Cuộc chiến ma túy vùng giáp ranh: Bài 2: “Lỗ hổng” lớn nhất
Nguyên nhân khiến tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn giáp ranh trở nên phức tạp lâu nay, là công tác quản lý, phối hợp, liên kết đấu tranh phòng chống loại tội phạm này của chính quyền, lực lượng chức năng một số địa phương thiếu đồng bộ. “Lỗ hổng” này vô tình tạo ra một vùng “mở” để các đối tượng ma túy lợi dụng hoạt động, gây mất ANTT địa bàn.
Việc thâm nhập tụ điểm ma túy, xác định đối tượng cầm đầu rất khó khăn (Trong ảnh: Vụ mua bán ma túy bị lực lượng công an bí mật ghi hình)
Gian nan “đánh án”
Thực tế cho thấy, sẽ không có “công thức” nào có thể áp dụng chung, giúp hóa giải thành công sức “ nóng” các tụ điểm ma túy, nhất là những điểm “nóng” ma túy giáp ranh. Đặc thù địa bàn đòi hỏi chính quyền, lực lượng chức năng ở những địa phương giáp ranh phải cùng nhau suy nghĩ, tìm ra cách làm thích hợp.
Như ở khu vực bệnh viện 09, giáp ranh giữa huyện Thanh Trì và quận Hà Đông – một số đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối, lợi dụng sức khỏe yếu, không có khả năng chấp hành án phạt tù ngang nhiên bán lẻ ma túy; ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì – giáp ranh với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, rất khó đấu tranh với số đối tượng bán lẻ ma túy trên sông… nhưng “khó” nhất có lẽ là cách hóa giải những “boong ke” ma túy lâu năm, côn đồ… ở khu vực bãi rác Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa – giáp ranh với ngõ 87 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình.
Các “lô cốt” buôn bán ma túy trong các ngõ, ngách ở khu vực này được thiết lập bởi “hàng rào” huyết thống, quan hệ xóm giềng. Đây là thách thức đối với lực lượng công an khi muốn thâm nhập, phá vỡ “thành trì” bền vững này – chỉ huy Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy – CATP Hà Nội cho biết. Ở các khu dân cư thông thường, khi lực lượng công an phát hiện đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, chỉ cần đến gặp, trao đổi thông tin với cán bộ tổ dân phố để nắm tình hình, theo dõi hoạt động của đối tượng.
Video đang HOT
Nhưng ở bãi rác Trung Liệt, do là khu “nhảy dù”, người dân không được đăng ký hộ khẩu vì thế không thành lập được tổ dân phố. Việc nắm người, nắm hộ, nắm di biến động của đối tượng đều do lực lượng công an làm hết. Để theo dõi số đối tượng “nổi”, lực lượng công an buộc phải đối mặt với nguy hiểm, trà trộn sâu vào những “thành trì” ma túy để có thể nhận diện số đối tượng cầm đầu.
Vụ bắt đối tượng Hoàng Thị Liên – tức “Út Sài Gòn” (SN 1972), trú tại 50B6 bãi rác Trung Liệt vừa qua là một ví dụ. Điểm bán lẻ trái phép chất ma túy do “Út Sài Gòn” cầm đầu chỉ hoạt động ngoài giờ hành chính: từ 5h30-7h; 11h-12h30; 17h-18h30, thời điểm ít người qua lại. Vào những khung giờ này, luôn có hàng chục “con nghiện” vào đây mua bán “hàng”. Việc trinh sát hóa trang, trà trộn vào đây theo dõi là điều không thể. Cách thức giấu của các đối tượng rất tinh vi. Chúng thường ngậm ma túy trong miệng khi đi “giao dịch”.
Khi gặp khách, số “chân rết” này sẽ làm ám hiệu rồi nhổ vào một địa điểm nào đó để khách sẽ tự đến lấy, hoặc chúng phun trực tiếp vào người khách. Những động tác này diễn ra rất nhanh, người xung quanh rất khó phát hiện. “Út Sài Gòn” không trực tiếp bán “hàng” nên việc bắt giữ đối tượng này vô cùng khó khăn… Sau nhiều ngày tháng dày công theo dõi, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của Út Sài Gòn. Bị bắt bất ngờ, đối tượng không kịp tẩu tán 188 gói nhỏ heroin giấu trong người.
Để liên kết không còn là hình thức
Quá trình khảo sát thực tế, thu thập thông tin, một câu hỏi được chúng tôi đặt chung cho nhiều cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống ma túy là: Quy chế phối hợp phòng chống tội phạm vùng giáp ranh ở các địa phương đã thật sự phát huy hiệu quả? Câu hỏi có lẽ chạm đúng “lỗ hổng” hiện nay, vì thế ít người trả lời trôi chảy. Nhiều người thừa nhận: Hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng, tổ chức đoàn thể ở các địa phương giáp ranh không cao… Như một cán bộ CAQ Ba Đình khẳng định: Việc lực lượng phòng, chống ma túy ở các địa bàn giáp ranh ngồi với nhau bàn bạc, trao đổi thông tin, lập kế hoạch đánh án chung… rất hiếm.
Và nguyên nhân quan trọng hơn khiến một số địa bàn giáp ranh vẫn được coi là vùng “mở” để các đối tượng ma túy lợi dụng hoạt động, gây mất ANTT địa bàn, là công tác quản lý của chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Ở bất kỳ khu dân cư nào, việc có những đối tượng lạ tụ tập, hoạt động bất minh chắc chắn sẽ nhanh chóng đến “tai” chính quyền cơ sở. Nhưng chính sự thiếu quyết liệt ngay từ đầu của một số phường, xã, thị trấn… đã khiến tệ nạn phát sinh và trở nên phức tạp. Lúc này, trách nhiệm lại được “khoán trắng” cho lực lượng công an.
Theo ANTD
Cuộc chiến ma túy vùng giáp ranh: Bài 1: Thâm nhập điểm "nóng"
Những tụ điểm ma túy trong "top nóng" nhất Hà Nội hiện nay có một điểm chung: đều "cắm rễ" ở những địa bàn giáp ranh. Thực tế cho thấy, có những nguyên nhân, yếu tố "thuận lợi" khiến vùng giáp ranh lâu nay trở thành "miền đất tội phạm".
Khám phá "lô cốt" ma túy
Đến điểm "nóng" ma túy bãi rác Trung Liệt, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, khu vực giáp ranh với ngõ 87 Láng Hạ, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình vào một ngày nắng ráo, nhưng càng "lọt" sâu vào những con ngõ ngoằn ngoèo, tối tăm nơi đây ai cũng có cảm giác gai người. Điều "ấn tượng" nhất khi đến "lô cốt" ma túy này, chính là sự xuất hiện của rất nhiều quán nước nhỏ. "Lạ" ở chỗ, tôi lần mò vào những ngóc ngách ở đây lúc lâu mà chẳng gặp bóng người dân nào qua lại, nhưng cứ khi đến gần một quán nước nào đó là "đụng" ngay đám đông ngồi la liệt. Họ "đánh" mắt nhìn tôi từ xa, người lạ "lạc" vào ngõ cụt. Một cán bộ công an đi cùng nói nhỏ: nhiều kẻ trong số đó là "chân rết" bán ma túy thuê. Chúng đã cảnh giác từ khi có người lạ bước chân vào ngõ...
Cầu Trung Hà - nối xã Thái Hà, huyện Ba Vì với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được xác định là một "điểm đen" về ma túy
Trung tá Đỗ Văn Cường - Trưởng CAP Trung Liệt, quận Đống Đa kể: Những năm 1980, do thiếu địa điểm đổ rác thải, UBND TP Hà Nội đã cho phép xe chở rác, phế thải đổ xuống một hồ nước tại đây. Rác nhiều như "núi", kéo theo một lượng người từ khắp nơi về đây hành nghề nhặt rác kiếm sống. Họ bắt đầu dựng lều, dựng nhà tạm để ở. Không thấy ai nói gì, họ tiếp tục xây nhà kiên cố và hình thành một khu dân cư "nhảy dù" như ngày nay.
Cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, nơi đây được quy hoạch thành công viên văn hóa Đống Đa, trên nền khu đất bãi rác rộng khoảng 0,8 hecta. Tuy nhiên, do chưa giải tỏa được mặt bằng, dự án đến nay vẫn "nằm" trên giấy - Trung tá Cường cho biết. Số đối tượng "nhảy dù" xuống khu đất này ngay từ đầu đã có biểu hiện phức tạp, nhiều loại tệ nạn xã hội nhanh chóng phát sinh, trong đó có tệ nạn và tội phạm ma túy. Năm 1996, khu vực bãi rác Trung Liệt, được "bình chọn" là một trong những tụ điểm ma túy "nóng" nhất địa bàn Thủ đô. Những năm qua, các lực lượng CATP Hà Nội đã triển khai nhiều "trận đánh" quy mô, bắt giữ hàng trăm đối tượng ma túy "nổi", song sức "nóng" của địa bàn không hề giảm.
Một số điểm, tụ điểm ma túy giáp ranh khác như: khu vực bệnh viện 09 Thanh Trì, giáp ranh với quận Hà Đông; khu vực xã Thái Hòa, huyện Ba Vì giáp ranh với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ... những tháng đầu năm 2011 "nóng" lên bất thường. Đây đều là những tụ điểm ma túy tồn tại lâu năm, thu hút nhiều "con nghiện" qua lại mua bán gây mất ANTT địa bàn.
Và tụ điểm "có 1 không 2"
Ít ai ngờ rằng, một huyện vùng cao như Ba Vì có thời điểm phát sinh tới 5 tụ điểm phức tạp về ma túy. Trung tá Nguyễn Văn Chế - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế - ma túy CAH Ba Vì cho biết: Với địa bàn rộng lớn gồm 31 xã, thị trấn, có các tuyến giao thông thủy, bộ lại tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, nên công tác phòng chống tội phạm ma túy ở Ba Vì gặp nhiều khó khăn. Đến nay, địa bàn còn một điểm "nóng" phức tạp về ma túy trên tuyến sông Đà, đoạn qua thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, giáp ranh với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Theo chân cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội, PV ANTĐ có dịp đến xã Thái Hòa để tìm hiểu tụ điểm ma túy "có 1 không 2" này. Một người dân xã Thái Hòa cho biết: diện tích đất canh tác trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp, nên thanh niên, trai tráng xã Thái Hà nhiều năm nay đã quen rong ruổi trên tuyến sông Đà kiếm sống.
Không ít người còn rời bỏ quê hương, xa gia đình lên các tỉnh vùng núi phía Bắc đào đãi vàng. "Vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy thân tàn ma dại hồi hương. Chính những người dân đi đào vàng đã "mang" tệ nạn ma túy về vùng quê bình yên này - người dân này kể. Tụ điểm ma túy và những "đại lý" bán lẻ "cái chết trắng" trên sông, ven sông đến với vùng quê nghèo này tình cờ như thế. Có thời điểm, nơi đây thu hút hàng chục con nghiện qua lại. Nhiều "con nghiện" lặn lội chèo thuyền từ bên kia sông Đà - huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ sang xã Thái Hòa mua "hàng".
Nhớ lại vụ triệt xóa tụ điểm ma túy miền sông nước, do đối tượng Lê Văn Trung (SN 1974), trú tại xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cầm đầu - Trung tá Chế kể, Trung là đối tượng đã có 1 tiền án về tội ma túy, bản thân nhiễm HIV giai đoạn cuối, mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống song đã tái phạm. Đề phòng bị công an phát hiện, hắn thường đi đò, thuyền dưới sông Đà vào ban đêm để bán ma túy cho các "con nghiện" từ nhiều nơi đến "giao dịch". Để vây bắt Trung, lực lượng công an phải phục kích hắn lên bờ. Gần 1 tháng sau, một ngày cuối năm 2010, trinh sát phát hiện Trung ra khỏi nhà, đi xuống đò bán ma túy đã áp sát bắt giữ. Bị phát hiện, Trung chống trả quyết liệt và cắn vào tay một cán bộ công an hòng nhảy xuống sông trốn thoát. Tuy nhiên, với ý chí dũng cảm, lực lượng công an đã tóm gọn đối tượng này, thu trong người hắn 9,12 gam heroin.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Xoá bỏ tụ điểm mại dâm phức tạp nhất Hà Nội Đêm buông xuống, đường Giải Phóng hun hút. Dòng người vẫn hối hả ngược xuôi. Phía bên kia đường những quán gội đầu thư giãn, nhà nghỉ hắt những ánh sáng mờ ảo. Ánh vàng nhợt nhạt của đèn cao áp xuyên qua màn đêm khiến bước đi của những cô gái bán hoa thêm xiêu vẹo. Hình ảnh này đã trở nên...