuk cảnh báo: “Điều này sẽ xảy ra với bất kỳ ai – những người vi phạm pháp luật và coi thường đất nước Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phải sống trong chiến tranh và dựa vào từng đồng xu thì có người lại ăn cắp của người dân”.
Bất đồng giữa Thủ tướng Yasenyuk và Tổng thống Poroshenko ngày càng sâu sắc
Trước chất vấn nội các của ông làm việc không hiệu quả, để xảy ra tham nhũng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ukraine đang ở tình trạng nghiêm trọng nhất, đồng hryvnia sụt giảm nhanh chóng và sự bất ổn trong nước tăng cao… ông Yasenyuk đã thừa nhận: Con số mà Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra hôm 5/4, nợ công của Ukraine dự kiến sẽ tăng lên tương đương 94% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay, là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chính phủ cũng đã thông qua chương trình tái cơ cấu nợ để nhận được khoản tiền cứu trợ trị giá 15,3 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế. Kiev sẽ đẩy nhanh đàm phán với các chủ nợ để đạt được thỏa thuận về vấn đề tái cơ cấu nợ trước cuối tháng 5 này.
Video đang HOT
Chuyện gì đằng sau
Thực tế, cuộc đấu đá nội bộ trong hàng ngũ những người làm cách mạng Maidan lật đổ cựu Tổng thống Yanukovych, mới là yếu tố chính đe dọa đến chiếc ghế của Thủ tướng Ukraine. Cuộc đối đầu chính trị giữa Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk vốn đã âm ỉ và bùng phát vào những ngày cuối tháng 3, ông Poroshenko chính thức “xuống tay” với 2 thành viên trong nội các của Thủ tướng là ông Sergiy Bochkovsky – Giám đốc Cơ quan Khẩn cấp Quốc gia Ukraine và “phó tướng” của ông này – Vasyl Stoyetsky trước những nghi ngờ tổ chức các cuộc đấu thầu mờ ám để nâng giá dầu mazut.
Đây được cho là động thái quyết liệt của Tổng thống Ukraine “đáp lại” Thủ tướng khi trước đó ông Yasenyuk đã có quyết định sa thải người đứng đầu Cơ quan điều tra tài chính quốc gia Nikolai Gordienko, khi ông Gordienko đang tiến hành một cuộc điều tra tham nhũng một số thành viên chính phủ.
Thủ tướng Yatsenyuk phản đối hành động điều tra của người đứng đầu Cơ quan điều tra tài chính quốc gia Nikolai Gordienko và cho rằng ông này “võ đoán” chỉ căn cứ vào một vụ kiểm toán “thiên vị” tại Nhà máy sản xuất máy bay thuộc sở hữu nhà nước Antonov… mà “dám” điều tra và cáo buộc cho một số thành viên trong nội các của Thủ tướng Ukraine.
Vụ việc này chưa ngã ngũ, song trước sức ép của dư luận, ông Yatsenyuk buộc phải chấp thuận ra chấn vấn tại phiên họp Quốc hội Ukraine từ ngày 7/4 – phiên họp được cho là quyết định tương lai của Thủ tướng Ukraine. Trong khi, ông Yatsenuyk đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ nước ngoài thì Khối Poroshenko được cho là cũng đang tìm cách “hất cẳng” Thủ tướng.
Pravda.ru đã liệt kê chỉ hơn 20 ngày qua, diễn biến cuộc chiến quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng Ukraine “leo thang” rõ rệt:
Ngày 19/3, căng thẳng nổi lên khi ông Poroshenko cách chức Thống đốc vùng Dnepropetrovsk của tỉ phú Igor Kolomoysky, vốn là nhà tài phiệt nắm quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt quốc gia.
Ngày 23/3, khối Poroshenko tuyên bố sẽ tiến hành điều tra tham nhũng Nội các ông Yatsenuyk.
Ngày 3/4, khối Poroshenko và đảng Svoboda chính thức thu thập chữ ký đề nghị miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Ukraine./.
Theo Ngân Giang/VOV.VN
Kiev diệt tham nhũng, nội loạn sẽ bùng phát?
Qua cách chống tham nhũng, Poroshenko muốn thâu tóm quyền lực và hạ bệ hợp pháp các thế lực đối lập, đặc biệt là phe Thủ tướng...
Ukraine cũng...đả hổ?
Thời điểm hiện tại, quốc gia đang chống tham nhũng quyết liệt nhất là Trung Quốc với chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" và nay là cả "săn cáo" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhưng đó là câu chuyện của phương Đông, còn ở châu Âu, dường như cũng có một chính quyền được mệnh danh là tham nhũng bậc nhất thế giới cũng đang tiến hành một loạt các hành động mang tính chất triệt hạ vấn nạn này trong nội các một cách quyết liệt, đó là Ukraine.
Ngày 25/3, hai quan chức cao cấp thuộc cơ quan tình trạng khẩn cấp quốc gia bị còng tay ngay tại một cuộc họp được truyền hình trực tiếp. Hai quan chức này bị cáo buộc vì tham nhũng liên quan tới khí đốt và năng lượng của Ukraine.
Đầu tháng 4/2015, Nội các chính phủ Ukraine ký quyết định cách chức người đứng đầu Cơ quan điều tra tài chính quốc gia Nikolai Gordienko. Được biết, vị quan chức này đang tiến hành điều tra một vụ đại án tham nhũng lên tới 30 triệu USD nhằm vào quan chức của nội các Ukraine.
Thủ tướng Yatsenyuk, người đứng đầu nội các cho biết những kết luận của ông Gordienko là hoàn toàn thiên vị, cảm tính, và ông không xứng đáng với cương vị này, khi Ukraine cần một vị quan công tâm hơn trong bối cảnh đất nước đang lao đao vì tham nhũng.
Nội các của Ukraine do Thủ tướng Yatsenyuk đứng đầu
Tuy nhiên, việc cách chức Nikolai Gordienko cũng đồng nghĩa với việc Thủ tướng Yatsenyuk và nội các thân cận với mình đang bị Tổng thống Poroshenko chĩa mũi nhọn nhằm triệt hạ thông qua những cáo buộc phạm tội.
Khi thực hiện ngọn cờ chống tham nhũng này, Poroshenko đang mưu tính những bước đi mang về cả lợi ích đối nội và đối ngoại. Về đối ngoại, liên minh châu Âu EU tuyên bố không viện trợ tài chính cho Kiev, chỉ vì nước này đang trở thành cái túi không đáy với nạn tham nhũng tràn lan. Việc đẩy mạnh càn quét tội phạm lĩnh vực này ngay trong nội các đã chứng tỏ Kiev đang làm hết sức mình để tạo ra một môi trường đầu tư an toàn cho các nhà tài phiệt quốc tế.
Các động thái ấy được diễn ra vừa trùng khớp với thời điểm Tổng thống Ukraine đang vận động các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính tham gia vào cuộc hội nghị về kêu gọi vốn đầu tư (hội nghị để Kiev đi xin tiền viện trợ) diễn ra vào cuối tháng 4 này.
Nhưng đó chỉ là một lợi ích ngắn hạn, trước mắt, khi nguyên nhân sâu xa hơn bắt nguồn từ mầm mống đấu đá nội bộ nhằm củng cố chắc chắn quyền lực cho cương vị Tổng thống Ukraine.
Cần nhớ rằng, ngay từ khi tranh cử Tổng thống, Petro Poroshenko đã đưa ra quan điểm hoàn toàn trái ngược với Thủ tướng lâm thời lúc bấy giờ là Arseni Yatsenyuk. Theo đó, ông Thủ tướng quan điểm theo đuổi chính sách chủ chiến, tiêu diệt những người ly khai đến cùng. Trong khi nhà tài phiệt, ông vua chocolate Poroshenko đưa ra chính sách mềm dẻo hơn, chủ trương giải quyết mọi mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình.
Nhưng khi được nắm quyền trượng, đeo vòng nguyệt quế và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, những gì mà Poroshenko mang lại vẫn là chiến tranh, các chiến dịch tổng lực kéo dài nhằm vào người miền Đông. Và Poroshenko cũng tự mình khoác áo lính ra chiến trường úy lạo binh sỹ.
Lúc này, chủ trương của cả Tổng thống và Thủ tướng là đồng nhất. Nhưng mâu thuẫn tiếp tục nảy sinh khi Tổng thống không có đủ sự hậu thuẫn cần thiết về đảng phái chính trị.
Phe cực hữu Pravyi Sector dàn hàng tạo áp lực trước tư dinh của Tổng thống Poroshenko hồi tháng 8/2014
Lập tức, Poroshenko giải tán liên minh cầm quyền và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, Poroshenko vẫn không đủ uy tín để thắng được Yatsenyuk, họ buộc phải ngồi lại với nhau và thành lập một liên minh cầm quyền vì lợi ích chung cùa cả hai bên.
Song mối quan hệ giữa hai nguyên thủ luôn trong cảnh bằng mặt mà không bằng lòng. Mọi chuyện càng xấu đi khi những tin đồn về đảo chính nở rộ khắp từ đường phố cho đến cửa văn phòng Tổng thống.
Và đáng để ông hoàng chocolate phải lo lắng khi thực tế rằng Yatsenyuk được lập lên từ phong trào cách mạng Maiden, từ bạo động, lật đổ, bom xăng và máu. Ẩn sau cặp kính trắng của Yatsenyuk vẫn là một thế lực mà Kiev không thể khuất phục Pravyi Sector.
Có thể thấy rằng, Poroshenko đang tìm mọi cách hợp thức hóa việc hạ bệ Thủ tướng để củng cố cái ghế đang lung lay dữ dội của mình.
Tổng thống chocolate đã hết phép?
Nhắc lại một chút tới câu chuyện của phương Đông, Tổng thống Barack Obama đã phải thừa nhận rằng Tập Cận Bình là lãnh đạo chuyển giao quyền lực, thâu tóm quyền lực nhanh nhất của Trung Quốc, và lá cờ chống tham nhũng đã được ông thực hiện thực sự hiệu quả.
Nhưng ở phương Tây, Poroshenko không biết có ý tưởng hay cảm hứng nào từ cách làm của Tập Cận Bình hay không. Chỉ có điều, Tổng thống Ukraine đang thực hiện các mưu tính của mình một cách vụng về, trong bối cảnh đối thủ của Poroshenko lại quá mạnh.
Nhìn vào việc người đứng đầu cơ quan điều tra bị sa thải có thể thấy rằng Thủ tướng vẫn đang là người nắm thế chủ động trong cuộc đối đầu ấy. Còn những đối thủ chính trị khác của Poroshenko ra sao?
Đầu tiên là Ihor Kolomoysky, nhà tài phiệt, Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Tổng thống Poroshenko đã có thể hạ đo ván đối thủ chính trị này, ép buộc ông từ chức. Nhưng vấn đề đặt ra, sự ra đi của Kolomoysky lại là giọt nước làm tràn chiếc ly chịu đựng của phe đối lập. Những "chính phủ trong bóng tối" ra đời, công khai trên báo chí Ukraine. Quân đội tình nguyện tự tung tự tác mà không nằm dưới sự chỉ huy của một vị tướng Kiev nào.
Poroshenko chỉ cho thấy sự bất lực ngày càng trầm trọng của mình trong khả năng điều hành đất nước. Còn vấn đề đối ngoại, khi Tổng thống chocolate còn đang mải cáo buộc miền Đông phá hoại thỏa thuận Minsk, kêu gọi đầu tư, vay vốn... thì các đối thủ chính trị của ông đang làm gì?
Thủ tướng Yatsenyuk có thêm quốc tịch Canada, nhưng Tổng thống Poroshenko thì không
Ngày 1/4, Thủ tướng Yatsenuyk có chuyến thăm bất ngờ tới Đức để gặp gỡ Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel. Trong chuyến đi, ông Yatsenyuk bất ngờ tuyên bố ủng hộ bầu cử tại những vùng ly khai chiếm giữ ở Donbass càng sớm càng tốt.
Nên nhớ rằng bà Merkel là người kiên trì quan điểm phải thực hiện thỏa thuận Minsk bằng được. Việc Yatsenyuk công khai tuyên bố ủng hộ người Donbass bầu cử cho thấy rằng Thủ tướng Ukraine đang tìm kiếm sự ủng hộ của nước Đức bằng cách hứa hẹn sẽ mang lại quyền tự chủ cao nhất cho phe ly khai. Trong khi đó, quân đội quốc gia dưới sự chỉ huy của Tổng thống đang giao chiến ác liệt ở Donetsk.
Còn nhà tài phiệt vừa bị hạ bệ, có những thông tin cho thấy ông này đang ở Mỹ, thậm chí còn ung dung đi xem bóng rổ, tham gia các hoạt động tài trợ chính quyền địa phương. Tương tự như Yatsenyuk, Kolomoysky cũng đang đi tìm kiếm sự ủng hộ từ Washington.
Điều đáng nói là ông Kolomoisky từng từ chối sang Mỹ một lần năm 2009 sau khi Tổng chưởng lý Mỹ Michael Mukasey buộc tội ông này có liên hệ với các tổ chức tội phạm quốc tế, điều mà nhà tài phiệt này phủ nhận.
Đây không phải lần đầu tiên nhà tài phiệt này được nhìn thấy ngoài lãnh thổ Ukraine sau khi từ chức tỉnh trưởng tỉnh Dnepopetrovsk. Trước đó, người ta thấy ông này có mặt ở sân bay Ben-Gurion, Israel, Kolomoisky từng được Israel công nhận là công dân những năm 1990. Theo nguồn tin thân cận với ông Kolomoisky, biệt thự ven hồ Geneva là chặng dừng chân cuối cùng của ông này.
Còn với Yatsenyuk, ông Thủ tướng cũng được cấp quốc tịch Canada và sẵn sàng tị nạn ở một quốc gia thân phương Tây. Giới quán sát cho rằng việc cấp thêm quốc tịch cho ông Yatsenyuk giống như một sự đảm bảo của phương Tây cho tính mạng của ông và gia đình trong trường hợp tình hình ở Ukraine diễn biến theo hướng xấu nhất.
Canada cũng là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận chính phủ của Thủ tướng Yatsenyuk sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2014.
Có thể thấy rằng, Tổng thống Petro Poroshenko đang rất quyết liệt trong cuộc đấu quyền lực để bảo vệ cho cái ghế Tổng thống của mình. Tuy nhiên, cách làm mà Poroshenko đang thực hiện chỉ khiến tình hình thêm rối ren hơn, và sự phân rã, đấu đá nội bộ của chính quyền ngày càng sâu sắc.
Việc các nhà tài phiệt chia nhau ra cát cứ mỗi phương sẽ là tương lai của Ukraine. Đồng thời sẽ không chỉ xảy ra duy nhất một cuộc chiến Kiev - Donbass trên quốc gia này, mà còn rất nhiều cuộc chiến kiểu xứ quân như vậy trong tương lai gần.
Trong khi đó, những gì mà Donetsk và Lugansk đang làm là ngồi yên xem những con hổ cắn nhau, còn họ tiếp tục duy trì con đường thân Nga, tiếp tục nuôi quân, tích lương, chờ đến thời cơ phù hợp thì tung một đòn quyết định.
Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt
Những con sóng ngầm dữ dội khiến Ukraine chao đảo Cuộc chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine đã lắng xuống. Tình trạng giao tranh, đụng độ đã giảm rõ rệt và thương vong theo đó cũng giảm mạnh. Tuy vậy, nội tại Ukraine vẫn đang bị những lớp sóng ngầm xô đẩy khiến hòa bình mong manh của quốc gia này luôn bị đe dọa. Mỹ lợi dụng xung đột Quân đội...