Cuộc chiến ngầm sau thảm bại của IS ở Syria
Tại những thành phố vừa chiếm được từ tay IS, sự ganh đua giữa người Kurd và người Arab có thể dẫn đến những kịch bản tồi tệ mà Mỹ không hề muốn.
Quân nổi dậy chống IS ở Syria được Mỹ huấn luyện và yểm trợ. Ảnh: Reuters
Ngày 1/6, các lực lượng vũ trang chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) dường như sắp thu được một thắng lợi quan trọng nữa, khi họ tiến vào thành phố Manbij, nơi từng là điểm tập kết lớn vũ khí và chiến binh nước ngoài của IS.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng chiến thắng quan trọng của các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn trước phiến quân IS tại thành phố Manbij của Syria có thể mở ra một trận chiến mới khốc liệt không kém để giành quyền kiểm soát vùng đất này giữa người Arab và người Kurd, theoDaily Beast.
Theo Nancy A. Youssef, biên tập viên an ninh – quốc phòng cấp cao của trang tin này, đây cũng chính là vấn đề đau đầu mà Mỹ gặp phải trong quá trình huấn luyện các chiến binh địa phương chiến đấu giành lại lãnh thổ từ tay IS. Sau chiến thắng tại một vị trí nào đó, họ sẽ phải đối mặt với câu hỏi: Ai sẽ là người kiểm soát thành phố – dân quân người Kurd đang tiên phong trong cuộc chiến chống IS, hay các chiến binh Arab được Mỹ huấn luyện và trang bị.
Hai quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận rằng họ không thể trả lời được câu hỏi đó. Họ tin rằng lực lượng nổi dậy người Arab sẽ kiểm soát thành phố. Nhưng cũng chính họ nhận định rằng việc yêu cầu 5.000 chiến binh Arab mới được huấn luyện kiểm soát 3-4 vùng lãnh thổ lớn từng do IS chiếm đóng, đồng thời vừa tiến quân bao vây sào huyệt Raqqa của phiến quân sẽ là điều vô cùng khó khăn.
Nhưng nếu trao quyền kiểm soát thành phố Manbij vào tay người Kurd, họ lo sợ một cuộc thanh trừng sắc tộc sẽ diễn ra, đẩy người Hồi giáo dòng Sunni vào cảnh khốn cùng từng là nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy của IS. Ngoài ra, nếu kiểm soát được thành phố này, người Kurd sẽ nắm trong tay một vùng lãnh thổ liên tục ở phía bắc Syria, điều mà đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của Mỹ không hề mong muốn.
Câu hỏi “điều gì diễn ra sau khi IS sụp đổ” đang ngày càng trở nên khó nghĩ với cuộc chiến chống phiến quân IS do Mỹ đứng đầu. Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng cách thức vận hành thành phố Manbij sẽ là hình mẫu cho thời kỳ hậu IS ở sào huyệt Raqqa của phiến quân, nơi lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn đang áp sát.
“IS đang thất thủ. Mỹ cần đảm bảo rằng thứ trỗi dậy ngay sau đó không phải là thảm họa có thể giúp tổ chức tàn bạo này hay thứ gì đó tương tự tái xuất”, Daveed Gartenstein-Ross, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ ở Washington, nói.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần né tránh câu hỏi này, khi tuyên bố rằng họ chỉ đang tập trung vào mục tiêu chấm dứt chế độ tàn bạo của IS. Thế nhưng khi phiến quân đang hứng chịu những thất bại liên tiếp, họ không còn phớt lờ thực tế được nữa. Những chiến dịch không kích dữ dội đã cắt đứt các tuyến hậu cần của IS, buộc phiến quân phải rút lui về các cứ điểm, nơi chúng rất khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực và chiến binh.
Video đang HOT
Thành phố Manbij từng là nơi tập kết vũ khí và chiến binh nước ngoài của IS. Đồ họa: BBC
Gần đây, IS đã mất quyền kiểm soát thành phố Ash Shaddadi, một mắt xích hậu cần trọng yếu ở phía đông Raqqa, cùng vài thị trấn ở phía bắc thành phố. Tại Iraq, thành phố Fallujah, cứ điểm cuối cùng mà IS kiểm soát ở gần thủ đô Baghdad, cũng đang có nguy cơ bị quân đội Iraq chiếm lại.
Bài toán khó
Hôm qua, hơn 2.000 chiến binh đã tiến vào thành phố Manbij, sau khi chiếm được 20 ngôi làng ở ngoại ô, và chỉ còn cách các vị trí cố thủ của IS ở trung tâm thành phố khoảng 15 km. Đây là lực lượng hỗn hợp gồm các chiến binh quân nổi dậy người Arab lẫn dân quân người Kurd ở Syria.
Trước khi tham gia chiến dịch này, người Kurd đã tuyên bố rằng họ muốn chiếm những vị trí như Manbij trước khi đưa quân bao vây sào huyệt Raqqa của IS. Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn cũng tiến vào thành phố với tham vọng lớn không kém.
Kế hoạch quân sự do Mỹ vạch ra là để SDF đóng vai trò tiên phong, dân quân người Kurd là lực lượng yểm trợ, để tấn công chiếm Manbij. Khi được hỏi ai sẽ kiểm soát Manbij nếu IS tháo chạy, một quan chức quốc phòng Mỹ ngần ngừ: “Hiện nay, SDF đang đóng hai bên sườn”.
Tuy nhiên kế hoạch này được thực hiện trên chiến trường như thế nào lại là chuyện khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu SDF cần đến sự hỗ trợ của người Kurd? Nếu ra tay hỗ trợ, người Kurd liệu có đưa ra yêu sách gì về quyền kiểm soát thành phố hay không? Các quan chức quân sự Mỹ vẫn chưa thể trả lời được những câu hỏi này.
Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh đó, việc Mỹ vẫn huy động dân quân người Kurd tấn công Manbij chứng tỏ họ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ tạo ra những căng thẳng sắc tộc mới để đạt được mục đích tiêu diệt phiến quân IS tại Syria.
“Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy người Kurd đang muốn tạo dựng một lãnh thổ liền mạch ở phía bắc Syria, và Mỹ chắc chắn có nhúng tay vào việc đó”, Aaron Stein, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Rafik Hariri, đánh giá. Hiện người Kurd đang kiểm soát hai vùng lãnh thổ riêng biệt ở phía đông bắc và tây bắc Syria, những vị trí như Manbij là cần thiết để kết nối hai vùng đó với nhau.
Những diễn biến gần đây trên chiến trường cho thấy tình trạng đấu đá giữa người Kurd và người Arab tại các vùng đất vừa chiếm được từ tay IS ngày càng trở nên nghiêm trọng, bất chấp mối quan ngại của liên quân do Mỹ đứng đầu.
Chẳng hạn như tại thị trấn Marea ở Aleppo, 400 tay súng thuộc Lữ đoàn Mutasim do Mỹ hậu thuẫn đang nằm giữa gọng kìm giữa phiến quân IS và dân quân người Kurd. IS đã điều 1.000 tay súng tấn công vào các vị trí của quân nổi dậy trong thị trấn này, khiến họ phải chật vật chống đỡ trong tình trạng thiếu thốn vũ khí, đạn dược.
Thế nhưng suốt nhiều tháng qua, lữ đoàn này không còn nhận được những chuyến hàng tiếp tế như thường lệ của Mỹ, bao gồm đạn súng trường, đạn cối, quần áo và các phương tiện chiến đấu cần thiết nữa.
Dân quân người Kurd tham gia chiến dịch tấn công IS ở Manbij. Ảnh: Reuters
“Lý do ngừng thả dù tiếp tế mà người Mỹ đưa ra là họ lo sợ những chiếc dù này sẽ rơi vào tay dân quân người Kurd. Họ không muốn điều đó xảy ra”, Mustafa Sejry, trưởng phòng chính trị của Lữ đoàn Mutasim, cho biết.
Trung tá Kyle Raines, người phát ngôn bộ chỉ huy CENTCOM của Mỹ ở Trung Đông, nói rằng nguồn tiếp tế của Mỹ cho các lực lượng chống IS chưa bao giờ bị gián đoạn. “Tôi không muốn phản bác những điều Sejry nói, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục tiếp tế cho họ”, Raines nói.
Nhưng khi được hỏi Mỹ làm như thế nào để có thể hòa giải hai lực lượng chống IS vốn luôn ganh đua với nhau, trong khi một nhóm đang bị phiến quân tấn công dữ dội, ông Raines đã từ chối trả lời.
Trí Dũng
Theo VNE
Bóng ma trên những vùng đất giành lại từ tay IS
Dù đánh đuổi được Nhà nước Hồi giáo nhưng người dân Iraq vẫn phải đối mặt với một tương lai đầy bất ổn.
Lực lượng an ninh Iraq cùng dân quân người Shiite và các tay súng bộ tộc Sunni chiếm giữ một cứ điểm bên ngoài Fallujah. Ảnh: AP
Khi quân đội Iraq, với sự yểm trợ của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, phát động cuộc tấn công nhằm giải phóng thành phố Fallujah khỏi tay Nhà nước Hồi giáo (IS), nhiều tiếng nói ủng hộ và dự đoán về thành công của chiến dịch trên liên tục xuất hiện.
Những cuộc không kích được cho là đã giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Fallujah đồng thời giải phóng thị trấn Karma, phía bắc thành phố, khỏi sự kiểm soát của các tay súng cực đoan. Tuy nhiên, tại đây, người ta cũng không còn thấy bóng dáng của dân thường sinh sống, theo CNN.
Chuyên gia Lina Khatib, lãnh đạo Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại tổ chức Chatham House, cho rằng giành "chiến thắng" trước IS không đơn giản chỉ là tiêu diệt tổ chức này về mặt quân sự. Vì thế, đối với bà, thắng lợi trên dường như chỉ là nhất thời bởi các nhân tố dẫn đến sự hình thành của IS vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn.
Việc cộng đồng người Sunni cảm thấy bất mãn với chính phủ do người Shiite kiểm soát là một trong những nhân tố quan trọng khiến IS có thể bám rễ và sinh sôi nhanh chóng tại Iraq, bà Khatib đánh giá. Họ luôn cho rằng chính phủ do người Shiite nắm giữ thân Iran và duy trì chính sách phân biệt đối với họ bất kể là dưới sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki hay Thủ tướng đương nhiệm Haider al-Abadi.
Việc chính quyền sử dụng dân quân người Shiite trong cuộc chiến chống IS càng khiến người Sunni cảm thấy họ bị tách rời. Mặc dù lực lượng Sunni có tham gia chiến dịch Fallujah nhưng vai trò của họ đã bị lu mờ trước thanh thế của dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn.
Với những người Sunni ủng hộ IS ở Fallujah, sự tham gia của dân quân người Shiite sẽ đẩy họ xích lại gần hơn với IS. Trong khi đó, với những người không theo IS, được giải phóng nhờ dân quân Shiite chỉ như một sự thay đổi người cai trị.
Cái giá phải trả
Theo Khatib, phương pháp được sử dụng để giải phóng Karmar có lẽ mang nhiều nét tương đồng với chiến dịch giải phóng thị trấn Kobani, bắc Syria: rải bom hạng nặng để mở đường cho các lực lượng trên bộ tấn công.
Nhưng những thiệt hại về tài sản của hai cuộc tấn công trên đều rất nặng nề. Cả Karmar và Kobani đều chịu nhiều tổn thất về cơ sở hạ tầng. Nếu áp dụng biện pháp tương tự với Fallujah, thành phố này chắc chắn cũng sẽ bị tàn phá nghiêm trọng và phải mất nhiều năm để khôi phục về nguyên trạng. Nó sẽ khiến cư dân Fallujah mất nhà cửa, tác động mạnh lên thực trạng nhân khẩu học.
Hàng nghìn người Sunni đã bỏ trốn hoặc đang chuẩn bị tháo chạy khỏi Fallujah khi chiến dịch càn quét IS được triển khai. Câu hỏi đặt ra là những người này sẽ đi đâu? Họ có thể đến các khu vực tập trung đông người Shitte sinh sống. Nhưng nếu vậy, nguy cơ bùng phát những cuộc xung đột sắc tộc sẽ là rất cao, bà Khatib nhấn mạnh.
IS cuối cùng cũng đứng bên bờ vực suy yếu về mặt quân sự nhưng hàng nghìn người Sunni ở Iraq cũng sẽ lâm vào cảnh mất nhà cửa nhờ "sự can thiệp" của một lực lượng dân quân trung thành với Iran và một chính phủ mà họ coi là không khác biệt so với trước đây. Hồi năm 2013, nhiều người Sunni ở Iraq cam kết đi theo IS chính bởi họ muốn chống lại một chính phủ mà theo họ là thân Iran và có thể trở thành mối đe dọa đối với cuộc sống của họ, bà Khatib cho hay.
Khi mà các nhân tố gây bất ổn chính trị xã hội vẫn tồn tại, Iraq vẫn sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố gây dựng lực lượng và phát triển, bà Khatib nhận định.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã không thể giành tín nhiệm của người Sunni bởi họ coi ông chỉ như một phiên bản khác của cựu thủ tướng Maliki. Việc kêu gọi dân quân dòng Sunni tham gia cuộc chiến chống IS là một cách để quân đội Iraq chứng tỏ rằng chiến dịch Fallujah nhận được sự ủng hộ của mọi người dân ở các tầng lớp khác nhau. Nhưng rõ ràng là người Sunni và người Shiite ở Iraq vẫn không hề sát cánh chiến đấu.
Theo Khatib, khi mà chính quyền Iraq chưa có một chiến lược cụ thể để giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội cũng như khôi phục uy tín của quân đội thì dù có đánh bại được IS đi chăng nữa thì sau đấy, những tổ chức khác giống như thế vẫn sẽ tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ.
Trần Việt
Theo VNE
IS dùng dân thường làm lá chắn, chống cự mạnh ở Fallujah Nhà nước Hồi giáo đang giữ vài trăm gia đình ở Fallujah làm lá chắn ngăn các lực lượng Iraq tấn công vào trung tâm thành phố. Các lực lượng an ninh Iraq gần Fallujah, Iraq, ngày 31/5. Ảnh: Reuters. Khoảng 3.700 người đã tháo chạy khỏi Fallujah, phía tây Baghdad, trong tuần qua sau khi quân đội Iraq mở chiến dịch tấn...