Cuộc chiến pháp lý giữa Nhà Trắng và các thẩm phán Mỹ
Nhà Trắng đang lên kế hoạch tỉ mỉ cho việc bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cư đối với công dân đến từ 7 quốc gia Hồi giáo mà Tổng thống Donald Trump đưa ra hồi tuần trước. Trong khi đó, các thẩm phán Mỹ, đi đầu là thẩm phán liên bang ở Seattle đã tạm thời chặn sắc lệnh này bằng việc yêu cầu dừng thực thi trên toàn quốc.
Giới quan sát nhận định, “cuộc chiến” giữa Nhà Trắng và các thẩm phán Mỹ đã thực sự bắt đầu khi thẩm phán liên bang James Robart tại TP Seattle (bang Washington) đưa ra quyết định chặn sắc lệnh tạm cấm nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump.
Hãng tin AP cho biết, quyết định của thẩm phán James Robart có hiệu lực ngay lập tức mặc dù ông này không hề đánh giá liệu sắc lệnh của tân Tổng thống có vi hiến hay không. Nghĩa là, về mặt kỹ thuật, quyết định cho phép bất cứ ai có một thị thực hợp lệ đều có quyền nhập cảnh vào Mỹ thông qua cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quân (CBP).
Hiện CBP đã gửi thông báo cho các hãng hàng không nước này rằng họ có thể cho những du khách nằm trong diện bị cấm theo sắc lệnh của ông Donald Trump lên máy bay trở lại. Quyết định này được coi là một bước lùi lớn trong chiến lược hành động của chính quyền Washington, dù rất có thể ngài Tổng thống và bộ máy của mình đủ khả năng đưa chính sách này trở lại sau kháng cáo.
Các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã diễn ra trên toàn nước Mỹ. Ảnh: Reuters
Nói về lệnh mới của mình, thẩm phán James Robart lập luận rằng sắc lệnh của tân Tổng thống ảnh hưởng xấu đến công dân của bang Washington ở lĩnh vực việc làm, giáo dục, kinh doanh, quan hệ gia đình và quyền tự do đi lại.
Thẩm phán James Robart nhấn mạnh: “Những tác hại ấy rất đáng kể và kéo dài liên tục”. Đồng thời, thẩm phán James Robart còn bác bỏ biện hộ từ phía luật sư của Chính phủ Mỹ cho rằng các bang không có thẩm quyền để chống lại sắc lệnh hành pháp của ông Donald Trump.
Trong khi đó, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson cũng đồng quan điểm này và nói rằng, lệnh cấm nhập cảnh là “phi pháp và vi hiến”. Ông Bob Ferguson một lần nữa khẳng định việc tạm thời chặn sắc lệnh di trú được áp dụng trên toàn quốc và nhấn mạnh: “Không ai đứng trên pháp luật, kể cả Tổng thống”.
Tân Tổng thống Mỹ đã gây tranh cãi khắp thế giới sau khi ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày đối với cư dân 7 nước gồm Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan và Yemen. Sắc lệnh này cũng yêu cầu Mỹ ngưng tiếp nhận tất cả những người tị nạn trên thế giới trong vòng 120 ngày.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3-2 cho biết, trong vòng 1 tuần kể từ khi sắc lệnh nói trên được ký kết, gần 60.000 thị thực đã bị thu hồi. Chưa hết, chính quyền Washington mà cụ thể là tân Tổng thống Donald Trump đã bị nêu tên trong gần 40 đơn kiện do chính quyền các bang tiến hành.
Video đang HOT
Tờ The New York Times cho hay, không chỉ có bang Washington, Minnesota mà nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hoạt động dân quyền đều đâm đơn kiện ông Donald Trump lên một loạt bang gồm Virginia, New York, Massachusetts, Michigan về sắc lệnh cấm nhập cảnh với lý do là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng được ghi rõ trong Hiến pháp Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền thành phố San Francisco thuộc bang California đâm đơn kiện chống lại Tổng thống vì ban hành sắc lệnh cắt ngân sách liên bang cho những thành phố không hợp tác với chính quyền liên bang để trừng phạt người nhập cư bất hợp pháp…
Hãng CNN thì cho hay, cũng vì sắc lệnh này mà đa số người dân Mỹ đều tỏ thái độ không hài lòng với cách thức điều hành công việc của tân Tổng thống.
Kết quả thăm dò dư luận do CNN phối hợp với ORC thực hiện được công bố hôm 3-2 cho thấy, số người không ủng hộ các chính sách mới của ông Donald Trump lên tới 53%, mức không ủng hộ cao nhất đối với một tân Tổng thống Mỹ. Mặc dù vậy, có vẻ như chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn quyết tâm theo đuổi những chính sách này.
Cũng theo hãng CNN thì Nhà Trắng đang ra sức bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cư bằng tuyên bố mới nhất của phát ngôn viên rằng “sắc lệnh của Tổng thống nhằm mục đích bảo vệ đất nước và ông có quyền hiến pháp cũng như trách nhiệm bảo vệ nhân dân Mỹ”. Nhiều khả năng, Nhà Trắng sẽ đề nghị Bộ Tư pháp ra yêu cầu hoãn thi hành khẩn cấp đối với phán quyết của tòa án liên bang một cách sớm nhất có thể.
Theo Huyền Chi
Công an nhân dân
Trump có thể lĩnh đòn vì công kích thẩm phán chặn sắc lệnh
Những lời lẽ xúc phạm một thẩm phán liên bang của Trump có thể gây hậu quả trước mắt và lâu dài rất nặng nề về mặt pháp lý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Những đòn tấn công trả đũa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra trên Twitter nhắm vào thẩm phán liên bang đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông có thể gây ra hiệu ứng ngược, Politico dẫn lời các chuyên gia pháp lý bình luận về cuộc chiến đang diễn ra giữa ông chủ Nhà Trắng và hệ thống tư pháp Mỹ.
Sau khi thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump trên toàn quốc, Tổng thống Mỹ tung ra một loạt bình luận trên mạng xã hội, công kích cá nhân ông Robart cũng như hệ thống tòa án Mỹ.
"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán kia, thứ về cơ bản tước đi khả năng thực thi pháp luật khỏi đất nước, thật lố bịch và sẽ bị thay đổi", ông viết trên Twitter hôm 4/2, trước khi đơn kháng cáo đề nghị ngay lập tức khôi phục sắc lệnh Tổng thống của Bộ Tư pháp Mỹ bị tòa phúc thẩm bác bỏ.
"Không thể tin được là một thẩm phán lại đẩy đất nước vào tình thế nguy hiểm như thế này. Nếu có chuyện gì xảy ra, lỗi lầm thuộc về ông ta cũng như hệ thống tòa án. Nhiều người đang tràn vào. Quá tệ!", ông tiếp tục công kích thẩm phán Robart vào ngày hôm sau. Ông cũng tuyên bố sẽ chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa thẩm tra những người nhập cảnh vào Mỹ "rất cẩn thận" và cáo buộc các tòa án đang "khiến việc tạo công ăn việc làm trở nên rất khó khăn".
Đây không phải là lần đầu tiên Trump công kích một thẩm phán liên bang. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã nhiều lần chỉ trích thẩm phán Gonzalo Curiel, cho rằng quan tòa xét xử vụ kiện liên quan đến Đại học Trump này có "xung đột" vì ông mang trong mình "di sản của Mexico".
Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng đòn trả đũa mới nhất mà ông Trump nhắm vào thẩm phán Robart có thể gây hậu quả nặng nề hơn bởi ông giờ đã là chủ nhân Nhà Trắng và đang gây chiến với những quan tòa nắm giữ quyền lực rất lớn.
Charles Fried, cựu trưởng công tố Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, cho rằng hiếm khi có một tổng thống mới nhậm chức nào lại công khai gây chiến với các tòa án như ông Trump. Theo Fried, tân Tổng thống đang biến mọi thứ thành "bộ phim truyền hình" với những lời công kích nặng nề nhắm vào thẩm phán Robart. "Hành động đó là không thể định nghĩa được, không hề phù hợp, chưa từng có tiền lệ và không mang tính chất của tổng thống", giảng viên tại Trường Luật Harvard này nói.
Jack Goldsmith, cựu cục trưởng tư vấn pháp lý thuộc Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống George W. Bush, cho rằng những lời công kích của Trump vào quan tòa và hệ thống tư pháp Mỹ đã đưa nước này vào một "vùng đất mới". "Sự bất cẩn và quyết liệt của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh cùng những lời công kích vào các thẩm phán sẽ càng tạo động lực để các quan tòa ra phán quyết bất lợi cho Trump", Goldsmith nhận định.
Bartholomew J. Dalton, phụ trách Trường đào tạo Luật sư Mỹ, cho rằng những lời lẽ xúc phạm thẩm phán của Trump là không phù hợp. "Thật sai trái khi người đứng đầu nhánh hành pháp lại hạ nhục một thành viên nhánh tư pháp bằng lời lẽ như vậy. Điều đó hủy hoại sự độc lập của hoạt động tư pháp, vốn là xương sống cho nền dân chủ lập hiến của Mỹ", ông nói.
Hậu quả nhãn tiền
John Banzhaf, giáo sư tại Trường Luật Đại học George Washington, cho rằng những tuyên bố của Trump là "hoàn toàn thái quá" và có thể gây thêm nhiều bất lợi nhãn tiền cho Tổng thống trong cuộc chiến pháp lý để bảo vệ sắc lệnh của mình.
Theo Banzhaf, phán quyết của thẩm phán Robart vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý và hiến pháp ở một số điểm, nhưng ông Trump không có căn cứ nào để gọi Robart là "người được coi là thẩm phán". "Dù ủng hộ quan điểm cuối cùng rằng phán quyết đó là không phù hợp và cần phải bị xóa bỏ, tôi cho rằng lời lẽ của ông Trump là thiếu khôn ngoan, bất công và không có cơ sở đảm bảo".
Muốn khôi phục sắc lệnh hành pháp của mình, ông Trump sẽ phải tiếp tục kháng cáo tại tòa án khu vực và tòa tối cao, nơi các thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng. "Dù các thẩm phán được cho là không thiên vị, họ dẫu sao cũng là con người và sẽ không hài lòng khi một đồng nghiệp bị công kích như vậy. Trong một cuộc biểu quyết sít sao, điều này có thể tạo ra sự khác biệt", Banzhaf nhận định.
Các chuyên gia pháp lý khác cho rằng ông Trump có thể ngấm đòn nhiều hơn từ những lời công kích của mình. "Tôi có thể hình dung ra cảnh luật sư của Bộ Tư pháp bị các thẩm phán vặn hỏi 'Ông có cho rằng việc tổng thống công kích một thẩm phán được bổ nhiệm theo Điều III như vậy là phù hợp không?'", Arthur Hellman, giáo sư luật ở Đại học Pittsburgh, nói.
"Với mỗi dòng tweet của mình, ông Trump đang khiến các luật sư của Bộ Tư pháp gặp khó khăn hơn để giành chiến thắng trước tòa. Thế nên hãy tiếp tục đi", Matthew Miller, cựu phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ, viết trên Twitter.
Một hậu quả lâu dài khác mà có thể ông Trump chưa lường hết được là chặng đường gian nan mà ông sẽ phải trải qua khi đề cử thẩm phán Neil Gorsuch vào Tòa án Tối cao. Giới phân tích cho rằng những lời lẽ xúc phạm thẩm phán Robart của ông Trump sẽ tiếp thêm "đạn dược" cho các nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối đề cử này.
Ông Trump (trái) và thẩm phán Gorsuch. Ảnh: Reuters
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cảnh báo rằng sau sự cố trên, các thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện sẽ càng nghi ngờ về đề cử của ông Trump khi phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán Gorsuch.
"Với mỗi hành động thử thách Hiến pháp, mỗi lời công kích cá nhân nhắm vào thẩm phán, Tổng thống Trump đang dựng lên hàng rào cao hơn cho thẩm phán Gorsuch vào Tòa án Tối cao. Khả năng kiểm soát độc lập với chính quyền của thẩm phán này sẽ trở thành tâm điểm trong quá trình phê chuẩn ở Thượng viện", Schumer tuyên bố.
Trí Dũng
Theo VNE
Người đàn ông quyết đối đầu Trump, dừng lệnh cấm nhập cảnh dân 7 nước Thẩm phán James Robart đã trở thành tâm điểm chú ý khi ra phán quyết ngừng sắc lệnh cấm dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày mà Tổng thống Trump đưa ra. Thẩm phán James Robart. Ảnh: managingip Thẩm phán James Robart được miêu tả là người công bằng và đã giúp đỡ nhiều người tị...