“Cuộc chiến” phí tác quyền: Giữa mê hồn trận
Theo cách tính của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, mỗi năm có thể thu phí tác quyền lên đến hàng ngàn tỉ đồng từ những hoạt động có sử dụng tác phẩm âm nhạc…
… nhưng thực tế họ chỉ mới dừng lại mức vài chục tỉ đồng
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ( VCPMC) thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực trong những năm qua trong việc vận động và yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng tác phẩm âm nhạc thực thi nghĩa vụ đóng phí tác quyền. Tuy nhiên, VCPMC cũng đang “bơi” trong muôn trùng khó khăn, trong đó khó khăn nhất là cơ sở để thuyết phục khách hàng của mình đóng phí.
Những phép tính thiếu căn cứ
Theo cách tính của VCPMC, đối với lĩnh vực xuất bản sách nhạc, băng đĩa nhạc (bao gồm CD, VCD, DVD dùng cho karaoke) và các hình thức khác, mức phí được tính theo công thức 10% x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng xuất bản phẩm. Nhưng lại ấn định mức giá tối thiểu được tính là 100.000 đồng/bài/lần xuất bản đối với sách, 250.000 đồng/bài/lần xuất bản đối với băng, 1 triệu đồng/lần xuất bản đối với CD và VCD; riêng đối với DVD, con số này là 1,5 triệu đồng/lần xuất bản.
Tương tự, đối với MD file, mức phí được tính theo công thức 8% x giá bán x số lượng xuất bản phẩm và mức giá thấp nhất đưa ra là 350.000 đồng/bài/lần xuất bản. Các bản demo các tác phẩm cài trong các thiết bị điện tử (đàn, đồng hồ), mức giá được tính là 8% x giá bán x số lượng, mức giá tối thiểu là 3,5 triệu đồng/lần xuất bản. Những mức tính tỉ lệ % nói trên chỉ được áp đặt từ phía VCPMC, chưa có sự thỏa thuận của phía sử dụng.
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương biểu diễn trong live show Sắc màu trên sân khấu Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TPHCM). Ảnh: Xuân Thảo
Chỉ riêng tỉ lệ 10% và 8% mà VCPMC đưa ra cũng mang tính áp đặt, vì theo quy định của Nghị định 61 không có mức chung 10% cho tất cả các loại xuất bản phẩm như đã kể. Hơn nữa, làm sao có mức tối thiểu như trong cách tính của VCPMC khi chưa biết được giá bán sản phẩm và số lượng sản phẩm mà phía đơn vị, cá nhân sử dụng tác quyền cam kết đưa ra.
Đối với các quán karaoke, phòng thu âm, tiền phí được thu theo phòng/năm và được chia theo 4 loại TP. Mức phí sẽ chênh lệch giữa các quận, huyện trong cùng một TP.
Thu theo số ghế và mét vuông
Trong lĩnh vực biểu diễn, VCPMC lập ra công thức tính tác quyền và quy định thành quy chế để áp dụng tính phí tác quyền cho các đối tác sử dụng. Theo đó, việc tính tác quyền của một chương trình biểu diễn được chia thành hai trường hợp. Đối với những chương trình biểu diễn không bán vé, mức phí tác quyền cho một ca khúc khi sử dụng sẽ được tính ở mức trung bình là 300.000 đồng/bài.
Video đang HOT
Với trường hợp chương trình có bán vé thì công thức tính áp dụng như sau: Trong nhà hát, cách tính phí một ca khúc là 75% số ghế x giá vé bình quân x 5% phí sử dụng; ở sân khấu biểu diễn ngoài trời, 60% lượng vé bán ra x giá vé bình quân x 5%. Đây cũng là cách tính chưa khoa học vì có chương trình bán hết 100% số ghế nhưng cũng không ít chương trình chỉ bán được dưới 50% số ghế, thậm chí không đáng kể nhưng nhà tổ chức phải đóng đủ theo cách tính của VCPMC vì không đóng đủ sẽ không được cơ quan chức năng cấp phép công diễn.
Riêng đối với vũ trường/CLB đêm thu theo diện tích (m2)/năm, theo từng loại TP. Theo đó, đối với diện tích dưới 200 m2 ở Hà Nội, TPHCM, mức thu là 12 triệu đồng, với mỗi 10 m2 tăng thêm là 420.000 đồng.
Mức thu ở các nhà hàng, quán cà phê, giải khát, nếu từ 30 chỗ ngồi trở xuống, chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình là 2,5 triệu đồng/năm, mỗi chỗ ngồi tăng thêm là 70.000 đồng. Nếu sử dụng cả bản ghi âm, ghi hình và nhạc sống (hát với nhau) thì mức thu là 4,5 triệu đồng/năm và mỗi chỗ ngồi tăng thêm là 130.000 đồng/năm. Tại quán bar, từ 30 chỗ ngồi trở xuống, mức thu nếu chỉ sử dụng bản ghi âm, ghi hình là 3,5 triệu đồng/năm, trường hợp sử dụng cả nhạc sống thì mức giá lên đến 6 triệu đồng/năm.
Thực tế, VCPMC chưa thu được bao nhiêu phí tác quyền ở những lĩnh vực kể trên vì vấp phải sự phản ứng của người sử dụng do các cách tính cũng như mức phí VCPMC đưa ra chưa có cơ sở thuyết phục.
Phát thanh – truyền hình không dễ thu
Ở lĩnh vực phát thanh, VCPMC đặt ra 3 mức thu: trọn gói theo kênh phát sóng (dựa trên mức độ và các hình thức sử dụng đối với từng kênh phát sóng); thu theo hình thức sử dụng và thu trọn gói theo tỉ lệ % doanh thu của đài. Sau thời gian dài thương thuyết, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và VCPMC đã ký kết hợp đồng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009) về việc trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong nước cũng như quốc tế được phát sóng từ VOV1 đến VOV5, trên website và trên sóng phát thanh có hình của VOV.
Ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho đến tận thời điểm này vẫn từ chối cho biết giá trị của bản hợp đồng, tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên thì số tiền mà VOV trả cho VCPMC rất khiêm tốn so với công thức thu mà VCPMC đưa ra hiện nay.
Đối với truyền hình miễn phí, VCPMC cũng đưa ra 3 hình thức thu như đối với các đài phát thanh. Tuy nhiên, mức thu thì cao hơn nhiều. Đơn giá trong các chương trình có tài trợ hoặc quảng cáo là 300.000 đồng/tác phẩm/lượt phát, trong các chương trình không có tài trợ 100.000 đồng/tác phẩm/lượt phát. Đối với thu trọn gói theo tỉ lệ % doanh thu của đài, mức thu bản quyền bằng 0,4% doanh thu.
Sau 3 năm ký kết hợp đồng trả tiền bản quyền âm nhạc với VCPMC, năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã chính thức tự trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ mà không qua VCPMC. Theo VTV, lý do của việc này là vì VCPMC đưa ra cách tính không hợp lý. VTV cho rằng việc VCPMC đưa ra mức thu quá lớn, thiếu cơ sở xác thực có thể làm việc quảng bá các tác phẩm âm nhạc Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt, vì vậy VTV sẽ tự mình giải quyết vấn đề tác quyền âm nhạc theo luật định.
***
Căn cứ pháp lý của VCPMC
Lý giải về các mức thu này, nhân viên của VCPMC cho biết họ căn cứ vào Bộ Luật Dân sự (có hiệu lực từ ngày 1-1-2006), Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; Nghị định 61 năm 2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút, căn cứ vào chức năng quyền hạn của VCPMC và các mức thu tiền sử dụng bản quyền âm nhạc thế giới do Liên minh Quốc tế các hiệp hội tác giả và nhạc sĩ cung cấp cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong các bộ luật và văn bản dưới luật mà VCPMC dẫn ra chỉ có Nghị định 61 của Chính phủ là có quy định cụ thể cách tính về nhuận bút tác quyền cho lĩnh vực xuất bản phẩm.
Tổng kết hoạt động năm 2010, VCPMC công bố mức thu từ tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trong năm là 32,5 tỉ đồng. Trong đó, những nguồn thu chủ yếu gồm bản quyền nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại, VCPMC cũng cho biết nếu thu đúng, thu đủ như cách tính của họ, con số thu mỗi năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Theo Người Lao Động
"Cuộc chiến" phí tác quyền: RIAV tung "đòn" cạnh tranh
Nếu ủy quyền cho VCPMC, các nhạc sĩ phải trích 25% tiền tác quyền cho VCPMC còn RIAV sẽ không thu đồng nào từ các nhạc sĩ ủy quyền cho mình.
Hôm qua, 6-5, tại TPHCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đã có buổi họp báo, do ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch RIAV, chủ trì nhằm thông báo những thông tin xung quanh việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tăng 100% phí tác quyền đối với các chương trình sản xuất băng đĩa của hiệp hội này và tìm sự chia sẻ từ các cơ quan truyền thông.
Em ngã, chị không nâng?
Ban Điều hành RIAV thông báo kết quả buổi làm việc không thành giữa họ với VCPMC về việc kiến nghị tổ chức này áp dụng nguyên biểu giá thu tiền nhuận bút tác giả trong năm 2011 y như mức cũ đối với CD (500.000 đồng/bài), VCD và DVD (1 triệu đồng/ bài). Lý do mà RIAV xin kiến nghị giữ nguyên mức tiền tác quyền cũ bởi hiện nay, chi phí sản xuất dành cho một sản phẩm âm nhạc đến được người nghe, xem là quá cao. Nếu mọi thứ đều đội lên, nhà sản xuất không thể kham nổi.
Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, cũng cho biết phía VCPMC không hề có bất kỳ thông báo nào cho RIAV về việc tăng tiền tác quyền cho đến khi các nhà sản xuất lên trung tâm ký hợp đồng sử dụng tác phẩm, đóng tiền mới biết được VCPMC áp dụng giá thu phí mới. Mọi kế hoạch sản xuất băng đĩa nhạc của các trung tâm đã được lên từ lâu với mức chi cho khoản tiền tác quyền mỗi album trung bình ở mức 25 triệu đồng.
Nay phải chi phí tiền tác quyền lên 50 triệu đồng sẽ đẩy tình trạng khó khăn của các nhà sản xuất vào chỗ bế tắc. Đó cũng là lý do tất cả hội viên của RIAV đều đồng loạt quyết định sẽ tạm ngưng các hoạt động sản xuất vì làm sẽ lỗ nặng. RIAV cũng khẳng định đây không phải hành động đình công mà là cách làm thích ứng với quy luật hoạt động kinh doanh.
"Vấn đề nằm ở chỗ văn hóa ứng xử của các bên đều chưa đúng mực nên dẫn đến lùm xùm như hiện nay" - ông Trần Chiến Thắng nhận định.
VCPMC không chịu tính %
RIAV nói căn cứ vào phương thức tính nhuận bút đã được quy định trong Nghị định 61 của Chính phủ ban hành năm 2002 về chế độ nhuận bút áp dụng đối với sản phẩm băng đĩa thì rõ ràng VCPMC đang vi phạm luật.
Tiền nhuận bút đối với các sản phẩm băng đĩa nhạc quy định trong Nghị định 61 được tính theo công thức: Tỉ lệ % (4%-5% đối với băng đĩa âm thanh và 6%-8% đối với băng đĩa hình) x giá bán lẻ xuất bản phẩm x số lượng bản in.
Với cách tính này, số tiền nhuận bút sẽ tăng lên theo số lượng bản in được phát hành. Nếu tuân thủ theo công thức tính như trên, rõ ràng các bên liên quan đều không ai chịu thiệt thòi (Báo Người Lao Động đã đề cập và phân tích trong loạt bài "Cuộc chiến" phí tác quyền. Tuy nhiên, công thức này đã không được hai bên áp dụng ngay từ đầu (tính từ thời điểm RIAV ký kết với VCPMC vào năm 2001).
Quang cảnh buổi họp báo ngày 6-5. Ảnh: HOÀNG NGHĨA
Đại diện của RIAV cho biết sở dĩ hai bên đưa ra mức thỏa thuận như lâu nay là bởi VCPMC cho rằng không ai có thể kiểm soát được số lượng bản in mà các nhà sản xuất phát hành. Có khi nhà sản xuất bán được 10.000 bản nhưng chỉ báo cáo mức vài ngàn bản thì tác giả thiệt thòi. Chính vì vậy, hai bên thấy đưa ra mức giá thỏa thuận là hợp lý nhất.
Nhưng qua lần tăng giá này của VCPMC, RIAV thấy việc áp dụng công thức tính nhuận bút được quy định trong Nghị định 61 là hợp lý và có đủ cơ sở khoa học chứ không nên làm theo cách cảm tính như vừa qua. Tuy nhiên VCPMC vẫn không đồng ý.
Khẳng định quyền được giao dịch trực tiếp
Các thành viên RIAV bức xúc vì nếu không thỏa thuận được mức giá tác quyền với VCPMC đồng nghĩa các thành viên của RIAV không xin được giấy phép phát hành sản phẩm từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, bởi sở này quy định chỉ cấp phép khi hồ sơ đăng ký của các nhà sản xuất đã có được hợp đồng cho phép sử dụng tác quyền của tác giả do VCPMC đại diện. Song muốn được ký hợp đồng cho phép sử dụng tác phẩm thì buộc phải đóng tiền trước theo giá tổ chức này đề ra.
Bà Trương Thị Thu Dung cho biết: "Chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM cho phép các đơn vị sản xuất phát hành trước sản phẩm rồi sẽ đóng tiền tác quyền cho tác giả sau 3 tháng phát hành sản phẩm nhưng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM không chấp thuận kiến nghị này".
Ông Trần Chiến Thắng nói: "Nếu việc thỏa thuận với VCPMC không thành, RIAV sẽ tiếp tục kiến nghị lên cấp thẩm quyền cao hơn cho đến khi mọi gút mắc được tháo gỡ". Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết: "Trong cuộc làm việc với Hội Âm nhạc Việt Nam sắp tới, RIAV sẽ khẳng định quyền được giao dịch trực tiếp với tác giả mà không qua VCPMC"
Nếu ủy quyền cho VCPMC, các nhạc sĩ phải trích 25% tiền tác quyền của họ do VCPMC thu được thì RIAV sẽ không thu đồng nào từ các nhạc sĩ ủy quyền cho mình. Nếu đề xuất của RIAV được các nhạc sĩ hưởng ứng, VCPMC không còn là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tác phẩm âm nhạc độc quyền như hiện nay, vì đã có thêm một tổ chức đại diện tập thể về bản quyền tác giả âm nhạc khác cạnh tranh.
Theo 2Sao