Cuộc chiến nhà xe
Cái chết của bà chủ xe khách do bị tài xế một hãng xe đối thủ gây ra trên đường DT 741, đoạn qua tỉnh Bình Dương vào ngày 9-3 minh họa cho bức tranh khốc liệt về cuộc cạnh tranh làm ăn giữa các nhà xe, trong lúc cơ quan chức năng không xử lý triệt để
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là chủ xe khách Phi Long thuộc HTX Du lịch Đông Bắc TPHCM, chuyên chạy tuyến Đắk Lắk – TPHCM. Sáng 9-3, bà Hạnh làm thủ tục xuất bến tại Bến xe TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do tài xế Nguyễn Xuân Tĩnh điều khiển.
Xe dù tác oai tác quái
Theo người nhà của bà Hạnh, trước khi gặp nạn, xe chở bà Hạnh đã bị xe đối thủ do Trần Công Sơn (31 tuổi, quê ở An Giang) điều khiển, ép làm vỡ kính chiếu hậu. Khi đến đường DT 741, đoạn qua xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo – Bình Dương, bà Hạnh đã ra đường vẫy xe của Sơn dừng lại với ý định giảng hòa thì bị Sơn điều khiển xe tông thẳng vào người làm bà Hạnh tử vong.
Một xe dù đang đón khách ngay trước cổng Bến xe phía Bắc TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Cao nguyên
Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Ban Quản lý Bến xe TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Nhà xe Phi Long có 2 xe, do cha con bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đứng tên. Chiếc xe chở bà Hạnh hôm 9-3 là loại 29 ghế, bà Hạnh vừa mua lại và mới chạy được chuyến thứ 2 thì xảy ra sự cố”. Ông Tiến cũng xác nhận tình trạng xe có đăng ký, làm thủ tục hợp pháp lại quá ít so với các xe dù. Theo một số chủ xe chạy tuyến Đắk Lắk – TPHCM, trừ một vài hãng xe lớn không đón khách dọc đường, còn lại phải đón thêm khách mới đủ chi phí. Tình trạng tranh giành khách giữa xe dù và xe chạy tuyến cố định đã diễn ra từ lâu. Muốn giành được khách không còn cách nào khác phải đua tốc độ và phần thắng thường thuộc về các hãng xe dù vì tài xế xe dù sẵn sàng đua bạt mạng. Xe dù thường xuất hiện ở khu vực đầu tỉnh Bình Phước đến Bình Dương, hoạt động công khai suốt ngày đêm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sáng 12-3, có hàng chục lượt xe dù ngang nhiên đón khách trước cổng Bến xe phía Bắc TP Buôn Ma Thuột. Khách đến trước cổng bến xe này lập tức bị bủa vây bởi hàng chục cò xe tới chào mời, chèo kéo. Tại Bến xe TP Buôn Ma Thuột, mỗi ngày, tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang có 10 xe xuất bến, song xe dù đi Nha Trang thì nhiều vô kể. Các xe dù thường đậu ở bùng binh Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Văn Cừ, chờ cò xe điều tiết thời gian, số lượng khách, chia tài và mỗi lần như vậy nhà xe phải nộp cho cò 80.000 đồng.
Video đang HOT
Tại TP Đà Nẵng, cuộc chiến nhà xe cũng không kém phần khốc liệt. Có mặt ở Ngã ba Huế trên Quốc lộ 1A vào sáng 14-3, chúng tôi chứng kiến cảnh phụ xe của 2 chiếc xe khách 16 chỗ ngồi tràn ra đường tranh giành, chèo kéo hành khách gây cản trở lưu thông. Nhiều tài xế cho biết mỗi ngày, nơi đây có 4 chiếc xe 16 chỗ làm “bá chủ” trên tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sẵn sàng cho người đón đường đánh các tài xế và phụ xe của các xe khác chạy cùng tuyến nếu dừng lại rước khách. Cách đây không lâu, vì giành khách đi tuyến Đà Nẵng – Đông Hà (Quảng Trị) mà 2 xe dù đã xảy ra xô xát khiến một người bị thương nặng.
Cứ buông lỏng là lại hoành hành
Bức xúc vì bị cạnh tranh không lành mạnh, một số hãng xe trên địa bàn Đà Nẵng gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp việc nhiều xe dù núp bóng những công ty du lịch hoạt động rầm rộ, công khai trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành (TP Đà Nẵng) – Quốc lộ 1A – Vinh Hưng (Thừa Thiên – Huế). Theo Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng, việc các công ty du lịch tự phát hành và định mức giá vé, treo các biển quảng cáo lộ trình tuyến cố định là sai phạm. Tuy nhiên, do mức phạt hiện còn quá nhẹ nên sau khi bị xử phạt, các xe này lại tiếp tục tái phạm.
Ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng, cho biết hiện nay có một số doanh nghiệp vận tải không có tuyến cố định tại Đà Nẵng nhưng vẫn bán vé phục vụ hành khách. Để bảo đảm quyền lợi cho hành khách và công bằng với những xe đăng ký hoạt động tại bến, Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng đã đề nghị cơ quan chức năng TP Đà Nẵng có hình thức xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe chạy không đúng tuyến nhưng đến nay các hãng xe dù vẫn ung dung hoạt động.
Ông Trần Thường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Bến xe Đắk Lắk, nói: “Chỉ tính riêng tại Bến xe phía Bắc TP Buôn Ma Thuột đã có 31 xe dù. Lợi dụng trước cổng bến xe có một cây xăng nên các xe dù thường vào đó để chèo kéo khách. Không ít các cò, lơ xe dù là những con nghiện, sẵn sàng hạ đối thủ để giành khách cho mình. Không ít lần chúng tôi phải phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các mâu thuẫn giữa xe dù và xe trong bến do tranh giành khách”.
Thực tế lâu nay hầu như ai cũng rõ một điều: Sau những đợt truy quét, xe dù tạm rút vào hoạt động chui lén một thời gian rồi lại bung ra rầm rộ. Khi các cơ quan có trách nhiệm như thanh tra GTVT, CSGT còn nương tay thì cuộc chiến xe khách vẫn còn tiếp diễn.
Đánh nhau suốt tuyến
Người của xe khách đánh tài xế xe cứu thương
Ngày 3-2, ô tô khách BKS 34B-00030 do Trần Tiến Giáp (là chủ xe, kiêm lái xe) xuất bến từ Hải Dương vào Gia Lai. Khi đến đoạn đường tránh TP Vinh (Nghệ An) thì bị ô tô khách BKS 81B-00172 của Công ty TNHH MTV Thuận Tiến do Nguyễn Ngô Hiệp (trú tại TP Pleiku, Gia Lai) chạy lấn đường khiến xe 34B-00030 bị va quẹt vào cọc tiêu bên đường, trầy tróc sơn bên hông trái một đoạn dài, song Hiệp không dừng lại để giải quyết mà chạy luôn. Đến cây xăng Gia Lách (huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh), xe 81B-00172 dừng lại đổ xăng, nhà xe 34B-00030 đã đánh Nguyễn Ngô Hiệp bị thương tích nhẹ. Đến sáng 4-2, về đến tỉnh Gia Lai, Hiệp cùng một số người trong công ty chặn xe 34B-00030 lại, đập vỡ kính xe, chọc thủng một lốp xe trước.
Ngày 6-2, do giành khách, anh Phạm Hồng Dũng (trú tại huyện Đức Cơ, Gia Lai) lái xe 43K-5754 tranh cãi với lái xe khách 53L-2256 (chạy cùng tuyến Pleiku – Đức Cơ). Lái xe 53L-2256 cùng 2 người khác đã dùng mã tấu, dao quắm rượt đánh anh Dũng và vợ anh Dũng. Sau đó, khi người nhà anh Dũng đến đưa xe về tới trước cửa nhà liền bị tấn công làm chú và em dâu của anh Dũng bị thương.
- Khoảng 10 giờ ngày 14-3, khi đến ngã ba Quán Gò (xã Bình An, huyện Thăng Bình – Quảng Nam), xe cứu thương của Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình do tài xế Võ Quốc Anh (SN 1961) điều khiển gặp xe khách chất lượng cao Hồng Cường chạy cùng chiều. Trên đường, hai xe xảy ra va quẹt nhẹ, Nguyễn Văn Viện (SN 1984) và Dương Quốc Tiến (SN 1972, cả hai cùng trú tỉnh Thanh Hóa) là lái xe và phụ xe của xe khách Hồng Cường xuống đường chặn xe cứu thương, dùng hung khí đánh tài xế Quốc Anh. Đánh xong, xe khách Hồng Cường chạy đến một quán cơm ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình để cho hành khách ăn trưa. Tại đây, Viện và Tiến lại chặn xe cứu thương, đánh tiếp làm tài xế Quốc Anh gục tại chỗ phải nhập viện. Theo chẩn đoán ban đầu của cơ quan y tế, tài xế Quốc Anh bị đa chấn thương và chấn động não mạnh.
Theo Người Lao Động
Bát nháo xe đò tết: Trộm, cướp tung hoành
Nhiều băng nhóm ở TP.HCM đóng giả "cò" xe, xe ôm, nhà xe gạ gẫm hành khách, đưa đến địa điểm thuận lợi gây án.
Băng nhóm của Hoàng "khùng" sa lưới - ảnh: C.T.V
Điểm mặt một số băng nhóm
Bến xe Miền Đông (BXMĐ) là nơi tập trung đông hành khách (HK) nhất vào dịp tết, nên nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho bọn tội phạm "săn mồi". Bọn chúng đóng giả xe ôm, "cò" xe, nhà xe gạ gẫm nạn nhân chở ra QL13, QL1A thuộc Q.Thủ Đức (TP.HCM) và Bình Dương để "xẻ thịt". Ngoài ra, lợi dụng lúc đưa HK lên xe, bọn chúng móc túi lấy tiền (giới trộm cắp gọi đây là băng "bợ đít" - PV) hoặc đưa HK ra hàng ghế phía sau cưỡng đoạt tài sản trắng trợn ngay trên xe.
Cảnh giác với các trò lừa * Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc BXMĐ, khuyến cáo: "Cần cảnh giác với kẻ gian thường giả HK, ăn mặc lịch sự, sang trọng đi cùng chuyến xe, chủ động bắt chuyện làm quen; sau đó lợi dụng sơ hở, bọn chúng sẽ rạch túi xách lấy tiền hoặc tráo túi xách để đoạt tài sản...". * Một nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Đà Nẵng tiết lộ: "Có một nhóm người bán thuốc đông y, đồ vật lưu niệm... đưa cho HK xem thử và nói nếu ai muốn thì mua, không mua trả lại. Nhưng ai lỡ cầm hàng của chúng là bị ép phải mua với giá rất cao. Nếu phản ứng sẽ bị ăn đòn ngay".
Sau nhiều ngày xâm nhập tại khu vực BXMĐ và dọc QL13, QL1A, chúng tôi đã ghi nhận được một số băng nhóm móc túi, cướp, cưỡng đoạt tài sản. Tại khu vực BXMĐ, đầu tiên phải kể đến đối tượng tên Phú. Theo người dân buôn bán ở đây, Phú và em họ của Phú chuyên "cò" xe, dắt khách từ BXMĐ qua cầu Bình Triệu (phía Thủ Đức) đưa lên xe, ép nhà xe đưa tiền "cò" và trấn lột tài sản HK. Nhóm này thường xuyên tụ tập trước cổng số 1 (phía Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh). Trước kia, Phú và người anh ruột của mình tên Quốc đã từng bị Công an Q.Thủ Đức bắt về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ngoài băng nhóm của Phú, băng nhóm của Hoàng "khùng" dữ dằn hơn. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, đồng bọn của Hoàng "khùng" đóng giả "cò" xe, nhà xe vào BXMĐ bắt khách, rồi chở ra QL1A, QL13 thuộc địa phận giáp ranh Bình Dương - TP.HCM đưa lên xe khách, dùng hung khí, kim dính máu... đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Công an TP.HCM lên kế hoạch triệt phá trước tết Nguyên đán 2012.
Theo tài liệu trinh sát, một số băng nhóm trước đây tung hoành đã bị Công an TP.HCM triệt phá hiện có biểu hiện hoạt động trở lại là: Hải "mèo", Hiệp "lambada", Tâm "bi", Dũng "bò", Thu "nhí"... Trước đây, các băng nhóm này từng gây ra hàng loạt vụ cưỡng đoạt tài sản, trộm cướp với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Một nguồn tin riêng của Thanh Niên cho hay, địa điểm mà các băng nhóm này thường xuyên tụ tập là một quán cà phê cóc trên QL1A (đoạn vừa qua khỏi cầu vượt Linh Xuân) trước một công ty may mặc. Hung khí của bọn chúng được cất giấu sau lùm cây xanh của quán cà phê nói trên, khi cần chúng sẽ lấy ra "xử" nhà xe hoặc HK nào cứng đầu chống cự.
Những vụ trộm, cướp táo tợn
Cách đây khoảng 1 tuần, chị H. (quê Sóc Trăng) đang đứng chờ xe trước cổng Bến xe Miền Tây (TP.HCM). Lúc đó có hai phụ nữ cũng mang hành lý đứng đón xe như chị H., trò chuyện với nhau chị H. mới biết 2 người này về chung chuyến xe. Đứng đợi được 15 phút, xe khách đến đón chị H. và 2 người này lên xe. Khi vừa bước lên cửa xe, hai phụ nữ áp sát chị H. và cố ý bóp mạnh vào tay chị H. Sau khi ổn định chỗ ngồi, chị H. mới phát hiện, túi xách bị rạch một đường dài và 12 triệu đồng "không cánh mà bay". Thật ra, nhà xe, HK đều thấy hai phụ nữ rạch túi xách, lấy tiền của chị H. nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ đồng bọn của chúng trả thù.
Tình hình trộm, cướp... ở khu vực BXMĐ diễn ra phức tạp hơn. Nổi cộm nhất là trường hợp của anh Phúc (quê Kiên Giang). Tại đây, anh Phúc đang tìm cách mua vé về Bình Phước ăn tết thì Nguyễn Ngọc Châu (SN 1986, ngụ Q.Bình Thạnh) đến gạ gẫm chở ra QL13 có xe đi liền, giá rẻ. Anh Phúc đồng ý và Châu chở anh đến quán cà phê Phương Thảo (trên QL13, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), nói ngồi chờ xe đến rước và yêu cầu anh Phúc trả tiền xe ôm. Lúc anh Phúc vừa lấy tiền trả thì Châu đe dọa anh Phúc "xin đểu" thêm tiền chích xì ke. Anh Phúc phản ứng liền bị Châu cầm ly cà phê đập vào đầu và giật chiếc ví trên tay anh tẩu thoát. Qua truy xét, Công an Q.Thủ Đức đã bắt được Châu cùng tang vật. Trinh sát của Công an Q.Thủ Đức cũng đang lập hồ sơ xử lý một số đối tượng cầm đầu băng nhóm, có dấu hiệu tổ chức móc túi, cưỡng đoạt tài sản của HK, nhà xe như: T.D.B (SN 1982, quê Nghệ An), P.V.T (SN 1975, quê Nghệ An), T.V.H (SN 1985, quê Hà Tĩnh)...
Một quán cà phê cóc trên QL1A, địa điểm mà các băng nhóm này thường xuyên tụ tập - ảnh: C.T.V
Theo Thanh Niên
Bát nháo xe đò tết - Kỳ 2: "Cò" lộng hành Nhiều tay côn đồ đội lốt "cò" xe dùng nhiều chiêu buộc nhà xe đưa tiền. Để bù vào những khoản phí cho "cò", các nhà xe nâng giá vé và hành khách là người lãnh đủ. Ép nhà xe, đe hành khách Thường ngày, đám "cò" xe khách đóng đô tại các quán cà phê trên tuyến QL13, QL1A để hoạt động....